Bài báo này phân tích nạn đói Ất Dậu 1944-45, một sự kiện được biết tới với hơn một triệu người chết, và còn là dấu ấn lịch sử khi được coi như là một phương tiện của Việt Minh để hình thành cuộc cách mạng cộng sản tháng 8 năm 1945. Xoay quanh việc tranh cãi rằng việc những trận bão mạnh đổ bộ vào vùng duyên hải Bắc Kỳ đã dẫn tới sự sụt giảm nặng nề lương thực và là nguyên nhân chính yếu gây nên nạn đói. Đế quốc Nhật đang nắm quyền tại Việt Nam, Hoa Kỳ thì đang tấn công trực tiếp vào hệ thống vận tải, hoặc hệ thống hành chính của Pháp quốc có thể đã hành động để hạn chế, hoặc thậm chí là đẩy lùi được nạn đói. Tuy nhiên, dưới áp lực của chiến cuộc, không một chính phủ hay tổ chức nào có thể thực hiện một chiến dịch cứu nạn hiệu quả được. Điều này cũng đã diễn ra ở một số nạn đói ở các quốc gia Á Châu khác trong khoảng thế chiến thứ 2 như là Bengal (Đông Ấn Độ – 1943), Hà Nam (Trung Quốc – 1942-43), và Java (Nam Dương – 1944), tình trạng nạn đói ở những nơi này giống như ở Việt Nam trong cả nguyên do lẫn những thiếu thốn trong phương án cứu trợ. Ở Việt Nam, những khác biệt về lượng của cải và lượng lương thực dự trữ đã quyết định những ai sẽ là nạn nhân trong nạn đói.[1]
Nạn đói Ất Dậu vẫn còn dấu ấn đến tận ngày nay. Nỗi kinh hoàng chính là ở độ lớn của nó và những cái chết mà nó gây ra, ước lượng khoảng một triệu nhân mạng, khoảng gần 8 phần trăm dân số Bắc Kỳ thời đó. Và quan trọng hơn nữa, nạn đói đã đưa tới một trong những sự kiện lớn của thế kỉ 20: Nạn đói và những mất mát to lớn; và cả những ảnh hưởng chính trị đã cho phép đảng Cộng Sản Đông Dương huy động sự hỗ trợ rộng lớn từ nông dân, là thành phần nòng cốt trong cách mạng tháng 8 1945, đưa Việt Minh và Hồ Chí Minh lên nắm quyền. Được giúp sức bởi những vụ mùa bội thu, những chiến dịch cộng sản nhằm tổ chức lao động và trồng trọt trên diện rộng đã giúp tránh được sự lặp lại của nạn đói, đồng thời hỗ trợ vào tính chính danh của chế độ mới.
Mục đích chính yếu của bài báo này là phân tích đâu là nguyên do của nạn đói và xem thử làm thế nào có thể phòng ngừa nó. Theo nhà nghiên cứu Sen, nguyên do của các nạn đói thường bắt nguồn từ sự sụt giảm của lương thực dự trữ: lượng hàng hóa mà một gia đình đang nắm giữ. Một giải thích khác, trong công trình của Ó Gráda, là nạn đói xảy ra vì thiếu thực phẩm.[2] Sự phân loại nạn đói do lương thực thiếu hụt (food availability deficit – FAD) có thể không hợp lẽ thường như là tên gọi của nó lắm: Một nạn đói do thiếu hụt lương thực thể hiện bằng sự sụt giảm nguồn cung thực phẩm, phát xuất chỉ từ việc thiếu thốn thực phẩm sẵn có, trong khi nguồn cung vẫn có khả năng thỏa mãn toàn bộ dân số. Tuy nhiên, một số nhóm có thể bị chết đói bởi vì họ thiếu nguồn dự trữ lương thực cần thiết để sinh tồn. Nạn đói do thiếu hụt lương thực đặt ra một câu hỏi tiên nghiệm: Phải chăng sự sụt giảm quá nhiều của thực phẩm đã dẫn tới không thể đáp ứng đủ để duy trì dân số hiện có?
Bài báo này cho rằng nạn đói Ất Dậu chính là một kiểu nạn đói do thiếu hụt lương thực (FAD) và đã không xảy ra nếu thiếu yếu tố thời tiết kinh khủng này: ba trận bão lớn liên tiếp và lũ lụt ở những tỉnh duyên hải Bắc Kỳ trong chỉ ba tháng trước vụ thu hoạch tháng 11 1944. Bài báo còn vẽ ra một dẫn nối trong việc phân tích nạn đói được khuyến nghị bởi Ellman. Ngài ấy phân biệt giữa hai loại nạn đói do thiếu hụt lương thực FAD1 và FAD2. Ở loại thứ 2, có thể có những phương cách khả thi để chống lại nạn đói (hoặc có một cách nào đó hạn chế số nạn nhân)[3]. Không có phương cách nào tồn tại trong trường hợp các nạn đói do thiếu hụt lương thực FAD1. Ellman chỉ ra trong nạn đói 1941-1944 ở Leningrad và Ó Gráda đưa thêm ví dụ về Đại Nạn Đói ở Âu Châu năm 1310[4]. Trong bài báo này, chúng tôi chỉ ra rằng nạn đói Ất Dậu nên thuộc loại FAD2 và trong quá trình nghiên cứu chúng tôi nhận thấy có thể tồn tại những phương cách có thể được thực hiện bởi 3 tổ chức nắm quyền bấy giờ là: quân đội hoàng gia Nhật Bản, chính quyền thuộc địa Pháp, và chính phủ Hoa Kỳ. Mặc dù trong suốt thời gian chiến tranh, Nhật Bản nắm toàn bộ quyền hành, chính quyền thuộc địa Pháp đã chấp nhận chuyện đó và đã được Nhật Bản giao toàn quyền điều hành Việt Nam tới khi bị Nhật Bản đảo chính vào ngày 9 tháng 3 năm 1945.
Các tính chất của nạn đói đã được xác định rõ ràng. Cho dù nếu nạn đói Ất Dậu có được xét là FAD2 đi chăng nữa, thì hướng tiếp cận thiếu thực phẩm dự trữ vẫn rất có giá trị để xác định tại sao lại có quá nhiều người là nạn nhân của sự thiếu hụt thực phẩm và họ là những ai. Áp dụng hướng tiếp cận về thiếu hụt thực phẩm dự trữ giúp chuyển trọng tâm từ tính tự nhiên của nạn đói do thiếu hụt lương thực phẩm sang hóa giải câu hỏi những nhóm dân nào là nhóm bị rủi ro cao nhất. Ở Việt Nam, những người làm công và làm thuê cho điền chủ là những nhóm chết nhiều nhất trong nạn đói. Mặc dù nạn đói trải dài khắp các miền quê, nhưng rất nhiều nạn nhân lại chết ở Hà Nội và Hải Phòng, họ đã phải đi đến các thành phố đó với hi vọng là có thể tìm thấy được chút ít thực phẩm để sống sót.
“Sự liên hệ giữa chiến cuộc và các nạn đói”, được cảnh báo bởi nhà nghiên cứu Sen, “là một chủ đề rối rắm” và không hề dễ dàng để phân tích.[5] Hơn thế nữa, chiến tranh và nhiều nạn đói lớn trong thế kỉ 20 thường đi với nhau. Bài báo này sẽ cố gắng đóng góp để hiểu rõ hơn nữa bằng cách so sánh chút ít nạn đói ở Việt Nam với nạn đói xảy ra đồng thời ở các nơi khác ở Á Châu: Bengal (Đông Ấn Độ – 1943), Hà Nam (Trung Quốc – 1942-43), và Java (Nam Dương – 1944). Ba ví dụ này đều giống như ở Việt Nam là nạn đói do thiếu lương thực FAD2. Trong 3 nạn đói trên, những lựa chọn để cứu người được ưu tiên hơn là để mở rộng khả năng chiến thắng trong chiến cuộc. Tuy nhiên, việc theo đuổi điều thứ 2 đã thắng thế, như nó đã diễn ra ở Việt Nam.
