Do hoàn cảnh lịch sử, Huế được vương triều Nguyễn chọn làm kinh đô của Việt Nam trong suốt 143 năm (1802 – 1945). Cùng với việc thiết lập bộ máy nhà nước theo thể chế phong kiến trung ương tập quyền, vương triều Nguyễn đã thiết lập một chế độ lễ nghi phong phú, bài bản, chặt chẽ và tổ chức thực thi, chủ yếu là ở Huế, trong suốt thời gian tồn tại của vương triều này. Những lễ nghi này, thường được gọi là lễ hội cung đình triều Nguyễn hay lễ hội cung đình Huế, là một phần của văn hóa cung đình Huế, một trong hai thành tố hợp thành văn hóa Huế, và là thành tố quan trọng trong việc tạo nên bản sắc văn hóa Huế, làm cho văn hóa Huế khác biệt với văn hóa của các nơi khác ở Việt Nam.
Lễ hội và lễ hội cung đình
Lễ hội
Lễ hội là khái niệm được sử dụng rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay, nhưng cũng là một khái niệm mơ hồ, gây tranh cãi, cả trong vấn đề học thuật lẫn trong vấn đề quản lý văn hóa.
Phan Thuận An, trong bài viết Lễ hội cung đình triều Nguyễn nhìn từ góc độ văn hoá và du lịch ngày nay, cho rằng: “Về mặt thuật ngữ, lễ hội là một từ tương đối mới, chỉ được sử dụng một cách phổ biến trong mấy chục năm nay, đặc biệt là để chỉ các lễ hội dân gian. Còn những sinh hoạt lễ nghi tập thể của các vua quan ngày xưa ở chốn cung đình thì chỉ thấy các sử gia triều Nguyễn ghi là triều hội (hội họp của triều đình)”.
Hiện nay, lễ hội đang được quan niệm theo hai khuynh hướng khác nhau: khuynh hướng xem xét theo cấu trúc và khuynh hướng xem xét theo tổng thể.
[1]. Khuynh hướng xem xét theo cấu trúc thường chia lễ hội thành hai phần: lễ và hội. Đại diện cho khuynh hướng này là Bùi Thiết, tác giả sách Từ điển hội lễ Việt Nam. Theo Bùi Thiết: “Lễ: các hoạt động đã đạt đến trình độ lễ nghi. Hội: các hoạt động lễ nghi đã phát triển đến mức cao hơn, có các hoạt động văn hóa truyền thống. Khi phần hội phong phú hơn thì gọi là hội lễ. Cũng có khi phần lễ lấn át thì gọi là lễ hội”. Bùi Thiết đề xuất khái niệm hội lễ thay cho lễ hội, theo đó, “hội lễ là cách gọi cô đọng nhằm để chỉ toàn bộ các hoạt động tinh thần, phản ánh những tập tục, vật hiến tế, lễ nghi dâng cúng, những hội hè đình đám của cộng đồng làng xã nhất định”. Tuy đề xuất như thế nhưng Bùi Thiết cũng thừa nhận: “cũng khó phân chia tách bạch ra hội lễ hay lễ hội”. Phan Thuận An cũng cho rằng: “Chúng ta cũng có thể thấy người xưa đã chia nội dung của loại hình sinh hoạt văn hóa đang bàn ra làm hai phần khá rõ ràng, là phần lễ và phần hội”. Một số tác giả khác ở Việt Nam khi viết về lễ hội cũng có khuynh hướng tách bạch giữa lễ và hội như Bùi Thiết. [2]. Khuynh hướng xem xét theo tổng thể thì cho rằng không nên tách lễ khỏi hội, vì lễ hội là một quá trình nảy sinh và tích hợp các hiện tượng văn hóa phát sinh trong một khoảng thời gian nhất định, trong đó nghi lễ luôn là gốc rễ của lễ hội, còn hội chỉ là hiện tượng phái sinh trên cái gốc của nghi lễ và tồn tại song hành cùng nghi lễ. Đại diện cho khuynh hướng này là Ngô Đức Thịnh, tác giả bài viết Mấy nhận thức về lễ hội cổ truyền. Theo Ngô Đức Thịnh: “Tính tổng thể của lễ hội không phải là thực thể ‘chia đôi’ như người ta đã quan niệm, mà nó nảy sinh và tích hợp các hiện tượng văn hóa phát sinh để tạo nên một tổng thể lễ hội… Cho nên trong lễ hội, phần lễ là phần gốc rễ, chủ đạo, phần hội là phần phát sinh, tích hợp. Trong thực tế có một số ít nghi lễ không hay chưa có phần hội (tức phần sinh hoạt văn hóa) kèm theo (như một số nghi lễ liên quan tới sản xuất nông nghiệp ở các tộc người thiểu số ở vùng núi hay một số nghi lễ trong phạm vi gia đình ở người Việt); chứ không có một loại hội nào mà không có nghi lễ giữ vai trò gốc rễ. Điều đó cũng cắt nghĩa là nếu cần phải đặt tên cho loại sinh hoạt cộng đồng này thì nên gọi đó là lễ hội, chứ không phải là hội lễ”.Trong khi đó, Lê Văn Thuyên, tác giả bài viết Lễ hội ở Huế dưới thời Nguyễn thì cho rằng: “Lễ hội là một khái niệm có tính ước lệ của cộng đồng, còn bản chất của nó lại gắn liền với nhu cầu sinh hoạt văn hóa của con người, gồm có nhu cầu về tâm linh và nhu cầu về vui chơi, hưởng thụ. Trong các nhu cầu về tâm linh, lễ nghi là hình thức quan trọng hơn cả”.
Từ góc nhìn cá nhân, chúng tôi quan niệm rằng: Lễ hội là một dạng hoạt động văn hóa do con người sáng tạo ra nhằm thỏa mãn các nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng, vui chơi, giải trí, được hình thành qua một quá trình lâu dài do tác động của văn hóa và lịch sử.
Tán thành quan điểm của Chu Quang Trứ khi ông xem lễ hội là “hiện tượng lịch sử, luôn phát triển theo thời gian và có tính thời đại”, chúng tôi cho rằng: Lễ hội luôn phát triển theo thời gian và có tính thời đại, vì thế, lễ hội không có tính bất biến mà biến đổi tùy thuộc các điều kiện khách quan (thời gian và không gian tổ chức lễ hội) và các điều kiện chủ quan (chủ thể tổ chức lễ hội, ý thức hệ chủ đạo của thời đại, cơ sở vật chất, nhân lực và nguồn tài chính).
