Tóm tắt nội dung
Một câu hỏi cố hữu trong ngành học về xung đột quốc tế là về vai trò của các tổ chức chính trị dân chủ và sự khơi mào của chiến tranh. Rất nhiều những kiểm thảo về mối quan hệ giữa các loại hình chế độ và xung đột đã lột tả được rằng những nền dân chủ không có xu hướng xung đột bạo lực với nhau. Bài báo này sẽ mô tả một cơ chế hoạt động giữa kiến trúc của các nền dân chủ và quy trình đưa ra những quyết định ngoại giao của họ, điều có thể dùng để lý giải cách hòa bình liên dân chủ được vận hành. Khi mà một quốc gia dân chủ có xung đột với một quốc gia phi dân chủ khác, thì người lãnh đạo của phía quốc gia dân chủ có thể kỳ vọng rằng mình sẽ trở thành nguồn tin “chính thống” nhất để cung cấp cho các đơn vị truyền thông quốc nội. Với vị trí ưu thế về cung cấp thông tin này, người lãnh đạo có thể dùng những tài nguyên sẵn có ở vị trí của họ để gây ảnh hưởng đến các nội dung mà báo chí sẽ tường thuật nhằm phục vụ các lợi ích chính trị của họ. Còn các thông tin được truyền tải bằng hệ thống báo chí nhà nước ở phía quốc gia phi dân chủ thì thường là các bản tin tuyên truyền và chỉ như vậy thôi. Ngược lại, khi hai nền dân chủ có nguy cơ xảy ra xung đột, báo chí của hai quốc gia lúc này đóng vai trò như là những nguồn tin chính thống bổ sung cho nhau, và lúc này không một người lãnh đạo nào có thể kì vọng rằng mình sẽ trở thành nguồn tin “chính thống” chiếm ưu thế cho báo chí nữa (như là họ có thể thực hiện trường hợp trên). Hệ quả là, không một nhà lãnh đạo nào có thể gây ảnh hưởng tuyệt đối đến nội dung mà báo chí tường thuật lúc này nữa, và những chi phí chính trị quốc nội do chiến tranh, được tính toán dựa theo mô hình hòa bình vĩnh cửu của Kant, sẽ rất lớn và gần như là vượt trội hơn mọi lợi ích mà tiến hành xung đột có thể mang lại. Cơ chế này còn có thể được dùng để giải thích cho một số phát hiện dường như không nhất quán ở biên hạn của hòa bình dân chủ, như là việc hoạt động bí mật của một nền dân chủ chống lại một nền dân chủ khác.
Các nền dân chủ và Xung đột Quốc tế
Trong hầu hết các nghiên cứu hiện hành, trong nhiều thời đoạn, chiều sâu phân tích khác nhau, và cả sự khác nhau về mức độ dữ dội của xung đột; có một câu hỏi luôn được đặt ra là liệu các nền dân chủ có hòa bình hơn những chế độ phi dân chủ khác hay không. Trong phân tích tâm lý xã hội của các hiện tượng này, Hermann và Kegley (1995, tr.513) đã liệt kê 29 thành tố có vai trò trong việc góp phần làm nên nền dân chủ hòa bình. Tuy nhiên, sự hòa bình giữa những nền dân chủ thường được lý giải chung chung bằng sự chia sẻ văn hóa và các chuẩn mực được phát triển giữa các nền dân chủ (Doyle, 1986; Maoz & Russett, 1993), hoặc là qua sự ràng buộc lẫn nhau giữa các nhà lãnh đạo để giảm thiểu khả năng gây ra xung đột xuống rất thấp đến nổi chúng không thể xảy ra (Bueno de Mesquita & Lalman, 1990; Domke, 1988; Morgan & Campbell, 1991).
Morgan & Bickers (1992) và Morgan & Schwebach (1992) chỉ rõ rằng luận văn của Kant [về hòa bình vĩnh cửu] tập trung vào những ràng buộc của các thể chế chính trị tự do đặt lên sự lãnh đạo. Kant (1795/1911) đã minh định rằng thể chế cộng hòa hoạt động bằng sự trao quyền cho những nhà lãnh đạo đại diện quyết định những vấn đề liên quan đến hòa bình và chiến tranh. Công chúng, những người phải gánh chịu trực tiếp chiến phí, được kỳ vọng là sẽ trừng phạt người lãnh đạo – kẻ được bầu qua những lá phiếu của họ – bằng cách đuổi cổ y ra khỏi vị trí hiện tại nếu người lãnh đạo đó để lộ những chi phí không đáng có liên quan đến chiến tranh đó. Morgan & Schwebach (1992) sử dụng những sự ràng buộc đối với lãnh đạo để kiểm thử các quy chuẩn dùng để lý giải trạng thái song song hòa bình giữa các quốc gia và phát hiện một ít bằng chứng mâu thuẫn với Maoz & Russett (1993). Các nghiên cứu khác cũng công bố những phát hiện nghiêng về phía lí giải nguyên do do văn hóa hơn. Những phân tích của Dixon’s (1994) về mối liên quan giữa các chế độ và cách giải quyết xung đột đã chỉ ra rằng những nền dân chủ trong 1 cuộc đàm phán thì có chiều hướng chuyển xung đột sang các giải pháp phi bạo lực như trọng tài, do đó cho thấy giá trị của sự giải thích bằng văn hóa và các chuẩn mực chung.