I. Độ lớn của nạn đói và điều kiện địa lý
Ước tính có khoảng ít nhất 70 vạn đến 2 triệu người chết trong nạn đói Ất Dậu. Con số 2 triệu được coi như là con số rất thiêng liêng trong các giai thoại cộng sản và được chấp nhận bởi một số người, tuy nhiên phần lớn vẫn cho rằng con số này là quá lớn.[6] Nhà nghiên cứu Marr cho rằng khoảng 1 triệu người chết ở Bắc Kỳ và 2 tỉnh Bắc Trung Kỳ là Thanh Hóa và Nghệ An trong khoảng 5 tháng (hình 1).[7] Con số chính thức được ghi nhận là khoảng 1.3 triệu người chết: một triệu ở Bắc Kỳ và 30 vạn ở trung phần việt nam bao gồm Bắc Trung Kỳ. Tuy nhiên, phân tích đối chiếu qua các dữ liệu lưu trữ cho thấy con số này cũng hơi lớn so với con số ước tính được.[8] Có khả năng là một triệu người chết trong vòng 5 tháng, như được Marr chỉ ra, là con số gần chính xác nhất.[9] Con số đó ước lượng khoảng 8.3 phần trăm dân số của Bắc Kỳ và 2 tỉnh bắc Trung Kỳ là Thanh Hóa và Nghệ An thời đó, hoặc 7.9 phần trăm dân số của Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh) với dân số khoảng 12.708.700 người.
Một khi thảm họa sụt giảm lương thực xảy ra, hành động nhanh chóng và dứt khoát sẽ là yếu tố then chốt để phòng tránh sự lao dốc nhanh chóng vào một nạn đói. Vấn đề địa lý phức tạp của Việt Nam và mối bất hòa Bắc Nam là yếu tố chủ chốt để giúp chúng ta lý giải điểm này. Việt Nam trải dài từ bắc đến nam dọc biển đông, các thành phố lớn như Hà Nội – trung tâm vùng đồng bằng Bắc Kỳ, Sài Gòn Chợ Lớn là trung tâm vùng mê kông ở phía nam, cách xa nhau tận 1745 cây số. Hai con sông lớn là sông Hồng và sông Thái Bình, chạy ngang qua vùng đồng bằng Bắc Kỳ. Nếu 2 con sông này chỉ chảy trong bờ tự nhiên của nó, thì phần lớn phần đồng bằng Bắc Kỳ sẽ bị ngập. Trong suốt thế kỷ 19, những kỹ sư người Pháp đã xây dựng nên hệ thống đê điều cho hai con sông này, góp phần giúp việc trồng lúa có thể được mở rộng hơn và vùng đồng bằng Bắc Kỳ trở nên là một trong những vùng có mật độ dân số lớn nhất (hình 1). Những kỹ sư cũng giúp đỡ trong vùng Mê Kông ở Nam Kỳ, bằng cách xây dựng các kênh đào để nối các nhánh sông với nhau. Hai vùng đồng bằng này như là hai vựa lúa chính và cung cấp phần lớn thực phẩm.
Sự khác biệt chính yếu của hai vùng đồng bằng này nằm ở chỗ: Vùng Nam Kỳ có sản lượng gạo lớn và trở thành nơi xuất khẩu gạo lớn thứ 3 trên thế giới, ngược lại, dân số Bắc Kỳ thường xuyên đặt áp lực lớn lên lượng lương thực hiện có ở vùng đó. Đến đầu những năm 20, toàn bộ Bắc Kỳ tiêu thụ khoảng 80% lượng lương thực mà vùng đó sản xuất ra.[10] Sự khan hiếm đất đai và nhân công dồi dào đã dẫn đến sự lộn xộn trong canh tác, như các công chức Pháp nhận thấy, điều đó làm khó khăn trong việc phối hợp lao động. Điều này đã được họ ghi lại như sau: “Đó không phải là làm nông nghiệp, đó chỉ là làm vườn mà thôi”.[11]
Tình trạng quá tải dân số cấp tính ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ so với miền Nam là do sự bất bình đẳng xã hội sâu sắc (hình 1). Cuối những năm 1930, dân số khu vực đồng bằng Bắc Kỳ vào khoảng 7 triệu, trong đó có 3 triệu lao động thường nhật và hơn 1 triệu người thất nghiệp hoặc dưới tuổi làm việc.[12] khoảng từ 50 đến 60 phần trăm số hộ dân không có sở hữu đất. Bất bình đẳng xã hội và khí hậu thất thường và tồi tệ đã đẩy hầu hết mọi người vào hoàn cảnh dễ bị tổn thương bởi một thảm họa như là nạn đói. Trong những năm bình thường, thành phần nghèo đói nhất trong xã thường xuyên thiếu ăn hội (50 đến 60 phần trăm), chỉ một chút ít biến đổi không tốt trong hoàn cảnh có thể khiến số người này chết đói trước vụ thu hoạch.[13]
Những người nghèo thường chỉ ăn một bữa một ngày và chỉ có đồ ăn dự trữ cho không quá 4 tháng trong một năm, thường là dự trữ cho giai đoạn sau thu hoạch.[14] Mặc khác, họ phụ thuộc vào cách nào đó như mua hoặc mượn gạo, và tiêu thụ rất nhiều khoai tây, bắp và khoai sọ. Nạn đói là điều luôn luôn sẵn sàng xảy ra. Năm 1937 ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ, nạn đói đã chỉ được ngăn chặn bằng cách duy nhất là chuyển gạo từ Nam Kỳ lên.
II. Khí hậu và sản lượng gạo
Nạn đói dần hình thành từ lần đầu tiên mất mùa năm 1943, và theo sau đó là năm 1944 với diễn biến bất thường của thời tiết giữa tháng 8 và tháng 10, trước vụ thu hoạch hè thu, vụ chính trong tháng 11. Những tỉnh duyên hải Bắc Kỳ đã bị 3 cơn bão mạnh liên tiếp tấn công và triều cường lớn. Tháng 8 1944 đến tháng 10, lượng mưa ước lượng hơn 50 phần trăm so với lượng mưa bình thường cùng thời điểm, và cao hơn cả lượng mưa năm 1937, khi mà nạn đói cũng đã chớm hình thành (hình 2). Lượng mưa lớn như vậy là từ 3 trận bão lớn, và triều cường
lớn ở các tỉnh duyên hải khi lượng mưa lớn như vậy lại làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Nhưng trên hết, đê điều bị vỡ, đây là hạ tầng trọng yếu để chống lũ lụt cho vùng đồng bằng sông Hồng. Dòng chảy sông Hồng cao hơn 6 tới 7 mét so với vùng đất xung quanh, sự cố vỡ đê đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng. Trong các tỉnh duyên hải, 23 vạn hét ta ruộng lúa đang mùa thu hoạch đã bị phá hủy, tương đương với khoảng 20 vạn tấn lúa thu hoạch năm 1942.[15]
Vụ hè thu là tối quan trọng, và sau khi bị phá hủy bởi thiên tai, tình trạng thiếu hụt lương thực trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết. Một phân tích đương thời ở Nam Định chỉ ra rằng, bởi vì thiên tai nên “vụ thu hoạch đã hoàn toàn bị hủy hoại” và 558.383 người đã bị đẩy tới cảnh bần cùng: “những người nghèo đó chẳng có thứ gì để bỏ vào mồm cả”.[16]
Hai điểm rõ ràng cho thấy sự sụt giảm của sản lượng lúa trong thời điểm chiến sự 1942-1945 có thể thấy ở bảng số liệu 1. Một là từ giữa năm 1942 đến 1944 ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ, sản lượng đã giảm 12.5 phần trăm từ năm 1942 với khoảng 1467 ngàn tấn. Một điểm đáng lưu ý là từ bảng số liệu trên, đến năm 1945, hoàn toàn không có xuất khẩu gạo đi Nhật Bản từ vùng trên. Từ 1944 trở đi, một lượng lớn gạo đã được dự trữ ở Sài Gòn.
