Lịch sử nước ta có một khoảng trống ghi chép khá mập mờ. Đó là triều đại mà ngày nay chúng ta gọi là triều đại Tây Sơn, tùy theo cách tính mà có thể coi lúc mở đầu là năm Mậu Tuất (Thái Đức nguyên niên, 1778) hay năm Mậu Thân (Quang Trung nguyên niên, 1788) cho đến năm sau cùng là năm Bảo Hưng thứ 2 (Nhâm Tuất, 1802) tức Gia Long nguyên niên.
Tuy chỉ mới 200 năm, chép về triều Tây Sơn không phải lúc nào cũng nhất quán. Dưới thời Nguyễn, hầu như trong suốt thế kỷ XIX, triều đình chỉ ghi chép cho có lệ về một “Ngụy triều” mà tổng kết lại thì cả ba ông vua Thái Đức, Quang Trung, Cảnh Thịnh chỉ nằm trong quyển XXX (Ngụy Tây) [56 tờ] của bộ Đại Nam chính biên liệt truyện. Cho đến nay, khi viết về triều Tây Sơn, những chi tiết mà người ta sử dụng để viết về triều đại này phần lớn là từ “phía bên kia” khi đọc về cuộc chiến đấu gian truân của chúa Nguyễn. Chính vì thế, lịch sử của triều Tây Sơn không phải là một triều đại đúng nghĩa với đầy đủ cơ cấu hành chánh, xã hội, kinh tế, quân sự… như chúng ta thường biết mà chỉ là một tranh chấp kéo dài, là hậu cảnh của thời kỳ “Gia Long tẩu quốc”.
Nếu nối kết một cách bình thường hai bộ sử lớn là Khâm định Việt Sử thông giám cương mục và Đại Nam thực lục thì suốt thời kỳ nhà Tây Sơn trị vì, lịch sử nước ta chỉ biết đến một triều đình tại Gia Định, trong đó có một vài năm chúa Nguyễn lưu vong ở một quốc gia khác. Lãnh thổ dưới quyền cai trị của triều đình Tây Sơn, dù của Nguyễn Nhạc hay của Nguyễn Huệ, thì chỉ là một nơi “tạm chiếm”, theo lối nói của người ngày nay. Việc khôi phục một triều đại chỉ được nêu ra khi triều Nguyễn đã mất chủ quyền vào tay người Pháp và được một số nhà nho ở Bắc Hà nhắc đến, chủ yếu là để nối lại một khoảng cách, tuy không dài nhưng rất quan trọng đối với sự liên tục của chính quyền Bắc Hà.
1. Từ một chữ húy đời Tây Sơn
Trong Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại của tác giả Ngô Đức Thọ1 trong mục “Thời Tây Sơn” có chép như sau:
Kiêng âm húy đổi địa danh
Triều Tây Sơn tồn tại trong thời gian ngắn chưa đầy 15 năm (1788 – 1802). Qua khảo sát sự thay đổi địa danh, chúng ta có thể nhận ra thời kỳ này có hai chữ húy mà các địa danh phải kiêng âm hoặc đổi dùng chữ khác.
a. Địa danh có chữ Bình 平
* Cao Bình 高平: tên phủ, từ đời Lê trở về trước đọc là Cao Bình, đời Tây Sơn đổi gọi là Cao Bằng 高憑; đến nay cũng vẫn giữ cách đọc ấy trong tên tỉnh Cao Bằng.
* Lộc Bình 祿平: tên châu có từ thời thuộc Minh, thời Tây Sơn đổi là Lộc Bằng 祿憑, đầu đời Gia Long lấy lại tên châu như cũ (ĐNNTC, “Cao Bằng”; Phương Đình dư địa chí).
b. Địa danh có chữ Phúc 福
* Gia Phúc 嘉福: tên huyện có từ thời Lê sơ, thời Tây Sơn đổi là Gia Lộc 嘉祿 (ĐNNTC, “Hải Dương”; Phương Đình dư địa chí). Nay thuộc huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải Hưng.
* Phúc Lộc 福祿: tên huyện có từ đời Lê sơ, thời Tây Sơn đổi là huyện Phú Lộc (ĐNNTC, “Sơn Tây”); đầu đời Gia Long lấy lại tên cũ là Phúc Lộc. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi là huyện Phúc Thọ. Nay là huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây.
