Việt Nam là một nước mà dân chúng đã có tập quán định cư, xã hội sinh hoạt đặt nền móng trên nông nghiệp, thâm canh lúa nước đã nhiều ngàn năm. Nên sự học của dân ta có nhiều yếu tố đặc thù từ khởi thuỷ.
Làm ruộng lúa, là quanh năm suốt tháng phải gần như ở ngoài đồng. Cày, bừa, gieo mạ, cấy trồng, phân bón, tát nước, làm cỏ, gặt hái, phơi phóng, giã gạo… Để có được bát cơm, cả gia đình vợ chồng con cái phải tham gia vào công việc đồng áng, vườn tược, chăm sóc gia súc gia cầm… lắm khi từ sáng đến tối mịt mới về nhà.
Cho nên sự học đã không được trọng vọng trong phần lớn nhà nông, mà sự học tập trung trong trường ốc được đẩy vào vai trò thứ yếu. Mãi tận đến đầu thế kỷ 20 vẫn vậy. Tại các thôn làng, may ra mới có một ông thầy và dăm đứa học trò con nhà khá giả, ngồi ê a đọc tụng và tập viết chữ Thánh Hiền.
Tuyệt đại đa số người dân ta, sự học tự ngàn đời đã được linh hoạt chuyển hoá sang hình thức truyền khẩu. Phương tiện chuyển tải sự học là Ca Dao, Tục Ngữ, Hát Đúm, Hát Ví, Hò, Ru … Là những lời vần điệu hấp dẫn, dễ nhớ, được các bậc trí giả đặt ra và người dân học lấy rồi dạy nhau ngay cả trong lúc làm lụng, nghỉ ngơi, hay… cả trong lúc thiu thiu ngủ.
Cho nên ngày xưa, dân ta vốn không cần biết chữ cũng vẫn có học như thường. Sự học bao hàm mọi mặt của đời sống: ‘Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Học cách cày bừa, đan lát, học cách ứng xử giao tiếp, học kính trên nhường dưới, học chia cơm xẻ áo, học lòng tư, trọng, học tinh thần yêu kính ông bà cha mẹ, học nghĩa nhân quần, học chí báo quốc… đủ cả. “Người ta đi cấy lấy công, còn tôi đi cấy còn trông nhiều bề…”
Trẻ thơ nghe lời ru của Mẹ mà học, thiếu niên ê a lời đồng dao mà học, tráng niên nghe câu hò, câu hát ví đâu đó ở ruộng nương mà học, lão nhiêu nghe câu sấm câu ký mà học. Thời gian học tập kéo dài cả đời người. Không gian học tập trở thành không gian vũ trụ làng xã. Phương pháp học tập là lấy tai để nghe, lấy mắt để thấy, lấy trí để biết, và lấy tâm thân để làm theo. Có trường học đương đại nào lớn như thế và đòi hỏi con người phải theo học suốt đời như thế hay không!?
Sự học của nòi Bách Việt, theo đó, tự bản chất là một nền giáo dục toàn vẹn trên ý nghĩa và mục đích của sự học: Học Để Biết Cách Sống Như Con Người. Cho nên tinh thần trọng học của dân Việt tự nguyên sơ cổ đại đã có, ám thị, và mặc định. Kẻ nào trong sinh hoạt đời sống mà có biểu thị ‘không ra con người’ trên một phương diện nào đó, bị mắng cho là ‘mất dạy’. Dù những người đang mắng mỏ đấy đấy có thể suốt đời chẳng có ghé mông trên ghế nhà trường ngày nào.
Cho đến khi đất nước du nhập sự học của Tống nho thì sự học bị hỗn loạn. Sụ học để làm quan được giai cấp thượng lưu cấu kết với đương triều, nâng lên hàng cao quý, như một phương tiện để tiến thân. Học để được bổng lộc Vua ban, học để được no cơm ấm cật, hiển vinh gia tộc. Người không đến trường bị rẻ rúng cho là dân đen ‘thất học’, ngu dốt. Ảnh hưởng nặng nề đến văn hoá hồn nhiên thuận đạo của Bách Việt hằng nghìn năm.
