Cái Chết Bi Thương Của Vị Anh Hùng Người Việt Tị Nạn
Những Vận Động Cho Người Việt Tại Phi Đến Tị Nạn Tại Guam
Triều Giang




Sau nhiều tháng chuẩn bị cho cuộc viếng thăm được đặt tên là “Operation New Beginnings”, phái đoàn của hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt VAHF đã viếng thăm đảo Guam để nhận lãnh một số tài liệu liên quan đến việc tiếp nhận trên 150,000 người Việt tị nạn ngay sau khi miền Nam bị sụp đổ vào năm 1975. Những tài liệu này đã được lưu trữ và chuyển giao cho Hội VAHF từ văn phòng thống đốc Guam, ông Felix P. Camacho, các đơn vị quân đội Hải Quân và Không quân Hoa Kỳ, Trường Đại học Guam, báo Pacific Daily News, cộng đồng Người Việt, và một số tư nhân địa phương đã tham dự vào chiến dịch được đặt tên là “Operqtion New Life” vào đúng 31 năm trước đây.

Phái đoàn gồm 17 người, ngoài 6 người trong Ban Chấp hành của hội và 2 vị khách, còn có sự tham dự của Nữ tài tử Kiều Chinh, Cố vấn và hội viên Danh dự của hội, Ông bà Tony Lâm, cựu Nghị viên thành phố Westminter là hội viên danh dự của hội, Ông James
Reckner, Giám đốc Việt Nam Center và người phụ tá, ông Tyre Lovelady. Đặc biệt là có sự tháp tùng của hai cơ quan truyền thông, Ông bà Dương Phục và Thanh Thủy thuộc ban Giám đốc của đài Sàigòn Houston Radio, cũng là hai hội viên danh dự của hội VAHF, và Luật sư Trịnh Hội cùng chuyên viên thâu hình Trần Vũ của đài truyền hình SBTN.
Với 3 ngày làm việc và thăm viếng, với một lịch trình ít nhất là 12 tiếng đồng hồ cho một ngày, có thể nói “Operation New Beginnings” cuả Hội VAHF đã thăm viếng những nơi cần thăm viếng nhất cho việc đi tìm dấu tích lịch sử của người Mỹ gốc Việt đã đến đây vào năm 1975.

Ngược Giòng Lịch Sử
Đảo Guam, một hải đảo thơ mộng có cảnh trí đẹp như tranh vẽ, với những ghềnh đá cheo leo phủ đầy hoa màu đỏ, hồng, tím, vàng rực rỡ. Phía dưới chân những ghềnh đá là những thảm cỏ xanh rì được cắt tỉa, chăm chút cẩn thận trông đẹp như những tấm thảm nhung min màng. Những thảm cỏ này chạy dài tới những rặng dừa ngả bóng thơ mộng trước những bãi cát trắng phau và cuối cùng là biển mênh mông, xanh thẫm
Nằm ở vị trí cực đông của biển Thái Bình Dương, giờ của Guam đi trước giờ của thành phố Houston là 15 tiếng. Vì thế, người dân ở đây vẫn hãnh diện nói rằng: “Guam là nơi mà ngày của nước Mỹ bắt đầu”. Trong Thế chiến thứ hai, hòn đảo thơ mộng này cũng đã bị những dấu vết chiến tranh khó quên cho người dân bản xứ, vẫn được gọi là người Chamorro. Nhật chiếm đóng Guam từ năm 1941 tới năm 1944. Trong thời gian đô hộ Guam, quân Phiệt Nhật đã có những hành vi tàn ác như hành hạ, chém. giết người vô cớ và dã man nhất là bắt tử tội tự đào huyệt cho mình rồi bị quân Nhật chém cổ bằng kiếm và đẩy xuống hố. Nhiều người Chamorro vẫn chưa xoá được hận thù. Cho tới ngày hôm nay, một số Chamorro còn bày tỏ sự chống đối bằng cách từ chối không ăn xì dầu “soy sauce”, món nước chấm biểu tượng của người Nhật. Đảo Guam đã được quân đội Mỹ đổ bộ vào cảng ASAN và giải phóng ngày 21 tháng 7 năm 1944. Từ đó, Guam được công nhận thuộc lãnh thổ của Hoa Kỳ và được xử dụng như một căn cứ quân sự chiến lược hàng đầu của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương.
Dân số Guam hiện tại là 166,000 gồm 37% là người Chamorro, 27% là người Phi Luật Tân (Guam cách Phi có 3 tiếng máy bay), 27% dân số còn lại bao gồm các sắc dân Á Châu như Đại hàn, Nhât, Tàu, và các sắc dân khác. Người Việt hiện còn hơn 200 người sinh sống ở đây, phần lớn sống bằng nghề thương mại.
