Bên cạnh việc truyền bá niềm tin tâm linh, các tôn giáo còn chú ý nhiều đến việc học tập của giới trẻ. Trong số ra mắt này, chúng tôi xin giới thiệu một bài viết của một vị đạo trưởng Cao Đài về Viện đại học Cao Đài, một trường đại học của Cao Đài giáo trước 1975 đã từng tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà ít người biết. – TDTV
Từ buổi đầu của nền Đại Đạo, Hội Thánh Cao Đài cùng các bậc chức sắc Đại Thiên Phong tiền bối đã để nhiều tâm huyết trong việc giáo dục con em nhà Đạo, ngõ hầu đào tạo nhiều nhân tài có đủ khả năng trình độ, đạo đức để giúp ích cho Đạo và Đời. Trong công cuộc giáo dục đào tạo nhân tài ấy, Hội Thánh đã tạo lập trường Đạo Đức Học Đường, sau này có thêm trường Trung Tiểu học Lê Văn Trung cũng như các Học đường tại các Châu Đạo, Tộc Đạo địa phương, các trường Minh Đức Tân Dân (quen gọi là trường Đại Đồng). Khi Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc cầm giềng mối Đạo, Thánh ý của Đức Ngài muốn đào tạo trình độ nâng cao hơn nữa, vì lúc này các trường của Đạo chỉ mới giảng dạy ở bậc tiểu học và trung học. Do đó, trong tiến trình kiện toàn và phát triển đạo Cao Đài, Đức Phạm Hộ Pháp khi quy hoạch vùng Châu Thành Thánh Địa Tây Ninh, đã chỉ định một khu đất rộng 7 mẫu nằm trên đường Ca Bảo Đạo (ngoại ô Tòa Thánh Tây Ninh) để xây cất ngôi trường giảng dạy bậc đại học với tên gọi Đạo Đức Đại Học Đường, đó chính là tên gọi cũng như là bước đầu tiên trong việc hình thành Viện Đại Học Cao Đài sau này. Tuy nhiên, vì lý do thời cuộc mà ý định của Đức Phạm Hộ Pháp vẫn chưa thực hiện được cho đến tận lúc Đức Ngài triều thiên vào năm 1959. Khi Đức Thượng Sanh Cao Hoài Sang lên chấp chưởng Đạo quyền sau khi Đức Hộ Pháp triều thiên, Đức Ngài đã tiếp tục xúc tiến công cuộc xây dựng Viện Đại học Cao Đài theo Thánh ý của Đức Phạm Hộ Pháp lúc sanh tiền.
Ngày 8 tháng 8 năm 1970, phiên nhóm của Hội Thánh Hiệp Thiên Đài tại Giáo Tông đường dưới quyền chủ tọa của Đức Thượng Sanh thảo luận việc xây cất ngôi Đại Học Đường.
Ngày 14 tháng 9 năm 1970, tại Đại hội Hạ Bán Niên của Hội Thánh Cửu Trùng Đài, việc xây cất Đại Học Đường tiếp tục được đề cập với toàn hội. Đến ngày 3 tháng 12 năm 1970, phiên nhóm của Hội Thánh lưỡng đài Hiệp Thiên, Cửu Trùng và Phước Thiện đồng quyết nghị thành lập Viện Đại học Cao Đài. Nhưng chỉ mới vừa thành lập Ban nghiên cứu kế hoạch xây cất Đạo Đức Đại Học Đường ngày 06 tháng 12 năm Canh Tuất (dl: Thứ Bảy, 02–01–1971) thì Đức Cao Thượng Sanh cũng đăng Tiên không lâu sau đó. Sau cuộc lễ Thánh tang Đức Cao Thượng Sanh, Hội Thánh lúc này do ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức – Quyền Chưởng quản Hiệp Thiên Đài cầm giềng mối Đạo đã đẩy mạnh tiến độ xây dựng Viện Đại Học Cao Đài để hoàn thành Thánh ý của Đức Hộ Pháp cũng như hoài bão lúc sanh tiền của Đức Thượng Sanh trong việc kiến tạo nhơn tài cho đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của Hội Thánh cùng sự chung tay của toàn đạo và sự giúp sức các vị nhân sĩ trí thức, cuối cùng Viện Đại học Cao Đài cũng được thành lập theo giấy phép số: 7999/GD/VP ngày 29–09–1971 của bộ Giáo dục Việt Nam Cộng hòa với hai phân khoa: Nông lâm mục và Thần học Cao Đài giáo, đích thân Tổng trưởng Giáo dục Ngô Khắc Tỉnh lên Tòa Thánh Tây Ninh để trao văn kiện thành lập Viện Đại học Cao Đài ngay ngày hôm sau 30–09–1971. Đến ngày 24–11–1971, bộ Giáo dục đã bổ túc giấy phép số 9335/GD lập thêm phân khoa Sư phạm gồm 2 ngành: Văn khoa và Khoa học. Ngày 13 tháng 11 năm 1971, Hội Thánh Cửu Trùng Đài ra Thông tri số 271/TCPS-TT kêu gọi toàn đạo chung tâm xây dựng Đại Học Đường, hầu tạo nhơn tài trong tương lai cho đạo.