Điểm thứ hai, mấu chốt hơn, là sự sụt giảm sản lượng gạo rất tương ứng với từng vị trí địa lý của các địa phương. Sự sụt giảm tập trung vào 8 tỉnh duyên hải. 5 tỉnh nằm ở đồng bằng Bắc Kỳ (Hải Dương, Kiến An, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình) và 3 tỉnh Bắc Trung Kỳ (hình 1). Giữa 1942 đến 1944, sự sụt giảm sản lượng là khoảng 24.9 phần trăm và khoảng 213000 tấn gạo của 8 tỉnh duyên hải trên, tương ứng với khoảng 200000 tấn gạo bị phá hủy bởi lũ lụt năm 1944. Ở các tỉnh duyên hải, sự sụt giảm nhiều hơn trung bình sụt giảm của toàn Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ; sản lượng ở các tỉnh nằm sâu trong đất liền lại tăng (bảng 1).
Tám tỉnh thành trên không hẳn đã là những nơi có tập trung đông dân nhất (hình 1). Sự giềng mối mạnh mẽ giữa sự sụt giảm sản lượng và các tỉnh duyên hải chỉ ra điểm quan trọng rằng sự đổ bộ liên tiếp của những cơn bão mạnh, triều cường lớn và lũ lụt đã gây nên nạn đói. Nếu sản lượng năm 1944 ở 8 tỉnh duyên hải bằng với năm 1942, hoặc có thể là bằng năm 1943, thì rất khó có khả năng xảy ra nạn đói, hoặc chí ít là không phải là một nạn đói khủng khiếp như vậy.
Tác động của sự sụt giảm sản lượng gạo và vấn đề địa phương tương ứng phải được đánh giá dựa trên mức sống bấp bênh của nhiều nông dân An Nam bấy giờ. Các điểm cần phải cân nhắc hơn nữa là sự đột ngột và không lường trước được của sự sụt giảm lương thực; rõ ràng là sự thiếu dự trữ gạo cho nông dân, cũng như thói quen dựa vào khả năng kiếm được gạo bằng cách nào đó trong suốt một năm; và mùa đông lạnh bất thường năm 1944-45, với nhiệt độ giảm xuống khoảng 6 độ C. Dự trữ gạo đã rất thấp bởi một phần do mùa thu năm 1943, nông dân được lệnh phải bán gạo dư ra cho chính quyền thực dân Pháp, trong khi đó đến mùa đông khắc nghiệt 1944-45 đã hủy hoại phần lớn lượng ngũ cốc còn lại và không cho phép trồng thêm bất cứ thứ gì.[17] Sự ảnh hưởng của thời tiết lạnh trở nên tồi tệ hơn khi quần áo lạnh là thứ hiếm đối với nhiều người. Việt Nam sản xuất đủ để khỏa lấp một ít nhu cầu về tơ sợi và nông dân Bắc Kỳ phụ thuộc hoàn toàn vào việc mua quần áo cho họ.[18] Trong thời gian chiến cuộc, Nhật Bản không gửi thêm bất cứ hàng tiêu dùng nào để cân bằng với lượng nhập khẩu trước đó. Đến năm 1944, một số lớn người, có gì đó để ăn đã là khốn khó, huống chi là quần áo để mặc.
Sự thiếu thốn lương thực ở vùng thôn quê dẫn tới họ phải ăn bất cứ thứ gì có thể: trấu, rễ chuối, cỏ ba lá, vỏ cây. Mọi người kéo nhau từ vùng quê trong “một đoàn người vô tận” trên “con đường đói khát” dẫn tới trung tâm tỉnh lị hoặc các thành phố lớn. Rất nhiều người chết ở dọc đường. Một số thi thoảng dừng lại để giúp người chết nhắm mắt hoặc nhặt một ít giẻ rách từ người đã chết.[19] Rất nhiều người đã đi đến được thành thị để báo lại rằng “1 vạn người dân quê đang lang thang trên đường phố, xin ăn, chẳng có gì trên thân mình ngoài mảnh thảm rơm”.[20]
III. Lương thực bình quân sẵn có
Dữ liệu riêng ở Bắc Kỳ, không bao gồm phần Trung Kỳ, cho phép tính toán lượng gạo được tiêu thụ trung bình mỗi ngày. Bảng 2 sử dụng dữ liệu này để cho thấy từ 1942 đến 1944 lượng gạo được phân bố đều cho các tỉnh sẽ như thế nào. Sự tính toán lượng gạo sẵn có đáp ứng được mô hình của Marr: 85 phần trăm lượng lúa thu hoạch được tiêu thụ, 5 phần trăm được giữ lại để làm giống và 10 phần trăm thất thoát do chuột và hư hại, và theo chuyển đổi Gourou, một tấn lúa thì sau khi xay sẽ cho khoảng 0.6349 tấn gạo.[21] Dữ liệu trong bảng không cho phép chính quyền thực dân Pháp trưng thu gạo nữa, điều mà từ 1943 họ đã làm để dự trữ gạo ở Bắc Kỳ vì việc vận chuyển hàng hóa từ Nam Kỳ ra đã gặp nhiều khó khăn.
Sự trưng thu này không có khả năng giảm bớt tổng lượng gạo sẵn có vì lượng gạo sẵn có này hoàn toàn phụ thuộc vào từng vụ mùa một. Tuy nhiên, việc trưng thu này có ảnh hưởng đến sự phân bổ và giữa những người Việt với nhau thì cũng có sự mất cân xứng theo chiều hướng phân bổ hơn nhiều cho thành thị. Gạo bị phân tán rộng khắp, tập trung nhiều ở vùng đô thị, một phần bị tịch thu bởi quân đội Nhật Bản; và dự trữ cho lúc cần thiết. Phía Nhật Bản cũng trữ một lượng lớn gạo gần 6 vạn tấn phần lớn ở Nam Kỳ.[22]
Bảng 3 thể hiện phần trăm thay đổi trong lượng gạo sẵn có cho nhu cầu tiêu thụ trong vùng Bắc Kỳ và sự phân bổ trong 14 tỉnh có 40 vạn người chết giữa ngày 1 tháng 1 đến 20 tháng 5 1945. Mặc dù dữ liệu không bao gồm 10 tỉnh trực thuộc Bắc Kỳ khác, nhưng 10 tỉnh này không nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng (trừ Quảng Yên), và chỉ chiếm khoảng 15.6 phần trăm dân số toàn Bắc Kỳ thời đó. Giữa năm 1942 đến 1944 trong nội năm tỉnh duyên hải Bắc Kỳ, lượng gạo tiêu thụ hằng ngày giảm mạnh từ 18.2 phần trăm tới 43.1 phần trăm, trung bình trên đầu người thì ở khoảng 27.1 phần trăm. Sự tụt giảm về lượng gạo sẵn có này ở các tỉnh duyên hải Bắc Kỳ sẽ sớm thể hiện sự trùng hợp với số lượng người chết sau này. Trong chỉ 5 tháng đầu năm 1945, 5 tỉnh duyên hải Bắc Kỳ đã có khoảng 4 phần 5 lượng người chết là do nạn đói. Số người chết chiếm khoảng 7.2 phần trăm tới 10.1 phần trăm dân số ở tất cả các tỉnh duyên hải đó, ngoại trừ Hải Dương thấp hơn khoảng 4.8 phần trăm. Tỉ lệ người chết ở Hải Phòng vào khoảng 9.4 phần trăm có vẻ tương ứng với các tỉnh lân cận, tuy nhiên hầu hết số người chết là người dân từ các tỉnh lân cận đi lên. Tỉ lệ chết trung bình ở các tỉnh duyên hải Bắc Kỳ ẩn chứa nhiều hơn nữa ảnh hưởng to lớn của nạn đói trong những người nông dân, chiếm khoảng 20 phần trăm đến trên 50 phần trăm lượng người chết tương ứng tại địa phương.[23]
Bảng 4 thể hiện phần trăm giảm bớt của lượng đất trồng lúa và lượng lúa thu hoạch được. Giữa năm 1942 đến 1944 ở các tỉnh duyên hải, sự sụt giảm từ 18.2 phần trăm ở Kiến An đến khoảng 43.1 phần trăm ở Ninh Bình. Sản lượng sụt giảm ở các tỉnh duyên hải cho thấy liên hệ rõ ràng với lượng lúa thu hoạch được, hơn là phụ thuộc vào diện tích đất canh tác lúc đó. Lượng lúa thu hoạch được có thể đã giảm sụt bởi lũ lụt giữa vụ mùa. Ở Bắc Kỳ giữa 1942 đến 1944, lượng lúa thu hoạch, trung bình trong 5 tỉnh duyên hải, sụt giảm khoảng 22.5 phần trăm, trong khi sự giảm sút diện tích trồng trọt chỉ khoảng 5.9 phần trăm. Xuyên suốt vùng bắc Trung Kỳ, sản lượng gạo giảm mạnh bởi vì cho dù lượng đất canh tác có tăng nhưng lượng gạo thu hoạch lại giảm quá nhiều.