Những Dấu Vết Lịch Sử Khi Hoa Kỳ phản bội miền Nam và miền Nam sắp rơi vào tay cộng sản, Henry Kissinger đã hỏi nhiều quốc gia trong vùng trong đó có Phi Luật Tân, đều bị từ chối. Henry Kissinger đã hỏi ý của Thống đốc đảo Guam lúc bấy giờ là ông Ricardo Bordallo. Cùng cảm thông với nỗi khổ đau của những người trong cảnh nước mất nhà tan và cũng vì muốn trả ơn Hoa Kỳ, những người đã cứu dân Chamorro khỏi cảnh đô hộ tàn ác của Nhật, Thống đốc Bordallo đã nhận lời và ngày mùng 5 tháng 4 năm 1975, chiến dịch “Operation New Life” bắt đầu cho đến khi hoàn tất là ngày 1 tháng 11 năm 1975, sau gần 7 tháng, Guam đã tiếp nhận và chuyển đi trên 150,000 người Việt tị nạn.



Những hình ảnh và tài liệu về cuộc di tản chưa hề xảy ra trong lịch sử của đảo Guam đã được chính phủ, trường Đại học, các căn cứ Hải Quân, Không Quân và cộng đồng người Việt tại Guan trao cho phái đoàn VAHF ghi lại những trang sử về cái nôi đầu tiên của cộng đồng Người Mỹ Gốc Việt, (Hình của VAHF)
ASAN Chỉ Còn Là Công Viên
Ngày đầu của cuộc thăm viếng, phái đoàn VAHF đã đến công viên ASAN, nơi mà 31 năm trước đây từng là một bệnh viện Hải quân bỏ trống đựợc dùng làm trại tạm trú cho trên 5,000 người tị nạn Việt Nam. Nay sau nhiều cơn bão tàn phá bệnh viện này đã bị phá bỏ làm thành một công viên với những hàng dừa, thảm cỏ, và những vườn hoa. Và cũng chính nơi đây, 31 năm trước đó (1944-1975) quân Mỹ đã đổ bộ để gỉai phóng người Chamorro. Dấu tích của cuộc đổ bộ được ghi lại bằng một đài kỷ niệm xây bằng một phiến đá lớn trên một ghềnh đá cao nhất nhì của đảo. Trên phiến đá là hai cột cờ đang có hai lá cờ Guam và Hoa Kỳ bay phất phới. Phiá trước và về phiá tay phải từ đài kỷ niệm, có những bia đá ghi lại những dữ kiện xảy ra trong cuộc đổ bộ theo ngày giờ và từng dữ kiện của sự kiện lịch sử 62 năm trước đây. Đứng trên ghềnh đá cuả trại ASAN, nhìn về phiá đông bắc, du khách sẽ thấy phố xá của thủ phủ Agana với nhữnh dinh thự và khách sạn đồ xộ với số phòng trên 500 xoay mặt ra biển xanh ngát. Theo tài liệu của Hải quân Mỹ tại Guam, trại ASAN là trại đóng cửa sau cùng vào ngày mùng 1 tháng 11 năm 1975. Trại ASAN cũng là trại tạm trú cuả 1652 người trở về bằng tàu Việt Nam thương Tín với sự hướng dẫn của Cựu Trung tá Hải Quân Trần Đình Trụ. Trung tá Trụ sau gần 13 năm tù đã đến Mỹ vào năm 1992 theo diện HO và hiện đang sống tại Arlington, Texas.
Ông bà Tony Lâm như sống lại với cảnh cũ, dù người xưa nay đã tản mác nhiều góc biển chân trời, ông cựu nghị viên của Westminter kể thao thao bất tuyệt về những sinh hoạt giúp người tị nạn trong suốt hơn 3 tháng ông làm trưởng trại ở đây. Từ việc lo thực phẩm, thuốc men, cho đến việc tổ chức cuộc thi hoa hậu áo dài mà hiện trong số tài liệu và hình ảnh được trao cho hội VAHF vẫn còn ghi chép.
Cũng chính nơi đây, bên cạnh đài kỷ niệm quân đội Mỹ đổ bộ giải phóng Guam, Công đồng Việt Nam tại Guam đang vận động lâp được đài kỷ niệm dấu tích tìm tự do của trên 150,000 người Mỹ Gốc Việt. Cũng tại đây, phái đoàn được gặp Thống Đốc Camacho lần đầu tiên. Thống đốc Camacho là một Chamorro tuổi chưa đầy 50, trẻ dáng người đẹp nhưng bình dị. Ông tiếp đón phái đòan bằng nụ cười chân thành đầy thiện cảm. Ông kiên nhẫn đứng chụp hình cùng phái đoàn và rồi với từng người. Khi nữ tài tử Kiều Chinh bắt tay ông, ông đã nói: “Hân hạnh được đón tiếp bà và phái đoàn tại Guam.” Nữ diễn viên Kiều Chinh đã ngỏ lời cám ơn và nói đùa: “Không ngờ Thống Đốc của Guam còn thật trẻ và đẹp như tài tử Hollywood”. Thống đốc Camacho đáp lại với nụ cười hiền hòa và hẹn sẽ gặp lại phái đòan vào ngày thăm viếng thứ hai.