Ngày 27 tháng 11 năm 1971, ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức – Quyền Chưởng quản Hiệp Thiên Đài ban hành Thánh lịnh số 19/TL/HP.QCQ thành lập Hội đồng Quản trị Viện Đại học Cao Đài. Ngày 12 tháng 12 năm 1971, ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức – Quyền Chưởng quản Hiệp Thiên Đài ban hành Thánh lịnh số 1/TL/HP.QCQ thành lập Ban Giám đốc điều khiển viện Đại học Cao Đài.
Kỳ thi tuyển sinh viên đầu tiên được tổ chức tại trường Trung – Tiểu học Đạo Đức Học Đường ngày 20–12–1971 với 367 thí sinh dự tuyển, nhập học ngày 28-12-1971 (đến năm 1974 thì viện đã có trên dưới 1.100 sinh viên). Để kịp khai giảng năm học 1971-1972, Hội Thánh quyết định thiết kế nhà Hội Vạn Linh trong nội ô Toà Thánh Tây Ninh tạm làm Viện Đại học Cao Đài. Lễ đặt viên gạch đầu tiên khởi công xây cất tòa nhà Viện Đại học Cao Đài diễn ra vào ngày 09 tháng 01 năm Nhâm Tý (dl 23–02–1972) với ngân khoảng dự trù 400 triệu đồng, tại khu đất có diện tích 7 mẫu trên đường Ca Bảo Đạo mà Đức Phạm Hộ Pháp đã chỉ định trước đó, trong đó diện tích xây viện là 19.500 mét vuông. Kể từ đây ở Tây Ninh, Cao Đài giáo đã có Viện Đại học Cao Đài gần kề với biên giới Campuchia để mở ra ánh sáng giáo dục cho người dân nghèo ở các tỉnh miền Trung, miền Đông. Hội Thánh hết sức tạo điều kiện cho sinh viên với mức học phí thấp và cấp nhiều suất học bổng cho các sinh viên xuất sắc. Mỗi năm sinh viên chỉ phải đóng học phí là 25.000 đồng. Những sinh viên nghèo có thể ăn cơm miễn phí tại trai đường Tòa Thánh.
Khi biến cố 30/4/1975 xảy ra, Viện Đại học Cao Đài cùng chịu chung số phận như các Viện đại học tư thục khác ở miền Nam là bị buộc phải đóng cửa và bàn giao cho chính quyền mới. Ngày 19/5/1975, một buổi lễ bàn giao chưa đầy 10 phút đã diễn ra với sự hiện diện của ngài Bảo Học Quân Nguyễn Văn Lộc – Quyền Viện trưởng, Giáo sư Nguyễn Văn Sâm – Phụ tá Viện trưởng và Tiến sĩ Mai Thanh Truyết – Giám đốc học vụ với đại diện của chính quyền. Trên chuyến xe về lại Sài Gòn ngài Bảo Học Quân Nguyễn Văn Lộc đã bị chặn xe bắt đưa đi cải tạo gần mười năm vì ngài là chức sắc cao cấp của đạo Cao Đài cũng như là cựu Thủ tướng Việt Nam Cộng hoà.
Hiện nay, Viện Đại học Cao Đài khi xưa đã trở thành trường THPT Lý Thường Kiệt tại thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.
PHỤ LỤC:
TỔ CHỨC VIỆN ĐẠI HỌC CAO ĐÀI
A- HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ
I- Thành phần:
Viện đặt dưới sự điều hành của một Viện trưởng, được bổ nhiệm bởi ngài Hiến Pháp Trương Hữu Đức – Quyền Chưởng quản HTĐ theo sự bầu cử của Hội đồng Quản trị, có một ban Cố vấn Bảo trợ giúp ý kiến chuyên môn và bảo trợ về tài chánh.
Thành phần Hội đồng Quản trị chiếu theo Thánh lịnh số 19/TL/HP.QCQ như sau:
– Ngài Khai Đạo Phạm Tấn Đãi: Chủ tịch.
– Giáo sư Trần Văn Tấn: Phó chủ tịch.
Hội viên gồm có: Bảo Đạo Hồ Tấn Khoa, Hiến Đạo Phạm Văn Tươi, Đầu Sư Thượng Sáng Thanh, Quyền Thượng Chánh Phối Sư Thượng Tửng Thanh, Thừa Sử Lê Quang Tấn và Viện trưởng Viện Đại học.
II- Thẩm quyền:
Hội đồng Quản trị có các thẩm quyền sau:
– Ấn định chánh sách và kế hoạch phát triển viện
– Ấn định tổ chức các cơ quan của viện
– Ấn định quy chế nhân viên giảng huấn của viện
– Đề nghị việc bổ nhiệm hoặc giải nhiệm Viện trưởng và Ban Cố vấn Bảo trợ
– Thỏa hiệp việc bổ nhiệm hoặc thăng thưởng các nhân viên của viện
– Kiểm soát việc quản trị nhân viên của viện
– Cứu xét dự án ngân sách và chương trình hoạt động hằng năm của viện
– Kiểm soát việc thi hành ngân sách của viện
– Tìm tài nguyên và quản trị tài sản của viện
– Quyết định các việc đầu tư tài chánh
– Thay mặt viện để vay tiền và trả nợ trong khuôn khổ pháp định.
