Trong bài này chúng ta sẽ xem xét các vấn đề:
- Tại sao tự do ngôn luận lại quan trọng?
- Tại sao tự do ngôn luận là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng dân chủ?
- Tự do ngôn luận nghĩa là gì?
- Mối quan hệ giữa tự do ngôn luận và tự do báo chí
- Vai trò của truyền thông trong xã hội
Dẫn nhập
Trong guồng quay bận rộn của một nhà báo, nhà xuất bản, nhà đài hay là chủ của một kênh truyền thông, họ có thể dễ dàng bỏ qua những tôn chỉ căn bản, những thứ mà đang bị đe dọa, khi họ quá chú tâm vào công việc hằng ngày của mình. Phòng thu hay là đài phát thanh bị thúc ép bởi những kì hạn, ngân sách eo hẹp, sự hạn chế trong trang bị kĩ thuật hoặc tài liệu, áp lực từ cấp trên, sự khó khăn trong phân phối và những luật lệ truyền thông hà khắc, chưa nói đến các đối tượng mà được các nhà báo đưa tin thì luôn luôn cảnh giác với họ, có khi còn có cả thái độ thù địch. Những điều này tạo ra một môi trường làm việc đầy thử thách, và dễ dàng làm phân tâm các nhà báo khỏi bức tranh toàn cuộc.
Bức tranh toàn cuộc đó là những công việc của các nhà báo chính là phản ánh sự giao lưu giữa người với người, và điều đó cũng là thước đo cho sự vận hành lành mạnh của xã hội. Những nguyên tắc của sự giao lưu đó đối với mỗi cá nhân được mang ra và áp dụng rõ rệt lên cách vận hành và tương tác giữa các tổ chức xã hội, ví dụ như mối liên hệ giữa truyền thông và nhà nước chẳng hạn. Bạn có thể nhận thấy rất nhiều điều về chính phủ của một quốc gia nào đó, cũng như sự tận tâm của họ với nền dân chủ, kinh tế hoặc là sự phát triển của xã hội, chỉ bằng cách nhìn vào sự tôn trọng của họ đối với công dân và hệ thống truyền thông của mình.
Tại sao tự do ngôn luận lại quan trọng? Về mặt gốc rễ thì
Khái quát
Chúng ta sẽ bắt đầu với những nguyên tắc cụ thể của sự giao lưu căn bản giữa con người, đặc biệt, là tự do biểu đạt.
Quan trọng hơn là cần phải hiểu tại sao tự do biểu đạt lại đạt được sự công nhận trên toàn cầu và trở thành nền tảng căn bản của quyền con người. Có nhiều nguyên nhân tại sao chúng ta lại phải bảo vệ quyền tự do biểu đạt này. Nhưng tóm gọn lại thì trong hai nhóm chính sau:
Về mặt gốc rễ: Những điều này dựa trên sự nhìn nhận rằng tự do biểu đạt quan trọng bởi vì chính con người là thứ vốn dĩ đã quan trọng, bất kể liệu quan điểm của họ có đúng hay sai, có giá trị hay không trong bất kì tình huống nào.
Từ giá trị mà nó mang lại: Những điều này dựa trên sự nhìn nhận rằng tự do biểu đạt dẫn tới những thứ giá trị – có sự tự do biểu đạt sẽ giúp xã hội đạt được nhiều mục tiêu quan trọng khác.
Về mặt gốc rễ của tự do ngôn luận
Bản thân con người là quan trọng, những kì tích (dù là sai lầm hay thành công) và trải nghiệm của họ đã được định hình và tác động lên thế giới từ thời xa xưa. Tuy nhiên, chỉ thời gian gần đây thì nhân loại mới nhận ra tầm quan trọng của quyền tự chủ của mỗi người. Cộng đồng quốc tế hiện tại đã thừa nhận rõ ràng rằng con người quan trọng về mặt bản chất: về những thứ làm nên chúng ta và cái chúng ta nghĩ. Những thừa nhận này đến từ đâu? Chúng dựa trên điều gì? Và những dấu hiệu nhận biết đó là gì?
Sự bình đẳng
Cộng đồng quốc tế đã phải vật lộn với khái niệm bình đẳng này từ giữa thế kỷ 20. Thế kỉ trước đã chứng kiến sự nhìn nhận hầu như trên toàn thế giới rằng nô lệ – một khái niệm về chuyện một con người có thể bị sở hữu và bị trói buộc bởi một người khác – là vừa man rợ và vừa là sự nhục nhã cho nhân loại nói chung. Đến khoảng nửa cuối thế kỉ 20, soi xét kĩ qua chủ nghĩa thực dân, chế độ apartheid và những cuộc diệt chủng đã khiến hầu hết các nước chấp nhận rằng con người bất kể tuổi tác, giới tính, chủng tộc, dân tộc, quốc gia, ngôn ngữ, tầng lớp, xuất thân xã hội hay tôn giáo, vốn dĩ là bình đẳng.
Phẩm cách
Sự thừa nhận về bình đẳng thực chất liên kết chặt chẽ với sự thừa nhận những phẩm cách cố hữu của mỗi con người. Điểm mấu chốt làm nền tảng cho sự công nhận của quốc tế về quyền con người là mỗi người, bất kể sự khác nhau giữa họ, đều xứng đáng được tôn trọng về mặt phẩm cách. Sự nhìn nhận rằng một con người được gắn liền với phẩm cách thể hiện sự biến đổi sâu sắc trong mối quan hệ của con người, và là một tiến bộ cơ bản khỏi những niềm tin và thói quen cổ hủ.
