Bài viết được đăng lần đầu trên trang Văn Việt ngày 7/1/2021. Tự Do Tân Văn đăng lại đây với sự đồng ý của tác giả Triêu Nhan.
Nước Mỹ đang là tâm điểm cho nhiều người trên thế giới nhìn vào, vì vai trò quan trọng xưa nay của Mỹ, và vì cuộc bầu cử không tiền khoáng hậu đang diễn ra mà cho đến nay chưa ai biết chắc kết quả.
Trong bối cảnh đó tôi đọc bài viết “Donald Trump – Phải chăng một ngẫu nhiên lịch sử?” của Trường An với một sự quan tâm đặc biệt. Tôi có nhiều điểm đồng ý và không đồng ý với tác giả. Bài này nhằm làm rõ những điểm đó.
Sự suy sụp của nước Mỹ
Tác giả viết: “Mặc dù vẫn còn đó vị thế nền kinh tế số một và lực lượng quân sự số một thế giới, bên trong nước Mỹ là một sự suy sụp nhanh chóng mà điểm nhấn chính là sự chia rẽ sắc tộc sâu sắc, sự phân hóa giàu nghèo trầm trọng và sự vi phạm nhân quyền trắng trợn”.
Tôi đồng ý với nhận xét đó, mặc dù phần diễn giải và đi tìm nguyên nhân của tôi thì trái ngược với tác giả. Đúng như tác giả nói, Trump không tạo ra sự suy sụp của nước Mỹ, mà chỉ là người phơi bày ra những căn bệnh và vết thương trầm kha của nước Mỹ. Chính quyền Mỹ, chính giới Mỹ có đạo đức giả không? Chắc chắn là có, và chưa bao giờ chúng ta thấy rõ điều này hơn trong bốn năm vừa qua, đặc biệt là trong cuộc bầu cử.
Cái đạo đức giả to lớn nhất, nhức nhối nhất, đập vào mặt người Mỹ nhiều nhất, chính là chính sách bảo hiểm y tế Obamacare mà tác giả không hề nhắc tới.
Những người không hiểu gì về thực tế Mỹ thì cứ tưởng chính sách này nhân đạo lắm, hỗ trợ cho người thu nhập thấp để ai cũng có bảo hiểm y tế (BHYT). Nói một cách đơn giản, giá BHYT ở Mỹ là đắt nhất thế giới với chất lượng rất kém so với các nước phát triển. Chi phí y tế đắt một cách lố bịch. Ví dụ một viên aspirin có thể được tính giá 100 USD. Đứt tay chảy máu vào bệnh viện băng bó, có thể lãnh một hoá đơn dăm bảy ngàn. Một bà già bị chó cắn phải khâu vài mũi, hoá đơn hơn 26 ngàn USD. Một tuần dùng máy trợ thở, hoá đơn có thể lên đến tiền triệu. Hãng bảo hiểm, để có thể thanh toán mức phí đó, buộc phải thu phí bảo hiểm rất cao. Obamacare là chính sách bắt buộc mua BHYT, và bù đắp một phần giá đóng phí BHYT cho người có mức thu nhập thấp. Nghe rất hay. Nhưng vấn đề là giá BHYT mà người trung lưu đang đi làm phải đóng đã tăng tới mức có thể chiếm mất nửa thu nhập của họ. Nói cách khác, nó bảo toàn lợi nhuận khủng khiếp của các hãng dược bằng cách tăng phí của người này để bù cho người khác, hoàn toàn không chạm đến cái gốc của vấn đề, là chi phí y tế không hề minh bạch. Phá sản vì hoá đơn y tế chiếm một phần ba các vụ phá sản tại Mỹ.
Ai có lợi? Dĩ nhiên là các hãng dược, các hãng BHYT. Nhưng họ chỉ có thể kiếm lợi nếu toàn dân bị bắt buộc phải đóng với mức phí đó. Trước khi có Obamacare, nhiều người không mua BHYT vì giá quá cao. Thống kê cho biết khoảng 50 triệu người Mỹ không có bảo hiểm những năm đó. Với Obamacare người dân hầu như không có lựa chọn nào cả. Không đóng BHYT sẽ bị phạt cuối năm khi khai thuế. Không ai biết mình sẽ phải trả bao nhiêu tiền khi phải vào bệnh viện.