Làm thế nào mà nền Tự do báo chí chia sẻ xác lập hòa bình dân chủ
Hãy trở về hoàn cảnh lịch sử được Kant đề cập trong tác phẩm của mình, không thật ngạc nhiên khi ông ấy tập trung vào những ràng buộc mà các nền dân chủ đặt lên vai những người lãnh đạo. Ông ta thấy rằng những vị vua, hoàng tử không được hạn chế là những nguyên nhân chính của các cuộc chiến tranh, và những cuộc chiến khác Kant không được biết đến như giữa Bồ Đào Nha và Hoa Kỳ, Falklands và Malvinas hay sự xâm lược của Hoa kỳ với Grenada thì lại là ví dụ cho thấy rằng những nền chính trị dân chủ cũng có thể phát động hoặc ưu tiên tiến hành chiến tranh. Có lẽ câu hỏi về đặc điểm chế độ và chiến tranh có thể được giải thích hiệu quả hơn bằng cách khám phá những lợi ích mà các nhà lãnh đạo theo đuổi. Chiến lược phân tích này được gợi ý bởi sự khảo nghiệm về các nền dân chủ và chiến tranh của hai nhà nghiên cứu Mintz & Geva (1993) cũng như những nghiên cứu trong các lĩnh vực khác, các nghiên cứu này đã chỉ ra rằng các chế độ chính trị dân chủ không chỉ ràng buộc các nhà lãnh đạo bằng sự trừng phạt họ qua những chi phí của chiến tranh, mà còn đưa ra cho các nhà lãnh đạo ấy những cơ hội để nhận lấy nhiều lợi ích khác. Các bài viết về các cuộc tranh cử (Brody. 1991; Keen, 1980; Lee, 1977), về các cuộc chiến mang hơi hướng chính trị (James & Oneal, 1991: Marra, 1990), hay mô hình liên quan giữa các chính sách đối ngoại với các quyết định chính trị quốc nội (Van Belle, 1993) đã chỉ ra chung một điều rằng, trong những điều kiện cụ thể, những xung đột quốc tế có thể mang đến cho nhà lãnh đạo những lợi ích chính trị quốc nội.
Khi các nền dân chủ có xung đột quốc tế với nhau, nhưng lại chưa đến mức xung đột bạo lực, thì phải có thứ gì đó ở trung gian để hai nền dân chủ này tương tác với nhau, thứ gì liên quan đến những kiến trúc tự do chia sẻ giữa họ, thứ góp phần loại bỏ những mối lợi ích tiềm tàng của nhà lãnh đạo từ xung đột đó. Nhưng cơ chế này vẫn phải cho các nhà lãnh đạo dân chủ kì vọng sẽ đạt được lợi ích gì đó từ xung đột với các chế độ phi dân chủ khác. Các kiến trúc và quy trình chính trị trong nước mà qua đó các nhà lãnh đạo có thể gặt hái lợi ích, chi phí được đưa ra, là rất quan trọng để hiểu tại sao các nền dân chủ không đánh lẫn nhau. Một kiểm thảo kĩ lưỡng của quá trình đưa ra quyết định ngoại giao dựa trên các yếu tố quốc nội trong các chế độ dân chủ, được mô hình hóa bởi Van Belle (1993), đã đi tới kết luận rằng một nền truyền thông báo chí mở không bị kiểm soát bởi chính quyền là yếu tố chính trị quốc nội nòng cốt để phòng tránh những cuộc chiến giữa các nền dân chủ mà vẫn cho phép, thậm chí là khuyến khích, chiến tranh giữa các chế độ dân chủ với phi dân chủ. Mệnh đề dưới đây đưa ra một mô tả vững chắc cho lập luận này.
Các nhà lãnh đạo dân chủ theo đuổi những lợi ích chính trị quốc nội chính yếu bằng giữ gìn cân bằng lợi ích giữa sự ủng hộ và chỉ trích của truyền thông.
Mệnh đề này phát sinh từ mô hình liên quan giữa các chính sách đối ngoại với các quyết định chính trị quốc nội (Van Belle, 1993). Nó dẫn tới một sự chọn lựa về lý thuyết đối ngoại khi cân nhắc với giả định cơ bản là người lãnh đạo dân chủ đưa ra quyết định lý tính dựa trên lợi ích tốt nhất cho họ hơn là lợi ích quốc gia. Lợi ích lớn nhất của người lãnh đạo có thể thấy được là sự tiếp tục chiếc ghế đương nhiệm của họ cũng như sức mạnh chính trị cá nhân, thứ liên quan mật thiết đến mức độ ủng hộ lãnh đạo ở quốc nội mà họ cần nắm giữ và duy trì. (Light, 1982; Lowi 1955; Neustadt, 1990; Simon & Ostrom, 1988). Nếu sự ủng hộ của công chúng được hay mất chủ yếu qua sự cạnh tranh tinh nhuệ của truyền thông báo chí quốc nội, thì một người lãnh đạo có lý trí vốn theo đuổi những thứ lợi ích lớn nhất cho họ sẽ đưa ra những quyết định chí ít là phụ thuộc một phần vào tình trạng của truyền thông báo chí hiện tại cũng như là sự kỳ vọng những chính sách thay thế sẽ tác động ngược lại lên giới truyền thông.
Van Belle (1993) nhận định rằng giới truyền thông báo chí là kênh thông tin liên lạc mà qua đó sự ủng hộ rộng khắp có thể được định hình là được hay mất. Những tin tức tích cực, mang tính hỗ trợ những quyết định và lựa chọn của người lãnh đạo sẽ dẫn tới sự ủng hộ; trong khi đó những tin tức tiêu cực, mang tích chỉ trích sẽ dẫn đến những mất mát trong sự ủng hộ của công chúng. Những công dân riêng lẻ trong xã hội thâu nhận những thông tin liên quan đến người lãnh đạo và những hành động của họ qua những tin tức truyền thông và từ đó hình thành những ý kiến của họ. Vì thế, chiến lược chủ chốt của người lãnh đạo nhằm gia tăng sự ủng hộ chính trị quốc nội là nằm ở chỗ gây ảnh hưởng đến các nội dung mà truyền thông báo chí truyền tải. Những chiến lược mà người lãnh đạo hoặc đối thủ cố gắng dùng để gây ảnh hưởng đến sự cân bằng [giữa tích cực và tiêu cực] trong nội dung truyền tải của báo chí trở thành trọng tâm của việc nghiên cứu chính sách và tiến trình.
