Xem phim chưởng, hay thấy nói về mấy thứ huyền thuật, kỳ môn độn giáp, thái cực, trận pháp, y thuật, phong thuỷ, nội công… cái gì cũng nói tới mấy thứ trong tựa bài. Mới nghe tưởng bịa, làm gì có thứ gì mà làm hệ thống lý thuyết cho hầu như mọi thứ trên trời dưới đất như vậy? Từ quân sự, địa lý, xây dựng, tính toán, cho tới y học, ẩm thực, mỹ thuật, thậm chí quan hệ xã hội, tiên đoán…; đều có chung một cơ sở lý thuyết trên Âm Dương Ngũ Hành, quá hoang đường hay quá thần kỳ? Phải tìm hiểu thì mới biết.
1. Trước tiên là tên chung của mấy món này: Lý Khí
Có nhiều cách gọi, nào là Huyền học, nào là Kỳ Môn Độn Giáp… nhưng chỉ là tên gọi nhằm tăng tính huyền bí mà thôi, hãy dùng cái tên bình dân nhất nhưng có tính học thuật trung lập nhất: Lý Khí. Cũng có một cách gọi khác là Lý Số, nhưng khi đó nó bao hàm luôn phần Tượng số Hà Lạc, cái đó để dành cho giai đoạn sau, sau khi đã nắm vững lý khí cơ bản.
Khí, một khái niệm cốt tuỷ của minh triết Đông Phương, nếu không nhìn nhận hoặc không có ý niệm gì trong đầu về nó, thì không thể hiểu cách mà hệ thống học thuật này vận hành. Khí, dùng cùng chữ với chữ khí trong không khí, để diễn tả tính chất vô hình của nó. Nhưng nó không phải là không khí. Người ta chia ra làm tổng cộng năm hoặc sáu loại khí khác nhau. Nhưng diễn dịch một cách giản đơn nhất, khí chính là năng lượng. Tất nhiên, cần hiểu khái niệm năng lượng này ở mức độ thoáng, không nên chỉ hình dung thô thiển năng lượng trong vật lý học. Chính vì vậy mà chúng ta có học thuật Lý Khí – một học thuật về Khí – năng lượng vượt thoát lên trên những khái niệm vật lý thường thức.
Khí có ở khắp vũ trụ, có ở ngoài và ở trong con người. Khí của một sự vật (thậm chí sự việc) sẽ có trạng thái và tính chất khác nhau tuỳ thuộc thời điểm, cảm xúc, cảm quan, phương vị, màu sắc, hình thù…
Những trạng thái Khí này có liên quan tương hỗ với nhau, ảnh hưởng lên nhau, thúc đẩy nhau hoặc tiêu diệt nhau.
Quả thực là một bài toán ma trận có quá nhiều biến!
Chính vì vậy, người ta đặt ra những hàng đẳng thức, những định lý, những tiên đề, những hằng số… để hệ thống hoá và đưa Khí vào khuôn khổ. Từ đó dễ bề ghi chép, tra cứu, vận dụng thực tế. Những đẳng thức hay tiên đề hay hằng số này, ta gọi tên chúng là Can Chi, Ngũ Hành, Bát Quái!
2. Can Chi
Chi là tên của tập hợp tên mười hai con vật, gồm: chuột, trâu, cọp, mèo, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, heo; đọc bằng chữ Nho là: Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Cái này chắc ai cũng biết. Nhưng tại sao mấy con này lại xuất hiện mà không phải những con khác? Tại sao nó lại nằm theo thứ tự này? Tại sao lại dùng nó để đặt tên cho năm?
Thực ra thì cũng không quá quan trọng lắm, giả thiết được chấp nhận nhất cho tới thời điểm này, chính là nói đây là mười hai giai đoạn phát triển của một cái cây. Từ khi là cái hạt, nảy mầm, lên cây con, ra cành lá, trổ hoa, kết quả, chín thơm, chín rục, hư úng, rơi rụng, thối rữa. Người ta đặt tên cho từng giai đoạn bằng những từ ngữ lạ tai kể trên, chứ ban đầu không có gắn với con vật nào hết. Con vật là về sau phát triển mà thêm vào nữa cho sinh động. Mà đúng là sinh động hẳn ra.