Tự chủ và nhân cách
Đến lúc mà sự nhìn nhận về sự bình đẳng và phẩm cách cố hữu của mỗi con người trở nên phổ biến, sẽ dẫn đến sự nhìn nhận về quyền của mọi cá nhân phải được tự do phát triển nhân cách của họ, thực sự phát triển và phát huy mọi khả năng của bản thân. Sự nhìn nhận này là về quyền tự hoàn thiện bản thân và tính tự chủ – cái quyền để trở thành chính bạn, trên phẩm cách cố hữu của bạn và sự bình đẳng – điều này được nhấn mạnh trong rất nhiều những thỏa thuận quốc tế về các quyền và tự do cơ bản của con người.
Những thỏa ước quốc tế căn bản và gốc rễ của tự do ngôn luận
Dưới đây là những trích dẫn từ một số thỏa ước quốc tế căn bản về quyền con người, nhìn nhận các khái niệm về phẩm cách cố hữu và bình đẳng của con người, cũng như là quyền được tự chủ và tự thỏa mãn.
Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền
Mệnh đề đầu tiên trong lời mở đầu của Tuyên ngôn nhân quốc tế nhân quyền được thông qua bởi Đại hội đồng Liên hiệp quốc năm 1948 nêu rõ:
“Xét rằng việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hoà bình thế giới.”
Mệnh đề thứ hai chỉ ra rằng:
“… việc đạt tới một thế giới trong đó mọi người được tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, được giải thoát khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, được tuyên xưng là nguyện vọng cao cả nhất của con người,”
Điều 1 của tuyên ngôn cũng chỉ ra:
“Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền, có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái.”
Cũng trên tinh thần như vậy, mệnh đề đầu tiên của Điều 2 ghi:
“Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.”
Mệnh đề thứ nhất của Điều 7:
“Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị.”
Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị
Trong phần mở đầu, phần được thừa nhận bởi Liên hiệp quốc năm 1966 và có hiệu lực từ năm 1976, khẳng định lại rằng “ việc công nhận phẩm giá vốn có và những quyền bình đẳng và bất di dịch của mọi thành viên trong cộng đồng nhân loại là nền tảng cho tự do, công lý và hòa bình trên thế giới” và, như là một hệ quả, thừa nhận rằng “những quyền này bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của con người”.
Công ước châu Mỹ về Nhân quyền
Công ước châu Mỹ về Nhân quyền, có hiệu lực từ năm 1978, ghi rõ trong phần mở đầu của nó rằng nó thừa nhận:
“Những quyền căn bản của con người không phải bắt nguồn từ một định chế quốc gia nào, mà nó dựa trên tố chất riêng của cá nhân đó”
Sự thừa nhận của quốc tế về những phẩm cách cơ bản, bình đẳng và tự chủ của tất cả mọi người đã tạo sự ảnh hưởng rất mạnh mẽ lên sự khởi sinh của nhiều quyền cơ bản, đặt biệt là gắn liền với tự do biểu đạt.
Tự do biểu đạt được xem như là một điều căn bản của nhân quyền và được bảo vệ bởi quốc tế một cách quyết liệt bởi vì những khái niệm như bình đẳng, phẩm cách và phát triển cá nhân cũng như tự hoàn thiện cần con người được nói hoặc là thể hiện quan điểm của họ, những gì họ thể hiện hoặc giao tiếp mô tả chính xác con người của họ, do đó nó xứng đáng được tôn trọng và bảo vệ.
Tại sao tự do ngôn luận lại quan trọng? Nó là công cụ căn bản
Khái quát
Lý do lớn nhất cho thấy tự do biểu đạt quan trọng là bởi vì nó mang lại nhiều thứ, nó là điều cần thiết để xây dựng các mục tiêu xã hội quan trọng. Những mục tiêu này không có giới hạn, nhưng hầu hết đồng ý nó bao gồm hai thứ chính:
- Tìm kiếm chân lý trong thị trường ý tưởng
- Tự do biểu đạt là điều thiết yếu cho một nền dân chủ
Tìm kiếm chân lý
Cơ sở lý luận ở đây là duy chỉ có sự trải qua những thể hiện xuyên suốt và cởi mở của những ý tưởng mới giúp chúng ta kiểm chứng sự “đúng đắn” của một ý tưởng cụ thể nào đó. Lý luận này dựa trên sự thừa nhận rằng tự do ngôn luận là nòng cốt giúp con người có thể:
- Phát triển, trao dồi và tái định hình lại những ý tưởng, ý kiến và quan điểm
- Loại bỏ, phản bác và thay đổi những ý tưởng, ý kiến và quan điểm
- Thuyết phục những người khác bằng lý lẽ, ý tưởng, ý kiến và quan điểm
- Xem xét và đánh giá lý lẽ, ý tưởng, ý kiến và quan điểm của những người khác
Quá trình sàng lọc qua một “thị trường các ý kiến” giả định này là một sự tìm kiếm hiệu quả cho chân lý. Những điều trên là điểm đã được xây dựng vững chắc qua sự làm việc của giới hàn lâm và khoa học, những nghiên cứu mới nhất phụ thuộc rất lớn vào các đánh giá chéo trong cộng đồng học thuật để loại bỏ những kết quả sai lầm. Và cũng có ý nghĩa tương tự đối với những trao đổi thường nhật.
Duy chỉ qua tự do biểu đạt, người ta mới có thể bảo đảm rằng sẽ có sự cọ sát giữa các ý tưởng và quan điểm mà từ đó, họ có thể tự quyết định rằng có sử dụng hoặc loại bỏ nó hay không. Tính tinh túy trong sự phát triển của nhân loại là dựa trên nền tảng của những ý tưởng, quan điểm và lý lẽ này. Và sẽ có một quá trình trong đó chúng luôn cần phải được đánh giá, thử thách, xác minh, sửa đổi hoặc bị loại bỏ. Những điều này không thể đạt được nếu thiếu tự do biểu đạt.
