Nguyên tác: Luke Patey
Nguyễn Trung Kiên dịch

Một điều gì đó mới mẻ đã diễn ra. Tập Cận Bình hiện diện tại Davos. Mỗi năm một lần, thị trấn nhỏ bé trên vùng núi cao này của Thụy Sĩ sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nơi tụ họp của các nhà lãnh đạo chính trị, giám đốc điều hành doanh nghiệp, những người nổi tiếng, các học giả và các nhà hoạt động xã hội để thảo luận về toàn cầu hóa, thương mại tự do và các vấn đề toàn cầu hiện nay, từ biến đổi khí hậu đến trí tuệ nhân tạo. Những người tụ tập ở Davos này là một nhóm giàu có. Thường gắn liền với những lý tưởng theo chủ nghĩa tự do về chính phủ hạn chế, thị trường tự do và nền dân chủ, đó không phải là nơi người ta mong đợi sẽ gặp được người đang giữ chức vụ Tổng Bí thư và Chủ tịch Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đó không phải là nơi mà người ta mong đợi sẽ nghe một bài phát biểu quan trọng từ lãnh đạo của một nhà nước độc đảng vốn được biết đến với nhãn hiệu của chủ nghĩa chuyên chế chính trị và chủ nghĩa tư bản nhà nước.
Nhưng vào tháng 1 năm 2017, vị lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã tràn ngập trên trang nhất của các tờ báo đưa tin về Davos. Đi cùng ông đến hội nghị thường niên này là một phái đoàn lớn nhất mà Trung Quốc từng cử ra nước ngoài. Nó bao gồm những người như Jack Ma, người sáng lập công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, Alibaba, cùng các giám đốc điều hành công ty Trung Quốc khác và các quan chức chính phủ cấp cao. Sự hiện diện của ông Tập đã đánh dấu sự thay đổi hiện tại trong các vấn đề toàn cầu. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đến để xoa dịu sự lo lắng của giới tinh hoa toàn cầu. Chỉ hai tháng trước đó, Donald J. Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Trong suốt tiến trình tranh cử, Trump đe dọa sẽ làm lung lay các mối quan hệ đối tác thương mại và an ninh lâu đời của Hoa Kỳ ở Tây Âu và Đông Á. Chiến thắng của ông, kết hợp với lá phiếu thuận của Anh trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 để rời Liên minh châu Âu, đã giúp nhiều người tin rằng phương Tây đang rối loạn.
Đối với Trung Quốc, đây là một cơ hội vàng. Sau khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 làm suy yếu các thị trường tự do ở Hoa Kỳ và châu Âu, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy hiện đang làm lung lay sự ổn định chính trị ở các nền dân chủ phương Tây. Từ vị trí thuận lợi của Bắc Kinh, một khoảng trống quyền lực mới đã mở ra để thúc đẩy các lợi ích, chuẩn mực và giá trị của Trung Quốc trên trường quốc tế. Không giống như tổng thống sắp tới của Mỹ, ông Tập muốn cho hơn 3.000 người tham dự đầy ảnh hưởng đang tham dự tại Davos thấy rằng ông là một chính khách đầy lý trí và có trách nhiệm, và rằng Trung Quốc đã sẵn sàng khoác lấy tấm áo choàng của toàn cầu hóa và thương mại tự do.
“Đó là thời điểm tốt nhất, cũng là thời điểm tồi tệ nhất,” ông Tập nói trong bài phát biểu của mình, trích dẫn lời mở đầu cuốn ‘Câu chuyện về hai thành phố’ của Charles Dickens. Ông tiếp tục: “Ngày nay, chúng ta cũng đang sống trong một thế giới đầy mâu thuẫn. Nhiều người cảm thấy hoang mang và tự hỏi: Điều gì đã xảy ra với thế giới?”. Tác phẩm kinh điển của Dickens lấy bối cảnh vào cuối thế kỷ XVIII trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất và Cách mạng Pháp. Nhưng ông Tập từ chối đổ lỗi cho toàn cầu hóa kinh tế và sự hợp nhất của các công nghệ kỹ thuật số với các hệ thống vật chất của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư là nguyên nhân gây ra những xáo trộn chính trị và xã hội trên thế giới. Ông từ chối lời kêu gọi của Trump về chủ nghĩa bảo hộ để đáp lại các hành vi thương mại không công bằng của các đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ. Ông nói: “Trung Quốc sẽ luôn rộng mở. Theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ giống như nhốt mình trong phòng tối. Mặc dù có thể ngăn được gió và mưa, nhưng căn phòng tối đó cũng sẽ cản ánh sáng và không khí”.
Có sự hoài nghi về lời hứa của ông Tập trong việc giữ cho nền kinh tế nội địa của Trung Quốc mở cửa. Thương mại và đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc từ lâu đã phải đối mặt với những hạn chế và kiểm soát đáng kể. Tuy nhiên, bài phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới chính trị và doanh nhân toàn cầu. Đó là một bước đi đúng hướng. Ông Tập đã nói với các vị bố già của nền thương mại toàn cầu những gì họ muốn nghe. Rằng những bức tường của chủ nghĩa bảo hộ không đóng lại xung quanh họ, rằng vẫn còn chỗ để mở rộng thương mại, đầu tư và tài chính của họ, rằng Trung Quốc sẽ chỉ ra con đường phía trước. Klaus Schwab, người sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đã nói vắn tắt về tâm trạng trong phần giới thiệu của mình về chủ tịch Trung Quốc. Ông nói: “Trong một thế giới tràn đầy bất ổn và biến động lớn, cộng đồng quốc tế đang hướng về Trung Quốc”.
Sự bất bình của thế giới đối với Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump, kết hợp với vị thế quốc tế được nâng cao của Trung Quốc, những tình cảm nhiệt thành này cho rằng siêu cường này sẽ thay thế siêu cường kia. Nhưng góc nhìn này đã bỏ lỡ bối cảnh rộng lớn hơn. Trung Quốc nắm trong tay sức mạnh toàn cầu đáng kể, nhưng việc nước này có thể vươn lên tầm cao để dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu và các vấn đề thế giới hay không là điều không thể định trước. Nếu Hoa Kỳ vẫn bị rạn nứt sâu sắc về mặt chính trị và tiếp tục coi thường chủ nghĩa đa phương, thì điều này sẽ mở ra cơ hội cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ra nước ngoài. Đại dịch COVID-19 cũng có thể định hình lại nền kinh tế và địa chính trị toàn cầu trong những năm tới. Nhưng chúng ta sẽ không sớm bước vào một tương lai với sự lãnh đạo của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không sử dụng sức mạnh toàn cầu mang tính áp đảo mọi khắp nơi và chỉ đơn giản bằng sức mạnh của quy mô tuyệt đối của thị trường trong nước và sự tham gia kinh tế ở nước ngoài. Sự phát triển tiềm năng của nó thành một siêu cường toàn cầu, với sự hiện diện sâu rộng và ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế, chính trị, quân sự và văn hóa ở nước ngoài, thay vào đó sẽ bị ràng buộng bởi cách Trung Quốc ứng xử với phần còn lại của thế giới và cách thế giới phản ứng với những cách ứng xử này.