Kế tiếp, người xưa nhận thấy chỉ có đếm tới mười hai thì ít quá, nên mới chế ra thêm mười Can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Các bạn không cần quan tâm nó là cái gì cho mắc công, thay vì ngày nay đặt ABC hay XYZ gì đó thì thời đó mấy cụ chế ra mấy từ này để đặt cho vui. Tất nhiên sau này đi sâu vào thì nó cũng có nghĩa, nhưng tạm thời chưa cần.
Mười Can này, ghép với mười hai Chi, tạo ra vòng chu kỳ sáu mươi tổ hợp, từ Giáp Tí cho tới Quý Hợi.
Tết 2019 là năm Kỷ Hợi, vị trí thứ ba mươi sáu trong chu kỳ sáu mươi này. Bạn thử tự xếp lại xem tết 2021 là năm gì?
Sáu mươi tổ hợp Can Chi này, quen gọi là Lục thập Hoa giáp. Chủ yếu dùng để đếm thời gian, đặt tên cho năm, tháng, ngày, giờ. Coi phim, hay thấy một người có “bát tự”, là giờ sinh và ngày tháng năm sinh theo Can Chi vậy. Ví dụ người sinh giờ Canh Tuất, ngày Tân Dậu, tháng Bính Thân, năm Kỷ Sửu. Đây là ứng dụng của Can Chi. Về sau, dựa trên mối quan hệ của Can Chi với những thành tố khác, người ta lập ra các môn Tử Vi, Tứ Trụ… để tiên đoán vận mệnh.
Nhưng Can Chi không nằm độc lập, mà nó lại được chia ra thành những tổ hợp nhỏ hơn, dựa theo quan niệm năm loại vật chất trong vũ trụ: Cây, Lửa, Đất, Kim loại, Nước, quen gọi là Ngũ Hành, với cách nói khác là Mộc, Hoả, Thổ, Kim, Thuỷ.
Cụ thể:
– Mộc: Dần, Mão; Giáp, Ất
– Hoả: Tị, Ngọ; Bính, Đinh
– Thổ: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi; Mậu, Kỷ
– Kim: Thân, Dậu; Canh, Tân
– Thuỷ: Hợi, Tí; Nhâm, Quý
Tới đây thì bắt đầu lớn chuyện và thú vị ra!
3. Ngũ Hành
“Ngũ” là số 5, “hành” có nhiều nghĩa, trong từ này thì “hành” có nghĩa là “cái”. Ngũ Hành là năm cái gì đó, không có gì huyền bí trong tên gọi. Trong truyện, Tôn Ngộ Không nói mình đã ở ngoài Tam giới, không ở trong Ngũ Hành; ý là y nói mình là một cá thể siêu việt vượt ra khỏi vũ trụ này. Người phương Tây tin rằng trời đất là bốn nguyên tố: Đất -Nước – Gió – Lửa cấu tạo nên; người phương Đông thì tin rằng có năm thứ: Cây – Lửa – Đất – Kim loại – Nước, gọi là Ngũ Hành, chuyện chỉ có như vậy, còn bắt đầu tin từ khi nào thì có trời mà biết, mà cũng không có gì quan trọng. Để cho quen tai, chúng ta hãy gọi nó theo tên chữ Nho: Mộc – Hoả – Thổ – Kim – Thuỷ. Có nhiều nỗ lực quảng diễn Ngũ Hành ra quá xa và bí hiểm, bạn không cần bận tâm. Từ những thứ thấy trước mắt, sờ tận tay, người cổ đại mới tạo ra học thuật.
Nhưng người phương Đông có nhiều lúc nông nhàn rảnh rỗi, nhậu nhẹt hoài cũng chán nên mới nhìn tính chất năm thứ này, quy định ra lý tính của từng thứ, rồi cho chúng đánh nhau theo từng cặp để phân ngôi thứ, định ra các công thức tương tác của chúng, rồi chia các thứ khác theo nhóm của năm cái này, để về sau làm toán về Lý Khí. Các công thức này, quen thấy nhất là: sinh, khắc, thừa, vũ; vượng, tướng, hưu, tù, tử. Là cái gì vậy?
– Sinh: cây khô cháy sinh ra lửa, lửa đốt mọi vật thành tro thành đất, đào trong đất thấy kim loại, kim loại gỉ sét rịn nước, nước tưới mọc cây cối. Vắn tắt: Mộc sinh Hoả, Hoả sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thuỷ, Thuỷ sinh Mộc. Bạn chỉ cần nhớ thuộc lòng câu Mộc Hoả Thổ Kim Thuỷ là đã thuộc lòng vòng Ngũ Hành tương sinh rồi đó. Dễ không?