Mãi đến khi ‘Tây học’ được du nhập vào nước Việt đương đại, thì sự o ép trên định nghĩa của sự học lại còn thu hẹp hơn. Con người được thụ huấn một nền giáo dục Tây phương, chỉ bất quá là thủ đắc một học thuật chuyên ngành nào đó, cũng được cho là kẻ ‘có học’, và được xã hội thượng lưu và giai cấp cầm quyền ưu đãi mọi đàng, ban cho quyền lợi kinh tế hậu hĩnh, và quyền lực chính trị mạnh mẽ trong xã hội. Những người Tống nho cựu học đành phải bỏ bút lông cầm bút chì để một cách gượng gạo, “Cái học ngày nay đã hỏng rồi, mười người đi học chín người thôi…”
Thế. Nhưng cũng trong buổi giao thời Đông Tây đối chạm chan chát như thế trên quyền lợi và quyền lực thì sự học nguyên sơ ngàn xưa vẫn âm thầm phát huy hiệu quả. Bao nhiêu gia đình khá giả phú hào Miền Nam vẫn cho con theo bước Cụ Phan Bội Châu trên lối mở Đông Du!? Bao nhiêu con cháu Triều thần nhà Nguyễn theo lời hiệu triệu của Cụ Phan Chu Trinh về một phong trào ‘Khai dân trí, chấn dân khí’ để đi Âu châu du học đủ mọi ngành nghề mà khi về nước lại đi thẳng vào chiến khu kháng Pháp!?
Sự học nào đã khiến cho những bậc cha mẹ, và những người ‘có học’ trong tình huống đất nước lúc bấy giờ đã không màng quyền cao chức trọng, bổng lộc vinh hoa, để quăng thân vào chốn tử sinh dễ dàng như vậy!?
Gẫm ra, chính là cái sở học truyền thống của dân tộc, những tưởng đã phai nhoà mai một mất tiêu, lại vùng lên tác động mạnh mẽ ngay trong lúc đất nước đang trong thời bão lửa. Sự học của Việt gia là sự học ‘sống cho ra người’, là một phần của Hồn Nước vậy.
Đến thời 40s của những người tự xưng là ‘Bên Thắng Cuộc’. Họ làm những gì để dành ‘độc lập’ cho nước Việt Nam!? Họ dùng chủ nghĩa Cộng Sản ư!? Chủ Nghĩa Cộng sản thì làm gì có hai chữ tổ quốc mà đòi có độc lập, khi tất cả các đảng cộng sản đều là chi bộ của Quốc tế cộng sản.
Cho nên một cách trí trá, những người Việt theo cộng sản phải đánh lận con đen, họ mặc áo giấy yêu nước và dành độc lập, để huy động sức dân, và xử dụng kỹ thuật ‘dùng bạo lực để chiếm quyền lực’ của Lenin và Stalin, để tiêu diệt tất cả những phe nhóm của người dân Việt yêu nước, nhất là phong trào của những nhà trí thức cả tân học lẫn cựu học.
Từ sau 75 đến nay, sự học ở nước nhà như thế nào!? Cuộc ‘Phần Thư, Chế Thực’ tại Miền Nam được thực hiện để đánh gục sức đề kháng của người dân, một bên là tẩy não họ cho sạch tất cả mọi giá trị tâm linh, tư tưởng, văn hoá, học thuật… một bên là nhồi sọ họ với những điều hoang đường của một thứ văn hoá và trật tự xã hội duy vật nửa Nga nửa Tàu, thái độ tôn sùng bạo lực của nhà nước toàn trị.
Bằng vào sự hiểu biết nào, cái sở học nào khiến cho dân ta lại có thể đứng trên đấy mà phê phán như vậy!? Là sự học của bình dân của dân Việt ngàn đời truyền lại, dành cho bọn tham quan mọi thời đại: Con ơi nhớ lấy câu này, Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.
Người viết chỉ là một bần dân chung thân lưu xứ, chỉ biết có vài ‘lời quê góp nhặt dông dài’ để chia sẻ với quí bạn đọc. Nhưng tiện thể, cũng xin dẫn lời nghiêm túc của một thanh niên của thời đại 30s-40s định nghĩa về sự học như sau:
‘Học là tìm tòi, nắm giữ, và vận dụng Sự Thật,
Dạy là truyền đạt cho người khác Sự Học đó’
(Lý Đông A)
Nguyễn Khải Minh
31/12/2020
1 Comment
Leave your reply.