Thế giới bên ngoài phải vật lộn với một nghịch lý khi nói đến Trung Quốc. Trong khi nhiều quốc gia vẫn đang giữ các giá trị chính trị và quan điểm an ninh mâu thuẫn với Trung Quốc, họ vẫn mong muốn thu được lợi ích kinh tế từ mối quan hệ này. Thật khó để bỏ lỡ sức hút kinh tế tức thời của Trung Quốc. Đóng góp khoảng 30% tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong gần như suốt một thập kỷ qua, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo ngang giá sức mua. Trong khi tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, chỉ riêng quy mô kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là tầng lớp trung lưu đang phát triển, vẫn sẽ thu hút lượng đầu tư và ngoại thương lớn trong tương lai gần. Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 125 quốc gia, là nhà đầu tư nước ngoài lớn trong nhiều ngành công nghiệp và là nhà cung cấp khoản vay tài chính nhiều nhất cho các nước đang phát triển.
Trong suốt những thập kỷ qua, nhiều quốc gia trên thế giới tránh đối đầu với những khác biệt chính trị này với Trung Quốc. Tại Hoa Kỳ, Tây Âu và Đông Á, người ta đã đưa ra giả định rằng thương mại và đầu tư sẽ dẫn đến tự do hóa kinh tế và chính trị ở Trung Quốc. Nhưng quyết tâm của chủ nghĩa chuyên chế chính trị và chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc hiện đã trở nên rõ ràng. Sự tham gia đã đưa Trung Quốc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và các vấn đề thế giới, nhưng đồng thời, nó mang lại những thách thức mới khi nền chính trị độc tài của Bắc Kinh và chủ nghĩa tư bản do nhà nước lãnh đạo vươn ra thế giới.
Cuốn sách này chỉ ra rằng sự khác biệt chính trị và căng thẳng an ninh giữa nhiều quốc gia trên thế giới và Trung Quốc vẫn còn hiện hữu, và trong một số trường hợp còn lớn hơn trước đây. Nhưng chính các nước phát triển và đang phát triển cũng thừa nhận rằng sự tham gia với Trung Quốc có thể tạo ra những lỗ hổng chiến lược đối với khả năng cạnh tranh và chính sách đối ngoại và quyền tự chủ quốc phòng của họ. Bất chấp sức hút của nền kinh tế Trung Quốc về quy mô thị trường và sức mua của người tiêu dùng, những gì từng là mối quan tâm tiềm ẩn về cách Trung Quốc hạn chế và kiểm soát nền kinh tế trong nước đã phát triển đáng kể và mở rộng sang cách Trung Quốc tham gia vào thương mại, đầu tư, công nghệ, chính trị và an ninh vượt ra ngoài biên giới của nó.
***
Hai năm sau bài phát biểu ở Davos của Tập Cận Bình và lễ nhậm chức tổng thống của Trump, tôi đã tới Berlin. Chính nơi đây đã bắt đầu sự thay đổi lớn cuối cùng trong nền chính trị toàn cầu, được biểu tượng bằng sự sụp đổ của Bức tường Berlin vào tháng 11 năm 1989, khi cuộc cách mạng trên khắp châu Âu của Liên Xô tràn sang Đông Đức và phá bỏ bức tường rào ngăn cách Berlin cùng với các rào cản địa chính trị của Chiến tranh Lạnh. với nó. Sự thống nhất của nước Đức và sự sụp đổ của Liên bang Xô-viết báo trước sự khởi đầu của một thời kỳ chiến thắng cho nền dân chủ phương Tây, với Hoa Kỳ đứng trên đỉnh cao chỉ huy như một siêu cường toàn cầu duy nhất.
Tại quận Prenzlauer Berg trước đây của Đông Berlin, tôi gặp một quan chức Đức ở gần công viên nơi Bức tường Berlin từng chạy qua. Trong Chiến tranh Lạnh, Mauerpark là địa điểm của cái gọi là Death Strip, nơi những lính canh có vũ trang trên các tháp canh bắn hạ những người dân Đông Đức đang tìm cách trốn thoát về phía Tây. Ngày nay, khoảng ba mươi năm sau, đó là một khung cảnh hoàn toàn khác. Những con chó tấn công và hàng rào thép gai đã biến mất từ lâu. Giữa một Berlin thống nhất và tự do, giơ đây, nó là một công viên được biết đến nhiều hơn như một địa điểm cuối tuần cho người dân địa phương dã ngoại và đám đông khách du lịch để xem các nghệ sĩ biểu diễn đường phố, hay đi dạo qua các quầy hàng ở chợ trời.
Trước chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump và những lời hứa của Tập Cận Bình rằng Trung Quốc sẽ bảo vệ toàn cầu hóa, tôi đã hỏi vị quan chức Đức này rằng làm thế nào chính phủ của ông ấy đối phó với tình hình đang thay đổi của các vấn đề thế giới. Ông nói với tôi: “Vào thời thời điểm khi Hoa Kỳ co cụm, Trung Quốc đã trở thành đối tác ưu tiên nhất của chúng tôi. Khi nói đến mở cửa thương mại và biến đổi khí hậu, tất cả những điều Trung Quốc từng nói đều đúng đắn. Nhưng nó nhanh chóng trở nên khó khăn hơn chúng ta nghĩ. Các vấn đề mâu thuẫn, như về quyền con người, vẫn giữ nguyên, nhưng những vấn đề phát sinh mới ngày càng ít rõ ràng hơn. Đức có những vấn đề chính trị và kinh doanh riêng với Trung Quốc.”
Các đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ đã bối rối trước chiến thắng của Trump trước Hillary Rodham Clinton của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2016 ở Mỹ. Vài ngày sau khi ông Tập phát biểu tại Davos, Trump đã có bài phát biểu nhậm chức từ bên ngoài Điện Capitol tại thủ đô Washington, đồng thời chê bai các mối quan hệ đối tác quân sự và các hiệp định thương mại tự do của Mỹ. Ông hứa “Kể từ thời điểm này, đó sẽ là Nước Mỹ trên hết.” Trump đã tìm cách phá bỏ các cấu trúc lâu đời của chủ nghĩa đa phương mà các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã dày công xây dựng sau Thế chiến thứ Hai. Vị tổng thống mới đã thúc đẩy một chính sách ngoại giao cứng rắn, bất định và sòng phẳng hơn. Các nhà lãnh đạo trên thế giới buộc phải lựa chọn. Thủ tướng Bồ Đào Nha António Costa coi bài phát biểu “ủng hộ toàn cầu hóa” của ông Tập tại Davos và bài diễn văn nhậm chức “Nước Mỹ trên hết” của Trump là một bước ngoặt. Tôi khá ngạc nhiên khi thấy chủ tịch Trung Quốc đã phát biểu những lời được kỳ vọng là phải của tổng thống Hoa Kỳ, và tổng thống Hoa Kỳ phát biểu những lời mà chủ tịch Trung Quốc được cho là sẽ tuyên bố”.
Vào ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Trump bắt đầu tuân theo những lời hứa tranh cử của mình. Ông đã rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết trước đó, vốn được thiết lập để bao phủ hơn một phần ba nền kinh tế toàn cầu. Vài tháng sau, ông rút Hoa Kỳ khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, và sau đó là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung nhằm khôi phục chương trình hạt nhân của Iran. Dưới thời Trump, Hoa Kỳ sau đó không chỉ chỉ định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược và phát động cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh vào năm 2018, mà còn kích động các tranh chấp thương mại với Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Canada và Mexico, cũng như đặt câu hỏi về tính hữu ích của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và các liên minh an ninh khác của Mỹ.