Chính vì chính sách đó làm giàu cho các hãng dược, không khó để đoán ra người ta đã lobby chính sách như thế nào. Cái đáng nói là, tham nhũng ở Mỹ tinh vi gấp ngàn lần ở Việt Nam. Đường đi của tiền từ các hãng dược đến tay các chính trị gia, qua nhiều công đoạn để trở thành “hợp pháp”. Cũng giống như Việt Nam, người ta chỉ có thể so tài sản của các chính trị gia trước và sau nhiệm kỳ, để ước lượng mức độ tham nhũng, chứ nói chuyện “bắt tận tay day tận trán” thì hầu như là bất khả thi.
Tất nhiên cũng có một số ít người có lợi, là những người thu nhập thấp. Nó tạo ra một nghịch lý quái gở, là không đi làm, hoặc khai thu nhập thấp, thì được hưởng những thứ mà người đi làm đóng thuế ngay thẳng không hề được hưởng. Cho nên đã có người được đề bạt lại xin không tăng lương vì sợ lọt ra khỏi khung được trợ cấp. Lương có tăng, mà mất trợ giúp y tế, thì còn nghèo và khổ hơn cả những người không làm gì cả, ở không và hưởng trợ cấp.
Thật ra, có rất ít người thật sự không thể tự làm việc nuôi thân. Chẳng qua các chính trị gia cần có tấm bung xung người nghèo để tiện thò tay vào túi người dân, tước đoạt thành quả của họ với lý do thật cao cả là “hỗ trợ người nghèo”. Cho nên các chính trị gia dân chủ rất thích các chương trình xã hội nhân danh xoá bỏ bất công, giảm nghèo, trợ cấp các loại. Muốn nuôi các chương trình đó, dĩ nhiên là phải tăng thuế. Người nghèo hưởng chút rơi vãi, phần chủ yếu trong tay giới chủ và giới làm chính trị. Như thế có phải là đạo đức giả không?
Cái ngọn cờ “lấy của người giàu chia cho người nghèo” này nghe rất quen, phải không? Chỉ có một sự thật mà các chính trị gia không nói ra, người nghèo ăn một, thì các vị ăn mười. Tình trạng đó đương nhiên huỷ hoại nhân cách của người nghèo, xói mòn động lực làm việc của tầng lớp trung lưu, giảm năng suất và của cải xã hội. Đúng như bà Thatcher nói: Vấn đề của chủ nghĩa xã hội là sớm muộn gì nó cũng tiêu sạch tiền của người khác.
Hiện trạng nước Mỹ
Hãy thử đi theo các luận điểm của tác giả.
Tự do: Nước Mỹ từng được coi là đất nước của tự do, như Reagan từng nói: “This is the last stand on earth”. Nếu nước Mỹ mà không có tự do, thì không còn nơi nào nữa. Không một nước nào mà người ta nói nhiều về tự do, sống chết cho tự do như nước Mỹ. Lịch sử Mỹ là lịch sử đi tìm tự do. Di dân đến Mỹ, nếu không kể những người có mục đích tìm kiếm trợ cấp, thì hầu hết là đi tìm tự do và cơ hội.
Ngày nay nước Mỹ có còn tự do hay không? Tác giả Trường An trả lời là không. Tôi cũng đồng ý là không.
Tuy nhiên, tác giả nói:
“Chương trình phản gián COINTELPRO (Counter Intelligence Program) của FBI dưới chỉ đạo của Hoover từ năm 1956 đã hợp pháp hóa tất cả các hoạt động phi pháp của FBI nhắm vào các đối tượng bị tình nghi “chống đối”. Hoạt động nhân quyền ư? Bảo vệ Môi trường ư? Chống chiến tranh Việt Nam ư? Đấu tranh cho nữ quyền ư? Đều vào tầm ngắm của COINTELPRO hết. Đừng nói tới Martin Luther King, Fred Hampton hay Mark Clark, các nhà đấu tranh bảo vệ quyền động vật cũng không thoát khỏi COINTELPRO vì dù gì thì cũng là… đấu tranh. Còn biện pháp? Bất kể.”
Khi nói những điều này, tác giả dẫn một tài liệu xuất bản năm 1975. Tôi không kiểm chứng được, không rõ trong câu trên, thông tin nào có trong sách, thông tin nào tác giả tự viết, nhưng hiện nay, cách thời điểm xuất bản cuốn sách đó đã gần nửa thế kỷ, tôi chưa từng nghe thấy có người hoạt động nhân quyền hay bảo vệ môi trường, chống chiến tranh, đấu tranh nữ quyền nào bị bắt giữ hay tấn công phi pháp.