Từ trái: bảng tưởng niệm tại bãi biển ASAN, ghi dấu cuộc đổ bộ của quân đội Hoa Kỳ để giải phóng Guam khỏi sự chiếm đóng của Nhật năm 1944 và cũng là nơi người Việt được đưa đến đây để tị nạn năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn rơi vào tay CS. Hình giữa: ASAN bây giờ là công viên. Hình phải: phái đoàn chụp hình kỷ niệm. Người đứng hàng đầu bên trái là cựu nghị viên quận Cam, California, ông Tony Lâm, ông từng là trưởng trại ASAN trong suốt thời gian 7 tháng khi người người tị nạn tạm trú tại đây (Hình VAHF)
Buổi thăm viếng tại Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hoa Kỳ tại Guam đã được tiếp đón bởi hai sĩ quan trẻ, một trong hai ngưòi là Trung úy Hải quân John Đặng có gia đình sống tại Houston. Phái đoàn đã được thăm cảng đưa người tị nạn vào Guam theo đường biển. Cảng vẫn còn đang được xử dụng cho tàu Hải quân Mỹ khi cập bến Guam. Trung úy John Đặng còn trình bày về những đóng góp của Hải quân Guam trong việc đón nhận người Việt tị nạn năm 1975. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên Bộ Tư Lệnh Hải quân tại Guam đã cử Trung Úy John Đặng ra tiếp phái đoàn. Người Trung Úy 29 tuổi có thân hình cường tráng, với đôi mắt sáng, và nụ cười chân thành nở trên môi đã đem lại sự gần gũi thân mật và hãnh diện về tuổi trẻ người Mỹ Gốc Việt có mặt khắp nơi, và đang đóng góp tích cực vào mọi lãnh vực trong xã hội Hoa Kỳ. Phái đoàn còn được vui và hãnh diện hơn khi được biết Trung Úy John Đặng sắp được lên lon Đại Úy trong vài tháng tới.
Trong phòng họp của Bộ Tư Lệnh Hải quân, một tấm hình lớn chụp quang cảnh một cuộc họp cuả hôi nghi Việt Mỹ từ ngày 19-22 tháng 3 năm 1967. Mục đích của hội nghị theo lời TT. Lyndon Johnson là “một mở đầu cho một kết thúc cuộc chiến VN”. Về phía Mỹ, Tổng thống Lyndon Johnson đứng đầu phái đoàn , với sự có mặt của tướng Mc. Namara, và nhiều tướng lãnh khác của Hoa Kỳ, bên kia là phái đoàn Việt Nam hướng dẫn bởi Trung Tướng Nguyễn văn Thiệu, lúc bấy giờ đang giữ chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, với sự có mặt cuả Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, đang giữ chức vụ Thủ Tướng, ông Bùi Diễm, và nhiều viên chức của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Phái đoàn tỏ vẻ thích thú về tấm hình vì mọi người trong buổi họp hôm đó đã ngồi bên chính chiếc bàn lịch sử này. Chiếc bàn hình bầu dục đựơc ghép bằng những tấm gỗ xéo, vân gỗ vẫn còn rõ nét, và dầu gỗ vẫn còn láng mướt dù tuổi chiếc bàn dễ có đến 50 năm. Dọc theo cạnh bàn vẫn còn những bảng đồng nhỏ hình vuông ghi chỗ ngồi của từng đại biểu. Người viết đã ngồi vào chỗ cuả một đại biểu Nam VN. Một điều ngẫu nhiên thích thú khác của lịch sử là trong phái đoàn hôm đó có con rể ông Nguyễn Cao Kỳ, Ls. Trịnh Hội. Nhiều người trong đoàn đã không bỏ cơ hội này để nói những câu nói đùa như: “Đi đâu rồi cũng gặp bố vợ, không khá được!”



Hình trái: Trung úy Hải Quân John Đăng chụ hình kỷ niệm với nữ tài tử Kiều Chinh trước phóng ảnh cuộc họp lịch sử giữ Hoa Kỳ và phái Đoàn VNCH vào tháng 3 năm 1967. Hình giữa: Phái đoàn ngồi chụp hình kỷ niệm trên chính những chiếc ghế và chiếc bàn lịch sử này. Hình phải: Phái đoàn thăm Đại học Guam và được chia sẻ nhiều tài liệu và hình ảnh về sự có mặt của trên 150,000 người Việt di tản năm 1975. (Hình VAHF)
Cuộc Hội Ngộ Tại Orote Point
Rời Bộ Tư Lệnh Hải Quân, Trung Úy John Đặng hướng dẫn phái đòan đi thăm trại Orote Point, nơi mà lúc cao điểm nhất từng là nơi tạm trú của 39,331 người Việt tị nạn năm 1975. Trước đó Orote Point là một phi trường bỏ trống. Hàng ngàn chiếc lều đã được vội vã dựng lên ở đây làm nơi tạm trú cho người tị nạn. Vì thế, nơi đây, vào những ngày đó đã được đặt tên là “Tent City”. Tent City hoàn tất nhiêm vụ và đóng cửa vào ngày 25 tháng 6 năm 1975. Hiện tại, Orote Point ngoài một số đường nhựa, còn lại mặt đất được phủ kín bằng những hàng lau sậy dài vờn bay theo gió.
