Năm 1923, Lương Khải Siêu 梁啟超 (1873 – 1929) ẩn cư trong núi Thúy Vi sơn, soạn bài Quốc học nhập môn thư yếu mục cập kỳ độc pháp 國學入門書要目及其讀法 [Thư mục và phép đọc những tác phẩm thiết yếu để nhập môn Quốc học] cho tạp chí Thanh Hoa chu san 清華週刊, chia làm năm mục: (1) Tác phẩm liên quan ứng dụng tu dưỡng và tư tưởng sử; (2) Tác phẩm liên quan chính trị sử và văn hiến học; (3) Tác phẩm vận văn; (4) Tác phẩm tiểu học và văn pháp; (5) Những tác phẩm có thể tùy ý thiệp lãm tùy hứng thú và thời giờ của người đọc. Thư mục của Nhậm Công tiên sinh soạn vô cùng công phu và chi tiết, kẻ học giả mà theo học đấy nghiêm túc, dẫu miệt mài bốn năm đại học riêng chuyên về cái gọi là “Quốc học nhập môn” này, chưa chắc đã tường tận được hết ngọn ngành. Chính soạn giả cũng tự nhận ra điều đó, cho nên cuối bài, họ Lương lại chép: “Năm mục trên, ví như có thể y theo phép đọc mà học đấy, ắt căn cơ Quốc học sẽ hình thành một cách sơ lược, khá lấy làm cơ sở đại thành trong tương lai vậy. Chỉ hiềm khóa học thanh niên học sinh vốn đã nhiều, mà chuyên môn lại thuộc về những lĩnh vực khác, sợ rằng chẳng phải ai ai cũng có thể án theo thư mục này mà học.” 右所列五項,倘能依法讀之,則國學根柢略立,可以為將來大成之基矣。惟青年學生校課既繁,所治專門別有在,恐仍不能人人按表而讀。Vì thế, Lương Khải Siêu mới soạn riêng một thư mục ngắn gọn hơn – đặt tên là Tối đê hạn độ chi tất độc thư mục 最低限度之必讀書目[Thư mục những sách bắt buộc phải đọc cho trình độ thấp nhất] bao gồm: Tứ thư 四書, Dịch kinh易經, Thư kinh書經, Thi kinh 詩經, Lễ ký 禮記, Tả truyện左傳, Lão tử 老子, Mặc tử 墨子, Trang tử 莊子, Tuân tử荀子, Hàn Phi tử韓非子, Chiến Quốc sách戰國策, Sử ký 史記, Hán thư 漢書, Hậu Hán thư後漢書, Tam Quốc chí三國志, Tư trị thông giám資治通鑒 (hoặc Thông giám kỷ sự bổn mạt通鑒紀事本末), Tống Nguyên Minh sử kỷ bổn mạt 宋元明史紀事本末, Sở từ楚辭, Văn tuyển文選, Lý Thái Bạch tập李太白集, Đỗ Công Bộ tập杜工部集, Hàn Xương Lê tập韓昌黎集, Liễu Hà Đông tập柳河東集, và Bạch Hương Sơn tập白香山集. Cuối thư mục này, soạn giả ghi chú: “Ngoài ra, những tập từ khúc khác có thể tùy sở thích mà đọc vài bộ. Các tác phẩm ở trên, vô luận học mỏ than, học kỹ sư, học báo chí…mọi người đều nên đọc hết, ví bằng chưa đọc những tác phẩm này, thật sự không thể nhận làm người Trung Quốc có học vậy.” 其他詞曲集隨所好選讀數種。以上各書,無論學礦、學工程報皆須一讀,若並此未讀,真不能認為中國學人矣。
Có lẽ, độc giả ngày nay, xem qua thư mục ở trên cũng không phải là chưa từng nghe qua tên những tác phẩm này, ít nhiều tùy người. Nhưng còn đọc hết, đọc kỹ, am hiểu tường tận mà có thể cao đàm khoát luận về hết cả những tác phẩm này, thì dẫu có học vị tiến sĩ Hán Nôm, tôi e rằng số người được như thế lại chẳng bao nhiêu vậy. Hơn nữa, trước khi bàn đến chuyện đọc hết hay chưa, có lẽ độc giả ngày nay sẽ đặt ra câu hỏi tại sao phải đọc? Tại