Có một câu hỏi hết sức quan trọng, là tại sao, sản lượng gạo tăng đáng kể ngoài khu vực 8 tỉnh duyên hải Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ, nhưng chẳng thấy lượng tăng này được mang đi cứu tế để giúp đỡ các nạn nhân trong nạn đói. Một lý do là do chính quyền thực dân Pháp đã ra lệnh hạn chế giao thương giữa các tỉnh. Một lý giải có lý hơn là sản lượng gạo tăng ở những nơi đó không cao, chỉ khoảng 3 vạn tấn giữa năm 1942 và 1944; một điều cần phải kể thêm nữa là các tin tức về nạn đói lang truyền đi đã khiến những người dân càng muốn giữ số gạo mà họ có, đề phòng trường hợp đến ngày họ đói ăn.
Marr đề xuất rằng nếu lượng gạo sẵn có ở Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ được san sẻ đều ra, thì nạn đói đã có thể được dập tắt. Ông đưa ra một số điều kiện “khả dĩ” là lượng gạo cứu tế khoảng 297 gam một ngày (khoảng 1065 calo) giữa tháng 11 đến vụ mùa tháng 6 (5 tháng) 1945.[24] Bảng 2 chỉ ra rằng đến 1944, lượng gạo bình quân đầu người hơn số ước tính cứu tế của Marr chỉ có ở một tỉnh duyên hải mà thôi. Ngay cả việc chia đều được thực hiện ở Bắc Kỳ (không bao gồm các tỉnh duyên hải) thì cũng không đủ đến 297 gam một ngày. Hơn nữa, để thực hiện được cứu tế, các tỉnh phải thực hiện việc giao thương (việc mà đang bị thực dân Pháp cấm) với các tỉnh thành lân cận hoặc với miền Nam. Ngay cả với giả định rằng việc cung cấp cho mỗi người 297 gam gạo mỗi ngày là khả thi đi nữa, thì vẫn phải cần cung cấp thêm cho họ các loại thực phẩm khác như khoai tây, bắp, hoặc khoai sọ, những thứ mà trong thời điểm đó không thể trồng được vì mùa đông lạnh bất thường năm đó. Ngoài con số 297 gam một ngày của Marr, nhà nghiên cứu Gourou xác định cần phải có 400 grams một ngày, hoặc với nhà nghiên cứu Nguyên là 500 mới là lượng gạo trung bình cho một người Bắc Kỳ, nhưng vẫn chưa phải là lượng lương thực cần để họ có thể lao động.[25]
IV. Mối quan hệ giữa số người chết và lượng gạo sẵn có
(lược bỏ vì phần này thuần túy các tính toán hàn lâm)
V. Tài sản, sự dự trữ lương thực và nạn đói (lược bỏ vì phần này thuần túy các tính toán hàn lâm)
VI. Nạn đói ở vùng quê và thành thị
Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ hầu hết là các vùng làng mạc. Ít nhất 90 phần trăm và có khi đến 95 phần trăm dân số sống với nhau theo từng cụm nhỏ.[26] Trong năm 1936, toàn vùng chỉ có 2 thành phố lớn là Hà Nội (149000) và Hải Phòng (70000). Không có nhiều thông tin về Hải Phòng, dân số ở đó, như ở Hà Nội, hình như không chịu sự mất mát như những người nông dân thời đó. Ở Hà Nội, người ta có tâm lý trữ nhiều thực phẩm hơn là chỉ đủ xài, thậm chí là ăn uống cũng có phần phô trương mới được.[27]
Cả hai thành phố là như vậy, tuy nhiên cũng không phải là không có sự ảnh hưởng từ nạn đói. Những người đói ở các vùng quê kéo từng đoàn từng đoàn cố gắng lên thành phố. Những nạn nhân đó đông nghịt trên những đường phố ở Hà Nội. Chính quyền thuộc địa Pháp đã phải dựng rào chắn vào thành phố Hà Nội và các thành phố khác. Những rào chắn này chỉ được dỡ bỏ sau khi Nhật đảo chính vào tháng 3 1945, dưới sự kiểm soát của Nhật và chính quyền đế quốc Việt Nam.[28] Những người tản cư ùa vào Hà Nội, “nhiều xác chết, nhiều xác chết hơn nữa tiến vào thành phố” là những lời đã được dùng để mô tả họ.[29] Nhiều gia đình cố gắng bán hoặc cho đi con cái của họ nhưng nhiều lúc họ phải bỏ chúng lại một mình trên đường phố. Rất nhiều những người tản cư từ vùng quê đã chết ngay khi đến được thành phố. Những xác chết của người bị đói trở thành thứ thường nhật ở Hà Nội; “50 đến 70 xác chết co rúm dọc các vỉa hè được thu dọn mỗi ngày”[30]. Những chiếc xe bò chở xác chết phải chạy 2 chuyến một ngày, để đưa những xác chết nằm trên vỉa hè này, góc phố kia đi chôn cất. Đến chạng vạng, một cư dân Hà Nội sẽ phải “khẽ đẩy cửa ra để kiểm tra coi có xác người nào trước nhà không”.[31] Vào tháng 6 1945, khi những người chết đói lên đến 100 200 một ngày, xác chết được hỏa táng trong những hố chôn chỉ chừng khoảng 2 mét vuông ở nghĩa trang Hợp Thiện tại Hà Nội. Những hố chôn đó trải dài trong diện tích đến 2 mẫu (7200 mét vuông), mùi hôi thối nồng nặc tỏa khắp mọi ngõ ngách của thành phố.[32]
VII. FAD1, FDA2 và phản ứng từ giới chức
Ở Việt Nam, sự thiếu hụt lương thực sẵn có không có nghĩa là nạn đói là không thể tránh khỏi. Trong năm 1937, nạn đói đã được phòng trừ mặc cho thời tiết xấu và lượng mưa lớn bất thường (hình 2). Nhưng vì tình hình chiến cuộc của thế chiến II, việc ứng phó với nạn đói trong năm 1944 lại cần nhiều phản ứng hoàn toàn khác từ giới chức chính quyền.