Trong thực tế, khái niệm lễ hội ở Việt Nam hiện nay được sử dụng rất linh hoạt, tùy theo từng trường hợp. Chẳng hạn: lễ hội được hiểu như chữ event (sự kiện) trong tiếng Anh (lễ hội bắn pháo hoa Đà Nẵng, lễ hội hoa anh đào Nhật Bản ở Hà Nội), lễ hội được hiểu như chữ festival (liên hoan) trong tiếng Anh (như: lễ hội trái cây Nam Bộ, lễ hội hoa Đà Lạt); lễ hội được hiểu như một chương trình nghệ thuật (lễ hội áo dài trong các kỳ Festival Huế) hay lễ hội được hiểu như chữ road show (cuộc biểu diễn đường phố) trong tiếng Anh (lễ hội rước tổ nghề thêu ở Huế, lễ hội rước bức tranh thêu lớn nhất Việt Nam dạo quanh các đô thị của Việt Nam do Công ty thêu XQ tổ chức trong năm 2010)…
Từ khái niệm lễ hội có tính bao quát, một số nhà nghiên cứu đã đưa ra những khái niệm có tính phân loại về lễ hội như: lễ hội truyền thống, lễ hội cổ truyền, lễ hội dân gian, lễ hội cung đình, lễ hội tôn giáo, lễ hội đương đại, lễ hội du lịch, lễ hội lịch sử và cách mạng…
Lễ hội cung đình
Ở đây, chúng tôi quan niệm rằng: Lễ hội cung đình là những lễ hội do các vương triều phong kiến khai sinh và tổ chức thực hiện nhằm biểu hiện quyền lực, tư tưởng và nhận thức về thế giới quan và vũ trụ quan của giai cấp thống trị; đáp ứng các nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng, vui chơi, giải trí của giai cấp thống trị và các tầng lớp trên trong xã hội phong kiến.
Chủ thể của lễ hội cung đình là nhà nước phong kiến, thông qua các đại diện là vua chúa, quan lại (tùy từng trường hợp cụ thể), nhưng đối tượng tham gia lễ hội cung đình thì không chỉ có giai cấp thống trị của nhà nước phong kiến mà còn có sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội đương thời. Khi nhà nước phong kiến cáo chung thì lễ hội cung đình cũng biến mất do chủ thể tổ chức không còn nữa.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã chấm dứt chế độ phong kiến ở Việt Nam. Vì thế, lễ hội cung đình cũng không còn được tổ chức mà đã trở thành di sản và chỉ được phản ánh trong các nguồn sử liệu, các công trình nghiên cứu hay được lưu giữ trong ký ức của một bộ phận dân chúng từng có mối quan hệ với triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.
Cũng vì lý do này, mà Cục Văn hóa thông tin cơ sở (thuộc Bộ Văn hóa Thông tin trước đây) khi tiến hành thống kê di sản lễ hội ở Việt Nam đã đưa ra con số: đến năm 2003, Việt Nam có 8.902 lễ hội các loại, bao gồm: 25 lễ hội du nhập từ nước ngoài, 7.005 lễ hội dân gian, 1.399 lễ hội tôn giáo, 409 lễ hội lịch sử cách mạng, 64 lễ hội khác, không có số liệu nào về lễ hội cung đình. Nhiều công trình nghiên cứu về lễ hội ở Việt Nam đã bỏ qua các lễ hội cung đình do họ không biết (hoặc không quan tâm) đến sự tồn tại của các lễ hội này trong lịch sử Việt Nam.
Lễ hội cung đình triều Nguyễn
Khái niệm lễ hội cung đình triều Nguyễn
Lễ hội cung đình triều Nguyễn là những lễ hội do triều Nguyễn khai sinh và tổ chức thực hiện, chủ yếu ở kinh đô Huế, trong thời gian triều đại này cai trị đất nước. Những lễ hội này còn được gọi là lễ hội cung đình Huế vì nhiều người đã đồng nhất cung đình Huế với cung đình triều Nguyễn, do Huế là kinh đô của vương triều Nguyễn.
Loại hình lễ hội cung đình triều Nguyễn
Triều Nguyễn chia lễ hội cung đình thành hai loại: các lễ tiết và các lễ tế tự và tổ chức thực hiện hai loại hình lễ hội cung đình này trong suốt thời gian trị vì ở Huế.
Các lễ tiết
Đó là các dịp triều hội hàng tháng, gồm: Đại triều (vua ngự điện Thái Hòa để nhận chầu) và Thường triều (vua ngự điện Cần Chánh để nhận chầu); ba cuộc lễ lớn hàng năm nhân các đại tiết: Nguyên đán (Tết âm lịch), Đoan dương (Tết Đoan ngọ), Vạn thọ (sinh nhật nhà vua); các lễ mừng nhân các dịp: Hưng quốc khánh niệm (quốc khánh của triều Nguyễn), Thánh thọ (sinh nhật hoàng thái hậu), Tiên thọ (sinh nhật hoàng thái phi); Thiên thu (sinh nhật hoàng hậu), Thiên xuân (sinh nhật hoàng thái tử).
Triều Nguyễn cũng xếp vào mục lễ tiết các lễ sau: lễ đăng quang (lễ lên ngôi của nhà vua), lễ tấn tôn (lễ sách phong hoàng thái hậu, hoàng thái phi), lễ mừng nhà vua ngự cung mới, lễ mừng hoàng thái hậu ngự cung mới, lễ sách phong…
Ngoài ra, vào các tiết: lập xuân, đông chí, thượng nguyên (15 tháng 1), trung nguyên (15 tháng 7), hạ nguyên (15 tháng 10), thất tịch (7 tháng 7), trùng dương (9 tháng 9) … triều đình cũng tổ chức triều hội hay tế lễ tại các miếu. Những lễ hội này cũng được xếp vào mục lễ tiết.
Các lễ tế tự: Là các lễ tế tại các đàn, miếu do triều đình lập ra, thờ tự và tổ chức tế lễ hàng năm. Triều Nguyễn quy định các lễ tế tự theo ba bậc:
Đại tự: Gồm các lễ tế tại: đàn Nam Giao; các miếu trong Hoàng Thành gồm: Triệu miếu, Thái miếu, Hưng miếu, Thế miếu, điện Phụng Tiên; điện Hiếu Tư; điện Long An; miếu Triệu Tường và miếu Trừng Quốc công; các lăng tẩm của các vị chúa Nguyễn và các vua triều Nguyễn; đàn Xã tắc.
Trung tự: Gồm các lễ tế tại: miếu Lịch đại đế vương; miếu Lê Thánh Tông; Văn miếu; đàn Tiên Nông.