– Khắc: cây cối hút chất dinh dưỡng của đất làm đất bạc màu, đất đắp lên có thể chặn được nước, nước có thể dập tắt được lửa, lửa đốt chảy kim loại, kim loại có thể chặt được cây. Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thuỷ, Thuỷ khắc Hoả, Hoả khắc Kim, Kim khắc Mộc. Vòng tương khắc: Mộc Thổ Thuỷ Hoả Kim.
– Vũ: sinh ra từ luật tương khắc, nhưng khi xét về sự tương đối của chất và lượng của hai hành khác nhau, ví dụ Thổ khắc Thuỷ, nhưng một cục đất không chặn được một dòng sông, Thuỷ áp đảo về lượng, sẽ thay đổi “chất”, không bị thổ khắc được nữa. Gọi là tương vũ, nghĩ là khinh khi, bị khắc mà không sợ vì không hề hấn gì, mà còn coi thường. Như dân bị độc tài đè đầu cỡi cổ, nhưng nếu dân biết mình là số đông, thì tự nhiên mối quan hệ tương khắc sẽ bị biến thành tương vũ, đang bị đè đầu cỡi cổ sẽ biến thành tư thế bề trên, đuổi cổ những kẻ đàn áp mình đi hết.
– Thừa: là khi lượng của hành khắc nhiều áp đảo hành bị khắc, khiến cho việc khắc trở nên quá độ. Mặt khác, về phía lượng của hành bị khắc ít, nó trở nên yếu ớt trước đối phương, còn hành khắc thì không làm gì cũng trở nên mạnh mẽ. Lý thuyết “lượng thay đổi thì chất sẽ thay đổi theo” thể hiện rất rõ nét trong mối quan hệ tương thừa này.
– Vượng – tướng – hưu – tù – tử: đúng ra phải chia cái này ra làm năm tiểu mục nhỏ hoặc làm thành một bảng biểu, nhưng ngại làm rối mắt người đọc, nên thôi. Đại khái, mỗi một hành – căn cứ trên Sinh – Khắc – Thừa – Vũ mà khi nó gặp chính nó và bốn hành còn lại sẽ cho ra năm kết quả này. Có câu khẩu quyết: đương sinh giả vượng, ngã sinh giả tướng, sinh ngã giả hưu, khắc ngã giả tù, ngã khắc giả tử. Nghĩa là: cùng ta thì vượng, ta sinh thì tốt, sinh ta thì chậm, khắc ta thì khó, ta khắc thì chết. Vận dụng: hành Thổ, gặp Thổ thì thịnh vượng, gặp Kim thì tốt lành, gặp Hoả thì chậm chạp lắm mới được, gặp Mộc thì khốn khổ chẳng biết xong việc không, gặp Thuỷ thì chết chắc. Giới xem bói, thường chỉ áp dụng Ngũ Hành Vượng Tướng vào bốn mùa, khá lãng phí. Cũng có nhiều ông tự xưng thầy bà, mà lý thuyết tối sơ đẳng của Ngũ Hành Vượng Tướng còn lẫn lộn, mới thấy ở xứ An Nam thật là dễ làm thầy biết bao.
Căn cốt của tư tưởng Ngũ Hành chỉ có nhiêu đây, rất dễ thủ đắc, bạn nào thông tuệ, ngộ tính cao, đọc tới đây chắc chắn đã hình dung ra ứng dụng của Ngũ Hành cực kỳ to lớn và siêu phàm trong văn hoá Đông phương, cộng với sự chú tâm về Can Chi và Lục thập Hoa Giáp, chắc chắn có thể mang máng hiểu nguyên lý của việc chọn ngày, chọn người, trị liệu Đông y, binh pháp… Nhưng đừng vội rời khỏi, còn cần thêm một chút hiểu biết về Lý Khí nữa thì mới có thể thành thục được.