Chị Hồng Hoàng, một thân hữu cuả hội VAHF có mặt trong chuyến đi đã từng ở Tent City. Chị cũng có dịp được gặp người hàng xóm ngắn ngủi tại Orote Point, anh Lê Phát người ở lại Guam trong 31 năm qua. Anh đã lập gia đình ở đây có hai con, cả hai đều đã thành tài, một trong hai người con của anh đã ra trường sĩ quan West Point của quân đội Mỹ. Chi Hồng sau nhiều tháng cùng với 3 con chờ đợi đã gặp chồng và về đất liền, đời sống sau những ngày sóng gió cũng tạm ổn định.
Căn Cứ Không Quân Andersen, không còn Tent City Căn cứ Không quân Andersen, một căn cứ chiến lược của Hoa Kỳ cũng đã được xử dụng Những dãy barrack có mái tôn đã là nhà tạm trú của người Việt tị nạn. Những ngày ấy, người dân ở đây đặt tên khu barrack này là Tin City. Tin City đã là nhà tạm trú của nhiều ngàn người tị nạn, trong đó có Dưọc sĩ Tuyết Trần, Thủ quỹ của hội VAHF, Dược sĩ Tuyết đã không giấu được sự xúc động khi nhớ lại khung cảnh 31 năm trước đây chị cùng chồng là Bác sĩ Trần văn Đức cùng 3 người con sống những ngày lo lắng cho tương lai và đau buồn vì cảnh nước mất, nhà tan. Giờ đây 3 người con một trở thành bác sĩ, một là nha sĩ, môt là kiểm toán viên, và hôm nay chị trỏ lại đây sau 31 năm để bồi hồi nhìn lại cảnh cũ.
Hiện những barrack cuả Tent City đã bị tháo dỡ vì những cơn bão liên tiếp trong máy năm vưà qua. Tent City giờ chỉ là một bãi cỏ trống có vài cây dừa trơ vơ với những chú ong quái ác đã dám châm hai mũi đau chết người, một vào ngón tay cái, và một vào tai trái của ngưòi viết. Vẫn theo lời của ông John Triber, một sử gia làm việc cho căn cứ không quân tại đây cho biết hầu như tất cả những người làm việc tại đây, đã ít nhất là một lần được những chú ong này chiếu cố. Hiện di tích duy nhất còn lại về Tent City là 3 bậc xi măng được xây để những người tị nạn có thể bước xuống những khu barrack được an toàn. Có những ý kiến đưa ra là nên xin Căn Cứ không quân giữ lại 3 bậc xi măng này để coi như là những dấu vết lịch sữ cho mai sau.




Từ trái: Trại tị nạn Orote Point giờ thành đường bay của phi trường quân sự, Orote Point đầy ắp dân tị nạn năm 1975. Phái đoàn ngắm những bậc xi măng dẫn xuống Tent City. Tent city vào những ngày cao điểm của với hàng chục ngàn người chờ hoàn tất thủ tục giấy tờ trước khi đi định cư. (Hình Internet và VAHF)
72 Binh Sĩ Chamorro Đã Hy Sinh Trong Chiến Tranh Việt Nam
Mộ Của Những Người Việt Bỏ Mình Trên Đường Đi Tìm Tự Do.
Một trong những khám phá thú vị và cảm động nhất cuả phái đoàn là việc tìm biết được 72 chiến binh người Chamorro đã tử trận trong cuộc chiến dành tự do cho Việt Nam. Hội Vietnam Veteran cùng với sự hỗ trợ của Cộng Đồng Người Việt tai Guam đã vận đông thành lập một bức tường ghi tên của những người này. Bức tường được đặt trên xa lộ có tên là “Vietnam Veteran Highway”. Xa lộ dài khỏang 5 dậm Anh nối liền xa lộ số 4 tới xa lô số 8 cuả thành phố Barrigada ngay trung tâm của đảo Guam. Ngoài hai công trình này, Hội Vietnam Veteran có có khu nghiã trang riêng và cũng tại nơi đây với lòng yêu thương đùm bọc, 25 người Việt tị nạn chết vào năm 1975 đã được an nghỉ vĩnh viễn, bên cạnh những chiến sĩ đồng minh của mình.
Khi phái đòan đến nghĩa trang Vietnam Veteran, thì đội Honor Gard đã đứng chào theo hai hàng thẳng tắp với 3 lá cờ Mỹ, Guam, và cờ vàng 3 sọc đỏ bay phất phới trong gió. Một chiếc lều trắng đã được dựng lên cho quan khách phiá trước khán đài. Tại khán đài vị linh mục người Đài Loan mà mọi người vẫn gọi là Father James đã chờ ở đó. Một lễ nghi tôn giáo nghiêm trang và long trọng đã được cử hành để tưởng nhớ đến những người Việt tị nạn đã bỏ xác trên đường đi tìm tự do. Phái đoàn sau đó đã đi viếng 17 ngôi mộ. Một số mộ cuả 25 người chết tại đây đã được người thân bốc đi. Một số không ít những ngôi mộ còn lại là cuả các em nhỏ. Có em chỉ mới có mấy tháng tuổi đã không chịu nổi hành trình cam go đã bỏ xác tại đây. Nếu được cơ hội sống sót, gìờ đây, các em đang là những thanh niên, thiếu nữ đầy tương lai trước mặt. Hầu hết những ngôi mộ này được chăm sóc bởi Cộng đồng người Việt tại Guam, và họ được chôn sát bên nhau, nên không đến nỗi nguội lạnh. Trong cái nắng chói chang của buổi quá trưa hôm đó mắt người thăm viếng đã cảm thấy cay cay và một nỗi ngậm ngùi khó tả cho thân phận những con người Việt Nam. Có ai nghĩ rằng sinh ra tại quê hương mình lại phải bỏ xác tại hải đảo xa xôi này chỉ vì mong được sống tự do, sống như một con người?




