Plato là người đầu tiên bàn về thể chế cộng hòa qua tác phẩm quan trọng nhất của ông, cuốn “Cộng hòa”. Nó mang lại cho ông vị trí thống trị tư tưởng của triết học phương Tây suốt gần 2 ngàn năm cho đến khi một nước Cộng hòa xuất hiện bên kia địa cầu: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Nhưng rõ ràng nền cộng hòa Mỹ không chuyên chở cái tư tưởng của Plato từ cựu lục địa dù những “người hành hương” đầu tiên đặt chân đến nước Mỹ năm 1620 được coi là những bộ óc sáng láng của châu Âu. Suy cho cùng, mớ lý luận rắc rối và tư biện của Plato với chủ nghĩa duy lý đến cực đoan đã mang lại thảm hoạ về đạo đức trong chính trị.
Có lẽ, điều giá trị nhất trong tư tưởng của Plato là các quốc gia lý tưởng phải được cai trị bằng các triết gia, nhưng thế nào mới đúng nghĩa là một triết gia thì Plato bế tắc, nó bắt đầu suy đồi khi ông bàn về thái độ cống hiến của trí thức, về sự quan trọng của “biện chứng pháp”, cái duy ý chí trong lý luận của Plato đã dẫn đến việc bất chấp đạo đức trong việc cai trị, nghe ông nói về binh lính ( ngày nay có thể gọi là chính sách quốc phòng) hay bàn về nghề y (chính sách y tế) ta phải rùng mình, thậm chí ông còn cho rằng giết trẻ sơ sinh khuyết tật bằng cách vứt ra ngoài trời là điều cần thiết. Tư tưởng của Plato đi ngược lại với niềm tin nguyên thủy của loài người rằng họ được sinh ra bởi một Đấng Tối Cao, không ai là thừa thãi hay vô ích, và không ai giống ai. Trái đất được sinh ra là dành cho loài người, nó có đủ tài nguyên, của cải để nuôi sống họ dù ” sinh sôi nảy nở đầy mặt đất”. Tệ hại hơn, Plato cho rằng con người cũng chỉ là một thứ nguyên liệu để có thể nhào nặn họ theo ý muốn của một nhóm ưu tú, điều mà sau này các chế độ chuyên chế đều áp dụng. Nó biến chính trị “cai trị một cách công chính” thành kỹ thuật cai trị “kỹ trị” với điển hình là Machiavelli, ông tổ của chính trị thực dụng tạo ra những kẻ độc tài khét tiếng như Lenin, Hitler, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh vv…
Vì sao mà nền Cộng hòa tại Hoa Kỳ lại thành công? Có nhiều nguyên nhân, trong đó có ba nguyên nhân cơ bản là: Địa dư, Triết học và Tôn giáo.
Địa dư:
Có lẽ không cần thiết miêu tả cụ thể về địa dư của Bắc Mỹ, chúng ta nên nhìn nó dưới góc độ tâm linh, một miền đất được Chúa chọn để xây dựng nên một dân tộc đa chủng tộc, một thể chế chính trị ưu việt mà con người không tìm thấy ở lục địa già. Đúng như Tocqueville nhận xét:
“Bắc Mỹ hiện ra dưới một dáng vẻ khác: mọi thứ ở đó đều trầm hùng, nghiêm túc, trịnh trọng. Ngỡ như nó đã được tạo ra để trở thành lãnh địa của trí khôn, cũng như Cựu Thế giới là chốn ẩn náu của nhục cảm”.
Hãy nghe những người đầu tiên đặt chân lên miền đất mới này nói gì:
“Chúng tôi, có tên dưới đây, vì vinh quang của Chúa, vì sự phát triển lòng tin Ki Tô giáo và danh dự tổ quốc, đã tiến hành dựng lên khẩn địa đầu tiên trên những bến bờ heo hút này, chúng tôi thoả thuận trong đồng tình trang nghiêm và trước Thiên Chúa những dòng dưới đây, là sẽ lập thành một tổ chức xã hội chính trị, với mục đích tự quản trị và lao động nhằm thực hiện những mục đích của mình. Và theo đúng tinh thần khế ước này, chúng tôi đồng lòng tạo ra các luật lệ, các điều khoản, các quy chế, và khi cần thì thiết lập ra những toà án mà chúng tôi hứa sẽ tuân thủ hoàn toàn.”
Con cháu của những người hành hương này sẽ lập nên Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Triết học:
Và một khung cảnh thiên nhiên mới chưa từng có dấu ấn “văn minh”, con người phải tư duy theo một cách hoàn toàn khác. Châu Âu cho rằng nước Mỹ không có nền triết học, không có các trường phái triết học của mình. Thực ra người Mĩ chẳng đọc tác phẩm triết học cũ mèm ấy bởi vì trạng thái xã hội của mình làm cho họ quay lưng lại với lối nghiên cứu tư biện.