Mô hình đó bác bỏ hoàn toàn mọi quan điểm cho rằng các đơn vị truyền thông quốc nội là một thực thể nguyên khối với một chương trình chính trị nhất quán, ở một vị trí thống nhất hoặc là tiếng nói duy nhất. Thay vào đó, giới truyền thông báo chí được mô tả như là một đấu trường đa dạng mà trong đó giới tinh hoa cạnh tranh với nhau nhằm cố gắng định hình mức độ đưa tin tổng thể để phản ánh có lợi cho họ hoặc là bất lợi cho những đối thủ của họ. Những chiến lược truyền thông của giới tinh hoa chính trị đặt trọng tâm xung quanh việc cung cấp cho báo giới những tài liệu như nghiên cứu, bình luận, những chính sách, hành động và những sự kiện, thứ mà phản ánh có lợi cho họ và những thứ mà họ hi vọng là sẽ được truyền tải lại. Việc cung cấp các nguồn tin tức này được điều chỉnh để đáp ứng các nhu cầu của các phóng viên và các đòi hỏi về thông tin kinh tế/giải trí của các hãng thông tấn (Cook 1989; Hess 198 I ; Smoller, 1990). Một người chức trách có thể sử dụng nguồn tài nguyên ở vị trí của họ để đưa tin gây ảnh hưởng có lợi cho họ, song song với đó thì thì các đối thủ cũng cố gắng để gây ảnh hưởng có lợi cho mình. Như vậy, một khái niệm về tiến trình chính trị quốc nội, và các khía cạnh của mô hình này, mà dựa vào đó thì phù hợp với những phát hiện thực nghiệm của Brody (1991), ông đã chứng minh rằng lợi ích, hoặc là không, mà một vị tổng thống nhận được từ các buổi vận động xuất hiện như là một cơ năng của sự cân bằng giữa việc đưa tin mang tính chỉ trích hoặc ưu ái đối với ông ta của các phương tiện truyền thông.
Với các nhu cầu về tin giải trí của tin tức, các hành động gây ấn tượng mạnh như là các hành động trong chính sách đối ngoại có thể gây một tác động lớn đến việc truyền tải. Hơn nữa, về các vấn đề quốc nội thì nhà lãnh đạo chỉ là một trong số nhiều nguồn tin mà truyền thông báo chí có thể truyền tải. Tuy nhiên, tình thế có thể sẽ rất khác nếu đối diện với một các vấn đề quốc tế. Khi một nền dân chủ đối diện với một chế độ phi dân chủ trong xung đột quốc tế, thì người lãnh đạo dân chủ có thể kì vọng trở thành nguồn tin chính thức duy nhất cho các hãng truyền thông quốc nội. Trong quá trình xung đột diễn ra, một nhà lãnh đạo dân chủ lão luyện có thể kì vọng sẽ thành công một cách hợp lý trong việc sử dụng nguồn tài nguyên ở vị trí của họ, và những cơ quan cấp dưới khác của chính quyền, nhằm ảnh hưởng đến nội dung của tin tức để phục vụ lợi ích cho họ. Những buổi họp báo, thông tin chiến trận, và cả những báo cáo tình báo được cung cấp cho báo chí trong Chiến tranh Vùng Vịnh, tất cả đều là những ví dụ về việc những tài nguyên mà một vị lãnh đạo có thể sử dụng để cung cấp thông tin đều sẽ được truyền thông truyền tải lại. Việc quản lý truyền thông trong những xung đột quốc tế có thể bao gồm như một phần của chiến lược của nhà lãnh đạo để chắc chắn rằng ít nhất họ cũng đang có sự thống trị tạm thời. Những nỗ lực để làm sạch (kiểm duyệt) tin tức thực sự phù hợp với những cơ chế được đề ra ở đây, bởi vì không giống như bất kì sự quản lý báo chí nào có thể thực hiện được trong trường hợp một nền dân chủ đối diện với một chế độ phi dân chủ, như là chế độ kiểm duyệt tin tức trong thời chiến, có thể hoạt động được khi một nền dân chủ đối diện với một nền dân chủ khác mà ở đó báo chí tự do có thể đóng vai trò như một kênh thay thế để cung cấp thông tin được coi là chính thống. Kênh thay thế với những thông tin chính thống này có thể phá vỡ nhiều nỗ lực kiểm soát tin tức mà một nhà lãnh đạo dân chủ có thể sử dụng để hạn chế luồng thông tin được truyền đạt đến công chúng.
Những người ở phe đối lập quốc nội không thể nào có đủ nguồn lực như người lãnh đạo đương nhiệm nắm giữ nhằm ảnh hưởng đến sự truyền tải các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại và ngăn chặn các trường hợp bất thường mà họ không có khả năng thực hiện cùng một mức độ quyền lực hoặc chính thống. Phương tiện thực tế duy nhất của các nhà phê bình quốc nội có được trong việc chống lại sự lấn áp của hành pháp đối với các nguồn tin về các chính sách đối ngoại là dựa vào các nguồn tin bên ngoài. Tuy nhiên, các thông tin được báo cáo từ các hãng truyền thông “nhà nước” của các chế độ phi dân chủ toàn là các bài tuyên truyền. Nó hoàn toàn bị loại bỏ không chỉ bởi truyền thông báo chí, mà còn cả những nhà phê bình quốc nội, những người đối lập, và hầu hết toàn thể công chúng. Một lần nữa, lấy Chiến tranh Vùng Vịnh làm ví dụ, phía Iraq thông báo rằng một nhà máy sữa cho trẻ em đã bị ném bom là một sản phẩm tuyên truyền từ chính quyền Saddam Hussein. Trong khi đó thì thông tin tình báo Hoa Kỳ do cơ quan hành pháp cung cấp thì cũng tòa nhà đó nhưng là một nhà máy vũ khí hóa học đã được các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ coi là đáng tin cậy và được đưa tin rộng rãi như là rất xác thực mặc dù rất thiếu bằng chứng để chứng minh tuyên bố của cả hai bên.