Từ trái: các cựu Vietnam Veteran Charter 668 rước cờ Hoa Kỳ, Guam và VNCH trước buổi lễ truy điệu và cầu nguyện tại nhà nguyện trong khuôn viên nghĩa trang riêng nơi có 25 ngôi mộ của người tị nạn bỏ mình trên đường đi tìm tự do. Phái đoàn chụp hình chung với Linh Mục cố vấn và thành viên và gia đình của các Charter 668. Bảng ghi tên 72 chiến binh tại Guam đã chết trong chiến tranh Việt Nam. Phài đoàn thăm nghĩa trang. (Hình VAHF)
Câu Chuyện Của Nữ Tài Tử Điện Ảnh Hai Lần Tị Nạn
Buổi nói chuyện của nữ tài tử Kiều Chinh tại Câu lạc bộ phụ nữ tại Guam đã gây nhiều xúc động cho khán giả. Cuộc đời tị nạn hai lần của người nữ tài tử được coi như là một huyền thoại cho giới điện ảnh Việt Nam cũng như Hoa kỳ đã được chính người trong cuộc kể lại với giọng nói trầm ấm và truyền cảm khiến cho người nghe thật xúc động. Bà Thống Đốc Camacho, và nhiều khán giả đã đến ôm lấy người nghệ sĩ tài danh này để tỏ lòng mến phục. Cũng trong dịp này, Anh Phan Trọng Phó Hội Trưởng Đặc Trách Nghiên Cứu đã gìới thiệu phim tài liệu “Hành Trình Người Mỹ Gốc Việt” để nói lên lịch sử bi hùng và đầy những thành quả và đóng góp của Người Mỹ Gốc Việt. Cuốn phim cũng đã gây nhiều xúc cảm cho người xem.




Từ trái: Nữ tài tử Kiều Chinh trước cảnh đẹp mê hồn của hải đảo Guam. Buổi nói chuyện của bà tại Câu lạc bộ Phụ nữa Guam. Thống Đốc Guam Felix P Camacho trao hộp tài liệu về người Việt tị nạn cho tài tử Kiều Chinh. Hình cuối: Phu nhân TĐ Felix P. Camacho, Dân biểu Bordallo, Kiều Chinh và bà Nancy Bùi. (Hình VAHF)
Mộ Người Anh Hùng Của Dân Việt Tị Nạn
Cuộc thăm viếng cảm động khác là cuộc thăm viếng mộ của cựu Thống Đốc Ricardo Bordallo. Đối với dân tị nạn Việt Nam tại Guam năm 1975 nới riêng và toàn thể người dân Việt nói chung, có thể nói gia đình Bordallo là một trong những ân nhân tình sâu, nghĩa nặng nhất. Ngay sau khi quyết đinh nhận người Việt tị nạn, Thớng đốc Bordallo và văn phòng của ông đã làm việc ngày đêm. Bà Bordallo đã không quản nhọc nhằn, bà đến từng barrack, từng phòng bệnh để thăm hỏi giúp đỡ người Việt tị nạn. Chính bà cũng nhiều lần gặp gỡ và khuyên bảo những người đòi trở về bằng tàu Việt Nam Thương Tín. Họ đã dành những phương tiện tốt nhất để giúp người tị nạn, chính vì thế mà gia đình ông đã bị phe đối lập đả kích không ít. Ông Bordallo là người Chamorro, trong khi bà Bordallo là người Mỹ da trắng. Bà Bordallo cũng tham chính. Trước đó bà từng làm Phó Thống đốc, rồi Nghị sĩ, và hiện tại Bà đang là Dân biểu Hoa Kỳ, đại diện cho người dân đảo Guam.
Cái chết của Thống đốc Bordallo cũng đầy bi hùng. Năm 1990, sau khi bị tuy tố ăn hối lộ tại toà sơ thẩm Guam, ông đã được gỡ trắng án trên toà thượng thẩm, nhưng lại bi kết án với tội “cản trở công lý” (obstruction justice) với bản án tù 5 năm. Trong buổi lễ mừng năm mới ngày 31 tháng 12 năm 1990, ông đã chào mọi người ra về sớm và theo lời cuả người thân cận cuả ông bà Bordallo, nửa giờ sau khi ông rời buổi tiệc, bà Bordallo lúc đó đang giữ chức Nghị sĩ, nhận được cú điện thoại của cảnh sát cho biết Thống đốc Bordallo đã cuốn mình bằng lá cờ Guam, treo cổ lên bằng giây xích tại công trường có tương người anh hùng Chamorro rồi tự bắn vào đầu chết một cách thảm thương. Thống đốc Bordallo đã được mai táng như một người anh hùng cuả Guam và để lại sự thương tiếc bùi ngùi mãi mãi cho người dân Guam.