sao năm 2021 này muốn làm người Việt có học lại phải đọc theo thư mục của một ông Tàu soạn ra hơn trăm năm về trước? Những câu hỏi thế này và những câu hỏi khác liên quan ít nhiều đến vấn đề “quốc học”, dù không phải lúc nào cũng đề cập hai chữ này, trong những năm gần đây vẫn được tranh luận sôi nổi ở khắp nơi trên mạng và ngoài đời. Và, cứ ngu ý tôi, đa phần những cuộc thảo luận này chưa thật sự thấu đáo tinh tủy của vấn đề. Vì chưng, cả hai bên hầu như đều bị gò bó trong tư duy nhị phân cựu học – tân học, Tây học – Hán học, mà hơn nữa, ngay cả những người ủng hộ đưa Hán tự vào giáo trình chính quy của hệ thống giáo dục hải nội, lại đưa ra những lý do – theo tôi – vẫn khá hời hợt và chưa thuyết phục, chẳng hạn như: “Văn hiến Hán văn đối với nước ta, cũng như văn hiến Hy-La đối với các nước Tây phương. Học sinh nên học chữ Hán để hiểu rõ và sử dụng tiếng Việt cho chuẩn, cũng như ở Tây phương người ta học tiếng Hy Lạp, tiếng Latinh vậy.”
Nói về việc nhị phân tân-cựu, Tây-Ta, tôi xin mượn lời Vương Quốc Duy 王國維 (1877 – 1927) mở đầu bài Quốc học tùng san tự 國學叢刊序của ông: “Nghĩa của sự học chẳng được sáng tỏ trong thiên hạ đã lâu rồi vậy. Ngày nay, những kẻ bàn về sự học tranh luận về tân-cựu, tranh luận về Trung-Tây, tranh luận về cái học hữu dụng và cái học vô dụng. Tôi nói thẳng cho thiên hạ hay: Học không có tân-cựu, không có Trung-Tây, không có hữu dụng hay vô dụng. Phàm kẻ nào đặt ra những tên gọi này, đều là quân bất học. Dẫu học đòi đấy, mà chưa từng hiểu sự học là gì vậy.” 學之義不明于天下久矣。今之言學者,有新舊之爭,有中西之爭,有有用之學与無用之學之爭。余正告天下曰:學無新舊也,無中西也,無有用無用也。凡立此名者,均不學之徒。即學焉,而未嘗知學者也。Tư duy nhị phân thế này là hệ quả của thế giới quan bế tắc, của những cuộc do thám thư sơn học hải nửa mùa. Hơn nữa, lại đậm ảnh hưởng của tư duy thể dụng 體用cực đoan, cho rằng phàm quốc học (còn gọi là Trung học, Hán học, cựu học, v.v.) là những gì thuộc về giá trị và ứng dụng tinh thần, tu dưỡng, văn hóa, v.v. nên chỉ hợp để lấy làm bản thể của sự học; phàm Tây học (còn gọi là tân học) là những gì thuộc về khoa học tự nhiên, cơ khí, kinh tế, văn minh hiện đại, tư duy phản biện, chủ nghĩa hoài nghi, v.v. nên chỉ hợp để lấy làm tác dụng của sự học. Một bên thiên về những giá trị phi vật chất, một bên thiên về những vấn đề và nhu cầu thực tế và thực dụng trong đời sống thường nhật. Mô hình Trung thể Tây dụng 中體西用 này đã từng thịnh hành khắp học giới Trung Quốc, Nhật Bổn, Hàn Quốc, và Việt Nam vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 – mà cho đến ngày nay, hầu hết những tiên đề trong thuyết ấy vẫn còn sức sống tàng ẩn trong tiềm thức của nhiều tầng lớp xã hội Việt Nam, vô luận bên cựu học, bên tân học.