Tác giả Ellman phân định giữa hai loại FAD1 và FAD2 dựa vào hậu quả gây ra cũng như là các biện pháp phòng chống.[33] Ở loại nạn đói do thiếu hụt lương thực dạng 2 FAD2, những quyết định hợp lý có thể giúp phòng trừ được nạn đói, nhưng ở FAD1 thì không. Nhà nghiên cứu Ó Grála đặt nạn đói Ất Dậu ở Việt Nam vào dạng FAD2.[34] Việc phân loại này cũng chỉ mang tính chất tương đối vì sự thiếu hụt thông tin nghiêm trọng. Nguyên nhân chính yếu là đế quốc Nhật đã thực hiện xóa bỏ toàn bộ dữ liệu trước khi thế chiến II kết thúc. Hơn nữa, phần này sẽ cố gắng phân tích xem các nỗ lực từ phía thực dân Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ có thể góp phần hạn chế hoặc thậm chí phòng trừ nạn đói. Sau khi phân tích thì Nhật Bản là tệ nhất, bởi lẽ lúc bấy giờ đế quốc Nhật là đơn vị chính yếu nắm quyền lực ở Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ riêng Nhật mà các bên liên quan khác cũng không thể tránh khỏi chịu trách nhiệm vì đã không có hành động thích đáng để cứu tế một thảm họa kinh hoàng như vậy.
Phía thực dân Pháp
Có ba lý giải chính về sự tắc trách của phía Pháp liên quan đến sự thất bại trong việc phòng trừ nạn đói trong giai đoạn mùa đông 1944-45, giống như họ đã làm thành công năm 1937. Một là những quan chức thuộc địa đã chỉ lo lắng cho chính họ và những lợi ích của quân đội thực dân Pháp trong khi họ vẫn còn đầy đủ quyền lực, trước khi bị phía Nhật Bản đảo chính tháng 3 1945.[35] Những quan chức ở Bắc Kỳ bằng cách nào đó đã sống sót và lên phương án chống lại nạn đói.[36] Hơn nữa, mặt dù không có hiệu quả bao nhiêu như họ thực hiện ở các thành phố lớn, là chương trình phân phối khẩu phần ăn, đã giúp phần nào giảm bớt nạn đói.[37] Còn có cả những kế hoạch dùng thuyền nhỏ để đưa lúa gạo từ miền nam lên, như chúng ta sẽ phân tích sau đây.
Thay vì gỡ bỏ hết trách nhiệm mà thực dân Pháp phải chịu, một lý giải thứ hai là trong lúc cố gắng điều đình để đối phó với thảm họa vào mùa đông 1944-45 và với một nguồn lực giới hạn, các giải pháp từ phía thực dân Pháp đã phản tác dụng. Bằng chứng là những điều chúng ta phân tích ở phần trên, tại sao có quá ít lúa gạo từ các vùng khác (không bị ảnh hưởng bởi thiên tai – ND) được chuyển sang cứu tế các vùng đang bị nạn đói hoành hành. Người Pháp đã cố gắng điều tiết thị trường và điều đó lại làm cho sự lưu chuyển gạo trở nên thêm khó khăn và làm cho công tác cứu tế trở nên khó khăn hơn. Trong tháng 2 1942, chính quyền thực dân Pháp đã ra 5 đạo luật quy định việc trao đổi gạo.[38] Cùng với diễn tiến của chiến cuộc, lúa gạo thì thiếu hụt còn các hàng hóa khác lại tăng, “giấy tờ hành chính của chính quyền thuộc địa tăng lên không ngừng… đến nỗi đầu năm 1945, bộ phận quản lý đã bị tắt nghẽn bởi lượng lớn tài liệu, điện tín, thư từ, ghi chú nội bộ và cả những đơn kiến nghị cần được giải quyết”.[39]
Kế hoạch tổ chức chuyển gạo từ miền nam lên bằng những chiếc thuyền nhỏ đã phá sản bởi vì giới chức Pháp bắt buộc những người vận chuyển bán với giá bằng 85% giá niêm yết, nhưng với giá này họ không thể trang trải chi phí vận chuyển, chưa kể đến những rủi ro từ tấn công của không quân Hoa Kỳ. Phía Pháp cũng đã cấm tuyệt đối việc buôn bán liên tỉnh, dẫn tới các chuyến hàng có thể góp phần cân đối nguồn cung đã không thực hiện được, ví dụ như từ khu vực Nam Trung Kỳ, là nơi thường có gạo dư thừa.[40] Những tài liệu lưu trữ đã cho thấy những thủ tục rối rắm cần phải thực hiện giữa các tỉnh thành để có thể trao đổi một lượng nhỏ gạo. Trong tháng 5 1945, chính phủ Việt Nam, sau khi được sự đồng ý từ phía Nhật Bản, đã cho phép giao thương tự do trở lại, nhưng đến thời điểm này đã hơi muộn vì nạn đói đã qua thời điểm cao trào nhất.[41]
Lý giải thứ 3 là về sự sẵn có của các phương thức vận chuyển hàng hóa. Sau khi vụ mùa thất bát năm 1944, cách duy nhất để giải quyết tình trạng thiếu hụt lương thực là chuyển gạo từ miền nam đến vùng đang xảy ra nạn đói ở miền bắc.[42] khoảng cách giữa hai nơi là khoảng 1700 km từ Sài Gòn – Chợ Lớn đến các tỉnh duyên hải Bắc Kỳ, và tính cồng kềnh của gạo chỉ cho phép chuyển trực tiếp giữa 2 nơi. Với địa hình của Việt Nam, trải dài từ Bắc đến Nam, thì đường vận chuyển duy nhất là dọc bờ biển, bằng tàu biển hoặc bằng hỏa xa. Ngoài ra, vận chuyển bằng đường bộ cũng là một giải pháp, tuy nhiên vào thời điểm này lại thành ra rất khó khăn vì hầu hết đường và cầu bị phá hủy do chiến sự, chưa kể đường xá xa xôi dẫn tới chi phí cho nhiên liệu rất lớn. Hơn nữa, phương tiện vận chuyển lúc này cũng thiếu hụt nghiêm trọng.
Đến mùa đông 1944-45, sự thiếu hụt nghiêm trọng trong các phương thức vận chuyển đã giới hạn tất cả những gì người Pháp có thể làm. Hơn nữa, đế quốc Nhật kiểm soát 2 phần 3 khả năng vận tải còn lại.[43]
Phía đế quốc Nhật
Ngay cả trước khi đảo chính vào tháng 3, quân đội Nhật Bản đã kiểm soát việc xuất khẩu gạo và có đủ quyền để chỉ huy trực tiếp tại Việt Nam. Trong những năm đầu chiến cuộc, lượng lớn gạo Việt Nam đã được chuyển về Nhật, tuy nhiên đến 1945, do bị tấn công bởi không quân và tàu ngầm của Đồng Minh, việc xuất khẩu này đã giảm xuống chỉ còn 4.5 vạn tấn (bảng 1). Sẽ không thực tế nếu cho rằng giá như lượng gạo đó không được chuyển về Nhật Bản thì đã hạn chế được nạn đói. Vì theo tính toán, cho dù số lượng 4.5 vạn tấn gạo đó có đến được Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ thì nạn đói vẫn cứ xảy ra.
Nhật Bản yêu cầu trồng đay và cây lấy dầu ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ để đáp ứng đủ nhu cầu trong khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á, trong đó Nhật Bản đóng vai trò là trung tâm của vùng kinh tế tự cung tự cấp Đông và Đông Nam Á. Sự dịch chuyển sang trồng trọt các giống cây phi lương thực, trong bảng 8, thường xuyên được mang ra như là một nguyên nhân chính yếu gây ra nạn đói. Nhưng trong thực tế, sự ảnh hưởng nói chung chỉ là bên lề bởi vì diện tích chuyển đổi quá nhỏ và một số nằm ở các tỉnh không bị ảnh hưởng bởi nạn đói. Nếu giữa 1942 và 1944, lượng đất đai trồng cây phi lương thực được dùng để trồng lúa, thì đến năm 1944, nó chỉ thêm vào khoảng 1792 tấn gạo ở Trung Kỳ và 18,600 tấn ở Bắc Kỳ. Lượng gạo thêm này đã được lấy cận trên. Thêm nữa là những vùng được dùng để trồng đay và cây lấy dầu này, trước kia không phải là đất trồng lúa, mà chỉ để trồng khoai, nếu xét về năng lượng và về khối lượng thì có thể sẽ nhỉnh hơn lượng gạo ở trên.