Cuộc đời còn lại của nữ dân biểu Madelein Bordallo cũng không mấy may mắn, người con gái duy nhất cuả ông bà Thống đốc đã không may vướng vào cảnh nghiện ngập, có nhiều khi trong cơn say, cô đã chạy bương ra đường không quần, không áo, cô đã nhiều lần được chữa trị nhưng không có kết quả, cô bị mất tích và hiện không biết sống chết ra sao. Cô để lại một người con duy nhất cho mẹ và người máu mủ duy nhất cuả bà Bordallo hiện tại là đứa cháu ngoại xấu số này.
Phải nói bà Bordallo là người phụ nữ có một ý chí phi thường, trải qua những bất hạnh của cuộc sống, bà vẫn vươn lên để có một cuộc sống hữu ích cho mình và cho tha nhân. Người dân Guam rất cảm kích về bà. Bà theo đảng Dân chủ, bà đã đác cử bốn lần và chắc cho đến khi bà về hưu, không chắc gì có một ứng cử viên khác có thể tranh chỗ của bà, dù kẻ đó là Dân chủ, hay Cộng hoà. Người viết đã có lần nói với bà về sự ngưỡng mộ cuả mình, bà Bordallo đã chỉ tay vào ngực và nói:
“Tôi vẫn còn đau đớn lắm. Tội phải làm viêc thật nhiều, thật nhiều để giúp người khác và để quên đi nỗi đau cuả mình.”
Khi phái đoàn VAHF đứng trưóc ngôi mộ của anh hùng Bordallo, bà Bordallo cùng đứng đó đầu hơi cúi yên lặng. Đôi mắt lớn đẹp nhưng không dấu được nỗi đớn đau của bà đang long lanh những giọt lệ, khi từng người trong đòan đứng yên lặng cầu nguyện, và cung kính vái chào.
Trong lời phát biểu nghẹn ngào, bà Bordallo nói rằng:” Chúng tội đã giúp các bạn trong những ngày ấy, vì chúng tội hiểu được nỗi đau khổ của những người không còn quốc gia. Và không riêng gì vợ chồng tôi, cả chính phủ và toàn dân đảo Guam đã hêt lòng đóng góp vào công việc cứu trợ này. Xin chân thành cảm ơn các bạn đã trở lại đây để thăm viếng và tỏ lòng biết ơn.” Bà Nancy Bùi Hội Trưởng hội VAHF đã thay mặt hội tỏ lòng tri ơn gia đình Bordallo và phát biểu; “Thống đốc Ricardo Bordallo mãi mãi là anh hùng của người Việt Nam tự do, Tên tuổi cuả gia đình Bordallo và Guam luôn có một vị trí xứng đáng trong lòng và trong những trang sử bi hùng của người Mỹ Gốc Việt.”




Từ trái: Chân dung của nữ Dân biểu Guam, bà Madeline Bordallo, gia đình Thống Đốc Ricardo Bordallo, phái đoàn viếng mộ TĐ. Bordallo và bia mộ của ông. (Hình của Bordallo Family Collection và VAHF)
Những Người Bạn Mới và Cũ Cho Những Đấu Tranh Hôm Nay
Cũng trong dịp này, nữ Dân biểu Bordallo một lần nữa đã xác nhận sẽ làm tất cả những gì có thể được để giúp khoảng 200 người Việt tị nạn còn xót lại tại Phi Luật Tân, Bà cũng ra lệnh cho tùy viên của Bà làm việc với Ls. Trịnh hội và hội VAHF để công việc này sớm đi đến kết quả. Bà rất xúc động khi được biết đã có những người đã chờ đợi ở đây 17 năm. Bà cho rằng Guam là nơi chốn đầu tiên của người Việt tị nạn, Guam sẵn sàng là nơi đón nhận những người Việt tị nạn cuối cùng để chương lịch sử người Việt tị nạn được đóng lại một cách tốt đẹp.
Buổi lễ Chuyển giao tài liệu lịch sử với sự có mặt của Thống Đốc Felix P. Camacho (Cộng Hoà) và phu nhân, Nữ Dân biểu Madeline Bordallo (Dân chủ) , Nghị sĩ Judith T. Won Pat, các sĩ quan đại diện các đơn vị quân đội, trường đại học Guam, các viên chức ngoại giao, đặc biệt là sự có mặt cuả Bộ trưởng bộ Tài nguyên và phát triển cua nước Công hoà Palau, môt hải đảo gấn Guam, và nhiều thân hào nhân sĩ cũng như một số người Việt sống tại Guam. Số lượng tài liệu và hình ảnh được trao cho hội VAHF được coi như bước đầu cho việc sưu tầm những dấu vết của người Mỹ Gốc Việt ở đây. Điều quan trọng là hội VAHF đã có những mối dây liên lac quan trọng với những người bạn mới và cũ ở đây, những người có thể giúp cho việc sưu tầm cho chương lịch sử đầu tiên của Người Mỹ Gốc Việt được hòan thành. Những người bạn này cũng sẵn sàng sát cánh với chúng ta trong những cuộc vận động cho quyền lợi của người Mỹ Gốc Việt.