Việc Trump vào Nhà Trắng đã mang lại luồng sinh khí mới cho các cuộc tranh luận về sự suy giảm của Hoa Kỳ với tư cách là một siêu cường toàn cầu, sự kết thúc của trật tự toàn cầu do Hoa Kỳ lãnh đạo, và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng khi gạt bỏ các quy tắc, chuẩn mực và những điều tốt đẹp của các vấn đề quốc tế, nhiệm kỳ tổng thống Trump đã gây ra nỗi sợ hãi ở Hoa Kỳ và trong số các đồng minh lâu năm, rằng sức mạnh toàn cầu của Hoa Kỳ giờ đây không suy giảm chậm và ổn định, mà thực sự đã rơi tự do. Các nhà tư tưởng nổi tiếng của Mỹ coi chính sách đối ngoại của Trump là sự chối bỏ của vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ trong việc thiết lập các quy tắc quốc tế, xây dựng liên minh an ninh và các thỏa thuận thương mại tự do, cũng như ủng hộ dân chủ và nhân quyền. Họ cho rằng nếu không có Hoa Kỳ đứng đầu, thế giới sẽ chìm sâu hơn vào tình trạng hỗn loạn. Vì nhiều người coi nhiệm kỳ tổng thống của Trump là một triệu chứng hơn là nguyên nhân gây ra sự chia rẽ và hướng nội của nên chính trị Hoa Kỳ, nên ngay cả khi không còn Trump, chủ nghĩa đa phương của Hoa Kỳcó thể vẫn bị hạn chế.
Và ngay sau đó, cái chỗ mà người chứng kiến sự tức giận của người Mỹ cũng là chỗ mà Trung Quốc chiến thắng. Trong hơn một thập kỷ qua, một số chuyên gia đã lập luận rằng Trung Quốc đang trên đà thống trị thế giới một cách rõ ràng nhờ vào sự trỗi dậy kinh tế vô song ở trong nước. Ngày nay, sự suy giảm của Hoa Kỳ được coi là mở ra không gian mới cho sự hiện diện quốc tế của Trung Quốc gia tăng, và để Bắc Kinh có thể sánh ngang, và theo thời gian sẽ thay Hoa Kỳ trở thành siêu cường vĩnh viễn của thế giới. Các nhà tư tưởng hàng đầu của Trung Quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận sức mạnh toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc, đồng thời cố gắng hiểu được và tôn trọng tư duy và tầm nhìn chiến lược của nước này đối với thế giới. Họ hiện đang tranh luận về việc Trung Quốc sẽ định hình trật tự quốc tế trong tương lai như thế nào, để chấm dứt những ý tưởng về hội nhập chính trị toàn cầu, các quyền và giá trị phổ quát, cũng như thúc đẩy lợi ích của chính họ trên thế giới. Cũng giống như “Nước Mỹ trên hết” của Trump đã bác bỏ các lý tưởng về hợp tác đa phương và các quy tắc quốc tế, thật dễ hình dung rằng trật tự toàn cầu mang tính phân cấp mà Trung Quốc đang hướng tới xem lợi ích của Trung Quốc là trên hết.
Nhưng thế giới rộng lớn hơn cả Hoa Kỳ và Trung Quốc cộng lại. Các chính trị gia, doanh nhân, nhà phân tích và học giả có xu hướng tập trung vào mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, sự suy giảm sức mạnh của Hoa Kỳ và sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc như là những yếu tố quyết định đến tương lai của trật tự toàn cầu. Có lý do chính đáng để nhấn mạnh mối quan hệ này. Cùng với nhau, Hoa Kỳ và Trung Quốc chiếm khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu và chỉ huy hai quân đội hùng mạnh nhất thế giới. Chiến tranh thương mại, cạnh tranh chiến lược về các công nghệ mới và cuộc chiến tranh tiềm tàng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ định hình cuộc sống của chúng ta và của con cái chúng ta nhiều hơn bất kỳ mối quan hệ nào trên thế giới. Nhưng sự định vị về một cuộc chạy đua toàn cầu như vậy là quá đơn giản. Chỉ dựa vào vị trí thuận lợi của Washington và Bắc Kinh để xem định hướng của nền kinh tế toàn cầu và các vấn đề thế giới đã hạn chế hiểu biết của chúng ta về tầm quan trọng của những thay đổi trên thực tế ở châu Phi, Mỹ La-tinh, châu Âu và châu Á.
Mặc dù nhiều người Mỹ và Trung Quốc có thể đấu tranh để hiểu được sự đa dạng như vậy, nhưng bức tranh rộng hơn này – 60% còn lại của nền kinh tế thế giới, các nền quân sự lớn khác, các nhà lãnh đạo công nghệ và các trung tâm văn hóa – sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình thế giới tương lai. Phần còn lại của thế giới không đứng yên khi các cường quốc trỗi dậy và sụp đổ. Cũng như các quốc gia trên thế giới đang đánh giá lại mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ, các nước lớn và nhỏ cũng đang đánh giá một cách nghiêm khắc mối quan hệ của họ với Trung Quốc.
*
Nhìn lại vài thập kỷ qua, không phải cường điệu khi coi sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong những diễn biến quan trọng nhất trong nền kinh tế toàn cầu và các vấn đề thế giới. Trong khoảng năm mươi năm qua, Trung Quốc đã từ một nước nghèo, bị cô lập phần lớn trở thành một siêu cường toàn cầu đầy tham vọng ngày nay. Sức mạnh quân sự và các năng lực công nghệ của Trung Quốc đã phát triển vượt bậc, nhưng tầm ảnh hưởng của nền kinh tế của Trung Quốc trên khắp thế giới mới là thứ ảnh hưởng chặt chẽ nhất đến cuộc sống của chúng ta. Từ tủ lạnh đến điện thoại thông minh, chúng ta sử dụng một loạt các sản phẩm tinh xảo mà Trung Quốc đang sản xuất hàng ngày. Các tập đoàn Trung Quốc đang khai thác các vị trí cạnh tranh có lợi ở trong nước, đồng thời tìm kiếm các thị trường toàn cầu để tìm kiếm các cơ hội và tiến hành các vụ mua lại doanh nghiệp, để nắm giữ vị trí chỉ huy trong các ngành công nghiệp tiên tiến, từ viễn thông đến trí tuệ nhân tạo. Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc, một chiến lược lớn trị giá hàng nghìn tỷ đô-la nhằm kết nối Đông Á với châu Âu thông qua các cảng mới, đường sắt, thông tin liên lạc kỹ thuật số và hợp tác tài chính, chính trị và văn hóa, có tiềm năng định hình lại toàn bộ khu vực.