Tôi sở dĩ nhắc đến vấn đề giáo dục Hán tự trong nhà trường Việt Nam với giọng điệu chỉ trích, không phải là vì tôi phản đối việc đem Hán học phổ biến nơi quần chúng, nhưng là vì tôi chưa hẳn đồng tình với những lý do và mục đích được đưa ra để khởi động cuộc cải cách đó. Cứ ý tôi, việc dựa trên tính thực dụng của Hán tự và Hán văn – chẳng hạn như học chữ để hành văn tiếng Việt phong phú hơn, chuẩn xác hơn – để đòi hỏi cải cách giáo dục, kỳ thực là biểu hiện của tâm thái nhược tiểu, tư duy tự ti của những nhà tự cho mình là cựu học gia thất thế và bất mãn thói đời chuộng mới sính ngoại. Chính vì còn hạn chế trong mô hình thể dụng nói trên, những người này tự làm giảm mất giá trị cố hữu của Hán học khi cố sức ép nó vào khuôn khổ của một môn học thực dụng tách rời khỏi những trăn trở vũ trụ nhân sinh, những vấn đề đạo đức luân lý, những tìm hiểu mỹ học nghệ thuật. Chẳng qua, muốn tỏ vẻ Tây hơn, hiện đại hơn, có tính thích hợp và tương quan thời cuộc hơn, cho nên họ ngần ngại và chối bỏ những cái “mác” họ tự cho là “cổ hủ” như đạo đức nhân luân, chữ nghĩa thánh hiền, hoa hạ di địch mà vô ý trung chính những sự phủ nhận ấy lại khiến cho lập trường và chủ trương cải cách của họ không khỏi phần khiên cưỡng và biện hộ.
Cách đây vài hôm, tôi nhận được hung tin về sự ra đi của linh mục tu sĩ Reginald Thomas Foster (1939 – 2020). Ngài Reginaldus, tên gọi thân thuộc đệ tử vẫn gọi ngài, sinh ra trong một gia đình bình dân vô học, cả dòng tộc chuyên làm thợ sửa ống nước. Năm 13 tuổi, ngài nhập học tiểu chủng viện, về sau trở nên bậc thạc học kiệt xuất trong ngành cổ ngữ Latinh, từ 1970 đến 2009 làm thư ký trong phủ Vatican soạn dụ chỉ và thư tịch bằng cổ văn Latinh cho Tòa Thánh, đồng thời giảng môn cổ văn trong Đại Học Giáo Hoàng Gregoriana. Năm 2009 về hưu, hồi hương Hoa Kỳ, tiếp tục giảng học, thậm chí những năm cuối đời vẫn mở lớp miễn phí trong viện dưỡng lão. Một tay chấn hưng học phong của bao nhiêu thế hệ sĩ tử đông tây nam bắc, ngài Reginaldus phản đối và làm ngược hầu như tất cả những phương pháp và lý thuyết sư phạm truyền thống về cách giảng dạy cổ văn. Ngài cấm học trò học vẹt ngữ pháp, từ vựng, cấm đem các thứ lý thuyết văn học hiện đại, hậu hiện đại thời thượng quấy rầy cổ nhân. Ngài tự tuyển tập những bài cổ văn thuộc nhiều thể loại để cùng đọc với học trò, cùng nhau tìm hiểu và giải quyết những khúc mắc của từng văn bản. Tuy học cổ ngữ, nhưng tiếp cận và thực tập như sinh ngữ, khiến cho học trò không những có thể đọc dịch cổ văn, mà còn có thể thiết thân thể nghiệm cách suy nghĩ và cảm nhận của cổ nhân, có thể tư duy như cổ nhân, viết văn như cổ nhân mà nói lên tiếng lòng của chính mình ở thế kỷ 20, 21. Tính tình và phong cách của ngài trong và ngoài giảng đường cũng khác người. Những đoạn thơ văn mây mưa mùi mẫn thường giao cho những cô nữ tu đạo mạo đọc dịch, thần luận và bài giảng của thánh Augustine và thánh Leo lại giao cho học trò vô thần hoặc ngoại đạo đọc dịch. Tuy thân làm quan lớn vào đền ra các, nhưng ăn mặc như công nhân, đến nỗi trong Tòa Thánh có tên gọi là il benzinaio – “nhân viên cây xăng” mà cũng không ít người xì xào phàn nàn về lối ăn mặc không màng lễ giáo của ngài. Có lần trả lời câu hỏi phỏng vấn rằng: “Latinh có phải là ngôn ngữ siêu phàm nhập thánh chăng?”, ngài đáp tỉnh bơ: “Khi Chúa sinh ra, đĩ điếm trong thành Roma này đều sõi Latinh còn hơn các thầy trong Tòa Thánh ngày nay.” Nhưng, tôi khoái nhất lời này của ngài: “Vừa rồi tôi đọc thấy có chỗ người ta bảo ‘À, chúng tôi học Latinh vì học Latinh sẽ giúp chúng ta cải thiện tiếng Anh của chúng ta.’ Cũng như có người tập dương cầm để chữa viêm khớp. Nghe đây – nhạc Mozart không tồn tại trong cõi trời đất này để chữa viêm khớp cho mày. Xin lỗi cưng nhé.”