* Vĩnh Phúc 永福: tên huyện đời Lê Trung hưng (trước thời Lê Trung hưng là huyện Vĩnh Ninh), thời Tây Sơn đổi là Vĩnh Lộc (ĐNNTC, “Thanh Hóa”). Nay là huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
* Chân Phúc 真福: tên huyện ở Nghệ An, trước là huyện Tân Phúc, thời thuộc Minh đổi là Chân Phúc; thời Tây Sơn đổi là Chân Lộc真祿 (ĐNNTC, “Nghệ An”). Đến đời Thành Thái (1889 – 1907) kiêng húy chữ Chân 真 (Ưng Chân, thân phụ vua), đổi là Nghi Lộc 宜祿. Nay là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
* Phúc Diễn 福演: tên xã thuộc huyện Từ Liêm, thời Tây Sơn đổi là Phú Diễn 富演. Nay là xã Phú Minh, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
c. Lý do kiêng húy
* Về chữ Bình: Việc thời Tây Sơn đổi tên các địa danh có chữ Bình như đã nêu trên xác nhận vua Quang Trung Nguyễn Huệ còn có một tên khác là Nguyễn Quang Bình 阮光平 như Hoàng Lê nhất thống chí đã chép. Bình cũng được dùng làm tên tước tự xưng của Nguyễn Huệ: Trong bức thư đề ngày 13 tháng 9 niên hiệu Thái Đức thứ 10 (tháng 10.1787) gửi cho La Sơn phu tử, Nguyễn Huệ ghi chức tước của mình: “Đại Nguyên súy tổng quốc chính Bình vương”.2
* Về chữ Phúc: Trong Thoái thực ký văn của Trương Quốc Dụng (1797 – 1864) có đoạn viết: “Xã tôi xưa gọi là Long Phúc 龍福, vì Nguyễn Huệ có tên giả là Phúc 福 nên đổi là Long Phú 龍富”.3 Sau xã này lại đổi tên là Phong Phú, nay là xã Thạch Phú, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Trong Nghệ An ký, kể chuyện Nguyễn Huệ ra Thăng Long lần thứ nhất (tháng 7.1786), Bùi Dương Lịch (1758 – 1828) viết: “Huệ vào điện yết kiến [vua Lê], trình bày ý tôn phù chính thống, xin triệu tất thảy văn võ bá quan về kinh chầu hầu […] Các giấy tờ bố cáo với người trong nước đều dùng dấu “Ngự tiền chi bảo”. Duy quân lệnh của Tây Sơn thì dùng riêng dấu “Phụng thiên phạt bạo Nguyễn Phúc”.4
Chúng ta đều biết, các chúa Nguyễn kể từ Thụy quốc công Nguyễn Phúc Nguyên (người Đàng Trong gọi là Sãi vương) đặt họ hai chữ Nguyễn Phúc 阮福, các đời sau đều theo như thế, gọi là quốc tính. Đến đời Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần, Trương Phúc Loan nắm giữ chính lệnh, tham lam vô đạo, lòng dân oán ghét, anh em họ Nguyễn ở ấp Tây Sơn nhân đó dựng cờ khởi nghĩa, nêu cao chính nghĩa trừ gian phạt bạo. Con dấu “Phụng thiên phạt bạo Nguyễn Phúc” được dùng với ý nghĩa đó. Như vậy chữ Phúc 福 trong tộc danh Nguyễn Phúc trở thành một từ nói về kẻ thù địch của triều Tây Sơn. Các địa danh có chữ Phúc vì vậy đều phải đổi để kiêng tránh. Hơn nữa, ngay từ đầu triều Tây Sơn, trong phần lãnh thổ do Nguyễn Lữ cai quản, Nguyễn Phúc Ánh còn giữ được căn cứ ở vùng Phú Quốc – Gia Định, vẫn là mối lo chung của triều Tây Sơn. Việc kiêng húy đổi địa danh chữ Phúc một mặt biểu thị thái độ của triều Tây Sơn, một mặt để hạn chế ảnh hưởng của thế lực chúa Nguyễn (người đương thời gọi là Cựu Nguyễn).
Đây là lần đầu tiên chúng ta biết đến một trường hợp kiêng húy thể hiện ý căm ghét, chưa từng có trong tiền lệ kiêng húy ở các đời trước. Nhưng liên hệ với lịch sử Trung Quốc thì thấy nhiều tiền lệ về loại kiêng húy này. Nhà tị húy học Trần Viên gọi đó là kiểu 惡意避諱 (ố ý tị húy: kiêng húy do căm ghét). Có thể kể vài trường hợp như: vua Đường Túc Tông căm ghét An Lộc Sơn phản loạn, nên các địa danh quận huyện có chữ An 安, có thể gợi ý liên tưởng đến An Lộc Sơn, đều đổi dùng chữ khác […]. Trần tiên sinh lại dẫn sách Dã hoạch biên nhị tập của Thẩm Đức Phù cho biết: nhà Tống sau khi thua trận phải chạy xuống phía Nam, thời bấy giờ người ta thường viết chữ 金 (kim: vàng, kim loại) là 今 (kim: nay), đó là vì “không muốn nói đến quốc hiệu nước Kim”. Khoảng niên hiệu Hồng Vũ (1368 – 1399) đầu đời Minh, người ta phần nhiều dùng chữ 原 (nguyên)” thay cho chữ 元 (nguyên), đó là vì “căm ghét chuyện cũ của nhà Nguyên, không muốn viết quốc hiệu của triều ấy”.5
Trên đây là một trích đoạn khá dài6 nêu rõ lý do GS. Ngô Đức Thọ chứng minh rằng chữ Phúc 福 trong các địa danh được đổi trong triều Tây Sơn là vì “kiêng húy do căm ghét” để liên đới Nguyễn Phúc trên con dấu “Phụng thiên phạt bạo Nguyễn Phúc” chính là họ của các đời chúa Nguyễn.
Tuy nhiên, có vẻ như giải thích của tác giả Ngô Đức Thọ không do chứng cớ rõ rệt mà đi từ kết quả suy ra nguyên nhân nhưng cũng không chắc là chữ Phúc mà nhà Tây Sơn kiêng tên và chữ Phúc trong quân lệnh có phải là một hay không, chủ yếu là kính trọng hay thù ghét.