Ngày nay, Trung Quốc tìm cách lấy lại vị thế vĩ đại và sự kính trọng mà nó từng có trên thế giới. Trong hàng trăm năm, Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới trước khi cái được gọi là thế kỷ của sự sỉ nhục quốc gia của nó bắt đầu vào giữa thế kỷ XIX do nội loạn và sự can thiệp từ bên ngoài của các siêu cường thuộc địa. Cải cách kinh tế dần dần và mở cửa với thế giới bên ngoài vào cuối thập niên 1970 đã mang lại phép màu kinh tế với nhiều thập kỷ tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng. Chủ nghĩa chuyên chế chính trị và chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc hạn chế mạnh mẽ các quyền chính trị và duy trì độc quyền nhà nước đối với các ngành công nghiệp then chốt, nhưng đồng thời cho phép tư nhân hóa và đầu tư nước ngoài. Vào đầu thế kỷ này, Trung Quốc đã trở thành “công xưởng của thế giới” nhờ chi phí lao động thấp và mức độ đầu tư và công nghệ từ nước ngoài cao. Điều này đã giúp hàng trăm triệu người Trung Quốc thoát khỏi cảnh nghèo đói, dẫn đến việc di cư quy mô lớn từ các vùng nông thôn đến các thành phố, và sự bùng nổ cơ sở hạ tầng của đường cao tốc, đường sắt, các tòa nhà chọc trời hiện đại và nhà ở đô thị.
Phép màu kinh tế này đã nâng tầm vị thế của Trung Quốc trên thế giới. Trung Quốc đã vượt qua Đức để trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất vào năm 2009 và sau đó vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới hai năm sau đó. Tính đến năm 2014, Trung Quốc có thể khẳng định vị trí là nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo ngang giá sức mua. Ngân hàng Thế giới dự đoán rằng Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo GDP danh nghĩa vào năm 2030. Nhưng cũng như nền kinh tế là trung tâm của sức mạnh toàn cầu của Trung Quốc, nó vẫn là một điểm yếu nghiêm trọng trong tương lai. Trung Quốc đồng thời tự hào với các siêu đô thị hiện đại và giàu có như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu và Trùng Khánh, và tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo, nhưng theo ước tính của chính phủ Trung Quốc, Trung Quốc vẫn đang phải vật lộn để vượt qua tình trạng nghèo đói kéo dài của hàng chục triệu dân và phải vật lộn nhiều hơn nữa để không bị trượt trở lại tình trạng bần cùng hóa. Trung Quốc có nhiều tỷ phú nhất ở châu Á, nhưng cũng có tỷ lệ bất bình đẳng tăng nhanh nhất trên thế giới, và khoảng cách kinh tế, giáo dục và phúc lợi xã hội giữa các khu vực nông thôn và thành thị ngày càng lớn. Ưu tiên tăng trưởng kinh tế hơn tất cả mọi thứtrong nhiều thập kỷ qua cũng khiến Trung Quốc bị suy thoái môi trường quy mô lớn đối với không khí, nước và đất. Theo cơ quan giám sát Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Trung Quốc vẫn là nền kinh tế lớn tham nhũng nhất trên thế giới, ngang bằng với Serbia ở Nam Tư cũ và Benin của Tây Phi..
Để vượt qua những thách thức kinh tế dai dẳng và trở thành một quốc gia giàu có, Trung Quốc phải thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”. Đây là một hiện tượng trong đó chi phí lao động thấp lúc đầu đã giúp thúc đẩy sự phát triển của một quốc gia thông qua tăng trưởng sản xuất, nhưng sau đó, khi tiền lương tăng lên khiến tăng trưởng bị đình trệ dẫn tới mức thu nhập vẫn bị kìm hãm và không thể tăng thêm. Hầu hết các nền kinh tế thị trường mới nổi đều không thoát khỏi bẫy này. Nếu Trung Quốc đảo ngược được xu hướng này, như Hàn Quốc và những nước khác đã làm, thì nước này sẽ cần thúc đẩy một nền kinh tế mới dựa trên đổi mới công nghệ và dịch vụ. Và kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Đảng Cộng sản đã kích thích tăng trưởng kinh tế bằng cách gánh mức nợ cao hơn, vốn với dân số già nhanh, có nguy cơ kéo mức tăng trưởng xuống. Một kịch bản phổ biến là Trung Quốc sẽ già đi trước khi giàu lên.
Tuy nhiên, mô hình kinh tế của Trung Quốc đã thách thức các nhà phê bình trong quá khứ. Các nhiệm vụ do nhà nước định hướng của Trung Quốc, bao gồm việc cho phép một số lực lượng thị trường nắm quyền chính trị, cũng như sự đa dạng về khu vực trong vùng nội địa rộng lớn của Trung Quốc, khiến việc so sánh cách tiếp cận và quỹ đạo kinh tế của nước này với các nước khác rất khó khăn. Tiết kiệm trong nước và kiểm soát vốn chặt chẽ có thể ngăn chặn sự suy thoái kinh tế do mức nợ cao. Chính phủ Trung Quốc có thể tiếp tục kiểm soát các công ty nhà nước và ảnh hưởng đáng kể đối với các công ty tư nhân, để quản lý các biến động trong nền kinh tế và khai thác quy mô kinh tế trong nước để nâng cao vị thế của các ngành công nghiệp của mình trong nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, bất chấp những dự đoán lạc quan, việc ngoại suy quy mô kinh tế tương lai của Trung Quốc dễ bị sai và sẽ phụ thuộc vào sự thành công của chính phủ Trung Quốc trong việc cải cách hơn nữa nền kinh tế và thúc đẩy năng suất lao động. Cho dù yếu hay mạnh trong tương lai, sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc sẽ gây ra ảnh hưởng địa chính trị rộng lớn.
Cũng như Trung Quốc chưa trở thành một nền kinh tế thị trường chính thức, nó cũng vẫn là một quốc gia độc đảng. Đảng Cộng sản từ lâu đã được coi là một chế độ độc tài đầy linh hoạt – một số chỉ trích của công chúng được chấp nhận để cải thiện các tiêu chuẩn quản trị và tính chính danh của chính nó trong quá trình này. Nhưng những cải cách kinh tế và chính trị này đã bị chững lại dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình. Điều này bao gồm việc củng cố Vạn Lý Tường Lửa để kiểm soát Internet, các hình phạt khắc nghiệt đối với những người chỉ trích Đảng Cộng sản, hệ thống giám sát công nghệ cao, phổ biến và nổi bật nhất là việc cưỡng bức giam giữ tính khoảng 1 triệu người thuộc dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. khu vực.
Sự e ngại và nhạy cảm của Đảng Cộng sản đối với việc trao một số quyền chính trị và nỗ lực mở rộng chủ nghĩa chuyên chế kỹ trị thông qua kiểm soát chặt chẽ trên mạng xã hội và công nghệ nhận dạng khuôn mặt, chỉ được củng cố bởi các cuộc biểu tình kéo dài ở Hồng Kông trong những năm gần đây. Người Hồng Kông không đồng ý rộng rãi việc Bắc Kinh gia hạn hiệp ước quốc tế về quyền tự quản đối với lãnh thổ cho đến năm 2047 thể hiện sự bác bỏ mạnh mẽ mô hình phát triển của chủ nghĩa chuyên chế chính trị và chủ nghĩa tư bản nhà nước mà các nhà lãnh đạo Đảng mong muốn hợp pháp hóa trên toàn cầu. Việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia mới cho Hồng Kông vào mùa Xuân năm 2020 cho thấy quyết tâm không lùi bước của cách tiếp cận chính trị độc tài của nước này.