Đây chính là một trong những hiện tượng nghịch lý thú vị thường gặp trong cõi nhân sinh: những người hay thích phủ nhận và chối bỏ đạo đức, luân lý, truyền thống lại hay bị hạn chế trong chính những khuôn khổ hủ nho, đạo mạo, hư lễ tự họ lên án. Trong khi đó, những người có tâm hồn bàng bạc khí chất cổ nhân, dạy học có đạo phương hiệu quả, thường là những người tính cách, bề ngoài, ngôn từ, cử chỉ “khó đỡ” và “khôn lường” một cách bất khả tư nghị hồn nhiên, không có chút gì gọi là đóng kịch hay lên gân. Những bậc “thật-là-người” thể ấy, tuy không hủ nho, nhưng khiến cho học trò của mình kính phục tiên nho; tuy không đạo mạo, nhưng khiến cho học trò của mình nắm rõ đạo nghĩa thánh hiền; tuy không hư lễ, nhưng khiến cho học trò của mình say sưa lễ nhạc cổ nhân. Cứ ý tôi, giả sử nền quốc học ở thế kỷ 21 này vẫn còn sót một con đường sống, khả năng phục hưng và tái tạo nền học ấy phần lớn phụ thuộc sự có hay không của những bậc thầy như thế.
Những năm gần đây, khi biết tôi sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ, từ bé đến lớn lại sống xa cộng đồng kiều bào, không ít người lấy làm kinh ngạc mà thắc mắc về lai lịch và quá trình học vấn của tôi. Cả đời tôi chưa từng lên lớp học tiếng Việt hay Hán văn theo chương trình chính quy của trường ốc. Người khác nghe vậy lấy làm lạ, nhưng đối với tôi lại thấy hết sức bình thường và cũng không có bất kỳ lý do nào để mặc cảm hay tiếc nuối đã không có dịp học Hán Nôm theo cái gọi là “chính quy”. Vì, theo tôi, cứ lấy Nho gia làm ví dụ, vốn trong Luận ngữ 論語 đã có xu hướng phản chính quy, tự tìm con đường cho riêng mình. Mà thái độ khinh thường rất mực thói xu thời mị chúng, hoài nghi khả năng của những hệ thống thời thượng để đào tạo kẻ sĩ chân chính hầu như là một căn tính xuyên suốt Nho gia vậy. Kẻ học Nho chân chính, chẳng trông mong gì nơi nhà nước, nơi hệ thống giáo dục, thậm chí cũng không trông chờ gì nơi người thầy. Nói theo lời Nguyễn Đức Đạt阮德達 (1824 – 1887), danh nho đời Tự Đức, mở đầu Nam Sơn tùng thoại 南山叢話: “Học vấn chi đạo, sư sư bất như sư thư.” 學問之道,師師不如師書。[Đạo học vấn, học hỏi từ thầy chẳng bằng học hỏi từ sách.] Cho nên, đúng nghĩa sự học, chỉ có thể tự học – những người sư hữu là những người đồng hành cùng mình, giúp chỉ đường cho mình, giúp góp vui cho mình bớt cô độc trên đường đi, nhưng còn tiếp bước hay không, đi đúng đường hay không, sự ấy ở tại mình mà thôi.