Ngược lại, khi hai nền dân chủ xảy ra xung đột, hệ thống truyền thông dân chủ quốc nội ở cả hai bên chia sẻ một tiêu chuẩn chung về trách nhiệm đưa tin, tính chính xác và trách nhiệm giải trình. Các bên chấp nhận nhau như là những nguồn tin chính thống và việc đưa tin, di chuyển là tương đối tự do giữa các đơn vị báo chí của 2 quốc gia. Kết quả là, không một nhà lãnh đạo nào có thể kỳ vọng rằng mình sẽ trở thành một nguồn tin chính thống chủ yếu cho báo giới như là họ có thể làm khi có xung đột với hệ thống báo chí nhà nước của các chế độ phi dân chủ. Các nhà phê bình quốc nội sẽ sẵn sàng chấp nhận thông tin từ các chế độ dân chủ và sử dụng nó trong các cuộc đấu tranh chính trị quốc nội của họ, điều mà họ ít có khả năng làm được, và ít có thể làm hơn, với các phương tiện truyền thông bị kiểm soát bởi các chế độ phi dân chủ. Đánh mất khả năng trở thành nguồn tin gần như là chính thống độc quyền, mọi lợi ích mà nhà lãnh đạo dân chủ kỳ vọng đạt được bằng sự thống trị nguồn đưa tin cũng đã giảm đi, nếu không nói là biến mất. Trong những tình thế này, những chi phí chiến tranh quốc nội mà Kant dựa vào đó để xây dựng mô hình hòa bình vĩnh cửu của ông ta sẽ gần như chắc chắn vượt qua mọi lợi ích chính trị quốc nội nảy sinh từ các nguồn khác như là động lực nhóm được bàn thảo bởi Coser (1956).
Thiết lập tính hợp lý
Để khai phá đề xuất rằng một nền báo chí tự do được chia sẻ là cơ chế tạo ra hòa bình liên dân chủ, thì trước hết ta phải xác lập tính hợp lý của nó. Có ba yếu tố được đưa ra như là bằng chứng của tính hợp lý này. Trước hết, nếu nền truyền thông báo chí tự do và độc lập là cơ chế cốt lõi tạo nên hòa bình dân chủ thì sự hiện hữu của nó sẽ có sự tương quan cao độ với thước đo của nền dân chủ, thứ mà được sử dụng để đánh giá các loại chế độ và chiến tranh. Thứ nữa, nếu một nền báo chí tự do được chia sẻ là cơ chế tạo ra hòa bình liên dân chủ thì nó phải trở thành một điều kiện cần thiết và báo chí tự do có thể thay thế cho dân chủ như là một thước đo của loại chế độ và được dùng như là một công cụ dự đoán hành vi hiệu quả như nhau. Cuối cùng, cơ năng của nền báo chí tự do như là cơ chế ngăn chặn xung đột vũ trang giữa những nền dân chủ, quá trình này phải được xác định trong một trường hợp kiểu mẫu.
Ngạc nhiên thay, không có một tập dữ liệu nào sẵn có và bao quát dùng để đánh giá sự tự do báo chí toàn cầu trong phạm vi thời gian dài. Có một vài nghiên cứu cục bộ chéo từ khoản đầu năm 1960 (Banks & Textor, 1963; Nixon, 1960, 1965), và có một tập dữ liệu khoản 8 năm từ tổ chức Nhà Tự Do bắt đầu từ năm 1980, nhưng hầu hết các thông tin hiện có về tự do báo chí chỉ là dưới dạng tóm tắt ngắn gọn như là báo cáo hằng năm của Viện Báo chí quốc tế “Báo cáo về Tự do Báo chí Toàn cầu”. Sử dụng những mô tả tóm tắt song song với các báo cáo quốc gia từ các chuyên gia địa phương và những tài liệu lịch sử thuộc về quốc gia hoặc khu vực đó, tính tự do và hiệu quả của truyền thông báo chí đã được mã hóa cho tất cả các quốc gia trong khoản từ năm 1948 đến 1995. Để có thể xây dựng một tập dữ liệu đáng tin cậy, ba bước đã được thực hiện qua việc mã hóa, mỗi bước sử dụng một phương pháp luận hơi khác nhau một chút. Bước đầu sử dụng hai mã. Một mã thực hiện việc tìm kiếm tài liệu, trích xuất những dẫn chứng liên quan đến truyền thông và hoàn cảnh chính trị/xã hội mà truyền thông hoạt động. Sau đó, cả hai mã sử dụng những thứ trích xuất được để đánh giá truyền thông của các quốc gia tương ứng với năm hạng mục.
- Báo chí không tồn tại hoặc quá hạn chế để lập mã. Ví dụ: Vanuatu
- Báo chí tự do hoàn toàn và truyền thông báo chí có cơ năng như là một đấu trường cho các cạnh tranh chính trị. Ví dụ: Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc Đại Lợi.
- Tự do báo chí bị thỏa hiệp bởi tham nhũng hoặc những ảnh hưởng không chính thống, nhưng truyền thông báo chí vẫn có cơ năng như là một đấu trường cho các cạnh tranh chính trị. Ví dụ: Phần Lan, Mễ Tây Cơ.
- Báo chí không bị điều khiển trực tiếp bởi chính phủ, nhưng nó không có đủ cơ năng để trở thành đấu trường cho cạnh tranh hoặc tranh luận chính trị. Ví dụ: Jordan, El Salvador từ 1956.
- Báo chí bị kiểm soát trực tiếp bởi chính phủ và bị kiểm duyệt gắt gao. Ví dụ: Trung Quốc, Bắc Hàn.
Để thuận thiện phân tích, hạng mục số 1 và 2 được gộp lại thành nhóm tự do báo chí, trong khi nhóm 0, 3 và 4 được gộp lại thành nhóm báo chị bị kiềm tỏa. Bước thứ hai thông qua việc mã hóa bởi hai mã mới, độc lập với 2 mã đầu tiên, hai mã mới đều trích xuất và mã hóa thông tin cho mỗi quốc gia. Những kết quả của hai bước sẽ được so sánh và những mã mâu thuẫn nhau sẽ được đưa qua bước thứ 3, tập trung hơn nữa vào những chi tiết lịch sử liên quan của các quốc gia với 3 mã từ bước thứ nhất và thứ hai làm việc chung với nhau để xây dựng sự nhứt trí trong những trường hợp khó. So sánh trong tám năm khi mà dữ liệu này được chồng chéo bởi dữ liệu từ Nhà Tự Do về tự do báo chí cho thấy 94,1% các trường hợp là giống nhau về tự do hoặc sự giới hạn/không hiệu quả [trong tương quan giữa báo chí và loại chế độ].