Quần tự: Gồm các lễ tế tại: đền Khải Thánh; Võ miếu; miếu Quan Công; miếu Quốc vương Chiêm Thành; miếu Quốc vương Chân Lạp; miếu Khai quốc công thần; miếu Trung hưng công thần; miếu Trung tiết công thần; miếu Đô Thành hoàng; miếu Hội đồng; miếu Thai Dương phu nhân; miếu Nam Hải long vương; miếu Hậu thổ; miếu Mộc thương, miếu Hỏa pháo thần; miếu Tiên Y; miếu Vũ sư; miếu Phong bá; miếu Thiên phi; miếu Hỏa thần; miếu Sơn thần; miếu Tiên nương; miếu thờ thần hồ; miếu thờ thần các đảo; đàn Ân tự; đàn Âm hồn; đàn Sơn xuyên; miếu thờ Thổ kỳ; từ đường thờ các thân huân, hoàng thân; từ đường thờ gia tiên các phi tần có công lao, đức hạnh lớn với triều đình, hoàng gia…
Ngoài ra, triều Nguyễn còn tổ chức một số lễ nghi và hội hè khác như: lễ kỳ đạo (lễ tế cờ); lễ đảo vũ (lễ cầu mưa); lễ ban sóc (lễ ban lịch năm mới tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 12 âm lịch); lễ phất thức (lễ lau chùi và niêm phong các kim bảo ngọc tỉ để nghỉ Tết, tổ chức vào hạ tuần tháng 12 âm lịch); lễ tiến xuân ở kinh đô và ở các tỉnh (tổ chức vào ngày lập xuân); lễ tịch điền (lễ vua ra cày ruộng để khuyến khích dân chúng chăm lo nghề nông, tổ chức vào tháng 5 âm lịch); lễ Tứ tuần đại khánh (mừng sinh nhật lần thứ 40 của nhà vua), lễ Ngũ tuần đại khánh (mừng sinh nhật lần thứ 50 của nhà vua); cuộc du xuân của nhà vua (cùng hoàng gia và đình thần) vào dịp đầu xuân; ngày Hổ quyền (tổ chức cho voi ngựa đấu nhau để vua và đình thần thưởng lãm)…
Triều Nguyễn rất quan tâm tổ chức và thực hiện các lễ nghi, tế tự. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (phần Chính biên) đã dành 68 quyển trong tổng số 263 quyển để bàn về các quy thức, điển chế tổ chức thực hiện nghi lễ, tế tự. Điều này cho thấy tế, lễ là hoạt động quan trọng trong chính sự của triều Nguyễn, đồng thời cho thấy sự phong phú của các loại lễ hội cung đình triều Nguyễn.
Tổng quan về lễ hội cung đình triều Nguyễn
Số lượng, địa điểm và thời gian tổ chức lễ hội cung đình triều Nguyễn
Dựa vào thông tin trong các bộ sách: Khâm định Đại Nam hội điển sự (do Nội các triều Nguyễn biên soạn), Đại Nam nhất thống chí (do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn) và Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam (do Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề biên soạn), chúng tôi đã thống kê được hơn 100 lễ hội cung đình khác nhau do triều Nguyễn thực thi, chủ yếu là ở kinh đô Huế, trong thời gian triều đại này cai trị đất nước. (xem Bảng thống kê các lễ hội cung đình triều Nguyễn dưới đây).
Bảng thống kê các lễ hội cung đình triều Nguyễn
Lễ hội | Địa điểm tổ chức | Thời gian tổ chức (âm lịch) |
Các lễ tiết | ||
Tiết Nguyên đán | Điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, cung Từ Thọ (sau đổi là cung Diên Thọ), điện Khôn Đức (sau đổi là cung Khôn Thái) và điện Thanh Hòa, ở trong Hoàng Thành | Tết Nguyên đán |
Tiết Đoan dương | Điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, cung Từ Thọ, điện Khôn Đức và điện Thanh Hòa | Ngày 5 tháng 5 |
Tiết Vạn thọ | Điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, Tả vu, Hữu vu, ở trong Hoàng Thành | Ngày đản (ngày sinh) của vua đương vị |
Tiết Từ cung thánh thọ | Cung Từ Thọ (cung Diên Thọ) | Ngày đản của hoàng thái hậu đương vị |
Tiết Thiên thu | Điện Khôn Đức (cung Khôn Thái) | Ngày đản của hoàng quý phi đương vị |
Tiết Thiên xuân | Điện Thanh Hòa | Ngày đản của hoàng thái tử đương vị |
Lễ Hưng quốc khánh niệm | Điện Thái Hòa, điện Cần Chánh | Ngày 2 tháng 5 |
Lễ đại triều | Điện Thái Hòa | Ngày 1 và 15 hàng tháng; 1 số ngày lễ quan trọng trong năm |
Lễ thường triều | Điện Cần Chánh | Ngày 5, 10 và 25 hàng tháng; các ngày lễ khác trong năm |
Lễ đăng quang | Điện Thái Hòa | Không cố định |
Lễ tấn tôn | Cung Từ Thọ (cung Diên Thọ) | Không cố định |
Lễ hoàng đế ngự cung mới | Không cố định | Không cố định |
Lễ hoàng thái hậu ngự cung mới | Không cố định | Không cố định |
Lễ sách lập hoàng hậu, Lễ hoàng quý phi | Điện Thái Hòa và điện Khôn Đức (cung Khôn Thái) | Không cố định |
Lễ sách lập hoàng thái tử | Điện Thái Hòa và cung Chấn Hanh, | Không cố định |
Lễ sách phong cung giai | Điện Cần Chánh và Lục viện, ở trong Hoàng Thành | Không cố định |
Lễ sách phong hoàng tử, hoàng thân | Điện Cần Chánh, Khánh Thiện Đường (hoặc Duyệt Thị Đường), ở trong Hoàng Thành | Không cố định |
Lễ sách phong công chúa | Điện Cần Chánh | Không cố định |
Các lễ tế tự | ||
Tế đàn Nam Giao | Đàn Nam Giao ở xã An Cựu bên bờ nam sông Hương | Ngày tốt, trước ngày 19 tháng 2 |
Tế Triệu Miếu | Triệu Miếu, ở trong Hoàng Thành | 8 tháng 1, 1 tháng 4, 1 tháng 7, 1 tháng 10, 22 tháng 12 |
Tế Thái Miếu | Thái Miếu, ở trong Hoàng Thành | 8 tháng 1, 1 tháng 4, 1 tháng 7, 1 tháng 10, 22 tháng 12 |
Tế Hưng Miếu | Hưng Miếu, ở trong Hoàng Thành | 8 tháng 1, 1 tháng 4, 1 tháng 7, 1 tháng 10, 22 tháng 12 |
Tế Thế Miếu | Thế Miếu, ở trong Hoàng Thành | 8 tháng 1, 1 tháng 4, 1 tháng 7, 1 tháng 10, 22 tháng 12 |
Tế miếu Triệu Tường và miếu Trừng Quốc Công | Miếu Triệu Tường và miếu Trừng Quốc công ở xã Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa | Ngày tốt, tháng 1 và tháng 7 |