Tự do biểu đạt là điều tối cần thiết cho nền dân chủ
Lý luận này dựa trên ý niệm, dân chủ – nơi mà con người có quyền bầu chọn lên nhà nước – sẽ không bao giờ tồn tại một cách có ý nghĩa nếu thiếu đi quyền tự do biểu đạt.
Bàn về vấn đề này thì sẽ có rất nhiều mặt, nhưng mà khái niệm căn bản nhất là để cho nền dân chủ hoạt động hiệu quả, công dân thực hiện việc bầu cử và tham gia vào việc công cùng với chính phủ phải được thông tin và phải có quyền để tham gia một cách tự do trong các cuộc thảo luận công cộng.
Nếu không có tự do ngôn luận – nếu con người không có được sự tự do để chia sẻ thông tin và biểu đạt một ý tưởng, ý kiến và quan điểm chính trị nào đó, và hệ quả của những điều này, nếu con người không được tự do để tiếp cận thông tin dưới dạng những ý tưởng, ý kiến và quan điểm chính trị – thì họ sẽ không thể nào tiếp cận đủ thông tin để ra những quyết định chọn lựa chính trị hợp lý và có ý nghĩa, khi họ đi bầu hoặc tương tác với chính phủ.
Tự do biểu đạt
Tự do biểu đạt trong các thỏa ước nhân quyền quốc tế
Sẽ hữu ích nếu ta xem thử trong các thỏa ước nhân quyền quốc tế, họ quy định như thế nào cho các phạm vi của tự do biểu đạt, từ đó chúng ta sẽ hiểu được những gì thuộc và những gì không thuộc phạm vi của các quyền tự do này. Phần này sẽ xem xét những điều khoản liên quan của các thỏa ước quốc tế nhân quyền, những điều đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi bao gồm cả những quyền về tự do biểu đạt.
Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền
Điều 19 của Tuyên ngôn thừa nhận:
“Ai cũng có quyền tự do ý kiến và tự do biểu đạt; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những ý kiến của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến thông tin và ý tưởng bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.”
Điều 19 chắc chắn sẽ dẫn tới một số tranh luận bởi vì quá nhiều điểm của tự do biểu đạt được bao hàm trong chỉ vài dòng chữ.
Nhưng quan trọng hơn là, quyền này đã:
- Trao cho “mọi người”; mà không phải qua bất kì một sự xét duyệt nào, như công dân thuộc quốc gia nào, độ tuổi nào.
- Quyền này là quyền về “tự do ý kiến và biểu đạt”. Nói cách khác, không chỉ mọi người được quyền giữ ý kiến của họ trên bất kỳ vấn đề gì (bao gồm những suy nghĩ, ý tưởng và niềm tin), mà họ còn được quyền biểu đạt những ý kiến đó.
- Về tự do biểu đạt. Đây không chỉ giới hạn ở ngôn luận, mà bao hàm cả những hình thức biểu đạt khác như khiêu vũ, diễn kịch, nghệ thuật, nhiếp ảnh và những hành động không phát ngôn khác.
- Đặc biệt hơn là bao gồm quyền để “tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin và những ý tưởng”. Đây là một phần quan trọng của quyền thể hiện rõ rằng mọi người đều có quyền thâu nhận thông tin. Vì vậy, bất kỳ nhà nước nào cấm đoán truyền thông tự do cũng có nghĩa là đang dẫm đạp lên quyền thâu nhận thông tin một cách tự do của công dân họ.
- Bao gồm cả quyền được tìm kiếm thông tin và ý tưởng “bằng mọi phương tiện truyền thông”. Đây là một mệnh đề cực kỳ quan trọng cho ngành báo chí và truyền thông bởi vì nó chỉ rõ rằng báo chí, đài phát thanh, truyền hình và mạng Internet, ví dụ vậy, tất cả đều được bao gồm trong quyền này.
- “Không kể biên giới quốc gia”. Nghĩa là quyền này được quốc tế công nhận nhưng là một quyền phổ quát, không phụ thuộc hoặc bị quy định bởi biên giới quốc gia.
Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR)
Điều 19 trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị xây dựng trên điều khoản của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Nó chỉ ra:
- Mọi người đều có quyền giữ ý kiến của mình mà không bị ai can thiệp.
- Mọi người có quyền tự do biểu đạt. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý tưởng, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ.
- Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:
- Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,
- Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội.
Điều 19 trong ICCPR sẽ cần được thảo luận bởi vì nó chỉ ra một số điểm khác biệt quan trọng giữa những điều khoản của nó với điều 19 trong Quốc tế Nhân quyền.
Một số điểm quan trọng đáng chú ý như:
- Mặt dù hầu hết các điểm đáng chú ý là phần 3 của ICCPR, không giống trong Quốc tế Nhân quyền, mô tả rõ ràng rằng quyền tự do biểu đạt có thể được giới hạn bởi mỗi quốc gia. Chúng ta đều biết rằng có những quyền mâu thuẫn với những quyền khác. Một số ví dụ như là quyền biểu đạt có thể bị lạm dụng để thực hiện các hành vi như:
- Xâm hại uy tín của người khác bằng cách công bố các xuất bản nói xấu sai sự thật và như thế dẫn đến xâm phạm nhân cách của người đó.