Nói thế, không phải phủ nhận và bác bỏ tất cả những giá trị và lợi thế thuộc về cái gọi là giáo dục chính quy, hay hệ thống nhà trường. Trải xem lân quốc, di dân người Việt không may mắn như Trung Hoa hay Hàn Quốc, vẫn còn lãnh thổ và đất dụng võ của riêng mình – chúng ta không có những hệ thống đại học và trung tâm nghiên cứu vĩ đại và quy mô như Đài Loan, Hương Cảng, Nam Hàn. Chính vì thế, cuộc sống tri thức, cũng như các hoạt động và nỗ lực thiên về nghiên cứu học thuật, ở hải ngoại dù đã có một thời rực rỡ vào những thập niên 1980, 1990 nhưng càng về sau ngày một thưa thớt, ngày một nghèo nàn. Không những tinh hoa tiền triều ngày một mai một, nhưng thời thế cũng biến thiên, cộng đồng tri thức Việt – cả hải nội lẫn hải ngoại – vào năm 2020 hay 2021 này ngày một thay đổi, không năm nào như năm trước, huống chi chuyện những thập niên trước đó nữa. Hoang mang trước hiện trạng canh tân theo từng ngày, từng giờ tôi nhận thức được rằng, không có tiết tháo cây tùng cây bách, không có chí hướng chim hồng chim hộc, nhìn xa trông rộng, gẫm xưa lo nay, thì đến như sự nghiệp bản thân âu cũng phó mặc tuế nguyệt tiêu ma, nói chi đến việc xoay chuyển thời thế, hưng diệt kế tuyệt mà định hướng cho tiền đồ quốc học.
Song le, tiền đồ ở đây là tiền đồ của ai? Của hải ngoại hay của hải nội? Cứ ý tôi, thời cuộc ngày nay, ranh giới hải nội hải ngoại không còn rõ rệt hắc bạch phân minh như trước, mà điều đó là rất nên vậy. Tiền đồ quốc học hải nội hải ngoại, nếu không nói là đồng nhất một mệnh vận, thì chí ít cũng quan thiết lẫn nhau, cũng định hướng và hạn chế lẫn nhau. Vì thế, việc chấn hưng học phong chúng ta cần hướng đến không thể phụ thuộc vào bối cảnh chính trị và xã hội của riêng hải nội hay hải ngoại. Điều tôi chủ trương ở đây không phải là chủ nghĩa thoát ly, tách biệt mình khỏi hiện thực và những mối lo thực tế. Song, về căn bản, giáo dục khai phóng (còn gọi là giáo dục bác nhã, đều dịch từ khái niệm liberal arts) luôn nhằm đến giúp người học giải thoát tâm hồn khỏi những hạn chế do thời đại, do xã hội, do bản thân mình tạo ra mà khiến cho mình luôn phải khom lưng làm lụng theo danh phận đứa con thời đại. Học là để từ chối đòi hỏi của danh lợi, là gỡ bỏ xiềng xích của xã hội. Và, riêng nói quốc học – học là để hiểu cổ nhân vì cổ nhân thật xứng đáng để được hiểu, chứ không phải vì một lý do nào cụ thể và tầm thường như để nâng cao vốn từ tiếng Việt hay để đua đòi khôi phục lại danh nghĩa đồng văn chi quốc 同文之國với Trung, Nhật, Hàn.
Thế nhưng, tuy rằng chúng ta vẫn hay nghe tiếng gọi cộng đồng tri thức Việt, nhưng liệu cộng đồng ấy có thật sự tồn tại hay chỉ là một danh phận được tưởng tượng ra để cổ vũ cho những phong trào nhất thời tự sinh tự diệt. Để làm một cộng đồng đích thực, chúng ta cần chung một tiếng nói. Tiếng nói là đây, tôi dùng theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất căn bản là hiểu theo nghĩa đen, cùng chung một ngôn ngữ nói và viết. Nhưng tiếng nói tôi đề cập ở đây không hiển nhiên là thứ tiếng Việt hiện đại mỗi người chúng ta vẫn dùng hằng ngày. Các vấn đề về quốc văn được thảo luận một trăm năm về trước trên Nam Phong tạp chí 南風雜誌 có thể đã bị quần chúng quên lãng đi, nhưng kỳ thực tôi e rằng chúng chưa hề được giải quyết một cách thỏa đáng. Chứng cứ tiêu biểu cho điều này là sự chia rẽ giữa hải nội hải ngoại về ngôn ngữ. Tiếng hải nội bị hải ngoại chê rằng lai căng Tây Tàu, còn ở hải ngoại căn bản là khả năng đọc hiểu và viết tiếng Việt ở trình độ đủ cao để bình luận những vấn đề nghiên cứu học thuật thật là hiếm hoi thay. Ấy vậy di dân tiền triều tuy hay cảm thán và khinh bỉ hiện trạng quốc văn trong nước, nhưng tự cộng đồng di dân tiền triều không sản xuất nổi một thứ quốc văn đủ linh hoạt để cạnh tranh và thay thế thứ quốc văn hải nội kia, thì tảo vãn văn phong hải ngoại sẽ dần dần bị thay thế bởi văn phong di dân ngày nay, tức là văn phong hải nội.