Trong mùa đông 1944-45, lượng vận tải sẵn có không thể nào bằng với trước chiến cuộc, nhưng chỉ là những phần bị phá hoại bởi chiến tranh và thiếu phụ tùng thay thế. Hơn nửa, tấn công của không quân Hoa Kỳ làm cho việc vận tải trở nên khó khăn và nguy hiểm hơn nhiều. Trước tháng 12 1943, không một chuyến tàu nào từ miền nam lên cảng Hải Phòng được coi là an toàn.[44] Đến tháng 4 1944, việc thả bom đã có hiệu quả rõ rệt là làm giảm việc giao thương Nam – Bắc.[45] Không quân Hoa Kỳ đang tiến hành tấn công dọc các vùng duyên hải Việt Nam. Kết quả là làm hư hại nặng nề tuyến đường sắt Sài Gòn – Hà Nội, buộc phải chuyển sang vận tải bằng thuyền và đường bộ.[46] Bởi vì sự can thiệp của không quân như vậy, vận tải ven đường biển chỉ còn lại chút ít. Đến lúc đỉnh điểm của nạn
đói bắt đầu từ tháng 12 1944 đến tháng 2 1945, đường sắt đã bị hư hại toàn toàn và thường xuyên bất khả dụng.[47] Những điện tín phía Nhật Bản từ tháng 12 1944, bị chặn bởi tình báo Hoa Kỳ cho thấy, sự phá hủy hoặc hư hại của rất nhiều cầu đường sắt ở phía bắc Vinh.[48] Bao gồm cả cầu Thanh Hóa, một địa điểm chiến thuật quan trọng vì gồm cả cầu đường bộ và đường sắt nối liền Bắc Trung Kỳ và vùng trọng yếu nam đồng bằng Bắc Kỳ (hình 6). Mặt dù Nhật Bản đã nhanh chóng sửa chữa những cây cầu bị hư hại, nhưng việc Hoa Kỳ vẫn thả bom đã liên tiếp cắt đứt các tuyến đường sắt.[49] Giữa 1943 đến 1944, vận chuyển gạo đã giảm còn 51,410 tấn, và trong năm 1945 thì giảm còn 22300 tấn. Vận chuyển bằng tàu biển cũng giảm mạnh và trong năm 1944, hầu như không có bất cứ tàu hàng nào chuyển hàng lên miền bắc Việt Nam.[50]
Nhưng những viên chức dân sự Nhật Bản đã hi vọng rằng, có thể ứng phó với nạn đói bằng cách chuyển lượng lớn gạo dự trữ ở nhiều kho ở vùng nam Đà Nẵng. Sau tháng 3 1945, chính quyền đế quốc Việt Nam cân nhắc việc tổ chức chuyển gạo bằng ngựa và xe kéo, từ làng này qua làng kia, từ nam ra bắc. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị loại trừ bởi tính không khả thi do khoảng cách di chuyển quá xa và lượng gạo cần phải chuyển đi là rất lớn.[51] Một kế hoạch khác là đào một con kênh từ Vinh đến Thanh Hóa để thay thế đường sắt và đường bộ, đồng thời để tránh hải tặc, nhưng cũng bị bãi bỏ.[52]
Vì sự thiếu những dữ kiện từ phía Nhật Bản, cho nên không rõ là bao nhiêu gạo được chuyển ra miền Bắc thì có thể cứu vãn được nạn đói. Quân đội Nhật Bản đã quyết định là trữ gạo cho mình dù việc vận tải có thể được hay là không. Điều này dẫn tới, vì quân đội có quyền vận tải hơn nhiều so với thực dân Pháp, đế quốc Nhật góp một phần không nhỏ trách nhiệm trong việc không sử dụng những phương tiện vận tải cần thiết để chuyển gạo lên miền Bắc.
Phía Hoa Kỳ
“Nguyên nhân chính của nạn đói Ất Dậu là từ việc áp dụng chính sách kinh tế thời chiến của thực dân Pháp và đế quốc Nhật, trích từ Lịch sử cách mạng tháng Tám.[53] Sự bất thường chính là phía Hoa Kỳ có thể trốn thoát khỏi sự chỉ trích cho những chuyện họ đã làm. Bắc đầu từ tháng 11 năm 1943, Không đoàn chiến thuật 14 của Hoa Kỳ đã được giao nhiệm vụ chính yếu là phá hủy hạ tầng vận tải ở Việt Nam. Giữa tháng 4 1944 đến tháng 4 1945, các đợt không kích xuyên suốt và tăng cường trên vùng vận tải duyên hải và đường sắt đã giúp họ đạt được mục tiêu đề ra. Phía Hoa Kỳ đã nhận định rõ ràng rằng: “hệ thống đường sắt của pháp ở Đông Dương, phía bắc từ Vinh đến biên giới Trung Hoa, đã bị tấn công mãnh liệt và làm cho tê liệt”.[54] Tønnesson chỉ ra rằng các cuộc tấn công của hạm đội hàng không mẫu hạm Admiral Halsey là đặc biệt quan trọng trong cuộc ném bom dữ dội của Hoa Kỳ. Đến khoảng đầu năm 1945 thì “loại bỏ hoàn toàn khả năng còn lại trong việc vận chuyển gạo và bắp đến Bắc Việt”.[55]
Giới chức Việt Nam, bao gồm cả người Pháp và Nhật, nhận biết rõ mối liên can của sự tấn công của không quân của Hoa Kỳ trong việc làm tệ thêm nạn đói. Monsignor Drapier, đại biểu sứ đồ tại Đông Dương, đã gửi một thư khẩn cầu đến hội chữ thập đỏ thế giới ở Geneva để yêu cầu tổ chức giải cứu nạn đói. Phía Nhật Bản đã không cho gửi yêu cầu đó vì cho rằng nếu làm như vậy sẽ làm mất mặt họ. Không biết liệu rằng Hoa Kỳ có thể cho phép tàu vận chuyển hàng cứu tế nạn đói, như yêu cầu của Drapier hay không, và cả chuyện có thể tổ chức những chuyến tàu như vậy. Vào tháng 8 1945, Tướng Mordant, chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương, đã hối thúc Paris yêu cầu Hoa Kỳ ngừng ném bom bắc Vinh bởi vì nạn đói đang diễn ra ở đó.[56] Không biết liệu rằng những điều này hoặc các yêu cầu quốc tế khác có tới được Washington hay không.[57]
Vào tháng 5 1945, giới chức Hoa Kỳ, hoặc có lẽ là tổng thống Franklin Roosevelt đã chú ý tới thảm họa gây ra bởi nạn đói ở Việt Nam, bởi vì Archimedes Patti, một nhân viên tình báo Hoa Kỳ, đã gửi tới Washington một hồ sơ gồm những bức hình được Hồ Chí Minh đưa cho ông ta.[58] Có thể, bằng cách nào đó, phía người Mỹ đã biết về nạn đói trước tháng 5, từ giai đoạn sau của chiến cuộc, khi mà đã có sự giao tiếp giữa các nhà ngoại giao Hoa Kỳ với phía Việt Minh.[59]
Khi Hoa Kỳ nhận biết rõ về nạn đói, thì những chính sách của Hoa Kỳ cũng không có dấu hiệu gì là thay đổi cho phù hợp. Họ vẫn tập trung chiến sự ở Trung Hoa và tiếp tục tiến hành các biện pháp để cắt đứt đường vận tải đường sắt ở Đông Dương. Cũng như là ngăn ngừa các nguồn tiếp tế từ phía miền nam được chuyển lên miền bắc, khu vực Nhật Bản đang đóng quân, người Mỹ có mong muốn là chuyển hướng chống đối của dân số lại phía Nhật Bản. Lương thực, mặt dù đối với Hoa Kỳ không phải là một lợi khí trong chiến tranh, nhưng lại trở thành nạn nhân bất đắc dĩ.
