
Nhân ngày đầu năm mới, chúng tôi xin có một vật rất quý báu muốn dâng tặng cho đồng bào, nhất là những ai ham mến Tự Do, món quà chính là ba chữ “Chi Bằng Học” của cụ Phan Châu Trinh. Cụ Phan Châu Trinh đã viết ra ba chữ này, như lời khắc trên bia đá, đã trải hơn trăm năm vẫn còn ý nghĩa sâu đậm cho đến tận ngày nay. Cụ Phan nhắn nhủ một điều rất đơn giản rằng: người mình muốn bắt kịp cái đà văn minh tân tiến của nhân loại, người mình muốn được tự do và ham mến tự do thì không có chi bằng là phải học.
Từ ngày đó đến nay, dân tộc Việt Nam trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, nhưng chuyện học cái gì để làm người tự do vẫn còn là vấn đề nan giải cho người mình. Một phần là do có nhiều cản trở trên nhiều phương diện, một phần là cũng bởi người mình tuy yêu mến tự do nhưng lại thiếu cái tinh thần chia sẻ cho nhau những điều trân quý ấy. Dân gian còn truyền với nhau câu tục ngữ “Thà cho bạc cho vàng, chứ không trỏ đàng đi buôn”, ấy là thể hiện cái sự tiểu nông của cái chậu cua không cần đậy nắp. Lẽ nào cứ để yên như vậy mãi sao? Dân ta nào đâu thiếu những túi khôn sánh ngang các giống dân trên hoàn vũ, nào đâu thiếu những người học rộng hiểu nhiều, nào đâu thiếu kẻ có lòng kinh bang tế thế. Cho nên bất cứ người nào có lòng nhìn tới tiền đồ của dân tộc, thì ai nấy đều có nhiệm vụ tìm tòi để cùng vực dậy sự học.
“Chi Bằng Học” – nhưng mà học cái gì đây? Đồng điệu với tâm tư đó, chúng tôi – những người Việt trẻ yêu mến tự do – muốn góp chút sức mọn của mình vào sự học đó bằng nguyệt san Tự Do Tân Văn này. So với công nghiệp lớn lao của các bậc tiền bối, lũ trẻ chúng tôi giống như đánh trống trước cửa nhà thần sấm, nên chỉ dám lấy tấm lòng son mà làm liều để nối gót theo tiền nhân, như một nỗ lực tiếp nối giấc mơ tự do đã trải dài qua bao thế hệ.
Chủ trương của Tự Do Tân Văn là lấy Tự Do làm lý tưởng, giới thiệu lý tưởng đó đến với người Việt nói chung, phần khác là đưa ra những trải nghiệm, góc nhìn, phương cách thực hành tự do trong cuộc sống đời thường. Mặt khác, tự do sẽ chỉ là ảo tưởng nếu thiếu đi tri thức dẫn đường. Tờ nguyệt san này cũng mong muốn là kênh truyền đạt lại những tri thức từ kinh điển cho tới tân thời đến với quý độc giả. Bước đầu, Tự Do Tân Văn sẽ có các chuyên mục chính: Khoa học – Kỹ thuật, Văn hóa – Nghệ thuật, Tư liệu – Lịch sử, Triết học, Xã hội, Tâm linh – Tôn giáo… Các bài viết, các bản dịch với các chủ đề trên, mong sẽ đóng góp ít nhiều vào vườn hoa tri thức của dân tộc, để từ đó chúng ta sẽ sẵn sàng hái quả ngọt của Tự Do hơn.
Triết gia John S. Mill trong tác phẩm Tự Do Luận của mình đã viết: “Hy vọng là đã qua rồi cái thời còn cần phải bảo vệ quyền ‘tự do báo chí’ như một trong những bảo đảm an toàn để chống lại nền cai trị tham nhũng và chuyên chế.”
Người Việt có hiểu biết khi nghe lại những lời nói cách đây 150 năm chắc sẽ không tránh khỏi chút chạnh lòng. Dân tộc người ta đã có những suy nghĩ tân thời từ sớm như thế, nhưng ở xứ mình Tự Do vẫn là thứ gì đó xa xôi lắm. Chúng tôi hy vọng Tự Do Tân Văn sẽ có thể góp phần sức mọn kéo người Việt sát lại gần với các dân tộc yêu chuộng Tự Do trên toàn cầu hơn. Để trong một tương lai không xa, người Việt với máu tự do muôn đời trong huyết quản, từ tư tưởng đến đời thường, có thể như đại bàng dang cánh vẫy vùng trên bầu trời xuân mơ ước.
Chúc Quý độc giả có một năm mới thành công và nhiều phúc lộc
Ngày 1 tháng Một năm 2021
Tòa soạn Tự Do Tân Văn
Leave a Reply
Your email is safe with us.