Trước hết, tuy anh em Tây Sơn nổi lên chống lại nhà Nguyễn nhưng cũng rất khó có thể khẳng định rằng nguyên nhân ban đầu là vì căm ghét họ Nguyễn bạo ngược mặc dầu nhiều sử gia gần đây đã cố gắng tạo cho cuộc nổi dậy tính chất “nông dân khởi nghĩa” nhưng ý nghĩa đó được khoác tư thế chính trị theo quan điểm mới hơn là vào thời điểm cuối thế kỷ XVIII.
Cứ theo chính tài liệu của người đương thời, điển hình là ngay trong Đại Nam chính biên liệt truyện (tức chính sử triều Nguyễn) thì:
“Bọn Nhạc khi ấy mới tính mưu với nhau rằng: ‘Nay gian thần Trương Phúc Loan công khai ăn của đút lót, làm vẩn đục triều chính vậy ta hãy cử binh trừ đi. Con của thái bảo (tức thế tử Hạo昊) là hoàng tôn Dương暘là người nhân hậu, thông minh, vậy ta nên đón về đưa lên để an nghiệp chúa’.
Đã định ước như vậy rồi mới truyền bá xa gần, người người đều tin theo nên về sau mỗi khi quan binh đánh dẹp đều nói rằng: ‘Ấy là binh của quốc phó đấy’ còn khi quân giặc đến thì nói: ‘Ấy là quân của hoàng tôn’. Thành ra mới có câu ‘quân triều đình là quân quốc phó, còn quân la ó là quân hoàng tôn’. Quân ó chính là kêu la vậy”.7
Như vậy, việc Tây Sơn nổi lên vốn chỉ lấy danh nghĩa trừ Trương Phúc Loan và thời thế nên sau này anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ có rất nhiều “mũ” khác nhau, lúc đầu thì nhân danh Nam Hà tôn phò chính thống chúa Nguyễn, khi đi theo họ Trịnh thì ngả theo Bắc Hà, rồi lúc đem quân ra Bắc thì lấy tiếng tôn Lê [diệt Trịnh], và khi giao thiệp với nhà Thanh thì lại biện minh rằng giữa Nguyễn Huệ và vua Lê chỉ có liên hệ hôn nhân mà không có nghĩa vua tôi…
Nói như thế, chúng ta có thể để ngỏ Nguyễn Phúc có thực là đối tượng căm ghét chỉ đích danh là chúa Nguyễn ở phương nam hay không? Cũng nên thêm rằng chính GS. Ngô Đức Thọ cũng nhận thấy rằng “ngoài việc kiêng âm húy thay đổi địa danh”8 thì việc kiêng cữ đó không qui định trên giấy tờ và “hầu hết các thư tịch bi ký thời Tây Sơn đều không có chữ kiêng húy” về ba chữ 惠 (Huệ), 平 (Bình), 福 (Phúc)9 mặc dầu sau những điều tra sâu rộng thì ông đưa đến kết luận là “Triều Tây Sơn theo thông lệ của triều Lê Trung hưng ở Đàng Ngoài và chính quyền các chúa Nguyễn ở Đàng Trong không ban bố lệnh kiêng húy bắt buộc. Do đó các thư tịch bi ký thời kỳ này hầu hết đều không viết kiêng húy, kể cả các chữ tên húy của vua Quang Trung là Huệ và Bình. Tuy vậy, việc kiêng âm húy đổi địa danh thực hiện khá phổ biến, đặc biệt là đối với các địa danh có chữ Bình và chữ Phúc”.10
Ngoài ra, theo nhiều tài liệu bán-dã-sử ta cũng thấy xuất hiện tên Phúc có liên hệ đến anh em Tây Sơn điển hình là Hồ Phi Phúc mà có chỗ thì ghi tên ông này là cha của anh em Nguyễn Nhạc, nhưng cũng có nơi thì ghi tên Phúc là tên của một trong những ông tổ ở Nghệ An bị chúa Nguyễn bắt vào Qui Nhơn.11 Tuy tài liệu về thời kỳ này rất phức tạp, mơ hồ, nhiều khi mâu thuẫn nhau và chỉ được dựa trên những giả thuyết nhưng đến nay nhiều chi tiết đã trở thành “chính sử” mà không ai truy tầm xem được xuất phát từ đâu, đáng tin đến mức nào. Sở dĩ chúng tôi nhắc đến hai chi tiết trên vì nếu quả thực Nguyễn Phúc là họ của chúa Nguyễn bị kiêng theo cách “ố ý tị húy”, hay cũng có thể được kiêng vì là tên cha hay tên tổ tiên (Hồ Phi Phúc) của ông vua đương thời, thì cũng chỉ là giả thuyết chứ không có gì chắc chắn.
2. Đến một tài liệu gốc năm Kỷ Dậu (1789) của nhà Thanh
Cuối năm Mậu Thân (1788), nhân việc gia quyến vua Lê bị Tây Sơn truy bức phải chạy sang Quảng Tây (Trung Hoa), nhà Thanh lấy cớ bảo vệ phiên thuộc đã hơn 100 năm giữ phận chức cống, nhân danh đại nghĩa “tự tiểu tồn vong” (nuôi nấng kẻ nhỏ, nối lại dòng đã đứt) để đem quân sang nước ta.
Trước khi tiến quân, Tôn Sĩ Nghị khai thác những mâu thuẫn để dùng chính kẻ thù của Nguyễn Huệ tấn công ông từ nhiều mặt, chủ yếu là tranh chấp với Xiêm La ở phía tây và người anh ruột của ông ở phía nam. Họ Tôn gửi thư cho vua Xiêm để nhờ quân Xiêm chặn phía sau và trong trường hợp Nguyễn Huệ chạy trốn theo đường biển thì sẽ đem binh thuyền vây bắt.