Lễ trao tài liệu lịch sử về cuộc di cư vĩ đại của 150,000 người Việt tại Guam: Từ trái: Thống đốc Felix P. Camacho, Dân biểu Bordallo, tài tử Kiều Chinh, bà Nancy Bùi, Luật sư Vinh Trần, bà Trần thị Tuyết, anh Nguyễn C. Trực, cô Hoàng Lan Anh. Tiệc chia tay do chính gia đình Thống Đốc đãi phái đoàn ngay tại bãi biển Guam với những màn trình diễn văn nghệ theo văn hóa hải đảo Guam thật tưng bừng nhưng thân mật với nhiều bịn rịn. (hình VAHF)
Một Bắt Đầu Mới
Trước khi viếng thăm đảo Guam, các anh chị em trong hội VAHF đã mong mỏi chuyến đi sẽ đạt được 3 mục tiêu chính. Đó là để nhận lãnh những tài liệu lịch sử, để cám ơn những người đã giúp trên 150,000 người Việt tị nạn đã đến đảo Guam và để thăm viếng Cộng đồng người Việt tại Guam. Sau 3 ngày sống và sinh hoạt tại hải đảo xinh đẹp này, các anh chị em trong hội cảm thấy không những họ đã đạt được những mục tiêu đã kể trên, mà chuyến đi đã đem lại những nỗi cảm kích sâu xa và những lợi ích không ngờ.
Cảm kích vì biết rằng chính quyền và người dân của hải đảo này vẫn trân trọng và quý mến về sự có mặt của trên 150,000 người Việt tị nạn, tuy ngắn ngủi như đầy kỷ niệm vui buồn cũng như đầy ắp tinh người.
Cảm kích vì biết rằng dấu tích của cuộc di cư vĩ đại vào năm 1975 tuy ít ỏi nhưng còn đó và Cộng đồng Người Việt tại Guam đang có chương trình vận động đề gìn giữ lại. Mong mỏi người Việt khắp nơi hãy tiếp tay với Cộng đồng người Việt tại Guam trong viêc vận động xây đài kỷ niệm tại công viên ASAN và trại Orote Point, cũng như bảo vệ những bậc đá trong căn cứ không quân Andersen.
Cảm kích vì biết được rằng chúng ta còn có những người bạn tốt với những tình cảm đặc biệt dành cho chúng ta như Thống đốc và phu Nhân Camacho, cả ba ngày viếng thăm của phái đoàn, Thống đốc và phu nhân đều góp măt cả 3 ngày trong những chương trình khác nhau. Rồi Nữ Dân biểu Bordallo đã hõan chuyến đi Washington để ở lại gãp phái đoàn qua ba chương trình khác nhau. Và mặc dù chiụ nhiều khó khăn và tai tiếng về chuyện biểu tình đốt nhà, đốt xe của nhóm tàu Việt Nam Thương Tín, bà đã đích thân hỏi thăm người viết về cựu Trung tá Hải Quân Trần Đình Trụ. Khi bà được biết ông Trụ sau những năm tháng tù đã cùng với gia đình định cư tại Arlington, bà đã nắm tay tôi và nói: “Bà hứa với tôi bà sẽ đưa ông Trụ đến gặp tôi tại DC “.
Tôi đã hứa với bà là tôi sẽ cố gắng thuyết phục ông Trụ để có thể làm việc đó. Rồi có những người bạn quý như hội Vietnam Veteran Chafter 668 tại Guam, như Ban Giám đốc Đại Học Guam, họ luôn sát cánh với cộng đồng người Việt ít ỏi ở đây để bênh vực họ. Và lúc nào cũng chăm sóc những ngôi mộ của người Việt tị nạn tươm tất. Và còn nhiều những con người đầy lòng chân thành và thiện cảm khác khiến phái đòan đến ngày về còn lưu luyến mãi. Đặc biệt nỗi cảm kích của phái đoàn về sự tiếp đón nồng nhiệt cuả những người Việt ở đây. Ông Chủ Tịch Lê Trung Hậu, Anh Phó Chủ Tịch Võ Thế Lực, Anh Thư Ký Đào Chủng Đúc, Chi Thủ Quỹ Bé Ba, Chị Kim Chi thuôc tổ chức Federation of Asian and Pacific People on Guam, Anh Nguyễn văn Thanh, nghiã tử của Ông Trần Đình Trường , người triệu phú VN đã tặng thành phố New York 2 triệu đô la trong vụ 9/11, chi Hồng, Anh chị Thêm, anh Lê Phát, Anh chi Tony và Xuân Trần, Jennifer Berry, cô giáo mà 31 năm trứơc đây là một trong những Baby Lift đến Guam. Và còn nhiều các anh chị khác đã đóng cửa tiệm theo phái đoàn cả trong 3 ngày để giúp đỡ thăm hỏi, nấu cho những tô bún bò Huế ngọt ngào để phái đoàn “đỡ nhớ đồ ăn Việt Nam.”, hoặc những hộp trái cây đầy ắp những múi mít thơm phúc, những miếng mận cắt gọt sạch sẽ ngọt ngào, những múi măng cầu trắng phau và ngọt lịm, những trái vú sữa tươi mát. Sự lưu luyến khiến một số các anh chị em trong đơàn thức trắng vào đêm cuối, cho tới khi phái đoàn ra phi trường vào lúc 4 giờ sáng, một số các anh chị lại theo tiễn tới khi mọi người đi khuất bóng, các anh chị mới ra về. “Mong rằng sẽ không phải chờ đến 31 năm nữa mới có cuộc trùng phùng thứ hai.” Bà Cẩm Đoàn, vị cao niên nhất trong đoàn năm nay đã 79 tuổi đã bừi ngùi nói những lời ước vọng này khi chia tay với các anh chị người Việt tại Guam.