Đây không phải là kiểu đồng cốt dị đoan, nó là học thuật như bao nhiêu môn khác, ví dụ trong Đông Y, người ta chia nội tạng làm năm: Can Tâm Tỳ Phế Thận, tương ứng với Mộc Hoả Thổ Kim Thuỷ, rồi dựa trên Sinh – Khắc – Thừa – Vũ – Ngũ Hành Vượng Tướng để làm xương sống cho y thuật. Tất nhiên, trong Đông Y còn có thêm nhiều thứ biện chứng khác như “thăng giáng phù trầm”, mạch lý, kinh lạc… nhưng tất cả đều có thể quy về Ngũ Hành hết thảy.
Cũng có một số lý luận phát triển hơn cho luật sinh khắc, như trong sinh có khắc, trong khắc có sinh, tỉ hoà (thuyết của riêng người Nhật) … nhưng cái đó khá dễ, bạn tự suy luận được nên không cần viết ra đây.
Về từng hành, do đây là ngũ đại nguyên tố chứa hết vũ trụ của người Đông phương, nên mỗi hành ngoài cái tên chính thức của mỗi đứa, còn là một tập hợp lớn bao hàm và/hoặc đại diện cho rất nhiều tập con trong đó. Cụ thể:
– Mộc: cây, màu xanh lá, hình trụ, mùa xuân, năng lượng của sự nảy sinh, Gan, hướng Đông, con rồng xanh, buổi sáng sớm, vị chua, can Giáp và Ất, chi Dần và Mão, quẻ Tốn và Chấn…
– Hoả: lửa, màu đỏ, hình tam giác, mùa hè, năng lượng của sự khuếch đại, Tim, hướng Nam, con chim chu tước, buổi trưa, vị đắng, can Bính và Đinh, chi Tỵ và Ngọ, quẻ Ly…
– Thổ: đất, màu vàng, hình vuông, thời gian giao mùa của bốn mùa, năng lượng biến hoá và thay đổi, lá lách, trung tâm, con kỳ lân, buổi chiều, vị ngọt, can Mậu và Kỷ, chi Thìn – Tuất – Sửu – Mùi, quẻ Khôn và Cấn…
– Kim: kim loại, màu trắng hoặc da cam, hình tròn, mùa thu, năng lượng thu hút và tập hợp, phổi, hướng Tây, con cọp trắng, buổi chạng vạng sụp tối, vị cay, can Canh và Tân (chữ Tân cũng có nghĩa là cay, thú vị ha!), chi Thân và Dậu, quẻ Càn và Đoài…
– Thuỷ: nước, màu đen hoặc xanh biển, hình gợn sóng, bán nguyệt và bầu dục, mùa đông, năng lượng che dấu cất giữ, thận, hướng Bắc, con huyền vũ (con rùa đen có con rắn quấn quanh cái mu), buổi đêm khuya, vị mặn, can Nhâm và Quý, chi Hợi và Tí, quẻ Khảm…
Vậy quẻ là cái gì?
4. Bát Quái
Nói về Bát Quái, trước tiên phải nói về Âm Dương. Âm Dương là cái gì? Nghe hoài, trong đầu cũng có ý niệm nhất định về nó, thỉnh thoảng trong câu cửa miệng cũng nhắc tới nó, nhưng để định nghĩa một cách cặn kẽ về nó thì có lẽ chưa quen. Ta biết rằng, thế giới này hầu như luôn tồn tại hai mặt đối lập của cùng một phạm trù. Ví dụ: tốt – xấu, tích cực – tiêu cực, chủ động – thụ động, nổi – chìm, lên – xuống, ra – vào, vui – buồn, yêu – ghét, liền – đứt, mềm – cứng…
Trong khoảng cách của giữa hai mặt đối lập này, vạn vật biến hoá, vận động không ngừng nghỉ. Người phương Đông cổ đại đã suy ngẫm về những thứ biến hoá này, đặt tên, hệ thống chúng lại thành học thuật. Cụ thể thì trạng thái tích cực, tĩnh, đi xuống, thụ động… được gọi là Âm; ngược lại được gọi là Dương. Âm và Dương là hai danh từ “khoa học” của thời xưa, như ngày nay giống ta gọi mấy cặp khái niệm roto – stato, anion – cation… trong vật lý học mà thôi.
Bây giờ tiếp tục, để diễn tả hai khái niệm này thời chưa có chữ nghĩa, các cụ dùng hình ảnh một vạch liền 一 để diễn tả Dương, một vạch đứt – – ngay giữa để diễn tả khái niệm Âm. Từ chỗ này, bạn có thể thấy ngờ ngợ ra ý nghĩa của mấy hình vạch liền vạch đứt trên biểu tượng Bát Quái thường nhìn thấy.