Vấn đề này lại khởi nguồn từ nghĩa thứ nhì của điều tôi gọi là “tiếng nói” – ấy là tiếng nói của tri thức, tiếng nói của tâm hồn. Tiếng nói này được tạo nên từ sở học. Chúng ta phải có cùng một nền giáo dục tối thiểu để có thể hiểu được lối tư duy của nhau, lối tư duy ấy khởi nguồn từ những mối quan tâm và suy gẫm nào, lối tư duy ấy trong quá khứ đã xuất thân từ những trường phái nào, đã đi theo những chiều hướng nào, và có khả năng đi đến những đâu đâu ở thời điểm hiện tại? Bản thân tôi vốn xuất thân từ Thiên Chúa giáo, mà học phong Công giáo có thể nói là đã ảnh hưởng đầu tiên và sâu đậm nhất trên tư duy và thế giới quan của tôi. Tâm hồn tôi được nuôi lớn và dinh dưỡng từ những cuộc thảo luận hùng hồn về thần học, về lễ nghi, về triết lý, về luân lý – mà lại trong một môi trường hầu như không có đề tài bất khả xâm phạm, không có bất cứ tín điều hoặc tiên đề nào không được chất vấn triệt để đến tàn nhẫn. Sở dĩ cộng đồng tri thức ấy không tan rã, là vì chúng ta dù thuộc về khác trường phái, lắm lúc là những trường phái đối lập bất cộng đới thiên, nhưng vẫn chung một nền tảng căn bản, chung một văn hóa tri thức mang dòng huyết thống lai giữa Do Thái và Hy Lạp. Chớ tưởng điều này chỉ khả dĩ trong cộng đồng chung tôn giáo. Vốn dĩ, mục đích của giáo dục khai phóng là để tạo nên những cộng đồng chung tiếng nói tri thức như thế. Ở Hoa Kỳ hiện nay, cũng không thiếu những nhà trường trung học và đại học chủ trương lối giáo dục bác nhã thuần cổ điển thế này cho suốt giáo trình cử nhân, thạc sĩ. Đại học Thomas Aquinas (Thomas Aquinas College) ở Nam Cali là đại học Công giáo như thế, nhưng sinh viên lại chẳng thiếu người theo Chính thống giáo, Tân giáo, hoặc thậm chí không theo tông phái đạo Chúa nào cả. Đại học St. John’s (St. John’s College) ở Maryland (lại có một chi ở New Mexico) còn lừng lẫy tiếng tăm hơn nữa, mà lại không thuộc về tôn giáo nào. Không phải riêng những trường đại học thuần cổ điển như thế mới chú trọng giáo dục bác nhã khai phóng. Như đại học Columbia (Columbia University) đây, dù ngày nay không còn thuộc về Anh giáo như thời sơ lập, nhưng phàm học cử nhân ở trường này, vô luận chuyên ngành nào, đều buộc phải học điển phạm Tây phương, từ tư tưởng Hy-La đến kinh tạng Do Thái, Thiên Chúa giáo.