- Cố tình chụp những hình ảnh thân mật của người khác và vì thế xâm phạm quyền riêng tư của họ
- Điều khoản trong đoạn 3 điều 19 của ICCPR thừa nhận rằng sự xung đột giữa các quyền này và cũng nhìn nhận quyền của quốc gia cụ thể có thể ban hành luật nhằm giới hạn tự do biểu đạt trong những tình huống nhất định, như là để bảo vệ quyền và uy tín của người khác, cũng như là bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe cộng đồng hoặc luân lý.
- Cụm từ “cần thiết” ở đây đáng chú ý. Nó mang nghĩa là nếu tự do biểu đạt không bị giới hạn, thì sự bảo vệ uy tín, an ninh quốc gia, sức khỏe cộng đồng sẽ bị hủy hoại. Đây là một tiêu chuẩn khó mà đạt được.
Các thỏa ước về nhân quyền ở các khu vực khác cũng có các quy định bảo vệ quyền tự do biểu đạt tương tự.
Tổng kết các yếu tố cốt lõi của quyền tự do biểu đạt
Một điều rõ ràng rằng từ các thỏa ước quốc tế, phạm vi của quyền tự do biểu đạt được đồng ý khái quát như sau:
- Mọi người đều được thừa hưởng quyền này – những cá nhân cũng như tổ chức pháp nhân, như những công ty chẳng hạn.
- Quyền tự do biểu đạt rộng lớn hơn tự do ngôn luận và bao gồm cả những phương tiện phát ngôn và phi phát ngôn.
- Quyền thừa nhận một cách phổ quát việc thâu nhận cũng như là truyền đạt lại thông tin và các ý tưởng.
- Quyền bao gồm sự tự do trong trao đổi, minh xác rằng không có giới hạn nào trong việc sử dụng công cụ để biểu đạt ý tưởng hoặc ý kiến.
- Các yêu cầu cấp phép phát sóng không cấu thành sự vi phạm đối với quyền tự do biểu đạt.
- Quyền tự do biểu đạt không phải là tuyệt đối và mỗi quốc gia có thể hạn chế nó. Tuy nhiên, những hạn chế này là điều cần thiết trong một xã hội dân chủ lành mạnh để bảo vệ quyền của những người khác, hoặc là những lợi ích công cộng quan trọng, như là an ninh quốc gia hoặc sức khỏe cộng đồng.
Mối quan hệ giữa tự do biểu đạt và tự do truyền thông
Thật rõ ràng rằng từ những điều khoản trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà ta phân tích ở trên, đã cho ta thấy được quyền tự do biểu đạt yêu cầu không chỉ mọi người được tự do biểu đạt chính họ, mà họ còn được tự do làm và tham gia nhiều loại hình truyền thông khác, bao gồm nhiều dạng như ấn loát, phát thanh truyền hình. Và thực sự là vậy, như nhà nghiên cứu Michael Bratton đã từng nói:
Để trở nên linh hoạt trong các sinh hoạt chính trị, các công dân yêu cầu phải được giao tiếp với các công dân khác, và được tranh luận về hình thức nhà nước mà họ mong muốn được hưởng. Thảo luận dân sự có thể diễn ra ở nhiều diễn đàn khác nhau, nhưng quan trọng hơn cả là các nền tảng truyền thông công cộng, bao gồm ấn loát truyền thống và điện tử.
Nó cũng rõ ràng trong các điều khoản của quốc tế nhân quyền rằng tự do biểu đạt bao gồm quyền thâu nhận thông tin và các ý tưởng. Đây là phần cốt lõi quan trọng nhất của quyền này. Ảnh hưởng của điều này là khi một quốc gia hành động để bịt miệng hay hạn chế hoạt động của truyền thông, dù là dưới hình thức ấn loát hay phát sóng, thì không chỉ vi phạm các quyền biểu đạt của giới truyền thông và nhà báo, biên tập viên và nhà phát hành, mà còn là đang vi phạm quyền của chính công dân của nó trong việc thâu nhận thông tin và các ý tưởng một cách tự do.
Hệ quả là, sự thừa nhận của quốc tế về các quyền tự do biểu đạt của mỗi người đã rõ ràng và từ đó cũng góp phần bảo vệ quyền tự do biểu đạt của truyền thông luôn. Do đó, quyền biểu đạt và thông tin của cá nhân và truyền thông gắn bó mật thiết với nhau.
Vai trò của truyền thông trong xã hội
Truyền thông là gì
“Truyền thông” không phải là một thực thể hiện hữu cụ thể nào mà đúng hơn là một khái niệm chung để chỉ việc chuyển tải nội dung đến với dân chúng, hoặc một vùng nhất định, bằng nhiều nền tảng khác nhau. Ở đây không có danh sách đóng những nội dung gì sẽ được truyền thông chuyển tải: tin tức, chính trị, kinh tế, quan hệ đối ngoại, giải trí, xe cộ, làm vườn, tôn giáo, trang trí nội thất, ẩm thực, thời trang và lối sống là một vài trong số rất nhiều chủ đề mà truyền thông thường đưa tin. Hơn nữa, những chủ đề đó được chuyển tải bằng nhiều nền tảng khác nhau. Theo cách truyền thống, mọi người có thể nghĩ ngay đến là báo, tạp chí, truyền thanh, truyền hình. Nhưng không chỉ bao gồm những thứ đó. Tên gọi “tân truyền thông” bao gồm một loạt các nền tảng, như là các trang mạng điện tử, và nền tảng di động, như là ti vi hoặc là khả năng nghe tin vắn trên di động. Truyền thông dựa trên internet có thể chỉ là phiên bản điện tử của những dạng truyền thông ấn loát truyền thống. Ví dụ, một trang mạng của một tờ báo sẽ đăng bản điện tử của những gì họ đã phát hành bằng việc ấn loát trong ngày đó, hoặc là họ sẽ xuất bản trên trang mạng những nội dung đặc thù chỉ có trên mạng mà thôi. Tân truyền thông đang thay đổi mối quan hệ giữa công dân và truyền thông. Những trang mạng xã hội như Twitter hay Facebook, đóng một vai trò nhất định như là một nguồn tin tức và thông tin ở một số quốc gia. Một ví dụ điển hình là những làn sóng nổi dậy ở các nước Ả rập.