Cho dù nếu phía Nhật Bản và Hoa Kỳ có tiếp cận vấn đề giải cứu nạn đói khác hơn và có một lượng lớn gạo có thể chuyển lên phía miền Bắc, thì việc phân phối lại lượng gạo đó một cách hiệu quả cũng là điều hết sức khó khăn. Hơn nữa, cũng chẳng biết là Pháp và Nhật có thể thỏa hiệp được với nhau trong việc cứu tế các nạn nhân của nạn đói hay là không. Thực tế thì, vận chuyển hàng nội tỉnh ở những nơi bị sụt giảm lương thực đã dẫn tới khó khăn trong việc phân phát, vì những làng mạc thì lại nằm rải rác khắp mọi nơi. Hơn nữa, phần lớn các vùng quê đã đang đối diện với sự hỗn loạn. Đặc biệt là đến tháng 3, khi Nhật Bản nắm toàn quyền, rất nhiều kho lúa của thực dân Pháp đã bị cướp sạch bởi những người đang chết đói, đốt cháy trong quá trình Nhật đảo chính, hoặc bị chiếm bởi một số quân nhân Nhật Bản.
VIII. Những nạn đói ở Á Châu trong Thế Chiến II
(lược bỏ)
IX. Tổng kết: nạn đói và cách mạng
Bài báo này đã cho thấy rằng nạn đói Ất Dậu 1944-45 ở Việt Nam đã xuất phát từ sự sụt giảm trầm trọng trong lương thực dự trữ do thiên tai, những cơn bão lớn, lượng mưa cao bất thường và lũ lụt nghiêm trọng. Sự thật không phải lúc nào cũng là nhân tố để định hình những diễn tiến lịch sử. Thời tiết là một thứ rất đỗi bình thường để được dùng làm trợ lực cho một phong trào cách mạng như Việt Minh đã dựa vào, phần còn lại đã trở thành một thảm họa trong lịch sử cận đại Việt Nam. Tốt nhất là cứ đổ trách nhiệm, như hiện tại họ đang làm trong những cuốn sách giáo khoa lịch sử, rằng thực dân Pháp và phát xít Nhật là những kẻ đã gây nên nạn đói.[60]
Đến cuối tháng 3 1945, đảng Cộng Sản Đông Dương, lãnh đạo bởi Hồ Chí Minh và lực lượng vũ trang Việt Minh không phải là một tổ chức mạnh. Nắm bắt tình hình, Đảng đã đề ra ba cơ hội cho cách mạng: Nhật đảo chính Pháp, tình hình chiến tranh ở Thái Bình Dương, và nạn đói. Điều đầu đã xoay chuyển hệ thống quyền lực vốn có, điều thứ hai đã chấm dứt sự ảnh hưởng của Nhật Bản nhưng tất cả chưa phải là đã an bài hoàn toàn. Với điểm thứ 3, nạn đói là điểm tối quan trọng và cần thiết, làm điều kiện cho cách mạng. Nhà nghiên cứu Goscha tóm tắt lại như sau: “nạn đói, hơn tất cả mọi thứ đã giúp mở ra sự thay đổi”[61] Nạn đói đã được sử dụng triệt để để kích động quần chúng “xung quanh ý thức hệ của Đảng Cộng Sản Đông Dương”.[62] Điều đó đã tạo khả năng huy động cho một cuộc cách mạng cho tầng lớp dưới đáy của xã hội, một cuộc cách mạng công nông.
Trong quan cảnh của những tháng ngày chết chóc đó, mà những người chứng kiến khi đó đã không thể nào cứu vãn nổi, đã tạo ra sự chấp nhận về việc phải có sự thay đổi cơ bản sâu rộng trong xã hội và trong cả những người không phải là tín đồ của Việt Minh. Đến cuối cuộc chiến, Việt Minh đã nhận được sự ủng hộ rộng lớn. Mặt dù không có căn cứ nào, đến 1945, Hồ Chí Minh vẫn cho rằng có 2 triệu người chết và đó là thứ không thể thiếu trong các bài diễn thuyết chống thực dân của ông ta.[63]
Việt Minh tiến lên giành quyền lực với 2 khẩu hiệu chính “quốc gia độc lập” và “phá kho thóc”.[64] Sau khi nạn đói xảy đến, “Việt Minh ra khỏi nơi ẩn náu và vận động quần chúng cướp kho thóc từ cả hai phía thực dân Pháp và đế quốc Nhật, những kho thóc được dự trữ nhằm trường hợp thiếu hụt thương thực”.[65] Quan trọng hơn, chiến dịch chống lại nạn đói đã cho phép Việt Minh dẫn đầu “một phong trào quần chúng chân chính”.[66] Một bản tường trình tiêu biểu của các công chức cho thấy tâm trạng tiêu biểu của cuộc nổi dậy: “Vào khoảng 8 giờ đúng ngày 23 tháng 5/1945, lúa gạo cướp được đã được mang ra bởi… một nhóm người có vũ trang và một lá cờ màu đỏ với 2 chữ “Việt Minh”. [67]
Trong sách giáo khoa cộng sản, với vỏn vẹn 900 người, Việt Minh đã chiếm quyền kiểm soát Hà Nội vào 19 tháng 8 năm 1945. Một vạn nông dân ngay tức khắc hỗ trợ họ, những người bị ảnh hưởng bởi nạn đói và cách mạng, diễu hành quanh Hà Nội, Hải Phòng và Huế, củng cố giai đoạn đầu của cuộc cách mạng. Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập vào ngày 2 tháng 9 1945. Một chế độ mới được tạo dựng từ năm 1946 đến 1947 qua tổ chức cộng sản cao cấp trong việc đối phó với nạn đói và phòng ngừa nó quay trở lại, cùng với sự may mắn của các vụ mùa bội thu sau đó. Nạn đói Ất Dậu 1944-45 đã giúp định hình lịch sử Việt Nam, và cả lịch sử Hòa Kỳ 20 năm sau đó nữa.
Gregg Huff
Nguồn: Economic History Review, 00, 0 (2018), pp. 1–31
TĐ chuyển ngữ
[1] Qua bài báo thì có thể được ám chỉ rằng người chết trong nạn đói hầu hết là dân nghèo, người làm thuê cho điền chủ. Là nạn nhân chính của nạn đói, người không có lương thực dự trữ và lại không được quan tâm nhiều nếu có cứu trợ. [ND]
[2] Sen, ‘Ingredients’; idem, Poverty; O Gr ´ ada, ´ Black ’47; idem, ‘Ripple’.
[3] Ellman, ‘Soviet famine’, p. 621.
[4] O Grada, Famine, p. 232
[5] 4 Sen, Wars, p. 1.
[6] ‘Declaration of independence of the Democratic Republic of Vietnam’, in Chen, Vietnam, app. II, p. 356
[7] Marr, Vietnam 1945, p. 104
[8] Centre des Archives d’Outre-Mer, Aix-en-Provence (hereafter AOM), Fonds du gouvernement de fait (hereafter GF)/12, ‘Report to the Minister of the Interior (Le Nhiep)’.
[9] Marr, Vietnam 1945, p. 104.