Tuần tự, khi có một vạch bất kể là vạch liền hay vạch đứt, ta gọi là hào, hào Âm và hào Dương. Khi chồng lên hai vạch, ta gọi là tượng, có tứ tượng, lần lượt là: Thái Âm, Thái Dương, Thiếu Âm, Thiếu Dương. Từ chỗ này, bắt đầu có biến hoá: Thái Âm sinh Thiếu Dương, Thiếu Dương sinh Thái Dương, Thái Dương sinh Thiếu Âm. Để dễ hình dung, ta thấy rằng cái gì quá trì trệ quá thụ động, thì sẽ bục chỗ này bung chỗ kia, dần dần sụp đổ hoàn toàn. Giống như thể chế cộng sản ở Liên Xô hay Đông Âu, sự sụp đổ của nó là điều không thể tránh khỏi, để cho chính thể mới ra đời, chính là đạo lý Thái Âm sinh Thiếu Dương, từ chỗ mục nát rệu rã mọc lên mầm cây con khoẻ mạnh vậy.
Tiếp đến, khi chồng thêm một hào nữa lên tứ tượng, ta có tám tổ hợp chứa ba hào với số lượng và vị trí cách vạch liền vạch đứt khác nhau. Gọi là tám quẻ, hay nói văn hoa tí là Bát Quái. Chúng ta đã hiểu cách hình thành một quẻ, bây giờ đi vào tìm hiểu cấu tạo của nó và mối quan hệ của chúng với nhau và các yếu tó khác thông qua Ngũ Hành. Tám quẻ này được gán cho tám phương hướng khác nhau: Đông, Đông Nam, Nam, Tây Nam, Tây, Tây Bắc, Bắc, Đông Bắc.
Để ý, ta thấy tám hướng cộng lại là đủ 360 độ, giáp một vòng tròn. Khi đặt đúng vị trí của từng quẻ lên phương hướng của chúng, ta sẽ có hình Bát Quái thường thấy. Lại nữa, không phải chỉ có một trật tự duy nhất của vòng Bát Quái này, mà có đến hai trật tự khác nhau dùng cho những mục đích khác nhau, người ta gọi hai trật tự đó là Bát Quái Tiên Thiên và Bát Quái Hậu Thiên. Tạm thời chúng ta sẽ không bàn tới Bát Quái Tiên Thiên vì chưa cần thiết, dễ bị rối. Từ chỗ này trở xuống, khi nói về phương vị của từng quẻ, là chỉ nói về Bát Quái Hậu Thiên mà thôi.
Bây giờ, chúng ta đi vào phân tích cặn kẽ nội dung của từng quẻ. Tên của tám quẻ lần lượt là: Càn (Kiền), Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài (Đoái). Kiền và Đoái là cách gọi dị bản của quẻ Càn và Đoài, cần lưu ý để không hoang mang khi gặp tài liệu viết kiểu này.
Tương tự như Ngũ Hành, Bát Quái cũng là những yếu tố cấu thành nên vũ trụ theo vũ trụ quan của người Đông Á, nhưng Ngũ Hành là thiên về định nghĩa chất cấu tạo, còn Bát Quái thì thiên về hình dạng. Theo cách viết ở trên, ta có lần lượt ý nghĩa về cái mà từng quẻ đại diện: Trời, Nước, Núi, Sấm, Gió, Lửa, Đất, Đầm nước. Ngoài ra, Bát Quái còn đại diện cho nhiều thứ khác nữa. Ta thử liệt kê:
– Càn: ba gạch liền, trời, người cha, hướng Tây Bắc, Kim, sự sáng tạo, mùa thu, sự phát triển…
– Khảm: một gạch liền ở giữa hai gạch đứt, nước, hướng Bắc, con trai thứ, Thuỷ, sự bí ẩn, mùa đông, sự nguy hiểm…
– Cấn: một gạch liền đè hai gạch đứt, núi, hướng Đông Bắc, Thổ, con trai út, mùa đông, sự trầm tĩnh, sự thường hằng bất di bất dịch…
– Chấn: hai gạch đứt đè một gạch liền, sấm, hướng Đông, Mộc, con trai trưởng, mùa xuân, sự khiêu khích, cách mạng…