Phúc lợi kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là mối đe dọa nội tại của một nền kinh tế đang tăng trưởng chậm do nợ công gia tăng, năng suất giảm và dân số già hóa, cùng với sự nhạy cảm của Đảng Cộng sản đối với việc duy trì quyền lực chính trị trong nước, phần lớn xác định các mối quan hệ của Trung Quốc với thế giới bên ngoài ngày nay. Nếu Trung Quốc thực sự phải chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc, thì sức mạnh tương đối của nó trên thế giới rất có thể đạt đến đỉnh cao. Điều này cho thấy cơ hội thu hẹp trong hai thập kỷ tới cho Tập Cận Bình và giới lãnh đạo Trung Quốc trong việc chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu và các vấn đề thế giới cho phù hợp với các lợi ích, chuẩn mực và giá trị của Trung Quốc. Ngoài ra, nếu Trung Quốc ngăn chặn được khủng hoảng, Đảng Cộng sản có thể được khuyến khích thúc đẩy tham vọng toàn cầu của mình với sự quyết đoán hơn. Dù thế nào đi nữa, sau nhiều thập kỷ tích lũy sức mạnh kinh tế và quân sự đáng kể, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện đang muốn định hình lại thế giới.
*
Trung Quốc muốn gì từ thế giới? Tập Cận Bình đã có rất nhiều bài phát biểu quan trọng trong năm 2017. Nhưng bài phát biểu dài hơn ba giờ, dài 65 trang của ông tại Đại hội Đảng Cộng sản toàn quốc lần thứ XIX diễn ra vào tháng 10 để lại hậu quả lớn nhất cho thế giới. Ông Tập nói rằng đến năm 2035, Trung Quốc có thể phát triển thành một nền kinh tế hiện đại và trở thành “nhà lãnh đạo toàn cầu về đổi mới công nghệ” với sức mạnh vật chất và quy chuẩn vượt ra ngoài biên giới của mình. Vào thời điểm kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 2049, ông Tập dự đoán rằng Trung Quốc sẽ đạt được “Giấc mơ Trung Hoa”, “sự phục hưng vĩ đại của đất nước Trung Hoa” và trở thành “nhà lãnh đạo toàn cầu về sức mạnh quốc gia tổng hợp và ảnh hưởng quốc tế. Ông Tập cam kết rằng Trung Quốc sẽ xây dựng các lực lượng vũ trang đẳng cấp thế giới và giải quyết vấn đề Đài Loan, thống nhất hòn đảo độc lập trên thực tế với đất liền, bằng vũ lực nếu cần thiết. Năm sau, Tư tưởng Tập Cận Bình được đưa vào hiến pháp Trung Quốc và các giới hạn nhiệm kỳ Tổng Bí thư bị bãi bỏ để ông có thể trị vì suốt đời với tư cách là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông – người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Việc theo đuổi chương trình nghị sự này thể hiện bước đi của Trung Quốc từ một cách tiếp cận phòng thủ và hướng nội đối với thế giới sang một quan điểm hiếu chiến và bành trướng.
Mặc dù có sự đa dạng về quan điểm, lợi ích và quyền lực trong xã hội Trung Quốc và trong các mối quan hệ tương tác ở nước ngoài, Đảng Cộng sản vẫn là tác nhân mạnh mẽ nhất trong việc định hình mối quan hệ của Trung Quốc với thế giới bên ngoài. Cũng giống như Đảng Cộng sản đã thiết lập quyền lực của mình ở trong nước, ban lãnh đạo của nó hiện muốn Trung Quốc trở thành cường quốc toàn cầu vĩnh viễn. Giao lưu với thế giới bên ngoài mang lại cho Đảng Cộng sản các cơ hội để giảm bớt các vấn đề kinh tế của Trung Quốc ở trong và thể hiện tính chính danh và sức mạnh chính trị của họ trong mắt người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, cuối cùng thì Trung Quốc muốn thay thế Hoa Kỳ ở vị trí hàng đầu của hệ thống phân cấp thế giới và định hình lại các chuẩn mực toàn cầu và các thể chế quốc tế để thích ứng và thúc đẩy các lợi ích kinh tế, chính trị và an ninh của nó về lâu dài một cách tốt hơn.
Những động thái chính trị đầy quyết đoán của ông Tập ở trong nước phản ánh ý định đưa Trung Quốc lên sân khấu thế giới. Nhưng chúng không phải là điều mới mẻ đối với giới lãnh đạo của Trung Quốc. Và trong khi chúng có thể phát triển trong tương lai khi đối mặt với những thách thức kinh tế và chính trị trong nước, cũng như tình trạng rối loạn chính trị và chính sách đối ngoại theo hướng ‘nước Mỹ trên hết” của Hoa Kỳ có thể tồn tại lâu hơn nhiệm kỳ tổng thống của Trump, sự quyết đoán của Trung Quốc rất có thể tiếp tục ngay cả khi ông Tập không làm lãnh đạo. Vào đầu thập niên 1990, khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và sau cuộc cô lập quốc tế ngắn ngủi sau Thảm sát Quảng trường Thiên An Môn, chỉ thị phổ biến của nhà lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình là dành cho Trung Quốc một vị thế thấp trong chính trị toàn cầu và “náu mình chờ thời”. Nhưng Đặng không bao giờ mong đợi Trung Quốc hội nhập hoàn toàn vào một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ do Hoa Kỳ dẫn đầu. Thay vào đó, ông tin rằng Trung Quốc nên tránh đối đầu với Hoa Kỳ và các đồng minh cho đến khi chắc chắn rằng nó có thể giành chiến thắng. Trong khi đó, sự hòa hoãn gắn liền với phương châm chiến lược “náu mình chời thời ” đã khiến Trung Quốc trở nên kiềm chế, làm giảm nguy cơ khiến Trung Quốc bị ghẻ lạnh, đồng thời tạo điều kiện cho nước này phát triển sức mạnh kinh tế và quân sự.
Khi sức mạnh của Trung Quốc lớn mạnh ở trong nước, nước này đã mở rộng ảnh hưởng của mình ra nước ngoài. Sự tự tin ra bên ngoài của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Giang Trạch Dân tăng dần trong thập niên 1990 và đầu những năm 2000, và sự quyết đoán của Trung Quốc bắt đầu thể hiện rõ nét trong những năm cuối của thời kỳ lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cho đến năm 2012. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ông Hồ đã nâng cao năng lực quân sự của Trung Quốc, đặt cơ sở cho lập trường quyết đoán của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và biển Hoa Đông, cũng như định hình ý tưởng cho điều sẽ trở thành nền nàng chính sách đối ngoại của Tập Cận Bình – Sáng kiến Vành đai và Con đường. Với tham vọng và bề ngoài tự tin, ông Tập hiện đang cố gắng biến những mục tiêu lâu đời dài của Đảng Cộng sản thành hiện thực.
Trung Quốc đã thu được nhiều lợi ích từ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện tại, nhưng ngược lại, lịch sử của nước này cũng dạy họ coi thế giới bên ngoài là mối đe dọa đối với sự ổn định chính trị trong nước và phúc lợi kinh tế. Để đảm bảo rằng nền kinh tế toàn cầu và các vấn đề thế giới phù hợp hơn với lợi ích của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo tin rằng họ nên “tham gia tích cực vào việc lãnh đạo cải cách hệ thống quản trị toàn cầu,” như Chủ tịch Tập đã tuyên bố vào tháng 6 năm 2018. Khi hiện thực hóa Giấc mộng Trung Hoa nhằm phục hưng đất nước và thúc đẩy xây dựng một “cộng đồng chung vận mệnh” cho nhân loại, ông Tập lên kế hoạch để Trung Quốc thay thế Hoa Kỳ trở thành siêu cường của thế giới và đóng vai trò hàng đầu trong việc định hình lại nền quản trị toàn cầu. Thành công của giới lãnh đạo Trung Quốc trong việc đạt được các tham vọng chính trị, ý thức hệ, kinh tế và an ninh toàn cầu, nhưng cả hành vi hung hăng của họ ở nước ngoài để đối phó với bất ổn trong nước, đều có thể gây ra những hậu quả đáng kể cho thế giới.