– Nhận các khoản trợ cấp của Hội Thánh, chính quyền hay các cơ quan khác trong nước và ngoại quốc sinh tặng hoặc di tặng.
– Phúc trình hằng năm cho Hội Thánh
– Ấn định nội quy của viện.
B- BAN GIÁM ĐỐC
I- Thành phần:
Thành phần của Ban giám đốc điều khiển viện gồm:
– Viện trưởng
– Cố vấn viện trưởng
– Khoa trưởng Sư phạm
– Khoa trưởng Nông lâm mục
– Phụ tá viện trưởng
– Tổng thơ ký
II- Nhiệm vụ:
a.- Viện trưởng có nhiệm vụ tổ chức viện, điều hành tổng quát và tìm mọi biện pháp hữu hiệu để phát triển cơ sở viện. Viện trưởng chịu trách nhiệm trước Hội đồng Quản trị.
b.- Phụ tá viện trưởng giúp viện trưởng trong các vấn đề được giao phó như giao tế, giảng huấn, sinh viên vụ v.v…
c.- Các Khoa trưởng do viện trưởng bổ nhiệm có phận sự điều khiển trực tiếp Phân khoa liên hệ.
d.- Tổng thơ ký điều hành cơ quan hành chánh của viện. Gồm có hai ban: Giám đốc Hành chánh và Giám đốc Học vụ.
(Phụ tá viện trưởng, Khoa trưởng và Tổng thơ ký bổ nhiệm bởi Chủ tịch Hội đồng Quản trị chiếu đề nghị của Viện trưởng).
C- BAN CỐ VẤN BẢO TRỢ
I- Thành phần:
Ban Cố vấn Bảo trợ (được bổ nhiệm bởi Hội đồng Quản trị) gồm có các vị Chức sắc Hội Thánh Cao Đài, các thân hào nhân sĩ thuộc đủ mọi giới, có nhiệt tâm thiện chí trong vấn đề phát triển giáo dục cũng như lo lắng đến việc đào tạo các thế hệ tương lai.
Khi mới thành lập Ban Cố vấn Bảo trợ gồm có:
– Quí Ngài Bảo Thế Lê Thiện Phước, Bảo Sanh Quân Lê Văn Hoạch và Bảo Y Quân Trương Kế An, Ngọc Chánh Phối Sư Ngọc Nhượn Thanh, Quyền Thái Chánh Phối Sư Thái Hiểu Thanh, Chơn Nhơn Lê Văn Trung – Chưởng quản Phước Thiện, Chưởng Ấn Nguyễn Văn Hội, Cải Trạng Nguyễn Văn Kiết, Giáo Hữu Thái Cá Thanh.
– Các vị Dân biểu: Trần Văn Tuyên – cựu Phó thủ tướng VNCH, Hồ Ngọc Cứ.
– Các vị Nghị sĩ: Hồng Sơn Đông, Nguyễn Hữu Lương – nguyên là Ngọc Giáo Hữu, Võ Văn Truyện – Phó Chủ tịch Thượng viện VNCH, bác sĩ Nguyễn Duy Tài.
– Các vị Kỹ sư: Tôn Thất Trình – cựu Tổng trưởng Canh nông, Lâm Văn Trí – cựu Uỷ viên Canh nông, Trương Canh Thân, Võ Văn Nhung – cựu Thứ trưởng Công Kỹ Nghệ.
– Các vị Giáo sư: Tăng Kim Đông – cựu Tổng trưởng Văn hóa Giáo dục, Nguyễn Văn Trường – cựu Tổng trưởng Giáo dục, Trần Cửu Chấn – cựu Tổng trưởng Giáo dục.
– Và các vị: Đạo hữu Tam Đức – Chủ nhiệm kiêm chủ bút nhựt báo Tiếng Việt, Đạo hữu Lê Văn Bá – Tổng giám đốc hãng Kyxaco, Đỗ Vạn Lý – cựu Đại sứ tại Hoa Kỳ, cụ Trần Văn Quế – giảng sư Đại học Văn khoa Sài Gòn và Vạn Hạnh, Trần Khắc Tính – Tổng giám đốc liên vận bảo hiểm Hội đồng Kinh tế Xã hội, Bùi Văn Quang – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Kiêm Tín hãng, Nguyễn Thị Vui – Luật sư Tòa Thượng thẩm, Hồ Văn Huê – Tổng giám đốc vận tải bảo hiểm Hội đồng Kinh tế Xã hội.
II- Nhiệm vụ;
Ban Cố vấn Bảo trợ gồm nhiều nhân vật có tiếng tăm trong các giới, có nhiệm vụ tổng quát:
– Cố vấn chuyên môn về các vấn đề điều hành và phát triển viện.
– Bảo trợ về phương diện tài chánh, trang bị.
Thừa Phong
3 Comments
Leave your reply.