Vì không phải là một thực thể cụ thể, cho nên cũng không có một vai trò cụ thể nào được ấn định cho nó. Thật sự, vai trò cụ thể của một phần nào đó của truyền thông được xác định bởi các yếu tố liên quan đến bản chất của chính phương tiện truyền thông, ví dụ như về mặt nội dung thì ta có tin tức, xã luận hoặc là giải trí; và về dạng truyền tải thì ta có ấn loát, phát sóng hay là dựa trên internet. Do vậy, truyền thông đóng rất nhiều vai trò trong xã hội, bao gồm việc thông tin, giáo dục và giải trí. Truyền thông có thể chú trọng vào một chủ đề nhất định như sở thích (ví dụ như là tạp chí bóng đá), tôn giáo (kênh truyền hình phật giáo) hoặc là lĩnh vực chuyên môn (như là kinh tế). Nó còn có thể thu hút khán giả đại chúng như là một đài truyền hình hoặc là một tờ nhật báo gồm nhiều tin tức và xã luận, mang tính địa phương hay quốc gia hoặc thậm chí là quốc tế.
Người ta thường nhập chung giữa hai khái niệm “truyền thông” với “báo chí”. Cái này không phải là vấn đề gì lớn, tuy nhiên, khi nói về truyền thông và tự do báo chí thì sẽ rõ ràng hơn nếu ta nhìn nhận rằng “báo chí” chỉ là một mảng nhỏ của “truyền thông”. Báo chí thì rõ ràng là một bộ phận của truyền thông tin tức, dưới hình thức ấn loát hay là điện tử. Trong khái niệm “báo chí” thì cũng có nhiều loại báo chí khác nhau, như là báo nhà nước, báo tư nhân, hoặc ngay cả một số loại hình truyền thông cộng đồng nhỏ khác cũng có thể gọi là “báo chí”. Quan trọng hơn hết là ta nên có sự phân biệt rõ ràng khi mà xem xét vai trò của báo chí nói riêng và truyền thông nói chung.
Vai trò của báo chí
Các nhà bình luận hàn lâm thường mô tả truyền thông hay báo chí như là “một nhân tố tách biệt của công chúng đối trọng với các cơ quan cầm quyền”; và rằng các tổ chức truyền thông “đứng giữa các cơ quan chính phủ và người dân”. Rỏ ràng rằng, các mô tả này chỉ đúng trong một mức độ nhất định vì có một số dạng truyền thông (như ấn loát, phát sóng…) là một cơ quan quan trọng của chính phủ, và do đó không thể nào không hỗ trợ chính phủ được. Tuy nhiên, rõ ràng rằng một cơ quan truyền thông độc lập và mạnh mẽ, cùng với các cơ quan khác của xã hội dân sự, có thể đóng vai trò hỗ tương để gây áp lực lên cho chính phủ để hỗ trợ dân chủ và phát triển kinh tế xã hội. Nhà nghiên cứu và bình luận truyền thông Musudul Biswas đã nói rằng mục tiêu lớn nhất của truyền thông là để tạo nên “nền chính trị có ý nghĩa”.
Điều này liên kết với một trong những lý do của tự do biểu đạt, là tự do thông tin và trao đổi các ý tưởng là điều tốt cho xã hội dân chủ bởi vì nó sẽ tạo ra những quyết định đúng đắn cho chính phủ, cải thiện sự minh bạch và trách nhiệm, và trao cho công dân khả năng đưa ra những quyết định chính trị kịp thời.
Để đạt được mục tiêu quan trọng là hỗ trợ mang lại ý nghĩa cho sự tham gia dân chủ, báo chí phải thực hiện một số vai trò khác. Chúng ta sẽ cùng bàn luận trong phần tiếp theo đây.
Báo chí đóng vai trò như đơn vị giám sát
Khái quát
Báo chí đóng vai trò như là “đơn vị giám sát” là một đặc điểm truyền thống về vai trò của báo chí nói riêng. Nhà bình luận Biswas mô tả rằng truyền thông như “một đơn vị giám sát của xã hội [theo dõi] những hoạt động của các cơ quan hành chính và các tổ chức khác, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến công chúng”.
Vai trò giám sát này có thể ở nhiều dạng tùy thuộc vào bản chất của phương tiện truyền thông, cũng như là tình trạng dân chủ và phát triển của từng quốc gia cụ thể. Nhưng hơn hết, vai trò này là để cung cấp thông tin – để trở thành “con mắt và cái tai” của nhân dân trong việc giám sát những gì đang xảy ra trong đời sống công cộng bằng cách báo cáo kịp thời những việc xảy ra thường nhật.
Báo cáo từ phía chính phủ
Khi nghĩ về chuyện báo chí như là đơn vị giám sát, thì mọi người sẽ lập tức nghĩ tới báo chí sẽ báo cáo những gì mà chính phủ đang thực hiện. Những việc đó vốn dĩ là rất to lớn và phức tạp. Nó bao gồm việc báo cáo về chương trình và hoạt động của cả ba nhánh của chính phủ:
Lập pháp: Những hoạt động lập pháp bao gồm không chỉ đề xuất và thông qua luật, mà còn những công việc của các ủy ban quan trọng, giám sát hoạt động của các cơ quan và nơi tham vấn của các cơ quan hành chính khác.