Tuy Xiêm La chưa kịp can thiệp, phần vì thông tin chưa đến [tin tức đi theo đường biển từ Quảng Đông theo gió mùa và chuyến tàu buôn], phần khác chính họ cũng có những vấn đề nội bộ phải lo toan nên đến giữa năm Kỷ Dậu (1789) nghĩa là khoảng 8 tháng sau thì họ mới hồi âm. Đến lúc này, quân Thanh đã bị Nguyễn Huệ đánh tan và việc bang giao đã hình thành, vua Càn Long đã công nhận triều đình Tây Sơn và phái đoàn phong vương đang trên đường đến Thăng Long làm lễ. Chính vì thế tài liệu sau đây không được ai nhắc tới.
Theo một thượng dụ [văn thư từ hoàng đế gửi xuống] do chính đại học sĩ tước Bá là Hòa Thân tự tay viết12 gửi cho tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An và tuần phủ Phúc Kiến Từ Tự Tăng (徐嗣曾) đề ngày mồng 4 tháng Tám năm Càn Long 54 (Kỷ Dậu), tức ngày 22.9.1789, nội dung nói rằng nói rằng tri huyện Trừng Hải (澄海), Quảng Đông báo cho thự tri huyện Chương Phố (漳浦) là Trình Gia Toản (程嘉瓚) biết thuyền của nhà buôn tỉnh Việt (tức Quảng Đông) là Trương Hợp Hưng (張合興) xuống buôn bán ở An Nam, nay trở về Quảng Đông có đem theo bọn Lý Vinh Quang (李榮光) là 20 binh sĩ thuộc Bành Hồ (澎湖) trước đây bị bão thổi tới [An Nam] để đưa trả về Phúc Kiến.13
Việc thuyền bè bị bão trên biển Đông được quan quân nước ta giúp đỡ, cứu ứng hay tương trợ là việc rất bình thường, coi như bổn phận đương nhiên của triều đình sở tại. Shiuh-Feng Liu (Lưu Tự Phong 劉序楓) đã tập hợp hàng ngàn trường hợp đắm thuyền được ghi nhận trong đáng án đời Thanh, chủ yếu là ở biển Thái Bình Dương đông và nam Trung Hoa trong đó có 450 vụ trong vùng Đông Nam Á bao gồm cả nhiều vương triều trên lãnh thổ Việt Nam ngày nay và cả những tàu buôn từ các hải đảo xa hơn ở phía nam lên phương bắc buôn bán.14
Riêng về nước ta, Lưu Tự Phong ghi nhận 62 trường hợp tính từ năm Càn Long 22 (Đinh Sửu, 1757) đến năm Hàm Phong 9 (Kỷ Mùi, 1859) tương đương với thời kỳ từ năm Cảnh Hưng 18 (Ân Vương Trịnh Doanh 18, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát 21) cho tới năm Tự Đức 12, hầu hết là thuyền của thương nhân Trung Hoa bị bão trôi giạt sang nước ta và được cứu hộ rồi đưa trở về nội địa.15
Tuy nhiên, theo tờ trình của Quân Cơ Xứ nêu trên có một chi tiết đáng ghi nhận. Đó là chiếc thuyền này có đem theo hai văn thư, một bản tâu và một cáo trạng của một người tên là Nguyễn Phúc tố cáo đứa em hư Nguyễn Huệ. Bản tâu của Từ Tự Tăng viết: “… Nguyễn Phúc tâu rằng có đứa em tội lỗi (孽弟nghiệt đệ) là Nguyễn Huệ không kể tình anh em hoành hành quấy phá nên hai bên trở thành thù nghịch, thần quả rất là khổ tâm”.16
Cứ như tài liệu nhà Thanh, bản tâu của Từ Tự Tăng có kèm theo một bản cáo trạng của Nguyễn Phúc kết án Nguyễn Huệ nhưng rất tiếc chúng tôi chưa tìm ra bản gốc để biết rõ nội dung bao gồm những gì và xác định có phải là một lá thư ngụy tạo từ triều đình Gia Định nhằm ly gián nhà Thanh và triều đình Quang Trung, khi đó Thanh triều đã công nhận Nguyễn Huệ trên hình thức nhưng chưa hoàn thành đại lễ phong vương.
Chính vì đang ở trong một giai đoạn rất tế nhị, nhà Thanh đã không trả lời lá thư của Nguyễn Phúc và xem xét tình hình cho kỹ hơn trước khi đưa ra một hướng giải quyết. Trong nhất thời, họ làm như không nhận được lá thư để dễ dàng phủ nhận một khi có ai hỏi đến. Trong một văn thư cùng ngày, vua Càn Long đã chỉ thị như sau:
“… Xem kỹ trong lời tâu của Nguyễn Phúc thì ở nơi vắng vẻ thuộc cực nam người di mười bảy năm qua tranh chấp lẫn nhau. Đứa em hư là Nguyễn Huệ thường quấy phá gây chuyện nên hai anh em trở thành thù nghịch. Nhờ có thánh thượng ở trên soi chiếu tình hình vạn dặm nên kẻ phạm thuận kia ắt sẽ có ngày đãng bình.