Để hình thành tính hợp lý rằng tự do báo chí là một cơ chế quan trọng tạo nên hòa bình dân chủ, thước đo của một nền báo chí tự do hiệu quả được so sánh với thứ thường được dùng để đánh giá nền dân chủ, biện pháp tổng hợp Polity III (Jaggers & Gurr, 1995). Một quốc gia được coi là dân chủ đơn giản là quốc gia được điểm 6 hoặc hơn trên thang điểm của Polity III. Như Gleditsch & Hegre (1997) chỉ ra, mức giới hạn này khá tùy tiện, như nó có giá trị hợp lý ở chỗ nó bao gồm các quốc gia được kì vọng, như là ở các nền dân chủ Tây Âu và loại trừ những quốc gia có vấn đề, chẳng hạn như Nhật Bản trong Đệ nhị Thế chiến. So sánh thước đo của nền báo chí tự do hiệu quả với thước đo của nền dân chủ này cho thấy rằng một nền báo chí tự do có mối tương quan cao độ với sự hiện diện của các thể chế dân chủ.
Báo Chí Tự Do | Báo Chí Bị Hạn Chế | Tổng Cộng | |
Dân Chủ | 1570 | 345 | 1915 (38.6%) |
Phi Dân Chủ | 358 | 2691 | 3049 (61.4%) |
Như bảng I cho thấy, sự hiện diện hoặc vắng mặt của tự do báo chí trùng hợp với 86% trường hợp có sự hiện diện hoặc vắng mặt của dân chủ. Hai cách đánh giá hầu như là trùng hợp về độ phủ. Phân tích qua sự tồn tại của chế độ, có 1928 trường hợp được mã hóa như là chế độ có tự do báo chí (38.8%), trong khi đó có 1925 (38.6%) được mã hóa như là các nền dân chủ. Sự giản đơn này chỉ ra rằng tự do báo chí thường xuất hiện trong những quốc gia được đánh giá là dân chủ, cho thấy rằng tính chất của một nền báo chí tự do có thể được dùng để thay thế được cho tính dân chủ khi được dùng như là một thước đo để phân loại chế độ. Nếu một nền báo chí tự do là thành tố nòng cốt của dân chủ, thứ mà tạo nên hòa bình dân chủ, thì không có trường hợp nào trong gần xấp xỉ 14% số trường hợp được đánh giá khác có thể là trường hợp quan trọng và sự hiện diện của báo chí tự do phải đóng vai trò vẫn tốt như là một nguyên tố dự đoán về mức độ bạo lực của xung đột giữa các quốc gia như là tính dân chủ có thể làm. Và thực tế là, sự đánh giá dựa vào yếu tố tự do báo chí đã thể hiện tốt hơn một chút [so với việc sử dụng tính dân chủ].
Chế độ ra tay | Chế độ bị nhắm tới | |
Báo Chí Tự Do | Báo Chí bị Hạn Chế | |
Báo Chí Tự Do | 0% (0) | 100% (63) |
Báo Chí Bị Hạn Chế | 36% (54) | 64% (96) |
Dân Chủ | Phi Dân Chủ | |
Dân Chủ | 5% (4) | 95% (71) |
Phi Dân Chủ | 50% (63) | 50% (63) |
N = 213 cặp trực tiếp tham gia. 13 trường hợp được loại bỏ do thiếu dữ liệu.
Như được thể hiện trong bảng II, từ năm 1948 đến năm 1992, tự do báo chí đã đóng vai trò dự đoán hiệu quả về chiến tranh giữa các nền dân chủ như là một giải pháp đánh giá thay thế cho yếu tố dân chủ. Rõ ràng, cả quốc gia dân chủ và quốc gia có tự do báo chí đều có ít khả năng giao chiến chống lại lẫn nhau. Quốc gia có tự do báo chí và dân chủ chỉ có khoản 5% số cuộc chiến của họ là chống lại một nền dân chủ khác. Để có sự so sánh, những quốc gia bị hạn chế báo chí có đến 36% các cuộc chiến tranh là chống lại những quốc gia có tự do báo chí và những quốc gia phi dân chủ có đến 50% các cuộc chiến tranh của họ chống lại những đối thủ là các nền dân chủ. Sử dụng các tiêu chí hạn chế hơn cho dân chủ, như những gì trong nghiên cứu của Maoz & Russett (1993), loại bỏ những trường hợp bất thường từ biên hạn dân chủ của phân tích, nhưng với cái giá phải trả là kết quả ít bao gồm hơn. Những kết quả tương tự cũng có thể được tìm thấy trong các kiểm thảo trong việc sử dụng vũ lực nảy sinh trong chiến tranh.
Mở rộng phân tích bao gồm cả những xung đột mà vũ lực chỉ được đơn phương sử dụng, nhưng thương vong vẫn ở dưới định mức để được coi là chiến tranh theo Singer & Small (1972), chỉ ra rằng mối liên hệ chung giữa những quốc gia có tự do báo chí và hạn chế chiến tranh với nhau là rất mạnh mẽ (bảng III). Những quốc gia có tự do báo chí dẫn tới một tỉ lệ sử dụng vũ lực vào các nước có tự do báo chí khác thấp hơn là các quốc gia mà báo chí bị kiểm soát thực hiện. Một mối liên quan rõ ràng tương tự như giữa các quốc gia dân chủ và phi dân chủ. So sánh tỉ lệ xung đột, cả các quốc gia có tự do và hạn chế báo chí, nhắm vào các quốc gia tự do báo chí, cho ta thấy một sự hiện diện đơn giản về số lượng của mỗi loại trong hệ thống quốc tế. Nếu sự khan hiếm xung đột giữa các quốc gia tự do báo chí với nhau là một kết quả tương ứng với số lượng của các quốc gia đó trong hệ thống, thì những quốc gia hạn chế báo chí phải dẫn đến một tỉ lệ tương tự về các xung đột đối với các quốc gia tự do báo chí. Những kết quả trên thể hiện những gì chúng ta đã kì vọng nếu một nền báo chí tự do được chia sẻ là điều kiện cần thiết để có hòa bình dân chủ.