Hành pháp: Hoạt động của nó bao gồm những hoạt động thường nhật trong việc quản lý chính phủ. Những hoạt động của các bộ ngành trong chính phủ dưới sự bảo đảm của các bộ trưởng, được ví như là “buồng máy” để vận hành một quốc gia. Truyền thông cần có thể báo cáo về tất cả các bộ ngành này – ví như kinh tế, sức khỏe, thương mại, giáo dục…
Tư pháp: Là các tòa án – nơi điều hành công lý trong một quốc gia. Truyền thông cần có thể trao đổi được với các thẩm phán và tiếp cận các thủ tục tố tụng.
Những báo cáo về các hoạt động của chính phủ còn có sự liên quan đến việc báo cáo các hoạt động của các cơ quan liên quan, bao gồm:
- Các cơ quan quốc tế mà quốc gia đó tham gia, ví dụ như Asian, Liên hiệp quốc…
- Những cơ quan công quyền như ngân hàng trung ương, các đơn vị truyền thông công, hội đồng bầu cử,…
- Các công ty quốc doanh như các hãng hàng không quốc gia, công ty điện lực quốc gia, công ty viễn thông quốc gia
- Những đơn vị khác của chính phủ như các chính quyền địa phương, trở thành một phần quen thuộc với nhiều người đọc tin tức hằng ngày.
Báo cáo về sự phát triển kinh tế
Các vấn đề kinh tế có phần quan trọng như là các vấn đề chính trị; do đó, một nền báo chí giám sát cần phải báo cáo về sự phát triển và các tin tức liên quan đến kinh tế. Sẽ có lúc có những sự trùng lắp với những báo cáo từ phía chính phủ và báo cáo từ báo chí, nhưng đây không phải là vấn đề to tác.
Thường thường thì các vấn đề kinh tế sẽ có liên quan đến lĩnh vực tư nhân, và báo chí giám sát sẽ cần có khả năng để báo cáo các hoạt động của những tập đoàn nòng cốt và mối quan tâm về mọi mặt của nền kinh tế, bao gồm các tập đoàn trong các lĩnh vực như khai khoán, dầu khí, sản xuất hoặc dịch vụ. Để làm được việc đó thì điều quan trọng là báo chí phải giữ được sự quan tâm của công chúng, bằng cách chỉ ra cho họ thấy các hậu quả mà các hoạt động kinh tế có thể gây ra, ví dụ như vạch mặt các công ty gây ô nhiễm môi trường.
Báo cáo về các vấn đề xã hội
Báo chí cũng cần có khả năng để báo cáo chính xác các vấn đề trong đời sống xã hội thường nhật trong một nước. Ví dụ như viết về các vấn đề nghệ thuật, văn hóa hay các sự kiện thể thao đang xảy ra, cũng như những trào lưu xã hội và những sự phát triển, những điều này tác động đến đời sống của tất cả mọi người, từ người lớn đến thanh niên, người già đến người tàn tật.
Báo chí với vai trò như là nhà thám tử
Vai trò “thám tử” ở đây là một phần quan trọng liên quan tới vai trò giám sát của chính báo chí; tuy nhiên, vấn đề mà báo chí tham gia giải quyết ở đây nhằm nhấn mạnh sự khác nhau giữa báo cáo các vấn đề xã luận, và những điều tra mang tính báo chí về các hoạt động sai trái của cơ quan công quyền.
Khi các nhà báo được trui rèn kĩ lưỡng và có những nguồn tin hữu tín, báo chí sẽ có thể điều tra các hoạt động sai trái của cơ quan công quyền kể trên. Nó bao gồm những vụ gian lận và tham nhũng nhằm chuyển hướng cũng như hưởng lợi cá nhân từ công quỹ và các tài nguyên công cộng khác.
Vai trò “báo chí như thám tử” này được chứng minh khi báo chí có khả năng tham gia thật sự lâu dài, tỉ mỉ và sâu rộng vào ngành báo chí điều tra – một loại báo chí mà sản phẩm của nó là những bản báo cáo cho công luận về những sai phạm rộng lớn của những công chức và cơ quan công quyền, có thể bao gồm cả lạm dụng quyền hành, tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay các kiểu phạm tội khác. Những vụ phanh phui này thường dựa trên quá trình điều tra của nhiều hơn một nhà báo và thường cần sự hậu thuẫn hoàn toàn của nhà sản xuất truyền thông để có thể được trang bị những tài nguyên cần thiết cho quá trình điều tra.
Ở nhiều quốc gia, khả năng và mong muốn của báo chí trong việc tham gia các vụ điều tra là chìa khóa để khích lệ cảnh sát và công tố viên có những hành động cần thiết để chống lại những tham nhũng của công như vậy, cho dù rằng những hành động này có thể chỉ là vì áp lực từ công luận lên cảnh sát và các công tố viên đó.
Báo chí với vai trò như là nhà giáo dục
Báo chí còn đóng vai trò như là một cơ quan giáo dục trong xã hội nói chung. Điều này có thể được hiện thực ở nhiều cấp độ khác nhau. Ví dụ, trong việc hỗ trợ sự phát triển của thiếu niên, các đài truyền hình, truyền thanh thường phát các chương trình giáo dục căn bản hướng đến việc giáo dục trẻ em như là bảng chữ cái, màu sắc hoặc động vật.