Ngược lại, chỉ xin dẫn một ví dụ, đấu tranh cho nữ quyền. Phong trào nữ quyền version 1 và 2 quả là đã có đóng góp trong việc bảo vệ quyền lợi của phái nữ và nâng cao địa vị của họ trong xã hội. Nhưng đến version 3 và 4, thì nó đã đi quá xa đến mức trở thành bệnh hoạn.
Ví dụ gần nhất là ngày 5.1.2021 vừa qua, kết thúc lời cầu nguyện ở Hạ viện Mỹ, một dân biểu, ông Emanuel Cleaver, đã nói “Amen và Awoman” thay cho “Amen”, vốn chỉ là một câu kết có ý nghĩa “Đúng như thế” hay “Thật vậy”. Đó là câu nói nhằm xác định lại một lần nữa rằng những gì vừa nói ra là thật; vì thế cũng có thể hiểu “Amen” có nghĩa “Sự thật là vậy”. Nó hoàn toàn không hề có dính dáng gì đến giới tính). Tất nhiên Emanuel Cleaver, vốn là mục sư, làm sao mà không hiểu. Thế mà phải cố thêm “awoman” vào, dù là biện hộ là “có chút chơi chữ” để “ghi nhận kỷ lục số phụ nữ phục vụ trong Quốc hội khóa 117” [1], thì có phải là bị ám ảnh bình quyền đến phát bệnh hay không?
Nhưng quan trọng hơn là thực tế. Thực tế là ngày nay phụ nữ Mỹ không chỉ bình đẳng về cơ hội, quyền lợi, mức lương, mà còn được đối xử có phần thiên vị. Vợ dù chỉ ở nhà ngắm vuốt, không nhất thiết phải nuôi con, làm việc nhà, vẫn có quyền sở hữu tài sản của chồng. Như thế cũng được đi. Nhưng khi ly hôn, thì xem như đàn ông Mỹ tàn cả cuộc đời. Ấy là nói người bình thường, chứ giới thượng lưu quý tộc thì không tính. Đã có ông kỹ sư rất có tài và lương rất cao sau hai lần ly dị thì bỏ việc làm, trở thành người không nhà sống đầu đường xó chợ. Bởi vì tiền lương ông có bao nhiêu thì toà tước sạch gửi cho vợ cũ và các con. Hai bà vợ cũ không chịu đi làm, vì nếu đi làm và khai thuế thì phần tiền trợ cấp sẽ ít đi. Phần còn lại cho ông còn ít hơn là tiền trợ cấp cho người vô gia cư. Kết quả là thay vì có ba người lớn đi làm, nhà nước nuôi báo cô ba người ở không và năm đứa trẻ. Nói là nhà nước, nhưng thật ra là những người đang đi làm tử tế và lương thiện khác è cổ ra gánh đó thôi.
Một thứ đi quá xa khác là phong trào Me Too. Tất nhiên bảo vệ phụ nữ tránh khỏi quấy rối tình dục và trừng phạt thích đáng những kẻ không biết giới hạn là đúng, nhưng phong trào này đã đi xa đến mức trở thành mối đe doạ cho bất cứ ai, vì nó đã bị lạm dụng như một phương tiện để kiện cáo và làm tiền với những người đàn ông có chút danh tiếng, của cải.
Vì thế, nói rằng đấu tranh cho nữ quyền ngày nay có thể bị FBI truy bức, khó dễ, thật là một câu chuyện hoang đường.
Tuy tôi không đồng ý với các viện dẫn của tác giả, nhưng tôi lại đồng ý rằng tự do ở nước Mỹ ngày nay đã bị thu hẹp rất nhiều, và đó là một quá trình tiệm tiến trong mấy thập niên qua, thông qua công cụ chính là “văn hoá xoá sổ” và “sự phải đạo chính trị”. Đỉnh điểm là trong cuộc bầu cử này. FB đã xoá sổ nhiều nhóm theo quan điểm bảo hiến và cộng hoà mà không hề giải thích. Một nhóm có tên “Biden is not my president” vừa thành lập 3 ngày đã thu hút 1,7 triệu thành viên, cũng đã bị xoá sổ. Sự kiểm duyệt các phát ngôn trên không gian mạng xã hội chưa bao giờ trắng trợn và ráo riết như trong cuộc bầu cử vừa qua.