[10] Office of Population Research, ‘French Indo-China’, p. 74.
[11] Nguyên văn tiếng Pháp “Ce n’est plus l’agriculture, c’est du jardinage’” [ND]
[12] Kherian, ‘Les mefaits’, pp. 478, 498–9; Brocheux and H ´ emery, ´ Indochina, p. 265.
[13] 2 Gourou, Standard, p. 14, and see p. 6; idem, Les paysans, pp. 566–9, 575
[14] Những người làm thuê thường chỉ có lượng gạo dự trữ đủ ăn trong lúc chờ vụ thu hoạch tiếp theo. Nếu mất mùa thì họ sẽ chết đói ngay. [ND]
[15] 5 Catling, Rice, p. 350.
[16] AOM, GF/6, Le Tong-doc, ‘Namdinh’, 20 March 1945, p. 1.
[17] Nguyen, ‘La famine de 1945’, pp. 89–91; Vu, ‘Other side’, pp. 297–8
[18] Gourou, Les paysans, p. 561.
[19] Nguyen, ‘La famine de 1945’, pp. 83–4; Hung, ˆ Impact, p. 253.
[20] Marr, Vietnam 1945, p. 101.
[21] Gourou, Standard, p. 1; Marr, Vietnam 1945, p. 97; Office of Population Research, ‘French Indo-China’, p. 74.
[22] For Japanese rice stocks, see TNA, FO371/53959, Lt. Colonel T. H. Sweeny, ‘Second report on Japanese financial manipulations in French Indo China’, p. 3. Also cf. Marr, Vietnam 1945, p. 99.
[23] Than Nghi [Clear Opinion] (a Hanoi weekly publication), no. 110, 26 May 1945, p. 105; Patti, Why Viet Nam, p. 86; Khanh, ‘Vietnamese August revolution’, p. 769.
[24] Marr, Vietnam 1945, p. 97. Meng, Qian, and Yared, ‘Institutional causes’, p. 1576, specify a minimum of 804 calories to stay alive, but this seems low and too low for Vietnam where most people were already badly undernourished, and during a cold winter like 1944–5. The basal metabolic rate (the level at which no surplus for physical activity exists) is, as a benchmark, around 1,080 calories for women aged 18 to 30 and 1,450 for men aged 18 to 60.
[25] Gourou, Standard, p. 13; Nguyen, Le probleme, pp. 7, 11.
[26] Office of Population Research, ‘French Indo-China’, p. 72.
[27] Ngo, Before the revolution, pp. 233–8; Gunn, Rice wars, p. 240
[28] Hung, Impact, p. 256.
[29] Bang, ‘They starved’, p. 105.
[30] Nguyen, ‘Japanese food policies’, p. 218. For daily reports of bodies collected on the streets of Hanoi, ˆ see VNA, Fonds de la Mairie de Hanoi 3499, ‘Rapports journaliers du Chef des Affairs Annamites’, a file of 142 pages.
[31] Bang, ‘They starved’, p. 105; Kh ` anh, ‘Vietnamese August revolution’, p. 769.
[32] AOM, GF/58, Nishimura, Delegation Imperiale au Tonkin to mayor of Hanoi, 26 June 1945, and reply from ´ the mayor, 9 July 1945.
[33] Ellman, ‘Soviet famine’.
[34] O Grada, Famine, pp. 230–2.
[35] Bernardini, Sous la botte Nippone, pp. 51–5.
[36] 2 VNA, Fonds de la Residence Sup ´ erieur au Tonkin (hereafter RST) 75780, ‘ ´ Etude des mesures preventives ` contre des dissetes apres l’insuffisantes récoltes du riz au Tonkin’; 75782, ‘Création des offices pour la lutte contre ´ les crises alimentaires et la famine’.
[37] VNA, RST 74524 S. 67, ‘Grande famine dans les provinces du Tonkin en 1945’, 22 Feb.–9 March 1945.
[38] Vu, ‘Political and social change’, pp. 162–3.
[39] Marr, Vietnam: state, war and revolution, p. 318.
[40] AOM, Haut commissariat pour l’Indochine (hereafter 2HCI)/226, Mémoires personnelles sur les ´ ev´ enements ´ en Indochine en mars 1945 par Marc Masayuki Yokoyama’, p. 90. These memoirs, written soon after the end of the war in response to a request from the French, represent a first-hand account of events surrounding the famine. Yokoyama was perhaps the most important Japanese economic and political adviser in Indochina.
[41] AOM, GF58, Thư ngày 23 tháng năm 1945 của ngài khâm sai B ˆ ắc Ky g ` ửi cho ong t ˆ ỉnh trưởng Ninh B`ınh- mật (Northern Lieutenant Office to the Chief of Ninh Binh Province, 23 May 1945); Hung, Impact, p. 270.
[42] Marr, Vietnam 1945, p. 318.
[43] AOM, INF/1108, Bulletin de renseignements’, 1436/EO/R, 9 March 1945, pp. 1, 5; INFc141d1267, ‘Rapport sur les principaux problèmes économiques depuis l’armistice’, 3 Feb. 1945, p. 14.
[44] Liddell Hart Centre for Military Archives, King’s College, London (hereafter LHC), MAGIC, ‘Military’, 24 July 1943, pp. 1–2; ‘Economic: Saigon’, 20 Dec. 1943, pp. 5–6. MAGIC are wartime Japanese diplomatic messages intercepted and decoded by the Allies
[45] VNA, Fonds de la direction des Finances 15154, ‘Programme de l’utilisation de transports en Indochine 1944’, p. 12.
[46] LHC, MAGIC, ‘Indo-China’s economic value to Japan’, 5 July 1944, pp. 11–13.
[47] AOM, INFc123d1108, passim; INFc141d1267, ‘Rapport sur les principaux problèmes ` économiques depuis ´ l’armistice’, 3 Feb. 1945, pp. 15–25; see also Gaudel, L’Indochine, p. 229.
[48] LHC, MAGIC, reel 11, 972, 12 Dec. 1944, p. 2.
[49] Vu, ‘Other side’, p. 308.
[50] Indochina, Annuaire statistique, 1941–2, pp. 189–90; 1943–6, pp. 189, 191.
[51] AOM, 2HCI/226, Memoires Yokoyama, p. 91.
[52] AOM, GF58, Thư ngày 30 tháng sáu năm 1945 của ông Lê Văn Định-bố chánh gửi ngài khâm sai Bắc Kỳ-mật (Lê Văn Định to the Chief of Northern Lieutenant Office, 30 June 1945).
[53] Vietnam, History, p. 88.
[54] United States Strategic Bombing Survey, Air Campaigns, p. 34, and see p. 23; cf. fig. 5.
[55] Tønnesson, Vietnamese revolution, p. 294
[56] Ibid., p. 292.
[57] AOM, 2HCI/226, Memoires Yokoyama, pp. 91–2
[58] Patti, Why Viet Nam?, pp. 85–6, 347.
[59] Spector, ‘Allied intelligence’, pp. 38–41.
[60] Vietnam, History, pp. 88–96.
[61] Goscha, Penguin history, p. 211.
[62] Khanh, ‘Vietnamese August revolution’, p. 776.
[63] Brocheux, Histoire économique, p. 163; see also Brocheux and Hemery, Indochina, p. 348.
[64] Woodside, Community, p. 233.
[65] Brocheux, Ho Chi Minh, p. 90.
[66] 9 Nguyen, ‘Japanese food policies’, p. 221; idem, ‘La campagne nord-vietnamienne’, p. 135.
[67] AOM, GF/62, Nguyen Trong Tan, Tran-Phu de Vinh Yen to Kam Sai, Hanoi, 25 May 1945; see also, for ˆ example, GF/66 for a series of reports and letters from Bac Ninh province on growing disorder, numerous bandit raids and pillage
Leave a Reply
Your email is safe with us.