Ở nhiều nơi trong Bắc bán cầu bây giờ là những ngày xuân, cây cỏ hồi sinh, trăm hoa đua nở, vạn vật rời chỗ ngủ đông mà xuất đầu lộ diện, tinh anh trời đất tất thảy cùng hiển hiện. Ở xứ Việt Nam ta, tuy không rõ nét xuân sắc như các nơi có mùa đông lạnh giá, nhưng tiết xuân mát mẻ như cũng làm tươi mới cả núi sông.
Đối với dịp xuân, người Việt ta có phong tục cổ truyền khá thú vị khác với các nước khác, là tính tuổi theo ngày tết, qua tết là cộng thêm một tuổi, không để tâm là tới sinh nhật hay chưa. Cho nên cái ngày tết đánh dấu cái tuổi, đánh dấu cái sự trưởng thành thêm ra của mỗi người. Vậy mỗi ngày tết qua, chúng ta có cái gì để nghĩ suy về sự thêm tuổi của mình? Trong số thứ 3 này của Tự Do Tân Văn, chúng tôi muốn cùng đồng bào nghĩ một chút về vấn đề này.

Hầu hết chúng ta khi lớn lên, kèm với bao nỗi lo toan của cuộc sống thường nhật, thì đều mặc cho cái tuổi thêm nhiều hơn mà lại quên mất đi việc chăm sóc cho phần quan trọng bên trong: Tinh Anh. Hai chữ tinh anh ở đây không chỉ về thứ gì đó bóng bảy cao vời mà thiên hạ thường nói, mà nó đơn giản và gần gũi như được định nghĩa trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị dẫn ở trên.
Cái gì cần được giữ gìn cho trong sạch, vẹn vẽ và không đúng bợn nhơ? Đó chính là cái tinh thần ta, cái sự tinh khiết mong muốn tìm tòi học hỏi được gieo hạt trong mỗi người từ thuở ấu thơ, cái tinh thần luôn muốn vươn lên, phát triển để kiến tạo ta trở thành một con người chân thiện.
Quá nhiều bạn bè đồng trang đồng lứa với chúng tôi, mới chớm qua tuổi đôi mươi mà tất bật với bộn bề công chuyện lập thân, bận rộn với việc nội trợ chăm con, mà tự nhiên đứng lại giữa dòng phát triển của chính mình. Họ mất đi tất thẩy sự hiếu kì về những cái mới mẻ, bỏ mất đi sự hứng thú về những điều thú vị, rời xa những dưỡng chất giúp nuôi dưỡng tâm hồn. Hình như đây là mẫu số chung cho thế hệ chúng tôi chăng? Rồi tất cả chúng tôi cùng bị cuốn vào vòng xoáy đó không thoát ra được, mỗi năm thêm một tuổi, mà mỗi ngày cái tinh anh trong ta lại hao mòn đi cho tới hết. Bao nhiêu năm an phận, ù lì trước chuyện học tập, không còn dám tin mình có thiên bẩm tự do, không dám nghĩ khác, càng không dám nói khác hay làm khác với những gì định sẵn, lại còn tự dưỡng nuôi thêm những mầm thị phi vụn vặt, biến những con người vốn được sinh ra để thay đổi càn khôn trở thành những người để dòng đời xô trôi nổi, những viên ngọc giá trị liên thành trở nên lu mờ rồi vô năng như hòn gạch cũ. Đáng tiếc thay! Nhưng nếu chỉ có ngồi đó mà tiếc cho phần tinh anh của mình mai một thì ích gì?
Chúng tôi vẫn mong tất cả mọi người, đồng bào chúng ta đều phải tâm niệm cái sự trau dồi và phát triển cho tinh anh của mình hằng ngày. Có nhiều cách, và học tập là một phương án đơn giản nhất, chí ít là giữ cho cái tinh anh của mình còn đó, viên ngọc quý trong lòng mình không bị lu mờ đi theo thời gian.
Thứ nữa là thực hành những điều tốt đẹp và chia sẻ với nhau những điều hữu ích. Con người chúng ta có sự sống quá ngắn ngủi trong vô tận tồn tại của vũ trụ, mà sự chia sẻ giữa chúng ta dường như là quá ư là hạn hẹp. Cuộc sống bộn bề và những khó khăn trong cuộc sống làm ta trở nên đơn lẻ và đa phần trở nên ích kỉ hơn. Những hành động nhân văn cần thiết và đơn giản lại ít có cơ hội được hiện hữu hơn. Cho nên sự chia sẻ và trau dồi lẫn nhau, để cùng phát triển mình là điều nên càng được nhân rộng hơn.
Và nữa là chăm sóc cho cái tinh anh là nhiệm vụ của mỗi người chúng ta chứ không phải là đặc quyền của bất cứ kẻ nào khác. Không ai có quyền có tinh anh hơn ai, và cũng không ai có tinh anh ưu tú hơn ai. Mỗi người, trong vũ trụ của chính họ có tất cả các cơ hội như bất cứ ai để gìn giữ và phát triển tinh anh của chính mình. Đọc một cuốn sách, coi một vở kịch, chia sẻ cho nhau những câu chuyện, bàn thảo về một chủ đề xã hội, cùng nhau hành động để kiến tạo thêm giá trị cho xã hội, tất cả những điều này đều là những thứ khả dĩ để chúng ta giữ gì và phát triển tinh anh của mình hơn. Chủ nghĩa Tinh Anh (Elitism) – cho rằng có những người là tinh hoa trong xã hội, sẽ lãnh đạo tất cả những người còn lại. Rất nhiều kẻ đã ngộ nhận bản thân mình thuộc tầng lớp tinh hoa và khinh thị tất cả mọi người. Kỳ thực thì dù cho một đứa bé được đẻ rớt dưới ruộng cày hay một đứa bé được ra đời trong nhung lụa, đều có thiên bẩm tự do như nhau, đều có phẩm giá ngang nhau, đều có thể nỗ lực học tập, đều có thể trau dồi tinh anh của mình như mài ngọc và trở nên có giá trị cho đời. Ai cũng có thể là tinh hoa, ai cũng có thể là bùn đất. Con người ta khi đến một giai đoạn trong đời, chỉ có khác nhau ở sự nỗ lực học tập, và khác nhau ở ý chí quật cường tin rằng mình tự do chứ không phải chỉ là những cánh bèo trong dòng sông số phận. Ơi đồng bào, các vị là “những đấng tài hoa”, đừng cho tinh anh của mình thui chột.
Như Nguyễn Du đã viết từ hàng trăm năm trước:
“Nàng rằng những đấng tài hoa,
Thác là thể phách, còn là tinh anh”.
rằng chúng ta, rồi cũng sẽ hòa cùng vũ trụ, nhưng cái để lại cho những người còn lại chính là cái tinh anh của ta, cái tâm hồn và những tâm hồn ta đã nuôi dưỡng.
1/3/2021
Tự Do Tân Văn
Leave a Reply
Your email is safe with us.