Cuốn sách này xem xét liệu Trung Quốc có thực hiện được tham vọng toàn cầu của mình hay không: giải quyết các xung đột ở nước ngoài để mở rộng chương trình nghị sự kinh tế và an ninh, đạt được ảnh hưởng toàn cầu sâu rộng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, dập tắt những lời chỉ trích và củng cố tính hợp pháp chính trị của Đảng Cộng sản và xuất khẩu mô hình chủ nghĩa tư bản độc tài của Đảng ra nước ngoài, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa kinh tế của nền kinh tế Trung Quốc thông qua tương tác với thế giới bên ngoài, và thiết lập quyền bá chủ đối với châu Á thông qua sức mạnh quân sự và kinh tế. Trước hết, khi các lợi ích kinh tế của Trung Quốc mở rộng ra nước ngoài, Bắc Kinh quyết tâm chứng minh rằng họ có thể bảo vệ người lao động và các khoản đầu tư của Trung Quốc trên khắp thế giới. Điều này đặc biệt đúng với các quốc gia đang phát triển dễ xảy ra xung đột và không ổn định ở châu Phi, Trung Đông và Nam Á, hiện là những địa điểm đầu tư quan trọng của Trung Quốc vào năng lượng, khai thác mỏ và giao thông vận tải.
Tại diễn đàn khai mạc sáng kiến Vành đai và Con đường vào năm 2017, ông Tập Cận Bình nói rằng sáng kiến này “đòi hỏi một môi trường hòa bình và ổn định”. Trung Quốc sẽ “luôn là người xây dựng nền hòa bình thế giới, đóng góp vào sự phát triển toàn cầu và là người gìn giữ trật tự quốc tế,” sau đó ông cam kết trong một bài phát biểu chúc mừng năm mới. Trung Quốc mong muốn đóng vai trò là một nhà kiến tạo nền hòa bình toàn cầu để bảo vệ các lợi ích quốc gia và kinh tế của mình ở nước ngoài, nâng cao tính chính danh chính trị cho Đảng Cộng sản trong mắt người dân Trung Quốc, và định hình các chuẩn mực toàn cầu bằng cách thúc đẩy cách tiếp cận của riêng mình để thiết lập hòa bình và an ninh ở nước ngoài.
Hợp pháp hóa mô hình phát triển của Trung Quốc về chủ nghĩa chuyên chế chính trị và chủ nghĩa tư bản nhà nước trên toàn thế giới là một tham vọng toàn cầu khác. Trong nhiều thập kỷ, các quan chức Mỹ và phương Tây, các tổ chức phi chính phủ và truyền thông đều chỉ trích và cố gắng gây ảnh hưởng đến Trung Quốc, với mục tiêu giới thiệu nhà nước độc đảng để làm suy tàn chủ nghĩa tự do và các nền dân chủ. Ngày nay, chính Hoa Kỳ, Tây Âu, Nhật Bản, Ấn Độ và các nền dân chủ khác trên thế giới phải đối mặt với thách thức trong việc chống lại ảnh hưởng của nền độc tài của Trung Quốc. Đối với ông Tập, có sự cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực ý thức hệ với phương Tây, nhưng cũng để khiến những kẻ thách thức trong khu vực, chẳng hạn như Ấn Độ, vốn kiên quyết không khuất phục. Với tư cách là một quốc gia độc đảng mạnh về kinh tế và tham gia sâu rộng vào các vấn đề toàn cầu, Trung Quốc tìm cách thách thức các giá trị cốt lõi của các nền dân chủ tự do trên thế giới: tự do cá nhân, tự do ngôn luận và pháp quyền. Điều này bắt đầu bằng việc củng cố hình ảnh quốc tế của Đảng Cộng sản và dập tắt những chỉ trích đối với Đảng và Trung Quốc ở quy mô quốc tế.
Tập Cận Bình coi mô hình của Trung Quốc là đáng được ngưỡng mộ và đáng được mô phỏng, là sự thay thế cho sự bất ổn và suy tàn của các nền dân chủ tự do phương Tây. Trong “cộng đồng chung vận mệnh” mà ông Tập quảng bá như là tầm nhìn của mình về thế giới, Trung Quốc đưa ra một hướng đi theo chủ nghĩa độc tài cho sự phát triển của thế giới, đối lập với nền dân chủ. Trong bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIX của mình, ông Tập nói rằng Trung Quốc “đưa ra một lựa chọn mới cho các quốc gia và dân tộc khác, những người muốn tăng tốc độ phát triển trong khi vẫn bảo toàn nền độc lập”. Tương tự như Hoa Kỳ, Trung Quốc thấm nhuần chủ nghĩa biệt lệ và sự chiếm ưu thế của khía cạnh đạo đức trong các vấn đề quốc tế – những yếu tố giúp định hướng thế giới quan và chính sách đối ngoại của đất nước. Sự gia tăng quyền lực mềm của Trung Quốc không chỉ hình thành bởi tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo trên quy mô rộng ở trong nước, mà còn là lịch sử lâu đời của nước này như một nền văn minh và văn hóa phong phú, điều mà Bắc Kinh quảng bá thông qua hàng trăm Viện Khổng Tử và các tổ chức khác trên thế giới.
Sự nhạy cảm của Đảng Cộng sản đối với hình ảnh quốc tế của mình đã bộc lộ rõ vào đầu năm 2020 khi đại dịch COVID-19 lan ra khỏi thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và trên toàn thế giới. Trong khi sau đó, khoảng 800 triệu người Trung Quốc bị cách ly xã hội với nhiều mức độ khác nhau để làm chậm sự lây lan của virus corona, các nhà chức trách Trung Quốc ban đầu đã không công khai thừa nhận khả năng lây truyền từ người sang người của nó, thậm chí còn ngăn chặn các cảnh báo sớm của các chuyên gia y tế và nhà khoa học. Sau khi đại dịch bắt đầu gây ra thiệt hại kinh tế tổn thất nhân mạng quy mô lớn và lan rộng trên khắp các châu lục, chính phủ Trung Quốc, các quỹ và các tập đoàn bắt đầu quyên góp và bán các nguồn lực và vật tư y tế cho các nước bị ảnh hưởng, đáp lại những gì các nước khác đã làm cho Trung Quốc khi virus bùng phát lần đầu ở đó. Nhưng Bắc Kinh cũng phát động một chiến dịch quan hệ công chúng toàn cầu, trong đó các quan chức thẳng thắn của Trung Quốc tìm cách làm xáo trộn sự chậm trễ ban đầu của Trung Quốc trong việc báo cáo virus, chỉ ra quân đội Mỹ là nguồn lây bệnh tiềm năng. Khi hậu quả kinh tế của đại dịch bắt đầu gây ra cho thế giới, với châu Âu, Hoa Kỳ và những nước khác ban đầu bỏ qua mối đe dọa và mức độ nghiêm trọng của nó, Bắc Kinh đã tìm cách viết lại vai trò của mình trong nỗ lực đảm bảo tính chính danh trong nước và quốc tế như một cường quốc toàn cầu.