Xin trở lại vấn đề quốc học. Đối với người Việt chúng ta, nền học bác nhã khai phóng bản xứ tương đương với điển phạm Tây phương ắt phải khởi đầu từ một danh sách tác phẩm tương cận, nếu chưa hẳn là tương đồng, với thư mục của Lương Khải Siêu đã trích đầu bài. Đặc biệt, thư mục Tối đê hạn độc chi tất độc thư mục, tôi cho rằng là hết sức thực tế và cần thiết cho kẻ sĩ nước Nam đọc qua và nắm rõ nội dung. Có một cuộc tranh cãi hết sức nhàm chán được khởi xướng bởi phường vô tri mà lại có sức sống đáng kinh ngạc, rằng sách vở Trung Quốc làm sao lấy làm quốc túy của Việt Nam được. Tôi xin dẫn lời tiền triều danh sĩ Nghiêm Toản 嚴纘(1907 – 1975) rằng: “Tôi không dám nói rằng nước Việt Nam có bốn nghìn năm văn hiến, vì nếu có người căn cứ vào định nghĩa mà bắt tôi đưa ra những chứng liệu của văn ấy, hiến ấy, khoảng hai nghìn năm trước kỷ nguyên Thiên chúa, tôi sẽ rất lúng túng, tuy nước Việt Nam không ở vào trường hợp nước Kỷ, hậu duệ nhà Hạ, nước Tống, hậu duệ nhà Thương.” Như tôi vốn chẳng muốn sa vào vòng luẩn quẩn của dân tộc chủ nghĩa, nhưng xét khách quan, như đời nhà Lương, đất Giao Chỉ vốn thuộc chủ quyền của đế thất họ Tiêu, vậy việc gì chúng ta không được phép nhận Chiêu Minh Văn tuyển 昭明文選làm một phần vĩ đại của văn hiến nước Nam, cớ gì chúng ta không được phép rung động bàng hoàng những niềm bang quốc hưng vong khi đọc lên Ai Giang Nam phú 哀江南賦của Dữu Tín 庾信 (513 – 581)? Đời Đường, An Nam đô hộ phủ đường đường chính chính thuộc về thiên hạ họ Lý, sĩ tử An Nam nhiều người được cử làm quan khắp phương Bắc. Vậy cớ gì Đường thi không được tính vào văn học sử của ta? Song, tranh luận theo tâm thái dân tộc chủ nghĩa thật là hẹp hòi thay – phàm cái Chân-Thiện-Mỹ trong cổ kim thiên hạ, nào phải sở hữu của riêng ai mà phải chấp kẻ Nam người Bắc?
Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh rằng một thư mục nhập môn Quốc học cho người Việt chúng ta, chỉ nên lấy cảm hứng và bắt đầu từ những thư mục tương tự do Lương Khải Siêu và những bậc tiên bối cùng thế hệ soạn ra. Đối với kẻ sĩ nước Nam, phần văn hiến Hán văn chỉ là một phần – dù là một phần tử cực lớn cực trọng – của Quốc học. Chúng ta còn phải tính thêm văn Nôm, không những thế mà còn phải tính thêm văn Quốc ngữ. Theo tôi, như bây giờ đọc theo những thư mục đã có sẵn trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên 越南文學史簡約新編của Phạm Thế Ngũ 范世五 tiên sinh (1927 – 2000) hay Việt Nam văn học sử yếu 越南文學史要 của Dương Quảng Hàm 楊廣涵tiên sinh (1898 – 1946), cũng chẳng đủ để lấy làm tiêu chuẩn cho sự học ngày nay. Hơn nữa, Quốc học không đơn thuần là những trò vận văn tiểu đạo tiêu khiển. Kinh 經, sử 史, tử 子, tập 集 gồm đủ mới khá bàn hai chữ Quốc học vậy. Tôi không tin vào khả năng của hệ thống giáo dục hải nội – hoặc bất kỳ một tổ chức nào ở hải ngoại hiện nay – để vun bồi nhân tài đủ kiến thức và tài hoa để lo những việc nhậm trọng đạo viễn này. Tiền đồ của Quốc học nước Nam, bây giờ chủ yếu nằm ở trong tay những người chí sĩ độc vãng, những nhóm bạn bè nhỏ bé và khiêm nhường. Mà đến năm 2021 này, tôi cho rằng đã đến lúc xuống núi, đã đến lúc suy nghĩ và hướng đến những việc làm cụ thể hơn, thực tế hơn.