Một nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Stockton (tiểu bang New Jersey) có thể phải đối mặt với hình thức kỷ luật vì sử dụng một bức ảnh của Tổng thống Donald Trump làm hình nền trong cuộc họp video Zoom.
Robert Dailyda đã bị trường Đại học Stockton buộc tội vi phạm một phần quy tắc ứng xử của sinh viên vì các bạn cùng lớp của anh đã cảm thấy bị “xúc phạm” bởi hình ảnh này, theo Tổ chức Quyền cá nhân trong Giáo dục (Foundation for Individual Rights in Education hay “FIRE”).
Sau buổi học ngày 1 tháng 7, Dailyda đã bị các bạn cùng lớp chỉ trích trong một buổi nói chuyện riêng (private chat) trên mạng xã hội. Dailyda tự ý rời bỏ cuộc trò chuyện này, và sau đó viết trên trang fb của mình: “Đã đến mức tôi phải lên tiếng. Tôi yêu đất nước này. Chúng ta là một đất nước da dạng. Tôi tin rằng mọi người đều phải có cơ hội như nhau và tôi cam kết coi điều đó là ưu tiên. Ngoài chuyện ấy, tôi đã quá chán ghét mưu mô cánh tả của tổ chức Black Lives Matter và những người da trắng tự thù ghét bản thân họ. Tôi đã thấy những điều này được thể hiện trong lớp học tiến sĩ của tôi tại Stockton và giới truyền thông nói chung. Tôi sẽ không lùi bước. Nếu chúng ta không thể vượt qua trở ngại này, tôi sẵn sàng chiến đấu đến cùng vì đất nước, chống lại những kẻ muốn phá hoại quốc gia. Tôi tin rằng cũng có nhiều người cùng ý hướng với tôi.”
Hai ngày sau, cảnh sát trường liên lạc với Dailyda vì họ nhận được báo cáo anh đã đưa ra “những lời lẽ có tính cách đe dọa”. Sau khi phỏng vấn Dailyda, cuối cùng ty cảnh sát đã không truy tố. Nhưng màn kịch vẫn chưa kết thúc. Một tuần sau, vào ngày 10 tháng 7, Dailyda được triệu họp ở Văn phòng Tiêu chuẩn Chăm sóc Cộng đồng. “Họ yêu cầu anh trình bày quan điểm chính trị và giải thích về hình nền Zoom và bài đăng trên Facebook của anh ta”. Sau cuộc họp, ban điều hành Đại học Stockton đã chính thức buộc tội Dailyda vi phạm gần nửa tá điều khoản trong Bộ Quy tắc Ứng xử của nhà trường, bao gồm: Hành vi gây rối; Kỳ thị; Sách nhiễu; Góp phần tạo môi trường thù nghịch; Gây hại.
Vì các cáo buộc trên, Đại học Stockton đang xem xét nhiều phương án để áp dụng kỷ luật đối với Dailyda, bao gồm đuổi học tạm thời, phạt tiền, bắt thi hành công tác phục vụ cộng đồng hoặc yêu cầu anh ta tham dự một cuộc “hội thảo công bằng xã hội” và “hội thảo đưa đến quyết định tốt”.
Theo tổ chức FIRE, với sứ mệnh “bảo vệ và duy trì quyền tự do cá nhân của sinh viên và giảng viên tại các trường cao đẳng và đại học ở Hoa Kỳ”, trường đại học Stockton đang vi phạm quyền tự do ngôn luận của Dailyda bằng cách trừng phạt anh.