Sinh hoạt với cộng đồng người Mỹ Gốc Việt tại Guam. Từ trái chủ tịch cộng đồng Lê Trung Hậu nhận plaque kỷ niện từ cựu Nghị viên Tony Lâm, Hội trưởng VAHF Nancy Bùi nhận tặng phẩm từ bà Kim Chi Bottcher, một cố vấn của Cộng đồng, hình chụp trước quán phở người Việt tại Guam, nữ tài tử Kiều Chinh thăm hỏi chị Bé Ba, ông Đào Chung Đức, và một vị cao niên sing sống tại Guam từ năm 1975 cho đến nay. (Hình VAHF)
Hai điều có ý nghiã đặc biệt là chuyến đi ngoài việc đi sưu tầm lịch sử, hội VAHF còn có cơ hội để đóng góp vào lịch sử qua việc vận động với các chính quyền đảo Guam nhận trên 200 người Việt tị nạn còn kẹt ở Phi Luật Tân đến định cư tại đảo Guam.
Và điều có ý nghĩa đặc biệt thứ hai đối với các hội viên là sự gắn bó và thông hiểu nhau hơn. Nữ tài tử Kiều Chinh tỏ vẻ vui mừng khi được làm việc với các anh chị em trong Ban chấp hành. Chị nói rằng:
“Mình rất yên tâm khi được biết Ban chấp hành của hội gồm những người giỏi, có chuyên môn vững vàng và đặc biệt là có tấm lòng và rất khiêm tốn. Mình tin tưởng hội sẽ đi đến thành công trong mục đích đã đề ra”. Nữ tài tử Kiều Chinh trong dịp này cũng chia xẻ nhiều kinh nghiệm cuả bà trong viêc lãnh đạo Vietnam Children Fund, môt hội đã xây được 28 trường tiểu học tại VN và còn đang tiếp tục.
Một điểm nổi bật khác của chuyến đi là sự hỗ trợ đặc biệt cuả hai cơ quan truyền thông. Đài Sàigon-Houston, môt ngày đã được Anh Chi Dương Phục Thanh Thủy phát thanh hai lần về đất liền trong suốt ba ngày thăm viếng. Vì giờ giấc khác biệt, có những buổi phát thanh đã phải thực hiện vào 2 giờ sáng, giờ địa phương. Nhờ sự cần mẫn này mà thính giả cuả đài, đặc biệt là công đồng người Việt tại Houston được theo dõi đầy đủ chuyến đi. Riệng đài truyền hình SBTN cũng thu hình khá đầy đủ và phỏng vấn những nhân vật quan trọng cuả chuyến đi.
Được biết, hội VAHF được thành lập vào tháng 10 năm 2004, với mục đích sưu tầm, gìn giữ, quảng bá, và tán dương lịch sử người Mỹ Gốc Việt. Mọi liên lạc, xin gọi cho điện thoại số (512) 844-9417. Hoặc thư về địa chỉ Hội VAHF, PO Box 29534 Austin, TX. 78755. Hoặc website: www.vietnameseamerican.org
Hội VAHF đã thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn về trang sử người Việt tại Guam cho chương trình 500 Lịch sử Phỏng vấn đã được đưa lên trực tuyến và có rất nhiều người tìm xem cũng như xử dụng cho việc viết sách, làm phim, làm podcast… Xin mời quý bạn đọc xem 2 cuộc phỏng vấn đã được nhắc đến trong bài tường trình này qua Links dưới đây:
- Phỏng vấn cựu Trung tá Trần Đình Trụ, thuyền trưởng con tàu Việt Nam Thương Tín đưa 1652 người tị nạn trở lại Việt Nam từ Guam:
- Ông Đào Đức Chung cư dân sống tại Guam từ năm 1975 cho đến nay:
https://www.youtube.com/watch?v=9okwcONs8EE (Phần 1)
https://www.youtube.com/watch?v=nhiPhRZ4d-Q (Phần 2)
Hy vọng hai buổi phỏng vấn này đem lại cho người xem những bài học quý giá.
Chân thành cám ơn!
Triều Giang
Leave a Reply
Your email is safe with us.