Nghe nói Nguyễn Phúc và Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đều là anh em, Nguyễn Phúc chiếm giữ Tây Sơn vốn không hòa hiệp, hiện nay Nguyễn Huệ thì đã hối tội đầu thành, được phong làm quốc vương, việc tranh chấp gây loạn có thể bỏ đi không hỏi đến. Vậy hãy dụ lệnh cho Phúc Khang An, Từ Tự Tăng đem việc này giữ kín đừng lộ ra ngoài, làm như không có chuyện gì. Nếu trong tương lai Nguyễn Phúc có thăm dò hỏi đến tung tích của những binh lính bị bão trôi dạt thì hãy nói là chưa từng thấy biểu văn đó. Vậy hãy làm như không có việc gì, không phải phô trương ra ngoài”.17
Nhà Thanh sau khi tra xét thì Từ Tự Tăng – tuần phủ Phúc Kiến – đã xác nhận Nguyễn Phúc ở Quảng Nam18 chính là Nguyễn Nhạc theo báo cáo của Quân Cơ Xứ lên vua Càn Long: “Cứ như Từ Tự Tăng gửi đến thì Nguyễn Phúc ở Quảng Nam chính là Nguyễn Nhạc. Nhân việc gửi trả về Bành Hồ chiếc thuyền phiêu giạt đã mang theo một tờ tấu bản, một tờ thân trạng, tất cả kèm theo đưa lên ngự lãm. Cẩn tấu”.19 (ảnh 2, ảnh 3 và ảnh 4)
3. Tên của anh em Tây Sơn
Từ trước đến nay, hầu như không sử gia nào thắc mắc gì về tên của ba anh em Tây Sơn. Ngay từ thuở còn ở bậc tiểu học (cấp I ngày nay), thiếu niên đã được dạy là ba người có tên là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, mặc dù cũng có sách chép Nguyễn Lữ là anh Nguyễn Huệ, chẳng hạn như thế phổ dưới đây (ảnh 5):
Trong nhiều nghiên cứu mới, gia tộc anh em Tây Sơn được thêm thắt rất nhiều và gán cho anh em Nguyễn Nhạc nhiều cái tên đượm vẻ dân dã cho có vẻ địa phương tính như “Ông Hai Trầu, chú Ba Thơm, thầy Tư Lữ”… kèm theo nhiều huyền thoại về gia đình họ Nguyễn mặc dù không dựa trên những cơ sở có thể kiểm chứng được.
4. Về lời khai của Nguyễn Quang Hiển
Trong công tác tái lập bang giao với nhà Thanh, triều đình Tây Sơn vướng phải một tiến trình khá phức tạp. Nếu như trước đây các đời vua nước ta khi thay đổi, chủ yếu là vua trước qua đời, người sau kế vị thì chỉ cần cho người sang báo tang [gọi là “cáo ai”] đồng thời kèm theo một tờ biểu cầu phong để được triều đình Trung Hoa chấp thuận và sai người sang làm lễ phong vương.
Vì đây chỉ là thông lệ cho đủ lễ nghi nên việc cáo ai và cầu phong không mấy khi bị trở ngại. Tuy nhiên, trong trường hợp thay đổi một triều đại thì lại khác. Nhà Thanh nêu lên một thủ tục đã có từ đời Nguyên là vua nước ta phải đích thân sang kinh đô cầu phong mà việc này không bao giờ được thi hành lấy cớ là đường sá xa xôi, không tiện việc đi lại. Việc đích thân vua nước Nam sang Trung Hoa được thay bằng một tượng người bằng vàng đem sang cống gọi là “đại thân kim nhân”.
Riêng trong trường hợp Nguyễn Huệ, tuy chính nhà Thanh khởi đầu việc tiến hành công nhận ông làm An Nam quốc vương nhưng lại sợ rằng nếu quá dễ dãi sẽ khiến cho nước ta biết được chỗ yếu của họ mà việc thay người bằng một hình nhân bằng vàng như nhiều triều đại trước sẽ mất nhiều thời gian và làm lỡ cơ hội mời đích thân An Nam quốc vương sang Bắc Kinh dự lễ Bát tuần khánh thọ như nhà Thanh mong đợi. Chính vì thế, việc yêu cầu triều đình Quang Trung cử một người – tuy không phải là đích thân quốc vương nhưng cũng không khác gì – từ “đại thân kim nhân” (người vàng thay mình) đổi thành “tuy đại do thân” (tuy thay mặt nhưng không khác gì chính mình). Đó chính là ý nghĩa của phái đoàn Nguyễn Quang Hiển mà nhà Thanh cũng loan báo rộng rãi là đây không phải một sứ bộ thông thường nên việc tiếp đãi phải có tiêu chuẩn cao hơn khiến cho các tỉnh dọc theo đường đi rất bận rộn.