Chế độ ra tay | Chế độ bị nhắm tới | |
Báo Chí Tự Do | Báo Chí bị Hạn Chế | |
Báo Chí Tự Do | 19% (65) | 81% (275) |
Báo Chí Bị Hạn Chế | 38% (470) | 62% (767) |
Dân Chủ | Phi Dân Chủ | |
Dân Chủ | 26% (109) | 74% (303) |
Phi Dân Chủ | 44% (483) | 56% (603) |
N = 1577 cặp trực tiếp tham gia. 79 trường hợp được loại bỏ do thiếu dữ liệu.
Xin nhắc lại, mục đích của phân tích này là để cho thấy rằng những kết quả tương tự nhau đã được tìm thấy khi sự hiện diện của báo chí tự do được thay thế cho dân chủ như là một thước đo để phân loại chế độ. Những phân tích phức tạp hơn yêu cầu đánh giá nhiều yếu tốt hơn nữa, như địa dư học, sự thịnh vượng, hoặc mối quan hệ đồng minh giữa các quốc gia (Brenner, 1992; Maoz & Russett, 1992; Gleditsch, 1995). Tuy nhiên, nếu một nền báo chí tự do hiệu quả như là một phần trọng yếu của cơ chế dẫn đến hòa bình dân chủ, thì nó phải là một yếu tố chung cho tất cả các trường hợp của hòa bình dân chủ và nó phải đưa ra được một thay thế gần như là hoàn hảo đóng vai trò là thước đo cho dân chủ trong tất cả các phân tích, như là nó đã thể hiện ở các phân tích đơn giản trên.
Sự hiện diện của nền báo chí tự do được chia sẻ là hoàn toàn tương quan với sự vắng mặt của chiến tranh và tần suất rất thấp những xung đột bạo lực. Tuy nhiên, như là trường hợp giữa dân chủ và chiến tranh, sự tương quan không phải là minh chứng cho sự liên quan nhân quả. Nó chỉ cung cấp duy nhất một điều rằng những lời giải thích do lập luận đưa ra là hợp lý. Bằng chứng cuối cùng được cung cấp để thiết lập tính hợp lý của tự do báo chí như là một cơ chế quan trọng tạo nên hòa bình dân chủ là so sánh một cặp nghiên cứu ngắn gọn của một nền dân chủ khi tham gia vào xung đột quốc tế.
Các chức năng của cơ chế báo chí tự do: Chiến tranh cá Tuyết và chiến tranh đảo Falklands.
Sự quan tâm đặc biệt của mệnh đề báo chí tự do là cơ chế dẫn đến hòa bình liên dân chủ là các nguồn đưa tin ở Anh quốc trong hai cuộc xung đột, chiến tranh cá Tuyết (the Cod War) với Băng Đảo (Iceland) và cuộc khủng hoảng ở Falklands/Malvinas trong nhiều tuần bắt nguồn tự sự xâm lược của Á Căn Đình (Argentina). Đầu tiên là trong cuộc xung đột với Băng Đảo, một điều dễ dàng nhận thấy là cả hai phe đều đóng vai trò như là nguồn tin chính cho báo chí Anh quốc, Tờ Thời Báo. Trong thực tế, những nguồn tin từ Băng Đảo là những nguồn thông tin nổi bật cho giới truyền thông Anh quốc. Từ ngày 1 tháng 10 năm 1972 đến khi cuộc xung đột được giải quyết vào ngày 9 tháng 11 năm 1973, có 34% lượng tin trên mặt báo của tờ Thời Báo là từ các nguồn tin Băng Đảo, so với 57% từ các nguồn tin từ chính Anh quốc (43% là từ chính phủ Anh và 14% từ ngành ngư nghiệp). Những tin còn lại là từ các nước khác và từ những nguồn tin như UN, La Hay, và NATO. Những nguồn tin từ Anh quốc rõ ràng là nổi bật nhất, nhưng mà việc một nguồn tin của đối phương trong cuộc tranh xung đột quốc tế quả thật là rất phi thường; chiếm đến 34% lượng tin được đăng tải là một điều không nghi ngờ gì nữa là đủ để ngăn trở thủ tướng Anh nghĩ đến việc có thể lũng đoạn việc đưa tin của xung đột đang leo thang, Thủ tướng Băng Đảo được tờ Thời đại trích dẫn trực tiếp lại nhiều hơn cả Thủ tướng Anh lúc đó.
Việc đưa tin của báo chí Anh quốc trong xung đột năm 1982 với Á Căn Đình, một quốc gia có nền báo chí bị giới hạn khắt khe nhưng không hoàn toàn bị kiểm soát, cho ta thấy một tương phản sâu sắc. Cuộc khủng hoảng Falklands trong giai đoạn trước khi Á Căn Đình xâm chiếm quần đảo này, khi nó vẫn còn được coi là một cuộc tranh chấp, là đặc biệt giống với trường hợp của chiến tranh cá Tuyết. Đây là một cuộc xung đột dài về các yêu sách về lãnh thổ mà các cuộc thương thuyết đã bị đình trệ, theo quan điểm của phía Anh, trong cả hai trường hợp thì chính phủ đối phương hiện ra như là đang sử dụng xung đột để củng cố sự ủng hộ chính trị quốc nội và cả hai nhà lãnh đạo của đối phương đều đối diện với mối đe dọa thực sự là họ có thể mất ghế nếu họ “thua” trong cuộc xung đột. Trong cả hai trường hợp, đối phương đều là kẻ manh nha sử dụng đe dọa vũ lực và trong cả hai trường hợp đối phương đã sử dụng vũ lực trước hết. Trước bất kỳ lần sử dụng vũ lực thực sự nào, khi các nguồn tin từ Á Căn Đình có khả năng đưa tin thuận lợi nhất, thì tin tức bị các nguồn tin từ Anh quốc chi phối hoàn toàn; 70% số câu chuyện là từ các nguồn tin của Anh, chỉ có dưới 5% là từ các nguồn tin từ Á Căn Đình và đa phần còn lại là các nguồn tin từ các nước khác, như là Hoa Kỳ, và một số nguồn không rõ ràng có vẻ như là của Anh nhưng không thể xác định chắc chắn được.