Để hỗ trợ việc giáo dục thứ cấp, các hãng thông tấn truyền thống có thể kèm theo các tài liệu mang tính giáo dục trong ấn phẩm của mình. Tương tự, các hãng truyền hình cũng có thể trình chiếu các chương trình lịch sử, khoa học và cả những chương trình về toán học hướng đến học sinh.
Hơn nữa, giáo dục mang trong mình nghĩa rộng hơn là chỉ đến trường, và báo chí có thể đóng góp vai trò giáo dục của mình. Ví dụ, truyền thông (cả ấn loát và điện tử) có thể cung cấp cho thành phần dân số trưởng thành về rộng lớn các chủ đề giáo dục, như dinh dưỡng, sức khỏe (đặc biệt quan trọng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tiểu đường…), quản lý và hoạch định tài chính căn bản, phát triển nông nghiệp, nuôi nấng con cái, vân…vân…
Báo chí với vai trò cổ súy dân chủ và quản trị tốt
Liên quan đến vai trò giáo dục của báo chí, nhưng có hơi hướng bảo thủ một chút, chính là báo chí có thể đóng vai trò cổ súy nền dân chủ và công tác quản trị xã hội tốt. Vai trò này là hơi bảo thủ bởi vì nó quan niệm rằng báo chí vừa là cổ súy, vừa phải là một ký giả công bình. Trong vai trò này, báo chí bình luận trên các vấn đề thường nhật và ủng hộ việc cải thiện các thực hành dân chủ và quản trị tốt hơn nữa.
Trong vai trò cổ súy, báo chí xem nó thuộc về phe của những công dân bình thường, những người mà cuộc sống của họ có thể được cải thiện hoặc xấu đi dưới sự vận hành của bộ máy công quyền. Vai trò cổ súy này liên hệ mật thiết với vai trò giám sát của báo chí, và đi xa hơn nữa. Báo chí như là những người cổ súy sẽ báo cáo không chỉ về những thứ đang diễn ra, mà còn cả những điều nên diễn ra.
Nền báo chí ở nhiều quốc gia phát triển hầu hết đều bị ép buộc phải đóng vai trò này bởi vì cải thiện những điều kiện sống căn bản của người dân không thể diễn ra nếu thiếu những thực hành dân chủ và quản trị tốt.
Vai trò cổ súy dân chủ này của báo chí được thể hiện rõ trong quá trình bầu cử, ví dụ vậy. Bên cạnh việc báo cáo về các vấn đề của hoạt động bầu cử (ví dụ như việc bỏ phiếu, các chương trình của các đảng phái…) thì truyền thông còn giúp làm vững mạnh hơn tiến trình dân chủ bằng cách khích lệ những cơ quan công quyền làm việc tự do và công tâm qua việc giáo dục người dân về việc nên đòi hỏi những gì. Ví dụ như, báo chí có thể mô tả cho người dân biết được rằng làm thế nào mà một cuộc bầu cử dân chủ phải được tiến hành. Báo chí có thể cung cấp thông tin, về sự quan trọng của các danh sách cử tri cập nhật, mô tả như thế nào là một cuộc bỏ phiếu kín, về các quan sát viên bầu cử, phải có sự hiện diện của các nhân viên công quyền thuộc nhiều đảng phái tại nơi bỏ phiếu, về bảo đảm an toàn cho thùng phiếu, về hội đồng kiểm phiếu độc lập, và về vai trò của truyền thông, nhất là các nhà đài. Nói một cách khác, báo chí có thể cổ súy một tiêu chuẩn dân chủ mà những cơ quan công quyền nên lưu tâm thực hiện trong suốt quá trình bầu cử. Bằng cách này, báo chí giúp giáo dục đại chúng về việc đảm bảo các nhân viên công quyền phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình.
- Một số lĩnh vực khác mà báo chí có thể thể hiện vai trò cổ súy của mình bao gồm như:
- Thanh tẩy các vấn nạn tham nhũng và lạm dụng quyền lực
- Sử dụng tài nguyên công cộng hợp lý thay vì sử dụng nó vô tội vạ và lãng phí
- Có những chính sách hợp lý và an ninh công cộng thay vì sự mất an ninh trật tự, đặt biệt là những sự vụ có nguyên do xuất phát từ hành động của nhân viên trị an.
- Phát triển kinh tế và xã hội thay vì sự gia tăng tầng lớp người nghèo và thất nghiệp.
…
Quan trọng hơn, báo chí đóng vai trò cổ súy dân chủ không chỉ có mục tiêu là chính phủ. Ở nhiều quốc gia phát triển, các công ty và doanh nghiệp không phải lúc nào cũng tuân thủ theo các tiêu chuẩn liên quan đến các vấn đề về như sức khỏe nghề nghiệp, an toàn lao động hay bảo vệ môi trường. Báo chí cần có khả năng để chỉ ra những hành động mà các công ty hoặc doanh nghiệp đã thực hiện mà vi phạm các tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế, mà dẫn đến thiệt hại cho các cá nhân, cộng đồng hoặc là môi trường. Tương tự, những chính sách của các cơ quan quốc tế như Quỹ tiền hệ quốc tế IMF, ngân hàng thế giới, tổ chức thương mại thế giới có thể, và thường là sẽ có những ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế và phát triển của các quốc gia. Một nền báo chí cổ súy phải có thể chỉ rõ cho công dân của mình thấy rõ các mối quan hệ này, ví dụ như một chế độ mua bán công bằng sẽ trông như thế nào khi xem xét các số liệu về xuất nhập khẩu của quốc gia đó.