Bên cạnh những công tác thông tin – chẳng hạn việc cho Nguyễn Quang Hiển gặp gia đình vua Chiêu Thống nay đã cạo đầu thay y phục nhà Thanh, hay việc yêu cầu vua Quang Trung xác định việc lên kinh đô triều cận vào năm sau – nhà Thanh cũng lần đầu thực hiện một nghi lễ giao sắc ấn rất qui mô ở điện Thái Hòa, một bên là sứ thần nước ta nhận sắc ấn, một bên là triều đình Trung Hoa đang lưu thủ ở Bắc Kinh, do A Quế và Kê Hoàng, hai đại thần cao cấp nhất trong Quân Cơ Xứ thay mặt vua Càn Long đứng ra trao lại.20
Không có tài liệu nào khác xác định về thân thế của Nguyễn Quang Hiển nhưng chính ông ta đã khai với Phúc Khang An khi hai bên gặp nhau nhằm xác định sự thành tâm của triều đình Quang Trung trong công tác bang giao được ghi nhận trong Khâm định An Nam kỷ lược [mặc dầu các thần tử nhà Lê đang lưu vong đã lên tiếng tố cáo rằng người này không phải là cháu Nguyễn Huệ mà chỉ là một người ngoài thay thế]. (ảnh 6)
Theo Khâm định An Nam kỷ lược, khi đón tiếp ở Nam Quan, Nguyễn Quang Hiển cho Phúc Khang An biết ông ta là “đích trưởng điệt [cháu lớn nhất thuộc dòng chính], Nguyễn Huệ nuôi dạy như con. Cha tôi là Nguyễn Quang Hoa [阮光華] mất sớm, chú thứ hai là Quang Nhạc [光岳], hiện ở Quảng Nam, chú thứ ba là Quang Bình [光平] tức Nguyễn Huệ, chú thứ tư là Quang Thái [光泰] cũng sống ở Quảng Nam, trên núi Tây Sơn”.21
Như vậy, Nguyễn Quang Hiển là trưởng chi của dòng anh em Nguyễn Nhạc tuy tuổi nhỏ nhưng theo truyền thống Á Đông thì vai vế trong họ cũng lớn, sang Trung Hoa không phải như một nhân vật tầm thường mà là đại diện cho dòng họ Nguyễn để thay mặt cầu phong. Việc gặp gỡ này là một biến cố lớn đánh dấu việc nhà Thanh chấm dứt ủng hộ nhà Lê sang công nhận Tây Sơn.22 Ngoài tên của một người anh cả là Nguyễn Quang Hoa, cha của Nguyễn Quang Hiển (mặc dù tài liệu Việt Nam cũng có nhắc đến Nguyễn Quang Hiển là cháu gọi Nguyễn Huệ bằng chú nhưng không nói cha ông ta là ai, chỉ biết là không phải Nguyễn Nhạc)23 chúng ta cũng biết thêm ngoài cái tên gọi thông thường là Nguyễn Lữ, người em út còn có tên là Nguyễn Quang Thái và Nguyễn Nhạc có thể tên đầy đủ Nguyễn Quang Nhạc hay Nguyễn Quang Phúc nếu chi tiết trong tài liệu nhà Thanh là chính xác. Rất tiếc vì chỉ là việc xảy ra một lần duy nhất nên ngoài những văn bản nêu trên trong Thượng Dụ Đáng, chúng ta chưa được biết tới những chi tiết trong bản tâu và bản trần tình, tố cáo tội của Nguyễn Quang Bình như đã đề cập đến. Chắc chắn trong các văn bản này – nếu kho đáng án Trung Hoa còn giữ được – sẽ cho chúng ta một số chi tiết đích xác hơn.
Sau đó, Phúc Khang An hoả tốc báo lên vua Càn Long về diễn biến đồng thời thỉnh cầu xin cho phái đoàn “thay mặt vua Quang Trung” lên triều cận [gặp mặt nhà vua] để chính thức dâng biểu xin thần phục.
Tên chính thức | Tên khác | Vị thế | Tài liệu |
Nguyễn Quang Hoa (阮光華) | Anh cả | Khâm định An Nam kỷ lược | |
Nguyễn Quang Nhạc (阮光岳) | Nguyễn Phúc (阮福) | Em | Thượng Dụ Đáng |
Nguyễn Quang Bình (阮光平) | Nguyễn Huệ (阮惠) | Em | Nhiều tài liệu Việt và Thanh |
Nguyễn Quang Thái (阮光泰) | Nguyễn Lữ (阮侶) | Em | Khâm định An Nam kỷ lược |
Việc nhiễu loạn thông tin cũng có thể đã biến cái tên Phúc được loan truyền thành tên cha của anh em họ Nguyễn như trong tên Hồ Phi Phúc đã nhắc tới ở trên.
Trở lại với con dấu “Phụng thiên phạt bạo Nguyễn Phúc” được sử dụng vào lúc nào trong quân lệnh của Nguyễn Huệ? Theo chúng tôi, tuy đối đầu, nhà Nguyễn không phải là mục tiêu chính mà anh em Tây Sơn đưa ra như một mục tiêu “phạt bạo” và như đã nhắc đến, ngay lúc đầu lý do dựng cờ khởi nghĩa họ nêu ra là để đánh đuổi quyền thần Trương Phúc Loan và đã có một thời gian khá lâu “phò Nguyễn”. Con dấu “Phụng thiên phạt bạo” cũng có thể được sử dụng trong quân lệnh khi Nguyễn Huệ vào vây thành Qui Nhơn (là kinh đô của Nguyễn Nhạc). Việc này xảy ra từ cuối năm Bính Ngọ (1786) sang đến đầu năm Đinh Mùi (1787). Nguyễn thị Tây Sơn ký chép như sau:
“… Nhạc đã được như chí nguyện, càng ngày càng dâm bạo. Lại dâm với vợ của Huệ, ai nấy đều thấy xấu xa. Trong chiến dịch bắc xâm, châu báu hóa vật của họ Trịnh đều về tay Huệ cả, Nhạc đòi nhưng [Huệ] không cho. Huệ muốn lấy đất Quảng Nam, Nhạc cũng không cho vậy nên hai bên thành thù nghịch, có điều Huệ chưa hành động mà trước sai thuộc hạ đến Quy Nhơn giảng giải, đến Trà Cú (茶勾) (tên biển thuộc Quảng Ngãi) thì Nhạc sai trung hầu Côn (không biết họ) đón bắt giết đi. Huệ mới truyền hịch kể tội ác của Nhạc, đến nỗi gọi là sài lang, cẩu trệ (hịch này cũng viết: Tội không gì lớn bằng giết vua, đâu phải chỉ một buổi mà coi nhẹ. Can gián không được thì đổi chỗ, ấy là mở cho vạn thế vô cùng’. Lại bộ Hồ Đồng làm ra vậy).