Trong lòng một xã hội dân chủ không ngừng vận động, mỗi con người dễ dàng để mất dấu vết tư tưởng của cha ông hoặc là họ chẳng mấy quan tâm đến những điều đó.
Mặt khác một xã hội dân chủ sẽ không tồn tại các giai cấp hoặc nếu có giai cấp thì nó lại bao gồm các thành phần hết sức uyển chuyển khiến cho cái giai cấp ấy không thực sự tác động nổi vào các yếu tố khác nằm trong tập hợp của toàn thể xã hội. Đây lại là một đặc điểm làm cho các chính phủ dân chủ khác với độc tài chuyên chế. Ở các quốc gia toàn trị hệ thống quyền lực luôn phóng chiếu hình ảnh của mình lên mọi chiều kích của đời sống xã hội.
Mặt khác, về sự tác động của trí tuệ một con người đối với trí tuệ những con người khác bị thu hẹp lại. Một xứ sở mà các công dân do hoàn cảnh xuất phát giống nhau sẽ thấy càng gần gũi nhau và không nhìn nhận thấy ở đồng loại bất kì dấu hiệu nào của sự vĩ đại, một tầm cao trí tuệ không gì bắt bẻ nổi, những con người ấy luôn luôn trở về với lí tính của chính mình, coi đó như là nguồn trí tuệ hiển nhiên nhất và gần gũi nhất với chân lí. Nói cách khác, không phải niềm tin vào một con người bị tiêu tan mà tiêu tan cái thị hiếu coi một con người nào đó chỉ bằng vào lời nói của anh ta. Vì vậy, chế độ dân chủ cộng hòa triệt tiêu được căn bệnh sùng bái cá nhân.
Người Mĩ tìm thấy quy tắc phán xét ngay trong bản thân mình và tạo ra những thói quen khác nữa trong tư tưởng của họ. Thấy mình có thể không cần trợ giúp nào khác mà cũng giải quyết được các khó khăn trong cuộc sống thực tiễn, họ dễ dàng đi tới kết luận rằng con người có thể lí giải được mọi thứ trong cuộc đời này, không có điều gì là cao quá với trí tuệ của con người.
Vì vậy mà họ sẵn sàng khước từ đi vào những thứ gì họ không có khả năng hiểu. Họ thích nhìn cho thật kỹ những đối tượng được họ quan tâm, bóc tách mọi vỏ bọc sự vật, họ vứt bỏ mọi thứ gì ngăn cách họ với sự vật.
Trạng thái tinh thần đó khiến họ coi khinh các hình thức biểu hiện, coi đó như là những tấm mạng che vô ích và cồng kềnh ngăn cách giữa họ và chân lí.
Như vậy là người Mĩ không có nhu cầu tìm trong sách vở cái phương pháp triết học riêng cho mình, họ tìm thấy ngay trong bản thân mình. Họ không thèm để ý đến cái khái niệm mà phần còn lại của thế giới về người Mỹ là “thực dụng”, thành công của nước Mỹ chứng tỏ cái nhận xét miệt thị kia chỉ là ghen tỵ.
Tôn giáo:
“Con người suy nghĩ và Thượng Đế thì cười”
Chúa Trời chẳng hề nghĩ đến loài người một cách tổng quát. Chúa nhìn ngay tới riêng từng con người trong nhân loại, và Chúa thấy rõ trong từng con người những gì là chung và những gì tách họ khỏi nhân loại. Nói một cách khác, bất cứ điều gì có giá trị cao hơn những giá trị thường ngày mà mỗi một cá nhân mơ ước vươn tới đều có điểm chung cho cả nhân loại. Người Mỹ được thấm kỹ điều này một cách tự nhiên qua Tôn giáo của mình. Đức tin Ki Tô giáo được mang theo từ quê hương cũ, trên vùng đất mới với khung cảnh bao la, đối diện với thiên nhiên hùng vĩ, con người cảm thấy thật nhỏ bé, họ ngước lên trời cao và nảy sinh một sự tôn trọng huyền bí với thiên nhiên, tình cảm tôn giáo tự nhiên trở thành gần gũi và nó lại là suối nguồn cho thể chế dân chủ.
Vậy là, trong số vô vàn ý tưởng, thì những ý tưởng tổng quát về Chúa Trời và về bản tính người chính lại là những thứ không cần cho thói quen hành động của lí tính cá nhân và khi con người thừa nhận một quyền uy thì họ lợi nhiều hơn thiệt.