– Tốn: hai gạch liền đè một gạch đứt, gió, hướng Đông Nam, Mộc, con gái đầu lòng, mùa xuân, sự hiền lành, sự khéo léo thâm nhập…
– Ly: gạch đứt ở giữa hai gạch liền, lửa, hướng Nam, Hoả, con gái thứ, mùa hè, sự kiên nhẫn, sự nhanh nhẹn…
– Khôn: ba gạch đứt, đất, hướng Tây Nam, Thổ, người mẹ, mùa hè, sự thông minh, sự biến hoá…
– Đoài: một gạch đứt đè hai gạch liền, hồ nước, hướng Tây, Kim, con gái út, mùa thu, sự vui vẻ, sự trì trệ…
Từ đoạn này, chúng ta đã có thể tự mình vẽ được cái Bát Quái Hậu Thiên đúng thứ tự và hiểu ý nghĩa của nó như thế nào. Nếu chuyên tâm, quả thực bạn đã thâu thập được khá nhiều kiến thức căn bản của Lý Khí cho bản thân. Từ đây, có thể bắt đầu xâm nhập vào thế giới rộng vô biên của Lý học Đông phương. Những học thuật cực kỳ thú vị và bát đại tinh thâm đang bày trước mắt bạn. Hàn lâm và không mang màu sắc dị đoan thì có: Cửu Cung Phi Tinh, Thẩm Thị Huyền Không Học, Kinh Dịch, Đông Y, Chiêm Tinh Học, Phong Thuỷ, Binh Pháp… còn mấy ai mê bói toán trấn yểm tà thuật các thứ cũng có: Tử Vi, Tứ Trụ Dụng Thần, Tướng Thuật… của Đông Á đều có cánh cửa dùng chìa khoá Lý Khí để mở vào.
Những học thuật này, có năng khiếu lại nghiên cứu chuyên sâu vào thì có thể áp dụng được nhiều thứ to tát như Binh pháp chẳng hạn, Gia Cát Lượng ngồi lều cỏ định phân thiên hạ, Nguyễn Bỉnh Khiêm về quê gõ đầu trẻ mà yên vị cho Đại Việt tứ đại gia tộc đâu vào chỗ đó. Chịu khó cặm cụi dùi mài, tuy không có thiên bẩm để học thì nhập tâm cũng đắc dụng, có thể đàm thiên thuyết địa luận nhân, kể ra cũng là đáng quý. Còn cưỡi ngựa xem hoa, đọc qua rồi để đó, cũng có cái đại khái mà giải thích cho lũ trẻ.
Như môn Kinh Dịch, chỉ từ tám quẻ đã nói ở trên, mà chồng hai quẻ ba hào lên với nhau, ra được quẻ sáu hào, ta hay quen gọi là quẻ kép. Có tổng cộng sáu mươi bốn quẻ kép như vậy, mỗi quẻ một ý nghĩa riêng biệt về cách xử thế. Như quẻ Địa Hạ Minh Di, nói con người lúc khốn cùng phải đi trốn lánh, tựa như lửa vùi dưới đất, tuy là tối mà lại bảo toàn được, tối cũng là sáng vậy. Như Phan Bội Châu viết bài thơ Cảm Tác Vào Nhà Ngục Quảng Đông có câu:
“Vẫn là hào kiệt vẫn phong lưu
Chạy mỏi chân thì hẵng ở tù…”
Chính là tinh thần lấy tối làm sáng của quẻ Minh Di vậy. Phan Bội Châu cũng từng dịch và bàn luận một bản của Kinh Dịch.
Hay như quẻ Ký Tế là quẻ thứ sáu mươi ba, ý nghĩa của nó là mọi sự đã xong rồi, nhưng liền sau đó là quẻ Vị Tế, chưa xong, chỉ mới là bắt đầu. Quẻ cuối cùng của Kinh Dịch lại nói về sự chưa kết thúc, mọi thứ trong trời đất này, đều đang ở thì hiện tại, đều đang trong một quá trình vận động liên tục, chưa có gì là kết thúc, kể cả cái chết.
Trong tinh thần Vị Tế của Kinh Dịch, người ta có thể vượt qua những giai đoạn khó khăn gian khổ, vì tin rằng mọi thứ vẫn chưa kết thúc.
Đông Phong
Leave a Reply
Your email is safe with us.