Báo chí như là chất xúc tác cho nền dân chủ và sự phát triển
Nếu báo chí chỉ dừng lại ở việc thực hiện một số chức năng cơ bản như là báo cáo về các vấn đề mà xã hội quan tâm – thì cũng vẫn đã đóng vai trò như người thúc đẩy sự minh bạch, công khai và chịu trách nhiệm công cộng. Những chính phủ và tập đoàn tư nhân thường không thích thú mấy với những báo cáo mang tính tiêu cực từ báo chí. Dĩ nhiên, một chính phủ có thể cố gắng đáp trả để hạ thấp thông tin mà báo chí đưa ra bằng cách siết chặt tự do báo chí qua các thủ tục pháp lý hợp pháp hoặc phi pháp, nhưng những biện pháp này không phải là giải pháp lâu dài và thường sẽ dẫn tới sự mất niềm tin vào chính phủ từ dân chúng.
Nếu báo chí có khả năng thực hiện một số hay tất cả các vai trò của mình, nó có thể trở thành một chất xúc tác cho quá trình dân chủ hóa và sự phát triển của xã hội nói chung, khiến cho các công tác công cộng trở nên ý nghĩa hơn. Công chúng ủng hộ một nền báo chí mà có thể báo cáo tin tức một cách kịp thời và đáng tin cậy, đáp ứng được sự mong đợi họ. Với sự gia tăng ủng hộ từ công chúng, các chính phủ sẽ bị đặt dưới áp lực công cộng để trở nên minh bạch hơn, có trách nhiệm hơn và tìm cách làm việc cùng với báo chí chứ không phải là chống lại nó. Khi các chính phủ đã học được cách làm thế nào để phản hồi lại các chỉ trích từ báo chí, thì từ đó sẽ có điều kiện để truyền thông và chính phủ hợp tác với nhau chặt chẽ và tích cực hơn. Theo cách này, chính phủ sẽ nhìn nhận truyền thông độc lập như là chìa khóa để đối thoại với công chúng về những chương trình và hành động của mình, đồng thời cũng có thể dùng đó làm thước đo sự ủng hộ của công chúng với mình, bởi vì như đã nói ở trên, báo chí phản ánh những ý kiến của công chúng.
Nhưng với suy nghĩ rằng báo chí như là chất xúc tác tiềm năng cho nền dân chủ và sự phát triển, thì cũng cần phải lưu ý rằng một số chính phủ, giống như các chính phủ ở các nước Phi châu trước khi các nước này giành được độc lập thường sử dụng truyền thông như là:
Công cụ cho sự hợp nhất quốc gia, phát triển và điều chỉnh xã hội… Sự lang rộng của truyền thông đến các vùng quê, với chủ ý là thúc đẩy sự phát triển và phổ biến kĩ thuật, nhưng thực tế truyền thông đã được sử dụng như là công cụ của chính quyền để kiểm soát và mị dân.
Rõ ràng, những loại truyền thông bị điều khiển bởi chính phủ như thế này không phải là mô hình “báo chí như là chất xúc tác cho dân chủ hóa và sự phát triển” như chúng ta đang bàn ở đây.
Trong một quốc gia cụ thể, truyền thông càng phát triển mạnh mẽ thì nó càng thực hiện tốt các nhiệm vụ như là người giám sát, thám tử, nhà giáo dục, thúc đẩy quản trị tốt và cả là chất xúc tác cho dân chủ hóa và sự phát triển. Báo chí càng tham gia nhiều vào các nhiệm vụ trên, thì công chúng càng được tiếp cận với các vấn đề xã hội một cách kịp thời. Công chúng được tiếp cận càng nhiều thì họ càng có khả năng giám sát và khiến chính phủ phải chịu trách nhiệm về các chính sách của mình, tương tự đối với các công ty tư nhân và xã hội dân sự. Chính phủ mà được dân chúng giám sát sát sao thì thường có khả năng đưa ra những quyết định tốt hơn, nhờ vào những luồng thông tin và ý tưởng được tự do lưu chuyển mà chính phủ có thể dễ dàng tiếp cận được để nâng cao hoạt động của chính nó.
Thay cho lời kết, xin dẫn lại lời của giám đốc Ngân hàng thế giới, ngài James Wolfensohn đã đề cập trong báo cáo năm 2002 của mình:
Thành tố nòng cốt của một chiến lược phát triển có hiệu quả là sự trao đổi tri thức và thúc đẩy sự minh bạch. Để giảm đói nghèo, chúng ta phải tự do hóa sự tiếp cận đến thông tin và gia tăng chất lượng của thông tin đó. Mọi người với nhiều thông tin hơn thường sẽ có những lựa chọn tốt hơn. Vì những lý do này, từ lâu tôi đã chỉ rõ rằng tự do báo chí không phải thứ gì quá xa xỉ. Mà nó là nòng cốt của sự phát triển công bình. Truyền thông có thể bóc trần tham nhũng. Và luôn luôn kiểm tra những chính sách công bằng cách đưa ra ánh sáng toàn bộ những hành động của chính phủ. Thêm vào đó, nó còn giúp cho các ý kiến của người dân về quản trị và cải cách, vừa giúp xây dựng tính nhất quán trong dân chúng để mang tới những thay đổi.
TĐ chuyển ngữ
Justine Limpitlaw
Nguyên tác: MEDIA LAW HANDBOOK FOR SOUTHERN AFRICA – VOLUME 1
Chap 1: THE ROLE OF THE MEDIA AND PRESS FREEDOM IN SOCIETY
Nguồn: https://www.kas.de/en/web/medien-afrika/einzeltitel/detail/-/content/media-law-handbook-for-southern-africa
Leave a Reply
Your email is safe with us.