Tế điện Phụng Tiên | Điện Phụng Tiên, ở trong Hoàng Thành | Ngày 15 tháng 1 và các ngày kỵ của các vua, hậu |
Tế điện Hiếu Tư | Điện Hiếu Tư trong cung Khánh Ninh ở bờ bắc Ngự Hà, bên trong Kinh Thành Huế | 23 tháng 4 (ngày đản vua Minh Mạng), 5 tháng 11 (ngày đản Tá Thiên Nhân hoàng hậu), 23 tháng 5 (ngày kỵ Tá Thiên Nhân hoàng hậu), 28 tháng 12 (ngày kỵ vua Minh Mạng), |
Tế điện Long An | Điện Long An trong cung Bảo Định ở bờ bắc Ngự Hà, bên trong Kinh Thành Huế | 11 tháng 5 (ngày đản vua Thiệu Trị), 19 tháng 5 (ngày đản Nghi Thiên Chương hoàng hậu), 22 tháng 5 (ngày kỵ Nghi Thiên Chương hoàng hậu), 27 tháng 9 (ngày kỵ vua Thiệu Trị) |
Yết bái ở các lăng tẩm | Lăng tẩm các chúa Nguyễn và các vua triều Nguyễn ở kinh đô Huế | Tiết thanh minh (tháng 3) và một ngày tốt trong tháng 12 |
Tế đàn Xã Tắc | Đàn Xã Tắc ở bên phải Hoàng Thành, ở trong Kinh Thành Huế và ở các tỉnh | Ngày mậu, tháng 2 và tháng 8 |
Tế miếu Lịch đại đế vương | Miếu Lịch đại đế vương ở xã Dương Xuân, bờ nam sông Hương | Ngày quí giữa tháng 2 (sau tế đàn Xã Tắc) và ngày quí đầu tháng 8 |
Tế miếu Lê Thánh Tông | Miếu thờ vua Lê Thánh Tông ở xã Dương Xuân, bờ nam sông Hương | Ngày tốt, tháng 2 và tháng 8 |
Tế Văn Miếu | Văn miếu ở xã Long Hồ, bờ bắc sông Hương và Văn Miếu ở các tỉnh | Ngày đinh cuối tháng 2 (sau tế miếu Lịch đại đế vương) và ngày đinh giữa tháng 8 |
Tế đền Khải Thánh | Đền Khải Thánh ở xã An Ninh, bờ bắc sông Hương và đền Khải Thánh ở các tỉnh | Hai kỳ tế cùng ngày với tế Văn miếu là ngày đinh cuối tháng 2 và ngày đinh giữa tháng 8 |
Tế đàn Tiên Nông | Đàn Tiên Nông ở bờ bắc Ngự Hà, bên trong Kinh Thành và đàn Tiên Nông ở các tỉnh | Trước hoặc sau ngày 15 tháng 5 tế đàn Tiên Nông ở kinh đô Huế, vài ngày sau tế đàn Tiên Nông ở các tỉnh |
Tế Võ Miếu | Võ Miếu ở xã An Ninh ở bờ bắc sông Hương | Ngày kỷ cuối tháng 2 (sau tế Văn miếu) và ngày kỷ giữa tháng 8 |
Tế miếu Quốc vương Chiêm Thành | Miếu thờ quốc vương Chiêm Thành ở xã Nguyệt Biều, bờ nam sông Hương và ở thôn Xuân Hội, huyện Hòa Đà, tỉnh Bình Thuận | Ngày tốt, tháng 2 và tháng 8 |
Tế miếu Quốc vương Chân Lạp | Miếu thờ quốc vương Chân Lạp ở xã Dương Xuân, bờ nam sông Hương | Ngày tốt, tháng 2 và tháng 8 |
Tế miếu Khai quốc công thần | Miếu thờ các vị khai quốc công thần ở xã Thiên Lộc, bờ nam sông Hương | Ngày giáp, tháng 2 và tháng 8 |
Tế miếu Trung hưng công thần | Miếu thờ các vị trung hưng công thần ở xã Thiên Lộc, bờ nam sông Hương | Ngày giáp, tháng 2 và tháng 8 |
Tế miếu Trung tiết công thần | Miếu thờ các công thần tiết nghĩa ở xã Thiên Lộc, bờ nam sông Hương | Ngày tốt, tháng 2 và tháng 8 |
Tế miếu Hiền lương | Miếu Hiền lương ở tây nam sông Hương, phía đông chùa Thiên Mụ, bên ngoài Kinh Thành Huế | Ngày tốt, tháng 2 và tháng 8 |
Tế miếu Trung nghĩa | Miếu Trung nghĩa ở đông nam sông Hương, phía trước Kinh Thành Huế | Ngày tốt, tháng 2 và tháng 8 |
Tế đàn Ân tự | Đàn tế người có công với nước ở kinh đô Huế và ở các tỉnh, không cố định | Tháng 2 sau lễ tế các công thần |
Tế mộ hoang | Đàn tế tại các ngôi mộ hoang được quy tập về một số nơi ở kinh đô Huế | Ngày tốt tháng 3 |
Tế đàn Âm hồn | Đàn Âm hồn ở phía bắc, bên ngoài Hoàng Thành và ở các tỉnh | Ngày 3 tháng 3; ngày 3 tháng 8 |
Tế đàn Sơn xuyên | Đàn Sơn xuyên ở xã Thủy Biều, bờ nam sông Hương và ở các tỉnh | Ngày tốt, tháng 2 và tháng 8 |
Tế miếu Tiên Y | Miếu Tiên Y kinh đô Huế | Ngày tốt, tháng 2 và tháng 11 |
Tế quán Linh Hựu | Quán Linh Hựu ở bên trong Kinh Thành Huế | Ngày 3 tháng 3 và một ngày tốt vào mùa thu |
Tế đền Quan Công | Đền thờ Quan Công ở kinh đô Huế | Tháng 2, tháng 8 và ngày sinh của Quan Công |
Tế đền Thiên phi | Đền thờ Thiên phi ở kinh đô Huế | Ngày kỷ, tháng 2 và tháng 8 |
Tế đền Trấn bắc an thần | Đền thờ Trấn Võ chân quân ở gác Từ Vân tại quán Linh Hựu, bên trong Kinh Thành Huế | Ngày tốt, mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Tiên nương | Đền thờ Tiên nương ở kinh đô Huế | Ngày tốt, mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Tuyên Mục nhị vương | Đền thờ Tuyên vương, Mục vương ở xã Long Hồ, bờ bắc sông Hương | 8 tháng 1 và 1 tháng 7 |
Tế đền Triển thân | Đền Triển thân ở xã Vân Dương, bờ nam sông Hương | Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Anh Duệ hoàng thái tử | Đền thờ Anh Duệ hoàng thái tử ở ấp Bình Lục bờ nam sông Hương | Ngày tốt, vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Thân huân | Đền Thân huân ấp An Tân, phía nam sông Hương | Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Vĩnh Tường quận vương | Đền Vĩnh Tường quận vương ở xã Vạn Xuân, phía tây Kinh Thành Huế | Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Diễn Quốc công | Đền thờ Diễn Quốc công ở xã Phú Xuân, phía tây Kinh Thành Huế | Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Quy Quốc công | Đền thờ Quy Quốc công ở xã Vạn Xuân, phía tây Kinh Thành Huế | Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Thọ Quốc công | Đền thờ Thọ Quốc công ở xã Kim Long, phía tây Kinh Thành Huế | Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Phúc Quốc công | Đền thờ Thọ Quốc công ở xã Kim Long, phía tây Kinh Thành Huế | Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Đức Quốc công | Đền thờ Đức Quốc công ở xã Phú Xuân, phía tây Kinh Thành Huế | Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Gia phi | Đền thờ Gia phi ở kinh đô Huế | Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Hiền phi | Đền thờ Hiền phi ở ấp Đông Trì Hạ, phía đông Kinh Thành Huế | Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Ý thục | Đền thờ Ý thục ở vườn Thư Xuân, phía tây Kinh Thành Huế | Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền Lệ thục | Đền thờ Lệ thục ở vườn Thanh Phương, phía tây Kinh Thành Huế | Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền họ Trần | Đền thờ họ Trần ở xã Văn Xá, phía tây Kinh Thành Huế | Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền họ Hồ | Đền thờ họ Hồ ở xã Kim Long, phía tây Kinh Thành Huế | Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế đền họ Phạm | Đền thờ họ Phạm ở xã Phú Xuân, phía tây Kinh Thành Huế | Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Tế miếu Vũ sư | Miếu Vũ sư ở xã Dương Xuân, bờ nam sông Hương | Ngày kỷ tháng 2 và ngày kỷ tháng 8 (sau tế Xã Tắc) |
Tế miếu Phong bá | Miếu Phong bá ở cửa biển Thuận An | Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 |
Tế miếu Nam Hải long vương | Miếu thờ Nam Hải long vương ở gần cửa biển Thuận An | Ngày quí, tháng 2 và tháng 8 (sau tế Xã Tắc) |
Tế miếu Tư Dung hải môn | Miếu thờ thần cửa biển Tư Dung, phía nam kinh đô | Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 |
Tế đền Thai Dương phu nhân | Miếu thờ Thai Dương phu nhân ở xã Thai Dương, gần cửa biển Thuận An | Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 |
Tế miếu Hà bá | Miếu thờ Hà bá ở xã Hà Trung, gần cửa biển Thuận Trực | Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 |
Tế miếu Hỏa thần | Miếu Hỏa thần ở kinh đô Huế | Ngày 23 tháng 6 |
Tế miếu thần Hỏa pháo | Miếu thờ thần Hỏa pháo ở xã Phú Xuân, phía nam Kinh Thành Huế | Ngày 1 tháng 9 |
Tế miếu Đô Thành hoàng | Miếu Đô Thành hoàng ở trong Kinh Thành Huế, phía tây Hoàng Thành | Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 (sau tế Xã Tắc) |
Tế miếu Hội đồng | Miếu thờ Hội đồng ở kinh đô Huế | Ngày bính, tháng 2 và tháng 8 |
Tế đền thần núi Thiên Thọ | Đền thờ thần núi Thiên Thọ ở xã Định Môn, nơi lăng vua Gia Long tọa lạc | Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 |
Tế đền thần núi Triệu Tường | Đền thờ thần núi Triệu Tường ở xã Gia Miêu, Tống Sơn, Thanh Hóa, nơi lăng Nguyễn Kim tọa lạc | Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 |
Tế đền thần núi Khải Vận | Đền thờ thần núi Khải Vận ở xã Kim Ngọc, phía tây nam Kinh Thành Huế, nơi lăng chúa Nguyễn Hoàng tọa lạc | Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 |
Tế đền thần núi Hưng Nghiệp | Đền thờ thần núi Hưng Nghiệp ở xã Cư Chánh, phía tây nam Kinh Thành Huế, nơi lăng Nguyễn Phúc Luân tọa lạc | Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 |
Tế đền thần núi Hiếu | Đền thờ thần núi Hiếu ở xã An Bằng, phía tây nam Kinh Thành Huế, nơi lăng vua Minh Mạng tọa lạc | Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 |
Tế đền thần Thổ kỳ | Đền thờ thần Thổ kỳ ở xã An Bằng, phía tây nam Kinh Thành Huế | Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 |
Tế đền thần núi Thuận Đạo | Đền thờ thần núi Thuận Đạo, xã Cư Chánh, phía tây nam Kinh Thành Huế, nơi lăng vua Thiệu Trị tọa lạc | Ngày tốt vào tháng 2 và tháng 8 |
Tế đền An Ninh bá | Đền thờ An Ninh bá ở xã Cư Chánh, phía tây nam Kinh Thành Huế | Ngày tốt vào tháng 2, tháng 8, tiết thanh minh và tháng 12 |
Tế đền thần núi Hải Vân quan | Đền thờ thần núi Hải Vân quan ở xã An Cư, phía nam Kinh Thành Huế | Ngày giáp, tháng 2 và tháng 8 |
Tế đền thần núi Phụ Ổ | Đền thờ thần núi Phụ Ổ ở xã Phụ Ổ, phía bắc Kinh Thành Huế | Ngày tốt vào tháng 3 |
Tế đền thần Thúy Anh | Đền thờ thần núi Thúy Anh ở cạnh cửa biển Tư Dung (Tư Hiền) | Mỗi năm tế 1 lần trước ngày vua tuần du đến nơi này |
Tế đền thần hồ Tĩnh Tâm | Đền thờ thần hồ Tĩnh Tâm ở bờ nam Ngự Hà, bên trong Kinh Thành Huế | Ngày tốt vào mùa xuân và mùa thu |
Các lễ hội khác | ||
Lễ đảo vũ | Không cố định | Không cố định |
Lễ ban sóc | Điện Thái Hòa, Ngọ Môn | Ngày 1 tháng 12 |
Lễ tiến xuân | Trước cửa Chánh Đông của Kinh Thành | Tiết lập xuân |
Lễ tịch điền | Ruộng tịch điền của triều Nguyễn ở bên trong Kinh Thành Huế | Giữa tháng 5 cùng ngày với ngày tế đàn Tiên Nông |
Lễ kỳ đạo | Thiết triều ở điện Cần Chánh, đàn lễ lập ở bên ngoài phía nam Kinh Thành | Ngày tốt tháng 1 |
Lễ phất thức | Điện Cần Chánh trong Tử Cấm Thành | Cuối tháng Chạp |
Lễ truyền lô | Điện Thái Hòa và lầu Phu Văn | Không cố định |
Lễ đại táng | Không cố định | Không cố định |
Lễ Tứ tuần đại khánh, Ngũ tuần đại khánh | Không cố định | Không cố định |
Cuộc du xuân | Không cố định | Không cố định |
Ngày Hổ quyền | Hổ quyền ở xã Nguyệt Biều, bờ nam sông Hương | Không cố định |
Quá trình hình thành lễ hội cung đình triều Nguyễn