Mùa xuân năm 2020, gặp thế nạn năm Canh Tý, ôn dịch vây kín toàn cầu, tôi tạm thời rời khỏi thành phố Nữu Ước, lui về ẩn cư rừng núi Bắc Cali, nơi tôi đã đặt tên cho cố viên là Bệnh tùng cương 病松崗 – ngọn đồi thông héo. Vùi cơn kiếp tai, ngày ngày tôi chỉ quanh quẩn núi sách Đông Tây xưa nay, cho đến một hôm tôi nảy ý tưởng chiêu sinh, mở lớp Hán văn trực tuyến. Vốn việc làm hằng ngày của tôi, và của nhiều người ở khắp nơi hiện nay, đều làm tại gia, làm trực tuyến. Tùy cơ ứng biến, mở lớp dạy trực tuyến vào lúc này, ắt cũng chẳng ai lấy làm lạ. Cho đến nay, đã dạy được ba khóa như thế. Học viên đến từ khắp nơi, lai lịch và nghề nghiệp chẳng ai giống ai. Nghiên cứu sinh tiến sĩ có, sinh viên đại học có, kiều bào ở Âu Mỹ có, đồng bào Bắc Hà, Nam Hà có, con cháu nhà Cộng có, di dân tiền triều có. Có người làm nhân viên của Facebook, lại có người chuyên về IT; có người đã tới ngưỡng thất thập cổ lai hy, lại có người còn non nớt tuổi đôi chín. Tôi dạy học về căn bản không theo một lý thuyết hay chủ trương nào cả. Không chuẩn bị bài giảng, cũng không định trước một khóa như vậy sẽ học bao lâu, giáo trình sẽ như thế nào. Tôi chỉ tự xem mình như là một người gợi ý, một người nếu so với học viên thì có lẽ có thêm chút kiến thức, nhưng không dám gọi nhau bằng thầy trò. Phương pháp của tôi, nếu có, là học từ khái niệm seminar của giáo dục Tây phương – lớp học là nơi để tạo không gian trao đổi và đặt câu hỏi tự do và thoải mái, một cuộc tìm hiểu của thầy lẫn trò. Hoặc nói gần hơn, là phỏng theo hoạt động Tống Nho, ví như trong Chu tử ngữ loại 朱子語類 chép lại những cuộc chuyện trò, vấn đáp bao nhiêu sự trên trời dưới đất của Chu Hy và những người bạn, những người trò của ông. Một khi đã vững căn bản, tôi hướng dẫn học viên vào rừng cổ văn, cùng nhau tìm hiểu và bàn luận những văn bản và vấn đề mà tôi chắc chắn cái gọi là giáo dục chính quy kia ở Việt Nam từ thời Nguyễn mạt đến nay chưa từng học tới. Tôi khó tưởng tượng được một thời điểm sau thời Nguyễn mà một đám người Việt không phân biệt nam nữ già trẻ Bắc-Nam-Đông-Tây ngồi nói cười, đọc, dịch, thảo luận hùng hồn về Chiêu Minh Văn tuyển, lại đọc kiêm chú giải của Lý Thiện 李善 (630 – 689), mà quên hết cả ngày giờ, hết cả sự đời trong một thời kỳ hắc ám như năm 2020 vừa qua.
Những điều đó khiến cho tôi thật vui. Khiến cho tôi cảm nhận được, ngay cả ở buổi mạt đại này, Quốc học vẫn có triển vọng, vẫn có tiền đồ. Mà chẳng phải tôi muốn độc chiếm chủ quyền điều khiển và định hướng cho tiền đồ ấy. Vì chưng, tôi thuộc lớp hậu tiến tài sơ học thiển mà còn đóng góp được chút ít cho nền Quốc học ngày nay, thì tôi lại nghĩ lẽ nào những bậc lão thành tại dã quân tử còn mai một khắp giang hồ chi viễn lại không thể làm tốt hơn tôi gấp trăm, gấp nghìn ru? Vậy nên mới có đôi lời ở đây, xem như bài chiêu ẩn, phàm hải nội hải ngoại chư quân tử, kẻ nào còn nặng lòng với tư văn này, cùng nhau gắng sức, cùng nhau suy nghĩ, cùng nhau đối thoại, cùng nhau thi hành những gì cần thiết để chấn hưng và tái tạo học phong kẻ sĩ nước Nam.
Việt Thạch Nguyễn Thụy Đan
Đại học Columbia, thành phố Nữu Ước
Leave a Reply
Your email is safe with us.