Có lần đi dạo ở một con phố đi bộ ở SG, anh đã hỏi một nhóm bạn trẻ ở đó là “đối với một người thì thứ gì là quan trọng nhất?” và câu trả lời là sự “tư duy độc lập”. Vậy thì nhân đây, anh có thể chia sẻ rõ hơn tư duy độc lập cụ thể là gì?
Tôi không nhớ đã nói vậy, chắc lúc đó đã uống vài chai, cao hứng quá ;-). Thiệt tình tôi còn không biết cái gì là quan trọng nhất với mình, nói chi với người khác.
Với cá nhân tôi, tư duy độc lập là thói quen tự đánh giá, kiểm chứng thông tin trước khi đưa ra ý kiến. Đứng trước thông tin mới, tôi muốn dùng kiến thức và kinh nghiệm sống của mình để đánh giá, hơn là chấp nhận ngay góc nhìn của người khác, bất kể người đó là ai.
Tư duy độc lập không phải là không cần dựa vào ai. Chỉ có người mất trí mới hoàn toàn độc lập với thế giới xung quanh. Tư duy độc lập cũng không có nghĩa là phải có ý kiến trái chiều. Trong đa số trường hợp, sau khi đã suy nghĩ, tôi vẫn đồng ý với ý kiến sẵn có. Ý kiến có theo hay nghịch với số đông không quan trọng, quan trọng đó là ý kiến do mình tự đúc kết.
Cơ duyên nào đã giúp anh biết tới tư duy độc lập?
Tôi học và bắt chước những người đi trước qua Internet. Tôi học ở anh Hoàng Ngọc Diêu cách nhìn vấn đề nhiều chiều; từ anh Ngô Quang Hưng tư duy và tư tưởng tự do của một nhà khoa học; từ David Foster Wallace phải chủ động chọn lựa vấn đề mà mình muốn suy nghĩ, đừng để người khác nhét vào đầu mình những chuyện vô thưởng vô phạt.
Tôi cũng đọc nhiều sách, để lại ấn tượng nhất có lẽ là Fooled By Randomness của Nassim Nicholas Taleb. Taleb giúp tôi mở mang tầm mắt, lờ mờ nhận ra những định kiến và lối mòn trong suy nghĩ của mình.
Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm của bản thân trong quá trình học hỏi và rèn luyện tư duy độc lập hay không?
Tôi nhớ nhất sự kiện đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong lòng nhiều người Việt Nam, Đại tướng có vị trí chắc chỉ sau Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi Đại tướng mất, rất nhiều người thương tiếc, còn tôi nhận ra những gì tôi biết về tướng Giáp và cụ Hồ là do bộ máy tuyên truyền muốn tôi biết về họ như vậy. Họ là anh hùng dân tộc vì chính quyền muốn tôi nghĩ họ là anh hùng. Nếu chính quyền không muốn, có lẽ tôi đã không biết gì. Cùng một nhân vật lịch sử, nhưng người ta “bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Tôi xin đưa thêm vài ví dụ:
1/ Vua Gia Long Nguyễn Ánh có công rất lớn tạo dựng ra một nước Việt Nam như chúng ta biết ngày hôm nay, nhưng sách giáo khoa không viết như vậy vì chính quyền không thể “khen” triều đình nhà Nguyễn. Sau 1975, hai chữ Gia Long bị xóa sổ khỏi tâm thức người Việt.
2/ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những lãnh đạo quân sự, chính trị quan trọng nhất thế kỷ 20, nhưng có thời điểm tướng Giáp được giao nhiệm vụ lo chuyện sinh đẻ của chị em. Kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tướng Giáp còn không được mời.
3/ Luật sư Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người có công đầu trong việc soạn thảo Hiến pháp 1946 và đặt “nền đá” pháp trị trong những ngày đầu dựng nước, nhưng mãi đến gần đây tôi mới biết đến vị luật gia tài ba này.
Từ sau chuyện này, tôi luôn tự hỏi, còn cái gì tôi nghĩ là tôi biết nhưng là do người ta muốn tôi biết như vậy?
Trong hoàn cảnh hiện tại ở Việt nam, anh có lời khuyên gì đối với các bạn trẻ về việc trui rèn tư duy độc lập hay không?
Thật sự tôi không dám khuyên lơn ai cả. Mỗi người một hoàn cảnh, một lối sống khác nhau, cách tôi sống chưa chắc gì đã phù hợp với người khác. Bạn hỏi thì tôi xin chia sẻ suy nghĩ của tôi, nếu ai thấy phù hợp thì làm theo, ai thấy tào lao thì chỉ giùm để tôi sửa.
Tôi nghĩ quan trọng nhất là phải nghi ngờ bản thân. Thay vì tìm cách phản đối ý kiến của người khác, tôi thường tự cãi với chính mình. Tôi chọn những suy nghĩ mà tôi tin tưởng nhất và tự hỏi khi nào thì nó sai. Mỗi khi tôi viết blog, tôi thường tự hỏi lập luận của tôi sai ở đâu, không chặt chẽ chỗ nào. Tôi không phải thánh thần nên cũng thấy khó chịu khi ai đó chỉ ra chỗ sai, nhưng tôi cũng thấy khoái chí vì mình đã bớt ngu.
Tôi thấy độc lập trong suy nghĩ với người đã khó, nhưng độc lập với chính mình càng khó gấp bội, cần một tinh thần cởi mở, chấp nhận sự thật và ý kiến mới, bất kể có đi ngược lại với những gì ta đã biết trước đây. Nhà văn tài danh F. Scott Fitzgerald từng nói một trí tuệ hạng nhất phải có khả năng nắm giữ trong đầu hai ý kiến đối lập mà vẫn không bị khùng. Tức là nếu mình chỉ nhớ những ý kiến mình đồng tình thôi thì hoặc là mình ngu hoặc là cần xuống Biên Hòa gấp.
Tôi cũng chú ý chọn lựa vấn đề để suy nghĩ. Ta đọc, nghe hay xem cái gì ta sẽ suy nghĩ về cái đó. Tôi thấy không kiểm soát được đầu vào thì khó lòng kiểm soát được đầu ra. Bây giờ chúng ta thường xem điện thoại trước khi đi ngủ và khi mới thức dậy, tức là cái ý nghĩ đầu tiên và cuối cùng mỗi ngày thường là do người khác nhét vào đầu ta. Có thể đó là một dòng trạng thái, một tấm hình, một comment, hay một xì-căng-đan mới nhất đang làm cộng đồng mạng dậy sóng. Tôi rời xa các mạng xã hội một phần vì không muốn người khác quyết định mình sẽ suy nghĩ về chuyện gì, nhưng tôi vẫn còn thói quen xấu không bỏ được là đọc quá nhiều tin tức.
Thời buổi tràn ngập thông tin, tài sản lớn nhất của mỗi người không còn là thời gian nữa mà là sự tập trung. Tôi rất dễ bị phân tâm. Ngồi viết trả lời cho bạn thôi mà tôi đã kiểm tra email 3-4 lần, mặc dù tôi biết là chẳng có email nào mới cả. Đây là một vấn đề lớn mà tôi chưa biết cách khắc phục. Nếu không tập trung được thì không thể suy nghĩ, nói chi độc với chả lập.
:))
Tự Do Tân Văn phỏng vấn
Tháng 12/2020
Leave a Reply
Your email is safe with us.