Nhạc xem thấy giận lắm, liền sửa soạn quân đi đánh. Huệ tự thị rằng mình thế lớn, dẫn quân đến đánh thẳng vào Quy Nhơn, rồi sai tướng là Nguyễn Văn Huấn (阮文訓) đem thuyền tiến lên chặn cửa biển (thuộc Phú Yên) để cho tuyệt đường cứu viện của Gia Định.
Tháng Giêng mùa xuân năm Đinh Mùi (1787), Huệ tiến vây thành Quy Nhơn. Nhạc bắt nhốt con Huệ là Trát (札) (tức Quang Toản), làm tường kiên cố để giữ. Huệ đắp gò đất, sắp súng lớn, đạn rơi vào thành to như cái đấu. Nhạc cho người nhặt lấy, khóc cáo ở ngụy từ (đền thờ họ Nguyễn). Nhạc gọi Đặng Văn Chân từ Gia Định về cứu, đến Phú Yên bị Huấn đánh bại phải chạy lên núi Linh Phong (灵峯) (thuộc Phù Ly) rồi bị bắt. Nhạc vì thế mới lên mặt thành gọi Huệ mà nói rằng: ‘Nồi da xáo thịt, sao chú nỡ làm như vậy?’. Rồi nhìn em mà khóc hồi lâu, Huệ động lòng nên có ý giảng giải.
Mùa hạ, tháng Sáu, Huệ sai bầy tôi thân tín là Trần Văn Kỷ (陳文紀) vào trong thành giảng hòa. Nhạc thả Trát cho ra ngoài, rồi hai bên bãi binh làm lành với nhau, lấy Bến Ván (板津) làm ranh giới. Từ Tư Nghĩa trở xuống nam thì Nhạc làm chủ, từ Thăng [Bình] Điện [Bàn] lên phía bắc thì Huệ làm chủ. Huệ mới để Đô Ngu hầu (都虞侯) Nguyễn Văn Dụng (阮文用) trấn giữ Quảng Nam còn mình dẫn quân về”.24
Chiến dịch đem quân vây đánh Nguyễn Nhạc không hoàn toàn thắng lợi và cũng là lần duy nhất Nguyễn Huệ muốn vận động dân chúng Đàng Trong nên đã hạch tội anh ông về việc bất trung với nhà Nguyễn.
Trên đây chúng tôi chỉ đưa ra một số chi tiết có thể đóng góp vào việc tìm hiểu thêm về tên của mấy anh em Tây Sơn qua tài liệu nhà Thanh là văn bản đầu tay vào thời đó, do những nhân vật trong gia đình đề cập. Tuy không phải là một kết luận chắc chắn, đây cũng là một số chi tiết có thể soi sáng thêm một thời kỳ mới 200 năm mà vẫn còn nhiều điểm chưa có câu trả lời.
Tháng 9.2020
Nguyễn Duy Chính
Chú thích
1 Ngô Đức Thọ [Viện nghiên cứu Hán Nôm cộng tác với Centre de l’ Ecole Française d’Extrême-Orient au Vietnam]: Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại (Emmanuel Poisson, dịch và chú giải), Les caractères interdits au Vietnam à travers l’ histoire). (Hà Nội: Văn hóa), 1997.
2 Những cước chú có ghi [Chú] là của chính tác giả Ngô Đức Thọ. [Chú] Xem trong: Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu Tử, (Paris: Minh Tân, 1952), 249 (Ảnh C8).
3 [Chú] Trương Quốc Dụng, Thoái thực ký văn, Nguyễn Lợi và Nguyễn Đổng Chi dịch, (Hà Nội: Tân Việt, 1944), 49.
4 Nguyên văn: 奉天伐暴阮福, nghĩa là: “Vâng mệnh trời trừng phạt bạo chúa [họ] Nguyễn Phúc”. [Chú] Theo: Bùi Dương Lịch, Nghệ An ký, Nguyễn Thị Thảo dịch, (Hà Nội: KHXH, 1993), 322.
5 Xem: Trần Viên, Sử húy cứ lệ, Sđd, 33-35.
6,8,9 Ngô Đức Thọ, Sđd, 107-109, 109, 109, 112.
7 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện, quyển XXX, tr. 2 (NDC dịch).
11 Xem thêm Tạ Chí Đại Trường. “Góp thêm về phổ-hệ Tây-Sơn và chân dung anh em họ”, Tập san Sử-Địa, Số 9-10, (Saigon, 1968), 112-133.
12 Theo qui chế nhà Thanh, những văn thư thuộc dạng mật thì phải do chính tay một đại học sĩ trong Quân Cơ Xứ viết và gửi đi bằng một cái tráp có khoá. Cái tráp này cũng chỉ người nhận mới có chìa để mở ra xem, xem xong gửi trả lại triều đình lưu trữ.