Đại học Stockton xác nhận họ đã mở một cuộc điều tra về Dailyda, nhưng không bình luận gì thêm, viện dẫn luật bảo mật. Giám đốc phụ trách quan hệ tin tức và truyền thông của Đại học Stockton, Diane D’Amico, thông báo với tờ Washington Examiner: “Vụ này vẫn còn để ngỏ và chưa có biện pháp kỷ luật nào được thi hành.” Phát ngôn viên của tổ chức FIRE, Zachary Greenberg, tuyên bố: “FIRE hy vọng trường Đại học Stockton tỉnh ra và hủy bỏ các hành vi kiểm điểm đối với Dailyda. Chúng tôi sẽ cho Stockton một cơ hội để sửa sai”. [2]
Một sự kiện khác gây chú ý: Đại học Fordham (New York) đã đe dọa đuổi học, quản thúc một sinh viên gốc Hoa có tên Austin Tong – vì anh không đồng tình với Black Lives Matter, cũng như việc anh chụp hình cùng với một cây súng – nhân dịp kỉ niệm sự kiện Thiên An Môn đau thương của quê hương anh. Anh Austin Tong đã đăng một bài đăng trên Instagram vào ngày 3/6 – bức ảnh chụp cựu Cảnh sát David Dorn đã bị giết với chú thích “Tất cả là một lũ đạo đức giả” – vì cả xã hội không hề lưu tâm tới vụ giết người này. Sau đó, vào ngày 4/6 (tròn 31 năm kỉ niệm sự kiện Thiên An Môn), anh Austin đã đăng một tấm ảnh mình cầm một khẩu súng trường (mà anh đã có giấy phép sử dụng hợp pháp) với chú thích “Đừng chà đạp lên tôi #198964” (tức ngày 4/6/1989) để kỷ niệm 31 năm vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn. Anh Austin sau đó đã bị Đại học Fordham đe dọa đuổi học, kỷ luật quản chế, cấm anh ta tham gia các hoạt động ngoại khóa, cấm tham gia vào các chức vụ ở văn phòng sinh viên, các nhóm sinh viên và thể thao trong năm học sắp tới. Và nếu Tong vi phạm quản chế, anh ta có thể bị đuổi học hoặc đình chỉ.
“Họ muốn bất kỳ tiếng nói nào mà họ không thích phải im lặng, và họ khiến tôi im lặng vì họ không thích những gì tôi nói” – anh Tong giải thích.
“Fordham đã hành động giống chính phủ Trung Quốc hơn là một trường đại học của Mỹ, xử phạt nghiêm khắc một sinh viên chỉ vì ý kiến chính trị ngoài khuôn viên nhà trường. Khi cấm Tong đến trường, quản chế kỷ luật, đe dọa đình chỉ và ban hành các biện pháp trừng phạt khác, Fordham đã phản bội không chỉ Tong, mà còn cả lý tưởng của chính mình” – Tổ chức bảo vệ quyền tự do ngôn luận FIRE viết trong một lá thư gửi đến trường Đại học Fordham vào ngày 17/7. [3]
Trong khi đó, nhà văn gốc Việt Viet Thanh Nguyen, trong một bài trên The Guardian, đã viết: “Free speech has never freer” (Tự do ngôn luận chưa bao giờ lại có mức độ tự do lớn như hiện nay). [4] Viet là một người cánh tả rất năng động, nhiệt thành ủng hộ phong trào Black Lives Matter và tất cả nghị trình của Đảng Dân chủ. Từ đó có thể thấy, trong các trường đại học, trên mạng xã hội và truyền thông dòng chính, “tự do” có nghĩa là có toàn quyền nói những gì phù hợp với quan điểm của Đảng Dân chủ và cánh tả. Nghe cũng rất quen, đúng không?
Tình trạng đàn áp ý kiến đối lập tồi tệ đến mức 152 nhà văn và hoạt động văn hoá phải cùng ký một bức thư ngỏ kêu gọi sự khoan dung với những tư tưởng khác biệt, duy trì một môi trường tư tưởng đa dạng. [5]
Bình đẳng: Điểm thứ hai mà người Mỹ vẫn tự hào là sự bình đẳng xã hội. Bình đẳng giai cấp, bình đẳng giới tính, bình đẳng chủng tộc. Tác giả phủ nhận cả ba.
Về bất bình đẳng thu nhập, về cơ bản tôi đồng ý với tác giả là khoảng cách thu nhập đang ngày càng giãn rộng, nhưng nhấn mạnh hai điểm. Một, tình trạng bần cùng hoá của tầng lớp trung lưu, nhất là nhóm thấp nhất trong khu vực này, khiến cuộc sống của họ còn khó khăn hơn cả những người nhận trợ cấp, nhất là so họ với những người làm việc nhận tiền mặt và khai thuế thấp. Hai, nước Mỹ có rất nhiều chính sách xã hội trợ giúp người nghèo. Trong thập niên 1960, đã có 22 ngàn tỉ USD chi cho các chương trình này, trong số tiền đó, chỉ 30% thực sự đến tay người nghèo, còn 70% thì vào tay những người “phục vụ” người nghèo. Bản thân người nghèo đã là một công cụ cho người khác kiếm lợi. [6]
Bất bình đẳng giới tính đã đề cập ở trên. Ở đây chỉ xin nói về bất bình đẳng sắc tộc. Tất cả những gì tác giả viết trong bài về bất bình đẳng sắc tộc là sự nhắc lại y nguyên những gì Đảng Dân chủ Mỹ muốn in vào đầu óc mọi người. Thực tế khác rất xa.