Hơn 100 lễ hội cung đình mà chúng tôi thống kê được không phải đều do triều Nguyễn đặt ra. Đó là kết quả của một quá trình kế thừa, tiếp thu, bổ túc và điều chỉnh trải dài suốt lịch sử tồn tại của vương triều này. Theo chúng tôi, lễ hội cung đình triều Nguyễn được hình thành từ quá trình sau:
Kế thừa lễ hội của các triều đại trước đây
Các triều đại phong kiến Việt Nam kể từ thời tự chủ đầu thế kỷ X, dù ít dù nhiều cũng chịu ảnh hưởng Trung Hoa trong việc tổ chức triều chính, pháp luật, lễ nghi, văn hóa, giáo dục, khoa cử… Trong lĩnh vực lễ nghi, có nhiều lễ hội có gốc gác Trung Hoa nhưng đã được du nhập vào nước ta và được các triều Đinh – Lê (968 – 1009), Lý (1010 – 1225), Trần (1225 – 1400), Hồ (1400 – 1407), hậu Lê (1427 – 1788), Tây Sơn (1788 – 1802) tổ chức thường xuyên, trở thành những lễ hội truyền thống của nhà nước phong kiến Việt Nam. Chẳng hạn: lễ tế Giao du nhập vào nước ta từ đời Lý Anh Tông (1138 – 1175), được duy trì dưới các triều: Hồ, hậu Lê và Tây Sơn (1788 – 1802); lễ cày ruộng tịch điền (và tế đàn Xã Tắc hay đàn Tiên Nông) có từ năm 987 triều tiền Lê, được tổ chức thường xuyên vào thời Lý – Trần – hậu Lê; lễ tế Văn miếu có từ năm 1070 đời vua Lý Thánh Tông, tiếp tục được thực hiện vào thời Trần và thời hậu Lê; các lễ: kỳ đạo đăng quang, tấn tôn, sách phong, truyền lô, tiến xuân ngưu… đều được các triều Trần – Hồ – hậu Lê tổ chức. Những lễ hội này đã được nhà Nguyễn kế thừa, tiếp thu và có những bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tính chất và hoàn cảnh đương thời.
Tiếp thu từ lễ hội cung đình Trung Hoa
Triều Nguyễn chọn khuôn mẫu Trung Hoa làm mô hình để cai trị đất nước. Vì thế, nhiều nghi lễ, điển chương của triều đình Trung Hoa cũng được triều Nguyễn tham khảo, tiếp thu và thực hiện vì nhiều mục đích khác nhau. Chẳng hạn: các lễ triều hội nhân các dịp: mừng thọ vua (lễ Vạn thọ), mừng thọ hoàng thái hậu (lễ Từ cung thánh thọ), mừng thọ hoàng hậu (lễ Thiên thu), mừng thọ hoàng thái tử (lễ Thiên xuân), mừng thọ vua (lễ Vạn thọ), mừng vua hay hoàng thái hậu ngự cung điện mới, Tứ tuần đại khánh, Ngũ tuần đại khánh, Bát tuần thánh thọ…; các lễ tế như: tế đền Khải Thánh, tế đền Quan Công, tế Văn Miếu, tế Võ Miếu (là những nơi thờ rất nhiều danh tướng, công hầu Trung Hoa); các cuộc du xuân của vua, hoàng gia và đình thần.
Cung đình hóa và điển chế hóa những lễ nghi truyền thống của dân tộc
Nhiều lễ nghi truyền thống của dân tộc Việt Nam đã được triều Nguyễn cung đình hóa bằng các nghi lễ long trọng, điển lệ chặt chẽ và tổ chức bài bản hơn nhằm thể hiện địa vị cao quý của dòng họ Nguyễn hay quyền uy tối thượng của nhà vua. Chẳng hạn, các lễ tế, hưởng tại các miếu thờ tổ tiên, các bậc tiền bối và các vị đế hậu triều Nguyễn như Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu, điện Phụng Tiên, điện Hiếu Tư, điện Long An… thực chất là việc cung đình hóa và điển chế hóa tục thờ phụng và cúng bái tổ tiên mà người dân Việt Nam đã thực hiện từ bao đời nay. Thông qua các lễ tế, hưởng ở các miếu này, triều Nguyễn đã nâng việc thờ cúng tổ tiên của mình thành biểu tượng quyền uy của chế độ và dòng họ. Chính thuộc tính cung đình của các lễ hội này đã góp phần tạo nên bản sắc cho lễ hội xứ Huế, là yếu tố làm cho lễ hội ở Huế nói riêng và văn hóa Huế nói chung khác biệt với lễ hội và văn hóa của những địa phương khác.
Xuất phát từ nhu cầu của đời sống; từ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhiều bộ phận dân cư trong xã hội
Rất nhiều lễ hội cung đình triều Nguyễn do triều đình tổ chức thực hiện xuất phát từ yêu cầu của đời sống xã hội như: lễ đảo vũ (lễ cầu mưa và cầu tạnh để cho mùa màng được phong đăng hòa cốc), lễ truyền lô (tôn vinh những người đỗ đạt để khuyến khích tinh thần hiếu học trong xã hội); hay xuất phát từ đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam như các lễ tế tại các miếu thờ: Lịch đại đế vương, vua Lê Thánh Tông, quốc vương Chiêm Thành, quốc vương Chân Lạp, khai quốc công thần, trung hưng công thần, trung tiết công thần…; hay xuất phát từ tâm lý cảm thông, chia sẻ với những hoàn cảnh éo le, thương tâm của tha nhân như: lễ tế mộ hoang, lễ tế đàn Âm hồn, lễ cúng cô hồn…
Sự hình thành của các lễ hội cung đình triều Nguyễn là một quá trình, gắn liền với lịch sử tồn tại và phát triển của vương triều Nguyễn. Phần lớn các lễ hội cung đình triều Nguyễn đều được thiết lập dưới triều Gia Long (1802 – 1820) và triều Minh Mạng (1820 – 1841) trên cơ sở tiếp thu, duy trì các lễ hội đã có từ các triều đại trước và đặt thêm các lễ hội mới vì các nhu cầu lịch sử, xã hội, văn hóa, tín ngưỡng… của triều đại mới. Các triều vua kế vị không chỉ tiếp nối duy trì thực thi mà luôn bổ túc, điều chỉnh và kiện toàn các lễ hội này. Đó là các hoạt động trùng tu, tu bổ đền, miếu, đàn, tự (là nơi thờ tự và hành lễ); di dời, thay đổi vị trí đền, miếu, đàn, tự so với vị trí ban đầu đến những nơi cao ráo, phong quang hơn; điển chế hóa thời điểm, thời gian và quy mô tổ chức lễ hội cũng như các nghi thức tiến hành và lễ vật dâng cúng trong lễ hội… Thậm chí, sự điều chỉnh, bổ túc và kiện toàn này diễn ra nhiều lần ngay trong một triều vua, nhiều nhất là dưới triều Minh Mạng.