13, 16,18,19 Càn Long triều thượng dụ đáng, quyển XV (Đáng án xuất bản xã, 1991), 136, 136, 137, 138.
14 Shiuh-Feng Liu, Catalogue of Shipwreck Records in the Ch’ing Archives (清代檔案中的海難史料目錄) Taipei, Taiwan: Foreign-Related Material. Center for Asia-Pacific Area Studies – Research Center for Humanities & Social Science Academia Sinica, 2004. Theo tổng kết của Liu thì hiện còn ghi lại 12 vụ đắm tàu trong Nội Các đại khố đáng án (tr. 141), 22 vụ trong Quân Cơ Xứ đáng án [Cố cung Đài Bắc] (tr. 141-143), 8 vụ trong Quân Cơ Xứ lục phó tấu triệp ngoại giao loại [Bắc Kinh], 143-144.
15 Shiuh-Feng Liu, Sđd, 144-148.
18 Quảng Nam là tên nhà Thanh gọi khu vực Đàng Trong dưới quyền cai trị của Tây Sơn. Phần đất thuộc chúa Nguyễn khi đó gọi là Đồng Nai (mà người Trung Hoa phiên âm là Nông Nại).
20 Vua Càn Long khi đó đang ở sơn trang Tị Thử tại Nhiệt Hà.
21 Khâm định An Nam kỷ lược, quyển XIX, tr.17.
22 Khi Mạc Đăng Dung hàng phục nhà Minh, đích thân ông cũng phài qua Nam Quan để dâng biểu. Nay Phúc Khang An cũng muốn Nguyễn Quang Hiển thay mặt vua Quang Trung sang đất Thanh đưa biểu cho ông ta gửi đi. Tuy hình thức giống nhau nhưng tư cách hai bên một trời một vực, họ Phúc chỉ muốn áp dụng điển lệ cũ để cho đẹp lòng vua Càn Long và chứng minh được rằng ông ta đã khuất phục được đối phương. So sánh số người và nghi lễ, Nguyễn Quang Hiển được Phúc Khang An đón tiếp một cách bình đẳng, không sợ hãi, khép nép… như tâu lên.
23 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện (sơ tập), quyển XXX (Ngụy Tây), 37.
24 Khuyết danh. Nguyễn thị Tây Sơn ký (Nguyễn Duy Chính dịch), (TPHCM: Tổng hợp TPHCM, 2020), 40-42.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. 故宮博物院 (Cố Cung Bác Vật Viện) (2000). 欽定安南紀略 (Khâm định An Nam kỷ lược) [ảnh ấn bản]. Hải Khẩu: Hải Nam xuất bản xã.
2. Khâm định An Nam kỷ lược (欽定安南紀略) (2016). 31 quyển. (Nguyễn Duy Chính dịch). Hà Nội: Hà Nội.
3. Khuyết danh. Nguyễn thị Tây Sơn ký (Nguyễn Duy Chính dịch) (2000). TPHCM: Tổng hợp TPHCM.
4. 劉序楓 (Lưu Tự Phong) (2004). 清代檔案中的海難史料目錄 (Thanh đại đáng án trung đích hải nạn sử liệu mục lục) “涉外篇 (“Thiệp ngoại thiên”). Đài Bắc: Trung ương Nghiên cứu viện, Nhân văn Xã hội Khoa học Nghiên cứu Trung tâm, Á Thái Khu vực Nghiên cứu Chuyên đề Trung tâm.
5. Ngô Đức Thọ (1997) [Viện nghiên cứu Hán Nôm cộng tác với Centre de l’ Ecole Française d’Extrême-Orient au Vietnam]: Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các triều đại (Emmanuel Poisson, dịch và chú giải, Les caractères interdits au Vietnam à travers l’ histoire). Hà Nội: Văn hóa.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn. 大南正編列傳-初集 (Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập). Quyển XXX (Ngụy Tây).
7. Tạ Chí Đại Trường (1968). “Góp thêm về phổ-hệ Tây-Sơn và chân dung anh em họ”. Tập san Sử-Địa. Số 9-10. Saigon, 112-133.
8. Trần Trọng Kim (1949). Việt Nam sử lược. Hà Nội: Tân Việt.
9. 中國第一歷史檔案館 (Trung Quốc đệ nhất lịch sử đáng án quán). 乾隆朝上諭檔 (Càn Long triều thượng dụ đáng). Quyển XV. Bắc Kinh: Đáng án xuất bản xã, 1991.
Chú thích ảnh:
Ảnh 1: Đại Nam chính biên liệt truyện (sơ tập), quyển XXX, tr. 2
Ảnh 2: Càn Long triều thượng dụ đáng, quyển XV (Đáng án xuất bản xã, 1991), tr. 136.
Ảnh 3: Càn Long triều thượng dụ đáng, quyển XV (Đáng án xuất bản xã, 1991), tr. 137.
Ảnh 4: Càn Long triều thượng dụ đáng, quyển XV (Đáng án xuất bản xã, 1991), tr. 138.
Ảnh 5: “Thế phổ nhà Tây Sơn”. Trích: Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (Hà Nội: Tân Việt, 1949), tr. 403.
Ảnh 6: Khâm định An Nam kỷ lược, quyển XIX, tr. 17.
Leave a Reply
Your email is safe with us.