Tocqueville viết: “Khi tôn giáo bị thủ tiêu ở một quốc gia, sự hoài nghi chiếm lĩnh những bộ phận trí tuệ cao nhất và làm tê liệt một nửa trí tuệ của phần còn lại. Khi không còn quyền uy tôn giáo nào nữa, không như khi không còn quyền uy chính trị, con người liền thấy sợ hãi sự độc lập vô giới hạn này. Sự xáo động liên miên mọi chuyện khiến con người lo âu và mệt mỏi. Do chỗ trong thế giới tinh thần mọi thứ đều không yên chỗ, nên họ muốn ít nhất trong đời sống vật chất mọi thứ cần phải được vững chắc và bình ổn, và một khi không còn trở lại được nữa với các tín ngưỡng xưa, họ liền đi tìm cho mình một ông chủ.”
Ở Mĩ, tôn giáo là một thế giới riêng biệt nơi người tu hành trị vì, nhưng họ lại thận trọng không vượt ra ngoài khuôn khổ đó. Trong thế giới tinh thần vị tu sĩ dẫn dắt trí tuệ con người. Bên ngoài giới hạn đó, vị tu sĩ phó mặc con người cho chính họ, mặc cho họ sống trong độc lập và bất ổn định, những điều như là bản tính con người họ và là đặc tính thời đại họ. Ở Hoa Kỳ đạo Tin Lành được bao che bằng ít hình thức, ít thực hành và ít hình ảnh, không ở nơi nào khác tôn giáo ở đây có tư tưởng rõ ràng hơn, giản dị hơn và tổng quát hơn đối với trí tuệ con người. Mặc dù Tin Lành ở nước Mĩ được chia thành vô số giáo phái, song tất cả đều nhìn tôn giáo của họ theo cùng một quan điểm. Điều này cũng áp dụng cho Công giáo cũng như cho mọi tín ngưỡng khác. Nhà thờ không ngăn cấm thờ phụng các vị Thánh theo những nghi lễ chỉ dành riêng cho Chúa Trời. Thế nhưng người Công giáo Mĩ vẫn rất ngoan đạo và rất chân thành.
Các chức sắc Tôn giáo Mĩ không khi nào tìm cách lôi kéo con người vào cuộc sống sau khi chết. Họ tình nguyện khước từ một phần con tim mình để chăm chút cho hiện sinh. Dường như họ coi những điều tốt lành của nơi trần thế như là những đối tượng quan trọng mặc dù nó là thứ yếu, một mặt vẫn không ngừng chỉ ra cho giáo dân thấy cuộc sống trên Thiên đường như là mục tiêu to lớn để họ biết e sợ và biết hi vọng, các tu sĩ Mĩ vẫn không ngăn cấm con chiên đi tìm trong lương thiện cuộc sống hạnh phúc nơi thế gian này. Các tu sĩ Mĩ quan tâm gắn bó nhiều hơn đến việc tìm xem đâu là chỗ hai mục tiêu đó gặp nhau và gắn bó với nhau.
Tất cả các tu sĩ Mĩ đều biết đến quyền lực tinh thần của phe đa số và tôn trọng quyền lực đó. Họ bao giờ cũng chỉ ủng hộ những cuộc đấu tranh cần thiết chống lại uy quyền đó. Họ không dính líu vào những cuộc đôi co giữa các phe phái, nhưng họ tự nguyện tiếp nhận những quan niệm chung của đất nước mình và thời đại mình, và họ thả mình theo dòng chảy tình cảm và tư tưởng đang cuốn theo mọi vật xung quanh họ. Họ gắng công uốn nắn cho người đương thời, nhưng không tách rời khỏi những con người đó. Công luận không khi nào là kẻ thù của họ; công luận thậm chí còn ủng hộ và bênh vực họ, và các niềm tin tôn giáo được ngự trị đồng thời do sức mạnh riêng của họ và cũng do phe đa số được họ nhờ cậy.
Vì vậy, nhờ biết tôn trọng mọi bản năng dân chủ không trái ngược với tín ngưỡng và nhờ cậy vào nhiều bản năng đó, tôn giáo đạt tới chỗ trở thành một yếu tố quan trọng cấu thành nên nền Cộng hòa Dân chủ. Lúc này, nước Mỹ đang trải qua một sự khủng hoảng sâu sắc, cả trong tư tưởng và Đức Tin nhưng tinh thần cộng hòa của người Mỹ đã trở thành một tập tục qua lịch sử, chính cái bản năng đó sẽ đưa nước Mỹ vượt qua và vĩ đại trở lại.
Tháng 12/2020
Ngô Nhật Đăng
Leave a Reply
Your email is safe with us.