Trung Quốc cũng tìm cách tận dụng sự tham gia của mình với thế giới bên ngoài để thúc đẩy chương trình nghị sự kinh tế của mình ở trong nước. Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhằm kết nối toàn cầu của Trung Quốc, đã cố gắng gia tăng thương mại và tài chính của nước này trên thế giới, với mục đích giúp chuyển đổi nền kinh tế thu nhập trung bình của Trung Quốc thành nền kinh tế hiện đại và giàu có. Hàng trăm tỷ đô-la tài chính để xây dựng cảng, đường sắt và mạng lưới truyền thông kỹ thuật số từ Đông Nam Á đến châu Phi mang lại cho các công ty Trung Quốc cơ hội khai thác tình trạng thừa năng lực trong các ngành công nghiệp nặng trong nước, nắm bắt thị trường mới, và nâng cao vị trí của họ trong chuỗi giá trị toàn cầu nơi các tiêu chuẩn công nghiệp và công nghệ do Trung Quốc áp đặt có thể được duy trì.
Trung Quốc cũng muốn phát triển các tập đoàn nhà nước và tư nhân trở thành những nhà lãnh đạo toàn cầu trong các ngành công nghiệp tiên tiến. Được đưa ra vào năm 2015, chính sách “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” của Trung Quốc nhằm mục đích đổi mới ngành sản xuất của Trung Quốc bằng các công nghệ tiên tiến để sản xuất hàng hóa và dịch vụ có giá trị cao, nhắm đến các ngành công nghiệp ô-tô, hàng không, robot, công nghệ thông tin và các ngành công nghệ cao khác. Bằng cách tận dụng khả năng tiếp cận thị trường nội địa rộng lớn của mình để làm chủ các công nghệ mới và thu phục các chuyên gia từ các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu, cung cấp các khoản trợ cấp lớn cùng các quy định chính thức và không chính thức thuận lợi để cải thiện vị thế trên thị trường của các ngành công nghiệp và tham gia vào các thương vụ mua lại doanh nghiệp ở nước ngoài, Trung Quốc đang tìm cách nâng tầm toàn cầu năng lực cạnh tranh của các tập đoàn trong nước để đảm bảo liên tục tăng trưởng và hiện đại hóa.
Việc xây dựng và thể hiện sức mạnh quân sự của Trung Quốc cũng là điều cần thiết đối với Bắc Kinh. Ông Tập muốn xây dựng các lực lượng vũ trang đẳng cấp thế giới “sẵn sàng chiến đấu, có khả năng chiến đấu và chắc chắn chiến thắng”. Trung Quốc trước tiên tìm kiếm quyền bá chủ ở Đông Á, và giành lại những gì họ coi là lãnh thổ đã mất ở biển Hoa Đông và biển Đông, lôi kéo các cường quốc khác trong khu vực và đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Tây Thái Bình Dương. Sau đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng tìm cách nâng cao sức mạnh quân sự của Trung Quốc để thể hiện sức mạnh của họ trên toàn cầu. Chiến tranh không nhất thiết phải đạt được những mục tiêu toàn cầu và khu vực này. Chỉ riêng mối đe dọa về lực lượng kinh tế và quân sự cũng có thể khiến các nước láng giềng của Trung Quốc ở Đông Nam Á đến các nước xa xôi ở Mỹ La-tinh phải đảm bảo họ không vượt qua lằn ranh đỏ của Trung Quốc. Tương tự như việc Hoa Kỳ và các cường quốc trước đây sử dụng các biện pháp trừng phạt, Trung Quốc đã biến thương mại, đầu tư và tài chính thành vũ khí mới để trừng phạt và ép buộc các quốc gia, tập đoàn đa quốc gia, trường đại học và tổ chức phi chính phủ không tôn trọng chính sách đối ngoại và quốc phòng của mình.
*
Ngoài việc đúc kết từ công trình nghiên cứu kỹ lưỡng và sâu sắc của các học giả quan hệ quốc tế và Trung Quốc phác thảo tham vọng toàn cầu của Trung Quốc, cuốn sách này không tập trung vào những gì Trung Quốc muốn. Nó cũng không quan tâm đến việc làm thế nào Hoa Kỳ có thể cạnh tranh với đối thủ mới của mình. Mặc dù có những bài học cho cả các quan chức và doanh nhân Trung Quốc và Hoa Kỳ ở những trang tiếp theo, nhưng tôi quan tâm nhiều hơn đến việc hiểu quan điểm và kinh nghiệm của phần còn lại trên thế giới về sự trỗi dậy của Trung Quốc và những gì có thể diễn ra trong tương lai. Để phân biệt sức mạnh của Trung Quốc trên thế giới, và tránh cả việc đánh giá thấp và phóng đại ảnh hưởng của họ, cần phải có sự hiểu biết chắc chắn về cách Trung Quốc đang thích ứng với nền chính trị trong nước, cũng như với các thị trường và xã hội trên toàn thế giới.
Chuyến đi và nghiên cứu của tôi bắt đầu ở Nam Sudan, một quốc gia Đông Phi, nơi một số khoản đầu tư dầu mỏ ra nước ngoài sớm nhất và lớn nhất của Trung Quốc đã bị đe dọa bởi bất ổn chính trị và nội chiến. Tôi quan tâm đến việc xem xét liệu, bằng cách tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình sau nhiều thập kỷ không can thiệp vào các vấn đề của nước ngoài, liệu Bắc Kinh có thể bảo vệ người dân xa quê hương và đảm bảo rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc được an toàn và hiệu quả hay không.Ở gần biên giới của nó, tại Pakistan và Afghanistan, Trung Quốc cũng đang tham gia với cách tiếp cận riêng của mình đối với việc xây dựng nền hòa bình nhằm rút ra kinh nghiệm về duy trì nền an ninh và chống khủng bố ở trong nước và chuẩn bị cho khả năng can thiệp quân sự trong tương lai gần và xa để bảo vệ lợi ích của mình.
Sau đó, tôi đến Argentina ở Nam Mỹ, nơi vào cuối năm 2015, vị tổng thống mới đã lên nắm quyền và kêu gọi đình chỉ, thậm chí có thể hủy bỏ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, trị giá hàng tỷ đô-la của Trung Quốc. Trung Quốc đã phản ứng như thế nào trước sự thay đổi theo hướng dân chủ mà sẽ đe dọa lợi ích kinh tế của họ? Các áp lực trong nước từ khu vực tư nhân, liên đoàn lao động, các nhà bảo vệ môi trường và những giai tầng xã hội khác ở Argentina có phản ánh những thách thức lớn hơn mà Trung Quốc đang phải đối mặt trong Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của họ trên khắp châu Phi và châu Á không? Liệu mô hình phát triển của Trung Quốc có thể bắt nguồn từ những khu vực này trong khi đồng thời thúc đẩy các mục tiêu kinh tế và chiến lược của nó?