Các đặc trưng
Lễ hội cung đình triều Nguyễn là sự tiếp thu, vận dụng và phát triển đa dạng các lễ hội cung đình của các triều đại trước ở Việt Nam và lễ hội cung đình Trung Hoa trong một bối cảnh mới, triều đại mới, với những mục đích vừa có nét tương đồng, vừa có nét khác biệt so với trước. Vì thế, ngoài những đặc trưng chung của lễ hội cung đình như: quy mô, hoành tráng, có tính điển chế cao, thì lễ hội cung đình triều Nguyễn còn có các đặc trưng sau đây:
Phản ánh một nhu cầu tâm linh vừa có tính chất tín ngưỡng thần quyền, vừa tôn vinh vương quyền của vương triều Nguyễn
Vua chúa triều Nguyễn cũng là con người nên họ cũng có những nhu cầu tâm linh như những người bình thường khác. Lễ hội cung đình chính là sợi dây kết nối giữa thế giới trần tục với thế giới thần linh, là phương thức để các bậc vua chúa gửi đến thần linh những nguyện vọng, khẩn cầu (của họ và của những thần dân mà họ đại diện) vì một mục đích nào đó; hay gửi đến tổ tiên và những người đã khuất lòng tiếc thương, sự hiếu nghĩa, sự tri ân và chia sẻ. Đây là một nhu cầu có thực, thể hiện tín ngưỡng thần quyền, tin vào quyền năng của các vị thần linh, vào những người “khuất mặt, khuất mày” ở thế giới bên kia. Tuy nhiên, do nhà vua là “thiên tử” (con trời), đứng trên các bậc thần linh, nên nhà vua vừa tin tưởng vào quyền năng của thần linh, lại vừa tự cho mình quyền được sai bảo các vị thần. Các vị thần được nhà vua tổ chức tế lễ hàng năm cũng chính là những vị được vua sắc phong (thượng đẳng thần, trung đẳng thần…), nên vua cũng có quyền sai khiến, thậm chí trừng phạt các vị thần vì những “lỗi lầm” của họ. Vì vậy lễ hội cung đình còn thể hiện ý nghĩa tôn vinh vương quyền.
Phản ánh sự tôn vinh triều đại và dòng họ Nguyễn
Trong hệ thống tế lễ của triều Nguyễn có rất nhiều lễ hội, chủ yếu là các lễ tự, hưởng, được tổ chức tại các miếu thờ các vị tổ tiên, liệt vương, liệt đế, hậu phi… của triều Nguyễn. Đây là một hình thức tôn vinh uy quyền của vương triều và đề cao dòng họ của nhà vua. Léopold Cadière nhận xét rằng: “Các vua Nguyễn được thờ cúng trong Thế miếu dưới danh nghĩa của các cựu nguyên thủ quốc gia, và người thực thi nghĩa vụ này là vị hoàng đế đương nhiệm đóng vai trò thủ lãnh hiện thời của vương quốc”. Điều này khẳng định uy quyền của vương triều luôn luôn tồn tại và được kế thừa liên tục và chính thống. Nhiều người tin rằng “việc thờ cúng góp phần củng cố tình đoàn kết trong dòng họ và mang lại sức mạnh tinh thần của triều đại” hay “việc thờ cúng tổ tiên theo nghi lễ của các bậc vua chúa còn mang lại uy thế của dòng họ nhà vua, đề cao uy quyền của vương triều”. Vì điều này nên những nghi lễ thờ cúng tổ tiên của vương triều Nguyễn trở nên phức tạp và được điển chế hóa ở mức cao nhất so với các triều đại trước đó.
Diễn ra quanh năm, linh hoạt về thời gian, phong phú về hình thức tổ chức và diễn ra ở nhiều địa điểm khác nhau
Triều Nguyễn tổ chức lễ hội quanh năm, tập trung vào một số tiết lớn như: lập xuân, nguyên đán, thượng nguyên, đoan dương, trung nguyên, hạ nguyên, đông chí…, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là mùa xuân và mùa thu (xuân thu nhị kỳ) mà đỉnh điểm là vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch. Thời gian tổ chức lễ hội linh hoạt, có lễ hội chỉ diễn ra trong 1 ngày, một số lễ hội kéo dài đến 3 ngày, thậm chí 7 ngày (như các lễ tế đàn). Hình thức lễ hội và nghi thức lễ hội rất phong phú. “Tất cả các lễ hội cung đình Huế đều có phần âm nhạc đi kèm. Một số lễ hội quan trọng còn có cả các tiết mục ca và múa”. Các lễ hội cung đình này được tổ chức ở nhiều nơi tại kinh đô Huế xưa, một số lễ hội còn có sự phối hợp tổ chức giữa kinh đô với các địa phương khác trong nước.
Ảnh hưởng mạnh mẽ đến lễ hội dân gian ở Huế
Như đã đề cập ở phần trên, nhiều lễ hội cung đình ở Huế có gốc gác từ dân gian nhưng đã được triều Nguyễn cung đình hóa và điển chế hóa thành lễ hội cung đình, chẳng hạn như các lễ tế, hưởng ở các miếu, điện thờ vua chúa nhà Nguyễn trong Hoàng Thành (bắt nguồn từ việc kỵ giỗ tổ tiên của dân gian), lễ yết bái ở các lăng tẩm vua chúa triều Nguyễn (bắt nguồn từ lễ tảo mộ của dân gian)… Tuy nhiên, khi những lễ nghi dân gian được cung đình hóa, đến lượt nó, lại ảnh hưởng trở lại đối với các lễ hội trong dân gian, nhất là trong phần lễ, thể hiện ở trình tự hành lễ, lễ vật dâng cúng và ngôn từ của các bài văn khấn, kể cả trang phục của những người hành lễ và dự lễ. “Ảnh hưởng của nghi lễ cung đình thật rõ nét trong nghi lễ dân gian ở Huế. Sự tổ chức cúng bái, cung cách thể hiện, nghi thức một cách trang trọng, đúng phép cho ta thấy nghi lễ dân gian vùng Huế không chỉ do truyền thống mà còn chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và tác động của nghi thức xuất phát từ cung đình”.