Không ai phủ nhận lịch sử lập quốc của Mỹ gắn với chế độ nô lệ và bất bình đẳng sắc tộc. Nhưng đó là lịch sử và quá khứ. Ngày nay, về mặt luật pháp, không những không có bất kỳ điều khoản nào hạn chế quyền bình đẳng sắc tộc, mà trái lại, còn nhiều chính sách ưu tiên cho các cộng đồng da màu. Đây là điều rất dễ dàng nhìn thấy trong xã hội Mỹ hiện nay: Theo nhận xét của một người bạn có 20 năm sống ở Mỹ, “Nếu bạn là chủ doanh nghiệp mà người ta phát hiện bạn có hành vi phân biệt chủng tộc thì bạn sẽ bị kiện sạt nghiệp; nếu bạn là nhân viên công sở bạn sẽ mất việc và hồ sơ của bạn sẽ bị bôi đen vĩnh viễn; nếu bạn thể hiện hành vi hay phát ngôn phân biệt chủng tộc ở nơi bạn sống, bạn sẽ bị mọi người xa lánh, nếu họ quay được video đưa lên mạng thì bạn sẽ phải bán nhà đi và chuyển đến vùng khác sinh sống.”
Nhưng cũng khó mà nói là không có một thái độ kỳ thị được che giấu. Cần phải nhìn nó một cách khách quan, không bị chi phối bởi thiên kiến chính trị và đảng phái. Tuy số người Mỹ da đen giàu có và thành công trên mọi lãnh vực nhiều không đếm xiết, vẫn phải thừa nhận rằng trong thực tế còn nhiều cộng đồng da màu sống khó khăn và bị coi thường, bị định kiến. Nhưng thực tế không hề giống như những gì Đảng Dân chủ và giới hàn lâm thiên tả thường giải thích. Hầu hết người Mỹ không phân biệt màu da. Điều gây ra định kiến không phải là màu da, mà là tính cách và văn hoá. Những điều này đang bị nhân lên bởi chính sách của Đảng Dân chủ.
Có một học giả người Mỹ gốc Phi đã viết về điều này rất xác đáng, Walter Williams, giáo sư kinh tế học ở Đại học Mason. Ông là một cây đại thụ giữa những người Mỹ gốc Phi có tư tưởng tự do, một trong những người đầu tiên lên tiếng chống lại các chính sách phúc lợi mà nhà nước Mỹ ban phát cho cộng đồng người da đen. Ông cho rằng các chính sách phúc lợi này đã gây tổn hại cho cộng đồng da đen hơn tất cả những gì mà chế độ nô lệ gây nên, bởi vì nó phá vỡ cấu trúc gia đình của người Mỹ da đen. Các vấn nạn của người Mỹ da đen, tỉ lệ thất nghiệp cao, tỉ lệ tội phạm cao, tỉ lệ bỏ học cao, tỉ lệ sinh con ở tuổi vị thành niên cao… đều bắt nguồn từ đây. Ông là người đã có nhận định xác đáng là quan hệ sắc tộc trong xã hội Mỹ đã trở nên tồi tệ hơn trong tám năm của Tổng thổng Obama và sẽ bùng nổ trong nhiệm kỳ Tổng thổng của Trump. Ông là người đã chỉ ra tính đạo đức giả của nhóm quyền lực cấp tiến da trắng, thuộc Đảng Dân chủ, những người đã gởi con đến các trường tư nhưng cấm đoán người Mỹ da đen ở đô thị được chọn trường cho con cái của họ. Ông thuộc nhóm những tiếng nói trí thức Mỹ da đen đơn lẻ, chống lại những thế lực quyền lực rất mạnh đã và đang làm giàu trên các chính sách nhấn chìm người Mỹ da đen trong sự bần cùng. [7]
Cho đến thập niên 1960, có 85% gia đình người Mỹ gốc Phi là những gia đình có cha và mẹ cùng nuôi dạy con cái. Ngày nay, con số đã đảo ngược: 75% gia đình Mỹ gốc Phi là những gia đình cha/mẹ đơn thân. Đó là vì chính sách trợ cấp của Đảng Dân chủ đã khiến không ít người chọn sinh con như một cách kiếm tiền mà không phải lao động. Điều này hiển nhiên là đã tạo ra một vòng xoáy hệ quả tồi tệ: những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong những gia đình không cha, những phụ nữ có con từ năm 14 tuổi, có năm sáu đứa con mà cả mẹ lẫn con đều không biết cha chúng là ai, sống trong những khu ổ chuột, thiếu giáo dục và thiếu cơ hội cho tương lai. Nhưng có những người cần phải duy trì một cộng đồng da màu như thế, để họ có lý do biện minh cho một nhà nước lớn thò tay vào túi mọi người dân nhằm “tạo ra bình đẳng” “xoá bỏ nghèo đói” cho những người yếu thế này.