Tiếp theo, tôi đi vòng quanh Tây Âu, từ các nền kinh tế lớn như Đức, đối tác thương mại châu Âu lớn nhất của Trung Quốc, đến các nền kinh tế nhỏ hơn như Đan Mạch và Bồ Đào Nha, những nước mà người ta cho rằng dễ bị ảnh hưởng quá lớn của Trung Quốc. Các nền dân chủ tự do của châu Âu đóng vai trò là địa điểm để Bắc Kinh bình thường hóa các giá trị chính trị của mình ở nước ngoài, bằng cách đảm bảo ngay cả các nền dân chủ sôi động trên thế giới cũng tôn trọng lằn ranh đỏ chính trị đang mở rộng của nó, đặc biệt là ở Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương và Hồng Kông, và duy trì một triển vọng nhạy bén đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, hoặc nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục áp đặt các hạn chế và kiểm soát đối với các công ty nước ngoài, trong phần lớn thập kỷ qua, các nền kinh tế tiên tiến của châu Âu đã cho phép các tập đoàn nhà nước và tư nhân của Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ mới và đội ngũ chuyên gia để tiến hành hiện đại hóa Trung Quốc. Liệu Bắc Kinh có thể mong đợi tiếp tục việc duy trì các giới hạn đối với thương mại và đầu tư nước ngoài tại thị trường nội địa của mình trong khi có khả năng tiếp cận nhiều hơn với các nước khác? Liệu sự phụ thuộc kinh tế của châu Âu vào Trung Quốc có đáng kể đến mức Bắc Kinh có thể ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại và quốc phòng của châu Âu, đồng thời bẻ cong các chuẩn mực và giá trị dân chủ?
Cuối cùng, tôi đến Nhật Bản, một đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, nhưng lại là một nước có lịch sử quan hệ thù địch lâu đời. Trong việc tìm kiếm quyền bá chủ trong khu vực như một bước quan trọng trong sự trỗi dậy toàn cầu với tư cách là một siêu cường, Trung Quốc quyết tâm chiếm lại những gì họ coi là lãnh thổ đã mất ở biển Hoa Đông và biển Đông thông qua cưỡng ép kinh tế và đe dọa vũ lực. Sau khi xây dựng mối quan hệ thương mại sâu sắc với các nước láng giềng châu Á, việc Trung Quốc sử dụng các biện pháp trừng phạt không chính thức và tẩy chay người tiêu dùng sẽ tác động như thế nào đến các mối quan hệ này? Liệu Nhật Bản, Ấn Độ và các nước châu Á khác có thể đẩy lùi sự quyết đoán này không?
Điều tôi nhận thấy là, bất chấp những minh chứng rõ ràng về sức mạnh mới của nó trên khắp thế giới, cách tiếp cận mạnh mẽ hiện nay trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc là đấu tranh để vượt qua một loạt các thử thách. Bất chấp những nỗ lực xây dựng hòa bình mới của Trung Quốc, các khoản đầu tư của Trung Quốc đang bị tấn công và bị tôn thất bởi các cuộc xung đột ở châu Phi và Nam Á. Các chính trị gia phê bình và các nhà bảo vệ môi trường đang tăng cường kế hoạch xây dựng đường xá, đường sắt và mạng lưới liên lạc kỹ thuật số mới của Trung Quốc từ Đông Nam Á đến Mỹ La-tinh. Các nền dân chủ châu Âu đang đẩy lùi sự can thiệp chính trị và chủ nghĩa bảo hộ kinh tế của Trung Quốc, và Nhật Bản, Ấn Độ, và nhiều nước láng giềng châu Á của Trung Quốc đang huy động sức mạnh kinh tế và quân sự của họ để chống lại tham vọng bá quyền của họ.
Sự phản đối trên toàn cầu trước sự cứng rắn của Trung Quốc là hệ quả của cả những bước đi sai lầm chiến lược và hành động quá đà của Bắc Kinh. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không chuẩn bị sẵn sàng để chấp nhận thỏa hiệp kinh tế và chính trị với thế giới rộng lớn hơn, mà thường nhìn nó qua lăng kính độc tài trong nước của họ. Họ đẩy lùi hơn là thu hút các đối tác tiềm năng để giúp thực hiện các mục tiêu chiến lược. Do đó, Trung Quốc sẽ đấu tranh để bảo vệ người dân và các khoản đầu tư của mình trong các cuộc xung đột ở nước ngoài, chính danh hóa mô hình phát triển của mình, thúc đẩy mạnh mẽ Sáng kiến Vành đai và Con đường như một kế hoạch kết nối toàn cầu, sẵn sàng mua lại các công ty công nghệ mới của nước ngoài và thu phục đội ngũ chuyên gia quốc tế mới để thúc đẩy vị thế của mình trong các ngành công nghiệp tiên tiến trong nền kinh tế toàn cầu, và thiết lập quyền bá chủ quân sự ở Châu Á.
Không điều nào trong số này ngụ ý rằng Trung Quốc sẽ trở nên tầm thường đối với nền kinh tế toàn cầu và các vấn đề thế giới hoặc rằng các hành động của họ ở trong và ngoài nước không nên được coi trọng. Điều đó cũng không có nghĩa là sự quyết đoán của Trung Quốc là chưa từng có trong số các cường quốc toàn cầu trong lịch sử hiện đại và rằng mọi tham vọng của họ trên thế giới bằng cách nào đó nên bị các quốc gia khác kiềm chế. Thay vào đó, đó là cách mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chọn để thực hiện sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng cao của đất nước họ, điều phần lớn đang gây ra sự cản trở. Ngay cả khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng và tránh được khủng hoảng trong tương lai, điều này không đảm bảo rằng nước này sẽ đạt được ảnh hưởng mới, đáng kể nếu các nhà lãnh đạo ở New Delhi, Tokyo, Berlin và các thủ đô nước ngoài khác coi hành vi của họ là gây nguy hiểm cho lợi ích và giá trị của chính họ. Nếu không có cải cách và áp dụng một sự cởi mở thực sự để thỏa hiệp và hợp tác, thì chương trình nghị sự kinh tế mang tính săn mồi, nền ngoại giao cứng rắn và sự mở rộng hoạt động quân sự của Trung Quốc sẽ làm suy yếu hơn là nâng cao vị thế của nước này trên thế giới.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc duy trì một thế giới quan thứ bậc quan liêu lâu đời. Không có gì ngạc nhiên khi các bản đồ thể hiện các kế hoạch cho chính sách đối ngoại đặc trưng của ông Tập, Vành đai và Con đường, chỉ bao gồm khu vực Âu-Á, và bỏ qua Hoa Kỳ và Tây Bán cầu một cách trực quan. Trong khi có những lý do kinh tế và địa chiến lược cho trọng tâm địa lý này, nó cũng củng cố ý tưởng rằng một tương lai với Hoa Kỳ bị loại bỏ là một tương lai với sự chỉ huy của Trung Quốc. Nhưng quan điểm này là sai lầm. Bài phát biểu tại Davos năm 2017 của ông Tập không đại diện cho sự thay đổi vị trí thống lĩnh các siêu cường toàn cầu. Trung Quốc hiện đang gây sức ép với thế giới rộng lớn hơn, nhưng vẫn còn lâu mới thuyết phục được họ.
*VỀ TÁC GIẢ
Luke Patey là Nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, và là bình luận viên thường xuyên trên các diễn đàn báo chí hàng đầu như Financial Times, Foreign Policy, Foreign Affairs, The Guardian, Bloomberg, The Wall Street Journal, The New York Times, the Financial Times, Reuters, Al Jazeera, và BBC.
*Nguồn: Luke Patey (2021). ‘How China Loses: The Pushback against Chinese Global Ambitions’. Oxford: Oxford University Press.
Nguyễn Trung Kiên dịch
Leave a Reply
Your email is safe with us.