Bản chất của tin tức được đưa cũng khác nhau rất lớn. Trong chiến tranh cá Tuyết, các nguồn tin từ chính phủ Băng Đảo là nguồn tin chính yếu của các thông tin thực tế về xung đột. Những cuộc đụng độ, phá hoại, hoạt động đánh cá và các hành vi cắt lưới cá đều được báo cáo về từ đơn vị Phòng vệ bờ biển Băng Đảo và độ tin cậy của họ hoàn toàn không bị nghi ngờ. Khi các tranh cãi về các báo cáo này được đề cập trên các phương tiện truyền thông, thì vấn đề không phải là ở nội dung thực tế ra sao, mà là về việc giải thích động cơ của các hành động, thường là về câu hỏi liệu bên này hay bên kia có cố tình lấn áp hay không. Lúc đỉnh điểm, vào ngày 17 tháng 10 năm 1973, tờ Thời Báo dùng những nguồn tin từ Băng Đảo cho những chi tiết về đàm phán đang được diễn ra ở Luân Đôn tại số 10 đại lộ Downing. Trong suốt quá trình xung đột, các nguồn tin từ Băng Đảo được xem như là đáng tin cậy và các tuyên bố từ các quan chức chính phủ Băng Đảo được đối xử ngang hàng với các tuyên bố từ các quan chức của chính phủ Anh quốc. Các nguồn tin từ Băng Đảo thường là cơ sở của toàn bộ câu chuyện và hiếm khi bị gián đoạn. Mười cột tin tức liên tiếp từ nguồn Băng Đảo là điều phổ biến, đã xuất hiện đến 9 lần trong suốt quá trình xung đột xảy ra, đôi lúc bao gồm các đoạn dài đến mười lăm cột tin tức.
Trong xung đột với Á Căn Đình, các tin tức có nguồn từ Á Căn Đình thường ít xuất hiện, thường được đánh giá là kém tin cậy, bị gián đoạn bởi những suy đoán liên quan đến mục đích thực sự của các tuyên bố hoặc xác minh tính thực tế với các nguồn tin khác. Ví dụ như mẩu tin một cột rưỡi từ các nguồn tin Á Căn Đình nhận được vào ngày 29 tháng 3 năm 1982 đã bị chia nhỏ thành ba đoạn, những đoạn tin ngắn chưa đầy một nửa cột tin bị đóng ngoặc và kèm theo đó là sự xác thực hoặc bác bỏ từ các nguồn tin Anh quốc. Đoạn tin liền mạch dài nhất từ nguồn tin của Á Căn Đình là ba cột tin tức và là một tuyên bố thực hiện tại Hoa Kỳ, một quốc gia có tự do báo chí, chứ không phải là từ truyền thông Á Căn Đình. Tất cả các thông tin thực tế về xung đột đã được truyền tải từ các nguồn tin Anh quốc. Lưu ý là điều này xảy ra trước khi xung đột bùng nổ thành chiến tranh thực sự. Trong suốt thời gian chiến sự xảy ra, vì các mục đích thực tế, tất cả các nguồn tin từ Á Căn Đình đều không còn xuất hiện trên tờ Thời Báo nữa.
Trong hai cuộc xung đột này, sự khác nhau trong cách đưa tin từ các nguồn tin từ Băng Đảo, một quốc gia có tự do báo chí, và từ các nguồn tin từ Á Căn Đình, một quốc gia báo chí bị kiểm soát, là hết sức đáng kể. Qua ví dụ chiến tranh cá Tuyết đã cung cấp một số bằng chứng nhỏ rằng các lãnh đạo của các quốc gia có tự do báo chí khi đối mặt với quốc gia có tự do báo chí khác trong một cuộc xung đột thường không nuôi dưỡng những kỳ vọng về việc mình có thể trở thành nguồn tin áp đảo về xung đột giống như họ có thể làm khi đối đầu với các quốc gia mà báo chí bị kiểm soát khác. Điều này củng cố tính hợp lý rằng tự do báo chí là thành tố nòng cốt của hòa bình dân chủ, mặt dù rõ ràng là nó không thiết lập một kiểm tra thực chứng toàn diện nào cho nhận định đó.
Kết luận: Những phát hiện rắc rối ở Biên hạn của Chiến tranh Dân chủ.
Bài báo này đề xuất một lý giải là tại sao các nền dân chủ không đánh lẫn nhau và sự hợp lý của lý giải này được hỗ trợ một cách chặt chẽ bởi các phân tích thông tin. Trong phạm trù những tương quan đơn giản, những quốc gia chia sẻ tự do báo chí thường không tham gia vào các đụng độ bạo lực với nhau. Bằng chứng trực tiếp về việc các lãnh đạo dân chủ hành động dựa trên cơ sở đưa tin của báo chí là rất khó tìm thấy và ngay cả khi nó rõ ràng, chẳng hạn như cuộc xâm lược của Hoa Kỳ vào Grenada (Van Belle, 1993) hoặc là phản ứng của Clinton đối với việc đưa tin về Haiti (Van Belle, 1993), nó chỉ có thể được thiết lập tạm thời qua các hiện tượng hoặc bằng chứng gián tiếp.