Black Lives Matter không hề là một phong trào tranh đấu cho sự tiến bộ và vươn lên của người Mỹ gốc Phi. Trái lại, nó kích động sự căm thù, nó cố ý khoét sâu chia rẽ sắc tộc, phá huỷ lòng tự trọng của những người da đen đang bị sử dụng làm công cụ chính trị và huỷ diệt tinh thần Mỹ.
Trở lại cái luận điểm chủ yếu của tác giả Trường An về sự đạo đức giả của chính quyền và chính giới Mỹ, tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì điều này, chỉ bổ sung thêm một điểm: Trump chính là người đã vạch trần bộ mặt đạo đức giả và tham nhũng ấy, một việc chưa có tổng thống nào trước Trump dám làm, dù là thuộc đảng nào. Đó là lý do khiến những kẻ thủ lợi từ sự đạo đức giả ấy quyết tâm hạ bệ ông với bất cứ giá nào, và cũng chính là lý do vì sao người dân Mỹ ủng hộ ông nồng nhiệt đến mức chưa từng có như vậy. Ông không hề là người hoàn hảo, nhưng ông đã thực sự chiến đấu cho người dân Mỹ, đem lại cho họ niềm hy vọng khôi phục lại một nước Mỹ mà họ đã từng có: một nước Mỹ đem lại cơ hội cho bất cứ ai làm việc siêng năng, có óc sáng tạo, có chí vươn lên, một nước Mỹ tôn trọng quyền tự do của người dân và giới hạn tối đa sự can thiệp của chính quyền, một nước Mỹ khích lệ sự đa dạng về tư tưởng và văn hoá, một nước Mỹ thượng tôn luật pháp, một nước Mỹ không cúi đầu trước Tàu cộng. Giới hàn lâm Mỹ trong các trường đại học và giới truyền thông Mỹ từ lâu đã trở nên tha hoá, phản bội lợi ích của nước Mỹ và chà đạp những giá trị đã làm nên sự thịnh vượng của nước Mỹ để phục vụ cho giới tài phiệt đang làm giàu nhờ toàn cầu hoá, đã không bao giờ đề cập đến điều đó.
Nếu không nhìn thấy điều này, tôi không nghĩ là phong trào đấu tranh cho Việt Nam có chút hy vọng nào cả. Bởi vì họ đang chiến đấu chống lại một thứ tồi tệ để thay thế nó bằng một thứ cũng tồi tệ không kém.
Triêu Nhan
Ghi chú:
[1] https://www.independent.co.uk/news/world/americas/us-politics/congress-cleaver-prayer-ending-awoman-b1782818.html [2] https://www.theblaze.com/news/new-jersey-student-faces-harsh-disciplinary-action-for-having-trump-background-on-zoom-conference [3] https://nypost.com/2020/07/23/fordham-student-wrongfully-penalized-for-social-media-posts-suit/ [4] https://www.theguardian.com/books/2020/jul/24/free-speech-has-never-been-freer-pankaj-mishra-and-viet-thanh-nguyen-in-conversation [5] A Letter on Justice and Open Debate | Harper’s Magazine.Bản dịch tiếng Việt: http://www.lypham.net/?p=13183
[6] God’s Chaos Code: The Shocking Blueprint that Reveals 5 Keys to the Destiny of Nations. Tác giả: Lance Wallnau. Xuất bản tháng 10.2020. [7] Đoạn viết về giáo sư William là tham khảo một note của bác Trần Minh Khôi.
Leave a Reply
Your email is safe with us.