Nặng phần lễ, nhẹ phần hội
Xem xét lễ hội cung đình triều Nguyễn theo cấu trúc, tức là tách bạch thành hai phần: lễ và hội, thì chúng tôi nhận thấy phần lễ trong lễ hội cung đình triều Nguyễn được coi trọng hơn phần hội. Nguyên nhân là do triều Nguyễn coi trọng thực hành lễ nghi hơn là tổ chức hội hè, vui chơi, giải trí trong các lễ hội. Đây cũng là nét khác biệt giữa lễ hội cung đình với lễ hội dân gian.
Lễ hội cung đình triều Nguyễn do vua định ra và đình thần tổ chức thực hiện. Cả người khai sinh lễ hội, lẫn người hành lễ đều là những người học thức, chịu ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng Nho giáo. Nho giáo quan niệm “Lễ giả, thiên địa chi tự dã” (Lễ vốn là trật tự của trời đất – Kinh Lễ). Vua là người thay trời để điều hành cái trật tự ấy cho nên phải lấy lễ làm gốc. Ngoài ra, mục đích của các lễ hội cung đình là để tôn vinh thần quyền và vương quyền, tôn vinh những giá trị tinh thần cao đẹp theo nhãn quan của giai cấp thống trị. Vì thế, họ quan tâm đến tính chất nghiêm trang, sự uy nghi, tính điển chế của lễ nghi hơn là quan tâm đến những sinh hoạt hội hè đi kèm lễ hội. Mặt khác, với địa vị cao quý của mình, giai cấp thống trị không cho phép mình tham dự những sinh hoạt hội hè có tính trần tục như trong các lễ hội dân gian, nên cho dù một số lễ hội cung đình triều Nguyễn có tổ chức phần hội kèm theo thì phần hội này cũng mang tính hình thức hơn là những hoạt động vui chơi, giải trí thực sự như trong các lễ hội dân gian.
Giàu tính nhân văn
Đây là một trong những giá trị văn hóa đáng trân trọng của lễ hội cung đình triều Nguyễn. Triều Nguyễn tổ chức lễ hội không chỉ vì mục đích suy tôn vương quyền, đề cao dòng họ và thỏa mãn nhu cầu tâm linh của các bậc đế vương. Nhiều lễ hội do triều Nguyễn tổ chức như tế Nam Giao, tế Xã Tắc, lễ cày ruộng tịch điền… là để cầu cho “quốc thái dân an”, “phong điều vũ thuận”, “phong đăng hòa cốc” … Những lễ hội này được tổ chức hàng năm mà người chủ lễ chính là nhà vua. Điều này thể hiện rằng các vua triều Nguyễn coi việc cầu mong mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình, người dân an lạc là trách nhiệm của họ. Ngoài ra, vua cũng cử các vị đại thần khâm mạng thay mặt vua tiến hành các lễ đảo vũ (mỗi khi có hạn hán hay mưa dầm), lễ tế miếu Phong bá, lễ tế miếu Vũ sư… để cầu khấn và tạ ơn các vị thần mưa, thần gió. Tính nhân văn trong các lễ hội cung đình Huế còn được thể hiện trong việc triều đình lập miếu thờ và tổ chức tế tự các vị đế vương của các triều đại trước (miếu Lịch đại đế vương, miếu Lê Thánh Tông) … thể hiện sự trọng thị và biết ơn đối với các triều đại trước. Sự trọng thị này không chỉ đối với các vị vua chúa Việt Nam mà còn đối với các vị quốc vương của Chiêm Thành và Chân Lạp xưa thông qua việc lập đền miếu và duy trì tế lễ các vị này. Triều Nguyễn lập Văn Miếu và Võ Miếu để tôn vinh văn trị, võ công; lập các miếu thờ công thần và tổ chức tế lễ ở các nơi này để tôn vinh những người có công với đất nước, với triều đại. Không những thế, các lễ tế mộ hoang, lễ tế đàn Âm hồn… mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện sự đồng cảm, cảm thông, thương xót đối với đồng loại bất hạnh. Trong khi đó, các lễ triều hội như: Nguyên đán, Đoan dương… lại thể hiện sự tiếp nối những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; lễ Truyền lô thể hiện việc tôn vinh người tài và tuyển chọn người tài ra giúp nước… Tất cả những nét tích cực ấy là phần cốt lõi tạo nên những giá trị nhân văn trong lễ hội cung đình triều Nguyễn. Loại trừ những phần hạn chế do thời đại và hệ tư tưởng phong kiến, lễ hội cung đình triều Nguyễn chứa đựng những giá trị văn hóa tích cực và giàu tính nhân văn.
Trần Đức Anh Sơn
Huế, xuân 2011
Tài liệu tham khảo:
- Bùi Thiết, Từ điển hội lễ Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1993.
- Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, Những đại lễ và vũ khúc của vua chúa Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 1992.
- Đỗ Trinh Huệ, Văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Việt Nam dưới nhãn quan học giả Cadière, Nxb Thuận Hóa, 2006.
- Huỳnh Thị Anh Vân, “Vấn đề bản sắc qua nghi lễ tế miếu: một cách tiếp cận nhân học”, Di sản văn hóa Huế. Nghiên cứu và Bảo tồn, Trung tâm BTDT Cố đô Huế xuất bản, Huế, 2007.
- Lê Hồng Lý, “Những hoạt động lễ hội tín ngưỡng của người Việt trong sự đổi mới kinh tế hiện nay”, Giá trị và tính đa dạng của Folklore châu Á trong quá trình hội nhập, Nxb Thế giới, 2006.
- Lê Trung Vũ và Nguyễn Hồng Dương, Lịch lễ hội, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997
- Lê Văn Thuyên, “Lễ hội ở Huế dưới thời Nguyễn”, Tuyển tập những bài nghiên cứu về triều Nguyễn, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển (Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế) và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp xuất bản, Huế, 2002.
- Lương Kim Thoa, “Các vua triều Nguyễn đối với tín ngưỡng truyền thống ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX”, trong Nghiên cứu và giảng dạy lịch sử thời Nguyễn ở Đại học, Cao đẳng sư phạm và phổ thông (Kỷ yếu hội thảo Khoa học quốc gia), Bộ Giáo dục và Đào tạo – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2002
- Ngô Đức Thịnh, “Mấy nhận thức về lễ hội cổ truyền”, Văn hóa Nghệ thuật, Số 11.1999.
- Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bản dịch của Viện Sử học, 15 tập, Nxb Thuận Hóa, 1993.
- Phan Thuận An, “Lễ hội cung đình triều Nguyễn nhìn từ góc độ văn hoá và du lịch ngày nay”, Sông Hương, Số 167, Tháng 1.2003.
- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, 5 tập, Nxb Thuận Hóa, 1992.
- Tôn Thất Bình, “Một số đặc điểm của lễ hội dân gian hiện nay ở Thừa Thiên Huế”, Văn hóa Nghệ thuật, Số 3 (117), 1994.
Leave a Reply
Your email is safe with us.