Tương tự như vậy, trong kiểm thảo về loại chế độ và xung đột, bằng chứng rằng một nền tự do báo chí là cơ chế nòng cốt vẫn chỉ là mang tính hiện tượng mà thôi. Khi so sánh với sự đưa tin của truyền thông Anh quốc trong 2 cuộc xung đột với Băng Đảo và Á Căn Đình cho thấy, việc đưa tin từ các nguồn tin ngoại quốc thể hiện sự đối xử khác biệt rõ rệt với các nguồn tin xuất phát từ quốc gia mà báo chí bị kiểm soát gắt gao. Các nguồn tin từ các quốc gia có tự do báo chí được truyền tải rộng rãi hơn và được coi là chính thống và đáng tin cậy trong khi những nguồn tin từ các quốc gia mà báo chí bị hạn chế, ngay cả khi chính phủ quốc gia đó không hoàn toàn kiểm soát báo chí, thì cũng bị hoài nghi với giả định là không đáng tin cậy, và thường được bổ túc một cách công khai bằng việc giới thiệu liên tục đến các nguồn tin tương tự để xác minh hoặc chứng minh khi thông tin đó đáng tin cậy.
Tập trung vào cơ chế mà thông qua đó những cơ năng của hòa bình dân chủ còn cung cấp một nền tảng cho sự thấu hiểu những phát hiện có vấn đề ở những biên hạn của hòa bình dân chủ. Các nền dân chủ có thể là không tiến hành chiến tranh với các nền dân chủ khác, nhưng chúng vẫn rõ ràng thể hiện rằng chúng sẵn sàng thực hiện hành động bí mật trí tử chống lại các nền dân chủ khác (Forsythe, 1992). Những trường hợp có vẻ khác thường về những đơn vị bí mật đang được dùng bởi một nền dân chủ để chống lại một nền dân chủ khác không phải là những trường hợp khác thường từ quan điểm của bài báo này, nhưng thay vào đó những trường hợp tiêu biểu mà trong đó các nhà lãnh đạo nhận ra được những động lực được thảo luận ở trên và đã sử dụng những hành động bí mật để tránh sự ràng buộc áp đặt bởi tự do báo chí. Những hành động bí mật, nếu được thực hiện đúng cách, có thể tránh được sự soi mói của báo chí và trách nhiệm giải trình trước công chúng.
Thêm kỹ nghệ liên lạc quốc tế vào sự phân tích có thể cung cấp thêm nhiều phương tiện để hiểu hơn những trường hợp khác thường này như những gì đã xảy ra trong chiến tranh Tây Ban Nha – Hoa Kỳ. Ngay cả khi Tây Ban Nha có một nền báo chí tự do hoạt động từ đầu thế kỉ 20, nhưng những sự trao đổi tin tức quốc tế lúc đó đã không đủ nhanh và quy chuẩn để hoàn thành vai trò trao đổi chính trị được đề ra ở trên trong ít nhất 2 thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc (Desmond, 1937). Phân tích về khả năng truyền tải và phổ biến tin tức ra quốc tế cũng góp phần để giải quyết những phát hiện từ thời Hy Lạp cổ đại rằng những thành bang dân chủ thực sự cũng dễ xảy ra chiến tranh hơn [so với các quốc gia dân chủ hiện đại].
Ở thời điểm đó thì không có gì có thể thay thế để đóng vai trò chính trị của truyền thông tin tức. Sự thông tin liên dân chủ mà nền báo chí tự do được chia sẻ hiện tại tạo ra không phải chỉ là một sự hệ quả mà kỹ thuật mang lại, nếu mà như vậy thì các phương tiện truyền thông chính trị công cộng đang hỗ trợ việc sử dụng các nguồn tin ngoại quốc bất kể độ tin cậy của các nguồn tin đó là như thế nào. Nếu không có một phương tiện truyền thông công cộng nào đảm nhận vai trò mà truyền thông liên dân chủ đang thực hiện, thì người lãnh đạo dân chủ lựa chọn xung đột sẽ đối mặt với một chính trường trong nước như nhau, bất kể chế độ chính trị của đối phương là gì. Do đó, trong thời kỳ Hy Lạp cổ đại, không có sự khác biệt mấy được kỳ vọng khi có sự xung đột giữa các nền dân chủ với nhau, hay là chế độ hỗn hợp, hoặc là giữa những chế độ phi dân chủ khác. Rõ ràng là có vô số các khác biệt khác giữa nền dân chủ hiện đại và Hy Lạp cổ đại có thể được mang ra để giải thích, nhưng quan trọng là sự giải thích bằng truyền thông quốc tế đưa ra ở đây không mâu thuẫn với phát hiện này. Phạm vi hạn chế về mặt các thời đoạn trong phân tích đòi hỏi sự thận trọng khi tổng quát hóa những kết luận cho các thời kỳ khác. Khả năng liên lạc xuyên quốc gia của báo chí là yếu tố quan trọng trong việc xem xét các cuộc xung đột trước năm 1948. Tuy nhiên, cho dù có những cảnh báo này, thì vai trò của báo chí tự do trong xung đột quốc tế vẫn có thể là một điểm quan trọng cần cân nhắc trong nỗ lực quốc tế để truyền bá các thể chế dân chủ. Nếu giả thuyết hòa bình quốc tế thông qua hòa bình dân chủ là mục đích của các nỗ lực dân chủ hóa, thì có lẽ nên tăng cường chú ý đến việc nâng cao tự do báo chí và các quy tắc đưa tin có trách nhiệm. Mặt chính diện của kiến trúc dân chủ, ngay cả với các cuộc bầu cử cạnh tranh, dường như chỉ để ràng buộc những nhà lãnh đạo trong mức độ rằng những người đối lập được cho phép để cạnh tranh nhằm tranh thủ sự ủng hộ của công chúng dựa trên một nền báo chí có tính phê phán và cởi mở.
TĐ chuyển ngữ
Nguyên tác: Press Freedom and the Democratic Peace
Tác giả: Douglas A. Van Belle
Link: https://journals.sagepub.com/doi/10.1177/0022343397034004003
Leave a Reply
Your email is safe with us.